Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-03-2016
Xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu năm đạt gần 1 tỉ USD
Cụ thể, xuất khẩu tôm tăng 8,5%, cá tra tăng 5,6%, cá các loại khác tăng 16,6%, cua ghẹ và giáp xác khác tăng 16,5%.
Nhóm sản phẩm hải sản xuất khẩu đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá ngừ giảm 4%, mực, bạch tuộc giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung, tổng xuất thủy sản trong hai tháng đạt 915,6 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tôm tăng 8,5%
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, hai tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm đạt 378,4 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ và Trung Quốc - Hongkong là hai thị trường “sáng” nhất trong bức tranh xuất khẩu tôm. Từ vị trí thứ 4 trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất (gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc - Hongkong và Hàn Quốc) năm 2015, Trung Quốc - Hongkong vươn lên đứng thứ 2 (sau Mỹ) với giá trị xuất khẩu đạt 64,8 triệu USD, chiếm 17,1% tổng xuất khẩu
Còn với thị trường Mỹ, ngay từ tháng 9/2015, khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 01/2/2013 đến 31/01/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8, nhiều doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tăng dần.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn giảm 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹmới bắt đầu tăng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá trá kết quả lạc quan
Xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 237,35 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả xuất khẩu vẫn lạc quan 2 tháng đầu năm là do giá trị xuất khẩu sang một số thị trường lớn vẫn tăng: Mỹ tăng 14,7%; EU tăng 0,4%; Trung Quốc - Hongkong tăng 32,6%; ASEAN tăng 9,8% và Brazil tăng 642,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, tình hình xuất khẩu cá tra sang thị trường xuất khẩu lớn nhất Mỹ (chiếm 23,6% tổng xuất khẩu) vẫn diễn ra bình thường và không bị ảnh hưởng bởi Chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Mặc dù, 45 nhà máy chế biến đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này theo công bố của USDA đang cố gắng gia tăng lượng đơn hàng, kết nối liên tục với bạn hàng Mỹ nhưng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu còn trụ lại được còn rất ít.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang chờ đợi phán quyết cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) giai đoạn từ 1/8/2013 đến 31/7/2014 của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Nếu mức thuế CBPG tại thị trường này cao hơn nữa, dự báo xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ giảm tiếp.
Xuất khẩu hải sản khó tăng trưởng mạnh
Xuất khẩu hải sản 2 tháng đầu năm đạt gần 299,9 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cá biển khác loại khác (trừ cá ngừ) đạt 155,6 triệu USD, tăng 16,6%, cua ghẹ và giáp xác khác đạt 18,3 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá ngừ giảm 4,8%, đạt 60,7 triệu USD, trong đó cá ngừ chế biến mã HS 16 giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá ngừ sang một số thị trường lớn giảm: Mỹ giảm: 0,4%; EU giảm 11,5%; ASEAN giảm 13,7%; Nhật Bản giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu thủy sản trong năm 2016 dự báo khó có thể tăng trưởng mạnh vì tình hình xuất khẩu phần lớn các sản phẩm XK chủ lực đều khó khăn về thị trường và rào cản thương mại. Đứng trước TPP và các FTA, các doanh nghiệp đã nhìn thấy những cơ hội nhưng những thách thức ban đầu không dễ dàng vượt qua.
Những ưu đãi về thuế quan và thị trường rộng mở nhưng những khó khăn phải đối mặt đã khiến các doanh nghiệp chật vật trong cả năm 2015 và dự báo cả năm 2016. Tuy nhiên, bài toán tái cơ cấu đặt ra cho toàn ngành và bộ máy quản trị của doanh nghiệp khi đã được giải đáp thì thích nghi và phát triển cơ hội là điều tất yếu trong xu thế xuất khẩu thủy sản trong những năm tới.
Thị trường USD trước lệnh cấm cho vay ngoại tệ
Tiền gửi ngoại tệ giảm 3,5%
Dấu hiệu cho thấy giới đầu cơ không mặn mà với ngoại tệ là tỉ lệ tiền gửi USD tại các NH đã sụt giảm. Lãnh đạo NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết huy động vốn bằng USD đã giảm nhẹ. Một số doanh nghiệp (DN) bán ngoại tệ rồi núp bóng cá nhân gửi tiết kiệm VNĐ dài hạn với lãi suất cao. Sau đó, DN thế chấp VNĐ để vay USD theo kỳ hạn 3-6 tháng với lãi suất thấp nhằm giảm thiểu chi phí vay vốn khiến dư nợ cho vay USD vẫn còn nhiều.
Trong khi đó, do lãi suất 0% nên 100% tiền gửi USD là không kỳ hạn. NH sử dụng nguồn vốn này để cho vay USD có kỳ hạn sẽ đối mặt rủi ro. Vì thế, nhiều NH đang tính đến phương án vay USD dài hạn từ nước ngoài nhằm cân đối kỳ hạn nguồn vốn.
Theo ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB), từ đầu năm đến nay, nhiều cá nhân đã rút tiền gửi USD khiến huy động vốn bằng ngoại tệ của ACB giảm 5%. Tổng giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho biết lượng tiền gửi USD đã giảm với tỉ lệ như ACB. Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc NH Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), thông báo huy động vốn USD tại Vietcombank hiện ổn định…
Theo số liệu mới nhất của NH Nhà nước, tại thời điểm 10-3, huy động vốn ngoại tệ bình quân hệ thống NH giảm 3,5% so với thời điểm 31-12-2015, chứng tỏ tỉ lệ nắm giữ USD đi xuống, tình trạng đô la hóa chuyển biến tích cực
Diễn biến của thị trường ngoại tệ cho thấy đầu tháng 1-2016, 1 USD có giá 22.540 đồng nhưng đến ngày 26-3 xuống còn 22.340 đồng/USD, giảm 200 đồng. Giới phân tích cho rằng người dân rút dần tiền gửi USD, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm là điều dễ hiểu.
Cung cầu USD ổn định
Như vậy, trong gần 3 tháng đầu năm 2016, tỉ giá biến động trái với dự đoán vào đầu quý IV/2015. Lúc đó, tỉ giá được kỳ vọng tăng thêm 1% vào đầu năm 2016. Vì thế, nhiều người đã ồ ạt mua USD gửi vào NH khiến 3 tháng cuối năm 2015, huy động vốn bằng ngoại tệ của hệ thống NH tăng 18% (số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia). Sau đó, họ thế chấp USD cho NH để vay VNĐ nhằm có vốn làm ăn, đồng thời chờ tỉ giá tăng lên sẽ bán ra kiếm lời.
Thế nhưng, giữa tháng 12-2015, NH Nhà nước bất ngờ tung ra liều thuốc đặc trị đầu cơ USD. Theo đó, lãi suất tiền gửi USD giảm còn 0%, kèm theo thông điệp gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ có thể bị thu phí. Mặt khác, từ ngày 4-1-2016, NH Nhà nước áp dụng cơ chế tỉ giá trung tâm thay đổi hằng ngày. Lập tức, thị trường ngoại tệ biến động nhưng sau đó dần ổn định, tỉ giá giảm dần. Đến cuối tháng 3-2016, giá mỗi USD tại các NH “neo” ở mức 22.300 - 22.350 đồng.
Theo các NH, do diễn biến của tỉ giá trái chiều dự đoán nên nhiều DN có nguồn thu USD bán ngay ngoại tệ cho NH khi nhận được tiền thanh toán từ nước ngoài làm cho cung USD dồi dào. Trong khi đó, sức mua ngoại tệ của các DN nhập khẩu lại không tăng khiến cung cầu USD luôn ổn định, thậm chí có thời điểm khách hàng bán ngoại tệ nhiều hơn mua. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Nam xuất siêu gần 1 tỉ USD. Từ đó, DN, người dân và cả NH thương mại không muốn nắm giữ USD. Điều này lý giải vì sao tỉ giá VNĐ/USD trong gần 3 tháng qua đi xuống.
Tuy hoàn toàn ủng hộ chủ trương chống đô la hóa nhưng GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) cho rằng bên cạnh chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, dứt khoát NH Nhà nước phải cấm NH thương mại cho vay bằng USD. Nếu NH thương mại vẫn được cho vay ngoại tệ thì chẳng khác nào triệt tình trạng đô la hóa nửa vời.
Nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng
Từ ngày 15 đến 25-3, tỉ giá trung tâm chỉ tăng 7 đồng, tỉ giá mua bán của NH thương mại tăng 20 đồng (chưa tới 0,1%), giao dịch trong khoảng 22.300 - 22.350 đồng/USD.
Theo TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỉ giá thường vận động do 2 nhân tố chính là nền tảng của kinh tế vĩ mô và cung cầu thị trường. Quý I/2016, Việt Nam xuất siêu trên 1 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài tăng gần 4 tỉ USD, kiều hối cũng thu hút được cả tỉ USD nên nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào.
Trên thị trường ngoại hối, các DN xuất khẩu bán ngoại tệ cho NH thương mại ở mức ổn định. Nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu đều được các NH đáp ứng.
Indonesia áp thuế thêm 5 năm với thép Việt
Vụ việc được khởi xướng điều tra chống bán phá giá từ năm 2011 theo yêu cầu của nguyên đơn là Công ty PT Krakatau Steel.Tháng 3-2012, Bộ Tài chính Indonesia ra quyết định áp thuế chống bán phá giá ở mức 5,9% - 55,6% (tùy quốc gia) cho sản phẩm nói trên.
Đến tháng 9-2015, Indonesia tiến hành rà soát thuế theo quy định, sau đó tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với quan điểm không đổi trong quá trình điều tra rà soát.
Cơ chế nhập khẩu đường sắp được “chuẩn y”
Đấu giá 2 loại đường
Trong những năm qua, việc phân giao hạn ngạch thuế quan NK đường luôn tạo nhiều “sóng gió” khi Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và nhiều DN cho rằng, cơ chế phân giao nặng tính chất “xin- cho”. Rất nhiều lần cơ qian này đã kiến nghị xóa bỏ cơ chế “xin- cho” bằng cách tổ chức đấu thầu hạn ngạch NK đường. Sau nhiều tranh luận, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho đấu giá hạn ngạch thuế quan NK mặt hàng này. Chủ trương đã được phê duyệt nhưng trong năm 2015 do chưa chuẩn bị được thủ tục nên Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện phân giao 81.000 tấn đường cho các DN có nhu cầu NK.
Việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng hạn ngạch sau khi trúng đấu giá, theo quy định tại Luật Dân sự, Luật Thương mại nếu coi quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan NK đường là tài sản của nhà nước thì khi DN trúng đấu giá sẽ được quyền mua bán, chuyển nhượng. Tuy nhiên, để phù hợp với cam kết WTO là phân bổ cho đối tượng sử dụng cuối cùng, Bộ Công Thương kiến nghị, quy định quyền sử dụng hạn ngạch đường sau khí trúng đấu giá không được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, lượng đường NK theo hạn ngạch thuế quan phải trực tiếp phục vụ sản xuất của DN, không được trao đổi kinh doanh thương mại.
Năm 2016, chắc chắn lượng hạn ngạch 85.000 tấn (theo cam kết trong WTO) sẽ được thực hiện theo cơ chế mới khi Bộ Công Thương cùng với các bộ ngành khác và VSSA đã xây dựng xong dự thảo thông tư hướng dẫn về việc đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016, dự thảo quyết định thành lập hội đồng thí điểm đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cho hay, Hiệp hội đã từng đề xuất chủng loại đường NK để đấu thầu là 100% đường thô. Giải pháp này nhằm tạo việc làm cho các nhà máy đướng trong nước tinh luyện để được có giá trị gia công tinh luyện. Phía Bộ NN&PTNT cũng đồng tình 1 phần với giải pháp của VSSA bằng lập luận “ưu tiên chia lô đấu giá cho đường thô là chủ yếu để tận dụng công suất của các nhà máy đường và lao động trong nước, thuận lợi cho việc điều tiết thị trường”. Tuy nhiên, trong dự thảo của Bộ Công Thương đề xuất đấu giá mặt hàng (mã HS 1701) gồm đường thô và đường tinh luyện.
Theo lý lẽ của Bộ Công Thương, quy định cho phép thương nhân trúng đấu giá tự lựa chọn chủng loại đường NK để phù hợp với hoạt động sản xuất, mang lại hiệu quả cho DN vì đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu để sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để tinh luyện. Quy định này phù hợp với cam kết WTO và đã được thực hiện những năm trước đây, đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc của đấu giá là đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia. Phía VSSA cũng “hài lòng” với đề xuất của Bộ Công Thương bởi theo ông Hải, nhiều năm nay tỷ lệ đường thô NK đã nhiều hơn đường tinh luyện. Do vậy, Bộ Công Thương cũng sẽ có sự điều hành dựa trên tình hình thực tế.
“Vướng” cơ chế đấu giá
Song vấn đề khiến Bộ Công Thương đang khó giải quyết nằm ở khâu cơ chế đấu giá.
Theo quy định hiện nay, hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường là số lượng hạn ngạch cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công bố hàng năm, thương nhân sử dụng hạn ngạch NK mặt hàng đường để được hưởng ưu đãi thuế NK, do đó quyền sử dụng hạn ngạch có thể coi là tài sản nhà nước. Việc đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016 sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Thông tư 03/2012/TT-BTC và Thông tư 23/2010/TT-BTP.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 17 và trên thực tế hiện mới chỉ thực hiện đấu giá tài sản hữu hình, bất động sản, giấy tờ có giá, chưa có quy định và chưa thực hiện việc đấu giá đối với hàng hóa NK theo giấy phép hoặc quyền sử dụng giấy phép NK đối với hàng hóa nên khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan đường sẽ có một số điểm chưa có quy định cụ thể hoặc không thống nhất với quy định tại Nghị định 17 như: Việc thu phí tham gia đấu giá, trích kinh phí sử dụng cho quá trình đấu giá, việc mua bán quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan NK đường (tài sản đấu giá)…
Về kinh phí hoạt động của Hội đồng đấu giá, theo quy định của Thông tư 03, Hội đồng đấu giá được sử dụng số tiền thu được từ số tiền phí thu được của người tham gia đấu giá để trang trải các chi phí cho quá trình đấu giá và chi phí cho Hội đồng đấu giá tài sản, nếu thừa sẽ nộp vào ngân sách nhà nước, mức thu cụ thể tùy theo giá khởi điểm của tài sản.
Nhưng trên thực tế, quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan đường là tài sản đặc biệt, việc thu phí của các thương nhân tham gia đấu giá có thể thể làm phát sinh thêm chi phí cho thương nhân, không phù hợp với cam kết WTO.
Với những khó khăn này, Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để được “gỡ khó”. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị, xin được trích 1 phần số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch để phục vụ cho việc đấu giá.
Bên cạnh đó, khi thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường Việt Nam có thể vẫn vấp phải phản ứng từ các nước thành viên WTO do có thu tiền đấu giá hạn ngạch, do đó cần chuẩn bị ý kiến để xử lý trước khi phản ứng của các nước đặc biệt là cần chuẩn bị lập luận để trả lời trong phiên họp Ủy ban nông nghiệp. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương chuẩn bị lập luận để trả lời chất vấn từ các thành viên tại các phiên họp Ủy ban nông nghiệp trong trường hợp được yêu cầu, giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ là thàn viên của Hồi đồng đấu giá quy định việc thu phí đấu giá.
Theo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng VSSA đã đi đến thống nhất về đối tượng tham gia đấu giá gồm: Thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện để phù hợp với cam kết WTO là hạn ngạch quản lý theo phương thức A, tức là phân bổ hạn ngạch cho đối tượng sử dụng cuối cùng của hàng hóa. Đối tượng tham gia đấu giá trên cũng là đối tượng được phân giao hạn ngạch NK trong các năm qua.
Các ngân hàng đồng loạt bơm vốn cho nông dân
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM tổng số vốn lên đến 1.261 tỉ đồng, trong đó chỉ có sáu doanh nghiệp còn lại là nông dân vay vốn.
Lãi suất ưu đãi cho ngắn hạn tối đa là 7% và phổ biến 6,8%, trung và dài hạn thì khoảng 9%. Tại chương trình này, hai ngân hàng chủ lực tham gia kết nối là Sacombank với chi nhánh của ba huyện là quận 4, Chủ Chi và Hóc Môn. Ngân hàng thứ hai là Agribank của năm chi nhánh quận huyện này đã cam kết tham gia bơm 1.190 tỉ đồng cho nông dân.
Ông Trần Quốc Khánh - Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank Khu vực miền Nam, cho biết với lĩnh vực nông nghiệp Agribank khẳng định vẫn tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thêm vào đó góp phần tiếp tục tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế nói chung của TP.HCM như phát triển công nghiệp hỗ trợ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chương trình kích cầu, đầu tư và đặc biệt là chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định số 04/2016 ngày 23/02/2016 của UBND TP.HCM.