TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-01-2016

    Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: 'Doanh nghiệp dính tin đồn phải lên tiếng'

    Ông Vũ Bằng cho rằng nhà đầu tư đang phản ứng thái quá với những biến động của thị trường.

    Thị trường chứng khoán Việt Nam đang lao dốc mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 22/1, VN-Index giảm xuống 522 điểm, mất 57 điểm so với đầu năm 2016. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Lượng vốn hóa trên thị trường "bốc hơi" mạnh. Riêng sàn Hose đã mất hơn 110.000 tỷ đồng. Nhiều phiên chứng khoán Việt Nam rơi điểm theo chiều thẳng đứng, một số mã bị bán tháo mạnh do những tin đồn thất thiệt trên thị trường.

    Xung quanh vấn đề minh bạch thị trường, VnExpress đã trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhằm cung cấp thông tin chính thức cho nhà đầu tư.

    -Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá vẫn hấp dẫn. Vậy tại sao thị trường lại sụt giảm mạnh như vậy trong những ngày đầu năm 2016?-Diễn biến của thị trường chứng khoán và kinh tế Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của thị trường toàn cầu. Thị trường chứng khoán của Mỹ, Pháp, Nhật và các nước trong khu vực đều chịu ảnh hưởng lớn và Việt Nam cũng không nằm ngoài diễn biến này. Tuy nhiên, bên cạnh tác động đó, tâm lý nhà đầu tư bất ổn dẫn đến phản ứng hơi thái quá.

    chu tich ubck vu bang cho rang anh huong tam ly cua nha dau tu den thi truong la hoi cao.

    Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho rằng ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư đến thị trường là hơi cao.

    Ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư tới thị trường là hơi cao trong một số phiên giao dịch dẫn đến sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, một số phân tích, bình luận của công ty chứng khoán chưa chuẩn, chưa thực sự khách quan. Chúng tôi đã giám sát và yêu cầu các công ty chấn chỉnh ngay.

    Trước đó, vào tháng 8/2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, nhân dân tệ mất giá hay giá dầu đi xuống đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư  khiến thị trường không ngừng rơi và sụt giảm mất khoảng 15%. Sau đó, khi tâm lý của nhà đầu tư ổn định lại, mức ảnh hưởng thực tế chỉ khoảng 2%. Ủy ban Chứng khoán đánh giá, mối liên thông của thị trường chứng khoán Việt Nam với chứng khoán Trung Quốc là rất hạn chế.

    -Thế nhưng tin đồn vẫn nhấn chìm thị trường, tính đến 22/1 VN-Index đã mất 57 điểm so với đầu năm 2016. Một số mã cổ phiếu bị bán tháo, thị giá sụt giảm, nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng, trong khi phía doanh nghiệp vẫn giữ im lặng khiến tâm lí nhà đầu tư hoảng loạn hơn. Ông nhận định như thế nào?

    -Các thông tin, tin đồn dẫn đến việc bán tháo trong thời gian qua hoàn toàn không đúng sự thật. Năm 2016, UBCK đã tăng cường công tác giám sát hoạt động mua bán trên thị trường để xử lý kịp thời những hành động lợi dụng thông tin để thao túng giá.

    Về phản ứng của doanh nghiệp khi có tin đồn, thường chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố thông tin để trấn an và tránh làm thiệt hại đến túi tiền  của nhà đầu tư.

    Về phía nhà đầu tư cũng cần vững tâm lý, phối hợp với các công ty chứng khoán, công ty niêm yết trong việc bình ổn thị trường. Đặc biệt, nhà đầu tư phải nghe những thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý thay vì cứ mua bán theo tin đồn.

    -Vậy trong lúc này, niềm tin của nhà đầu tư nên đặt vào đâu?

    -Tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại của nước ta vẫn đang ổn định, đây không chỉ là đánh giá của UBCK mà còn từ các tổ chức tài chính lớn trên thế giới. GDP được dự báo tăng trưởng cao, các chỉ số về lạm phát, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… đã được cải thiện. Hiệp định thương mại tự do mở ra triển vọng xuất khẩu và dịch chuyển dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

    Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam đi từ thấp lên cao chứ không phải đi ra từ một thị trường bong bóng nên còn nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, với các yếu tố nội tại như vậy, tác động của các diễn biến trên thị trường quốc tế đối với Việt Nam theo đánh giá thấp hơn các nước khác.

    -Các công ty Mỹ và hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đang ồ ạt rút vốn ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam liệu có khả năng hấp thụ được những dòng vốn này không, thưa ông?

    Trong bối cảnh dòng vốn lớn đang dịch chuyển từ Trung Quốc và một số thị trường khác, chúng ta cần phải có chủ trương thu hút. Trên thực tế UBCK đang cố gắng tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai Nghị định 60 và triệt để việc nới room ngoại trong năm 2016. Tiếp tục tái cấu trúc thị trường, cho phép các công ty chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam, hỗ trợ tối đa các tổ chức nước ngoài niêm yết…

    Trên cơ sở sự ổn định của kinh tế và những dư địa phát triển của thị trường chứng khoán, nhiều khả năng Việt Nam sẽ thu hút được một dòng vốn mới.


    SCIC lãi hơn 8.400 tỷ đồng

    Hiện SCIC vẫn đang quản lý vốn tại 197 doanh nghiệp với giá trị thị trường gần 96.000 tỷ đồng.

    Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2015. Theo đó, các chỉ tiêu kinh doanh của công ty đều tăng trên 45% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.414 tỷ đồng, tăng 46%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 25,6%.

    Năm 2015, SCIC đã bán vốn thành công tại 120 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 116 doanh nghiệp), thu về 4.491 tỷ đồng trên giá vốn 1.682 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,7 lần. So với năm 2014, kết quả bán vốn năm 2015 gấp 2,32 lần về giá trị, gấp 1,6 lần về số lượng doanh nghiệp.

    Tính đến 31/12/2015, danh mục quản lý của SCIC còn 197 doanh nghiệp với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.020 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ, với giá trị thị trường đạt khoảng 95.697 tỷ đồng.  Trước đó, đầu tháng 10/2015, Chính Phủ đã cho phép SCIC thoái hết vốn tại Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh... Đây đều là những doanh nghiệp đóng góp lớn trong cơ cấu doanh thu của Công ty.

    Công tác đầu tư của SCIC có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng mức đầu tư giải ngân trong năm 2015 trên 8.000 tỷ đồng. Một số dự án quy mô lớn đã triển khai như: Dự án khu đất 29 Liễu Giai, Tháp truyền hình hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam, nghiên cứu cơ hội đầu tư dự án hợp tác với bệnh viện Nhi Trung Ương, dự án nhà máy sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp…

    Năm 2016, định hướng hoạt động của SCIC là tiếp tục nhận bàn giao vốn tại các tập đoàn, tổng công ty sau khi hoàn thành cổ phần hoá. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn theo lộ trình và chỉ đạo của Chính phủ.

    Về công tác đầu tư, SCIC sẽ tham gia mua cổ phần lần đầu của các tập đoàn, tổng công ty khi cổ phần hóa và các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty theo Nghị quyết 15 và Quyết định 51.


    Giới chức Nga đã sẵn sàng cứu thị trường

    Nhờ giá dầu đi lên, rouble Nga hôm nay bật tăng trở lại, thoát mức thấp kỷ lục so với USD. 

    Hiện 80,3 rouble Nga đổi được một USD, tăng so với 82,63 rouble hôm qua. Tuần này, có lúc đồng rouble xuống thấp kỷ lục tại 85 rouble đổi một USD và 93 rouble một euro.  

    Kinh tế Nga đang chịu nhiều thách thức do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây quanh vấn đề Ukraine. Vì thế, quan chức nước này ngày càng chịu áp lực phải hành động.

    Để bình ổn thị trường, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga - Elvira Nabiullina cho biết trong một phiên họp hôm nay rằng giới chức vẫn đang "theo sát" tình hình và đã có công cụ để xoa dịu bất ổn.

    "Chúng tôi có tất cả công cụ để phòng trước và ngăn chặn các mối đe dọa lên sự ổn định tài chính", RIA Novosti trích lời bà Nabiullina cho biết.

    Sự mất giá của đồng rouble tuần này đã khiến giới chức "căng thẳng", tờKommersant cho biết. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải triệu tập lãnh đạo các nhà băng để họp khẩn vào tối muộn. Bà Nabiullina vì thế cũng phải hủy chuyến đi đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm nay.

    Chính phủ Nga hôm nay cũng tuyên bố đang chuẩn bị một kế hoạch chống khủng hoảng. Nước này thừa nhận giá dầu giảm đã khiến họ phải giảm chi tiêu công nhằm giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP. TheoRBK, kế hoạch này bao gồm các biện pháp hỗ trợ những thành phần kinh tế dễ chịu tác động nhất và có thể tiêu tốn 420 tỷ rouble (5,1 tỷ USD).


    Cần chú trọng phát triển thị trường tài chính

    ong pham xuan duong

    ông Phạm Xuân Đương


    Sáng 23/1, tại phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XII, ông Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã có bài tham luận “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2016-2020”.

    Theo Ông Phạm Xuân Đương, qua 30 năm đổi mới, những thành tựu đạt được của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại: Nền công nghiệp nước ta phát triển còn rất khiêm tốn. Cơ cấu ngành nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng cho yêu cầu của công nghiệp hóa, năng lực dự báo, tiếp cận thị trường, sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tính tuân thủ hợp tác còn hạn chế. Chưa chú trọng tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, như công nghiệp chế tạo và công nghiệp vật liệu.

    Bên cạnh đó, thị trường sản xuất công nghiệp còn hạn hẹp chưa gắn với thị trường khoa học công nghệ; thị trường sản xuất vật liệu chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu vẫn là nhập khẩu, phụ thuộc phần lớn vào các thị trường bên ngoài. Do vậy, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực và sản phẩm cạnh tranh quốc gia, chưa tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất của khu vực và quốc tế; giá trị gia tăng hầu hết trong các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đều chiếm tỷ trọng rất thấp; nguồn lực chưa được tập trung, thiếu những động lực cho công nghiệp quốc gia phát triển.

    Ông Đương đã nhấn mạnh 5 giải pháp mà Ban Kinh tế Trung ương đề xuất nhằm phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2035.

    Một là, cần phát huy, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về tài nguyên, lợi thế so sánh và con người để nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh tích lũy nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc gia. Nâng cao năng lực tiếp cận, phát triển các yếu tố nguồn lực và thị trường, trong đó tập trung vào phát triển tiếp cận vốn và thị trường tài chính; lao động và thị trường lao động; khoa học công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng; tăng cường liên kết, hợp tác và kết nối thị trường giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế, không gian kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Phân bổ nguồn lực hợp lý giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa gắn liền với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Hình thành một số tập đoàn công nghiệp mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp.

    Hai là, tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động quốc gia và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo. Tăng cường kết nối khu vực và coi trọng các giải pháp phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.

    Ba là, tiến hành phân loại các nhóm chính sách công nghiệp quốc gia để hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ, nhất là nhóm chính sách cho các ngành công nghiệp nền tảng, nhóm chính sách cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp vật liệu, vật liệu mới, công nghiệp số và công nghiệp phần mềm.

    Bốn là, đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với sản xuất kinh doanh, với nhu cầu của thị trường. Chú trọng đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

    Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương thức giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo kỹ năng, văn hóa và tác phong công nghiệp.


    Vướng mắc về Nghị định 60 sẽ được tháo gỡ triệt để trong năm 2016

    UBCKNN đã hoàn tất một Nghị định để khắc phục những vướng mắc của việc thực hiện Nghị định 60.

    Tại Hội nghị “Triển khai phát triển thị trường chứng khoán năm 2016”,Chủ tịch UBCKNN - Vũ Bằng đã trình bày báo cáo tình hình thị trường chứng khoán năm 2015 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2016.

    Bước sang năm 2015, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ khởi sắc hơn so với năm 2015. Bên cạnh những điểm thuận lợi như nền kinh tế các nước phát triển đang trên đà phục hồi; kinh tế vĩ mô trong nước được dự bán tiếp tục ổn định và phục hồi, các hiệp định thương mại tư do được ký kết mang nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu... thì vẫn có những khó khăn, thách thức về giá dầu, tỷ giá, nhập siêu hay liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước còn hạn chế.

    Trong hội nghị, ông Bằng có đề cập đến vấn đề liên quan đến Nghị định 60. Theo đó, Nghị định 60 được ban hành tạo động lực cho thị trường, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc liên quan đến danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thứ hai là vướng mắc về xác định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cách ứng xử với những doanh nghiệp này sau khi nới tỷ lệ sở hữu. Về việc này, UBCK đã tích cực phối hợp với Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để tháo gỡ.

    UBCKNN đang nghiên cứu hướng giải quyết để xử lý triệt để vấn đề này ngay trong năm 2016 nhằm thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.

    Hiện nay, UBCK đã hoàn tất một Nghị định để khắc phục những vướng mắc của việc thực hiện Nghị định 60.Bản dự thảo của Nghị định này đã được hoàn tất lần thứ 3 trong nội bộ Ủy ban và dự kiến sẽ trình Bộ Tài Chính trong thời gian sớm nhất để công bố nhằm tháo gỡ vướng mắc giữa Nghị định 60 và Luật Đầu tư.

    Bên cạnh đó, về các giải pháp tăng cường cơ sở nhà đầu tư và tiếp tục khơi thông dòng vốn nước ngoài, UBCKNN tiếp tục triển khai cấp mã số trực tuyến cho NĐTNN giảm thiểu thủ tục hành chính cấp mã số giao dịch, phối hợp với NHNN giảm thiểu thủ tục hành chính trong mở tài khoản thanh toán của NĐT nước ngoài để tạo điều kiện cho NĐT nước ngoài tham gia vào TTCK. Trong đó, việc cấp mã số giao dịch đã được triển khai, tuy nhiên vướng mắc nằm ở việc mở tài khoản cho NĐT nước ngoài.UBCK đã chủ động gửi văn bản tới NHNN về vấn đề này để tháo gỡ vấn đề này.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn