TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-12-2015

    Người trẻ thất nghiệp ngày càng nhiều

    Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi đang tăng nhanh, gấp 2,5 lần số liệu chung của cả nước.

    Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tổng kết tình hình lao động năm 2015. Theo đó, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đạt 53,5 triệu người. Số lao động trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm chỉ còn 22,6 triệu lao động.

    ty le that nghiep cua thanh nien trong nam 2015. nguon: gso

    Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2015. Nguồn: GSO

    Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động nói chung ước tính ở mức 2,31%, tăng 0,21% so với năm 2014. Trong đó, thất nghiệp của người từ 25 tuổi trở lên tăng ở mức 1,27%.

    Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 15-24 tăng rất nhanh lên 6,85%, cao hơn 0,55% so với năm 2014. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị ở mức cao - 11,2%, nông thôn là 5,2%. Như vậy, tỷ lệ thất ngiệp của thanh niên cao gấp gần 2,5 lần mức chung của cả nước.

    Trước đó, trong quý III, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng vọt lên 7,3%, cao hơn 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

    Nói về lý do tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội cho biết: “Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây là thời điểm sinh viên ra trường. Con số trên cho thấy mặt tốt của đào tạo tuyển sinh nhưng lại là sức ép của thị trường lao động khi lực lượng trên ra trường không thích nghi được để tìm việc làm".


    Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với phôi và thép dài nhập khẩu

    4 doanh nghiep thep yeu cau bo cong thuong ap dung bien phap tu ve doi voi san pham phoi thep va thep dai nhap khau vao viet nam. (anh: kt)

    4 doanh nghiệp thép yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. (Ảnh: KT)


    Đã có 4 doanh nghiệp thép Việt Nam yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

    Cục Quản lý cạnh tranh (VCA – Bộ Công Thương) cho biết, ngày 15/12 vừa qua, 4 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất thép Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

    Nhóm 4 doanh nghiệp đại diện cho Bên yêu cầu bao gồm Công ty cổ phần thép Hòa Phát, công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, công ty CP Gang thép Thái Nguyên, công ty CP Thép Việt Ý yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu thuộc các mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.

    Sau khi xem xét hồ sơ, Bộ Công Thương đã xác nhận đơn yêu cầu của Bên yêu cầu là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật. Ngày 25/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

    Theo quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh Tự vệ, thời hạn điều tra không quá 6 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.

    Còn theo quy định tại điều 20 của Pháp lệnh Tự vệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra, nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.

    Cục Quản lý cạnh tranh - Cơ quan phụ trách điều tra vụ việc cho biết, theo quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh Tự vệ, các Bên muốn đăng ký làm Bên liên quan của vụ việc có thể gửi đăng ký tới Cục Quản lý cạnh tranh. Bản câu hỏi điều tra sẽ được gửi đến các Bên liên quan sau ngày ra quyết định điều tra.

    Tất cả các Bên liên quan có thể nêu quan điểm của mình về vụ việc này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định điều tra vụ việc. Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm xem xét tất cả các thông tin, chứng cứ, quan điểm của các Bên liên quan trước khi đưa ra kết luận về vụ việc.


    Tôm Việt Nam bị chê màu kém đẹp

    Bị kiểm tra khắt khe dư lượng kháng sinh, giá sản phẩm cao hơn đối thủ 1-3 USD, thậm chí màu tôm còn bị chê kém đẹp hơn sản phẩm của Ấn Độ, Indonesia... khiến doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt có một năm hoạt động giật lùi.

    Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2015, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc Vasep cho biết, chưa năm nào nhóm tôm lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. 

    Từ đầu năm cho đến tháng 11, giá tôm liên tục giảm, các nước xuất khẩu tôm phá giá đồng tiền mạnh. Mặt khác, tại thị trường Mỹ, hàng Việt bị kiểm tra gắt gao về kháng sinh và đưa ra chuẩn kháng sinh quá thấp khiến cho nhiều lô hàng tôm của Việt Nam bị trả về dẫn tới lượng tồn kho trong nước tăng cao.“Vì quá khắt khe nên ngay cả những con tôm nhỏ của Việt Nam không cho ăn gì hay nuôi quảng canh trong rừng (hình thức nuôi dựa vào thức ăn tự nhiên trong ao) được Nhật đánh giá cao về chất lượng, nhưng, khi các tổ chức của Mỹ kiểm tra thì vẫn nhiễm khánh sinh. Thực tế, chúng chỉ ở mức sai số thiết bị đo. Bởi lẽ, các nhà nhập khẩu Mỹ không muốn nhận thêm hàng vì giá tôm liên tục giảm”, ông Quang nói.

    xuat khau tom 2015 giam 25% so voi 2014. anh: mh.

    Xuất khẩu tôm 2015 giảm 25% so với 2014. Ảnh: MH.

    Ông cho biết thêm, dựa vào quy định đó mà nhiều nhà nhập khẩu Mỹ nhập tôm từ năm 2014 chưa bán hết trả hàng về khiến các doanh nghiệp tôm trong nước lao đao. “Ngay chính Minh Phú cũng đang phải gồng mình. Đến tháng 6/2015, chúng tôi tồn kho tới 200.000 tấn”, ông Quang bộc bạch và cho biết thêm, bên cạnh những quy định khắt khe, một thách thức nữa mà ngành tôm đang gặp phải là màu tôm của Việt Nam nhạt hơn so với các quốc gia khác như Indonesia, Thái Lan nên rất khó bán. Hiện, vẫn chưa có giải pháp tăng màu cho tôm.

    Đồng tình với quan điểm của ông Quang, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep cũng cho hay, sở dĩ tôm Việt Nam đang bị đánh giá kém về chất lượng là do quỹ đất Việt Nam hạn hẹp. Người dân chỉ có một ao nên nuôi đợt một rồi đến đợt 2,3... dẫn tới hạn chế chất lượng tôm. Không những vậy, đồng tiền các nước đối thủ phá giá cũng khiến cho doanh nghiệp gặp khó, người nuôi cũng lao đao theo nên nhiều hộ bỏ nuôi tôm.

    Còn về giá sản phẩm, tôm Việt vẫn cao hơn so với các nước đối thủ. Chi phí sản xuất tăng do đầu vào phụ thuộc các nguồn cung cấp nước ngoài (con giống, thức ăn, thuốc thú y). Giá thành sản xuất một con tôm giống Việt Nam cao gấp 2 lần so với Ấn Độ. Trong khi đó, nhiều yếu tố môi trường và dịch bệnh, tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam thấp, khoảng 33-35%, còn Indonesia, Ấn Độ tới 70%. Do vậy, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn đối thủ 1-3 USD một kg.

    Thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho thấy, cả năm xuất khẩu tôm ước đạt gần 3 tỷ USD, giảm 25% so với 2014. Tôm Việt chỉ xuất được qua 92 thị trường, giảm so với 150 thị trường của năm 2014. Đáng chú ý, các thị trường chính như Mỹ, Nhật giảm 20-35%. Riêng Thụy Sĩ giảm đến 46,4%...

    Để tôm Việt có hướng đi mới, theo các doanh nghiệp và Vasep, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn cho tôm. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay vì phần lớn bán tôm nguyên liệu… Ngược lại, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngoài sự hỗ trợ của Bộ, các doanh nghiệp cũng cần luôn trong tư thế sẵn sàng khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, đồng thời, tìm mọi giải pháp để giảm giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp – nông dân – cơ quan quản lý phải gắn kết lại với nhau mới tạo ra được sản phẩm cạnh tranh và bền vững.

    Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016 của lĩnh vực tôm, Vasep dự báo, xuất khẩu tôm tiếp tục bị ảnh hưởng của làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn sẽ có được tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) với việc xuất khẩu sang các thị trường chính như Hàn Quốc, Asean, Nhật Bản, EU. Dự báo tôm xuất khẩu 2016 sẽ phục hồi đạt 3,3 tỷ USD, tăng 12% so với 2015.


    Ngân hàng tăng vay mượn trên thị trường liên ngân hàng

    Ngày 25.12, Ngân hàng Nhà nước cho biết doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh.
    Theo đó, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ (tuần từ ngày 14 - 18.12) bằng VND đạt xấp xỉ 162.278 tỉ đồng, bình quân 32.456 tỉ đồng/ngày, tăng hơn 33.200 tỉ đồng so với tuần liền trước đó; trong khi đó giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 44.817 tỉ đồng, bình quân gần 9.000 tỉ đồng/ngày, giảm 198 tỉ đồng so với tuần trước đó.
    Tính theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm và 1 tuần (chiếm 35% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 53% và 23% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
    Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng không thay đổi ở kỳ hạn 1 tuần, nhưng có biến động trái chiều ở các kỳ hạn chủ chốt còn lại từ 1 tháng trở xuống. Cụ thể, lãi suất bình quân qua đêm giảm 0,02% xuống còn 4,67%/năm, thì lãi suất bình quân kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng tiếp tục tăng lần lượt lên 4,92% và 4,98%/năm.
    Lãi suất USD cũng tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt, cụ thể lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 1 tháng tăng lần lượt là 0,06%, 0,09% và 0,1%/năm.
    Theo các công ty chứng khoán, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng khi nhu cầu thanh toán gia tăng vào cuối năm. Tuy nhiên, hiện tượng này chủ yếu do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ cuối năm và thanh khoản hệ thống sẽ sớm ổn định lại.

    Tăng trưởng GDP 2015: “lộc lộc phát”

    Tăng trưởng GDP đạt con số đẹp bất ngờ 6,68% nhưng thanh niên VN thất nghiệp nhiều hơn, VN nhập siêu với các thị trường mà trước đây vẫn xuất siêu, trong khi dân số tăng gần 1 triệu người năm qua...

    san xuat linh kien oto xe may tai cong ty tnhh keihin viet nam - anh: ttxvn

    Sản xuất linh kiện ôtô xe máy tại công ty TNHH Keihin Việt Nam - Ảnh: TTXVN

    Đó là những nội dung chính tại buổi họp báo ngày 26-12 của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội VN năm 2015.

    Theo ông Nguyễn Bích Lâm - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP của VN năm nay đạt con số khá đẹp: 6,68%. Theo ông Lâm, mức tăng này cao hơn hẳn mức tăng của các năm 2011-2014 trong khi lạm phát thấp nhất hơn 10 năm.

    Với dân số ước tính năm qua tăng 974.000 người, ông Lâm cho biết GDP bình quân đầu người của VN năm 2015 đã chính thức đạt 2.109 USD/người/năm (tương đương 45,7 triệu đồng/người/năm), tăng 57 USD/người so với năm 2014.

    Theo ông Nguyễn Bích Lâm, bức tranh kinh tế năm 2015 đã theo xu hướng sáng hơn, tình hình doanh nghiệp cũng cải thiện. Năm 2015, VN có tổng số gần 95.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 600.000 tỉ đồng.

    Dù vẫn có khoảng 80.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động nhưng Tổng cục Thống kê cho biết đã có trên 21.000 doanh nghiệp từng phải dừng hoạt động do khó khăn nay đã quay lại sản xuất kinh doanh.

    Ông Lâm công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cho thấy có trên 42% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 4-2015 đã khả quan hơn quý trước, 20% vẫn gặp khó khăn...

    Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo chí về tốc độ tăng trưởng GDP 2015 quá đẹp, theo dân gian là đúng số “lộc lộc phát” (6,68%), liệu Tổng cục Thống kê có làm tròn không? Ông Hà Quang Tuyến, vụ trưởng Vụ Thống kê hệ thống tài khoản quốc gia, nói: “Đúng đây là con số đẹp nhưng ngẫu nhiên. Tính toán của chúng tôi đúng phương pháp để ra con số như thế. Không có điều chỉnh, làm tròn”.

    Không hiểu vì sao các chỉ số khác của nền kinh tế xấu đi như nợ công cao, không có tiền chi tăng lương, Bộ LĐ-TB&XH nói thất nghiệp rất lớn... nhưng tăng trưởng lại đẹp thế? Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng GDP là chỉ tiêu toàn diện, bên cạnh đó còn nhiều chỉ tiêu khác.

    “Và cũng phải nói dù tăng cao nhưng VN vẫn là nước nghèo, nhu cầu chi tiêu lớn. Tăng trưởng GDP không có nghĩa các lĩnh vực khác sẽ đẹp. Như ta phải huy động nhiều vốn để phát triển thì dứt khoát phải có nợ công, nhưng nợ công của VN vẫn dưới trần cho phép” - ông Lâm nói.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn