TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-11-2015

    4 triệu đồng một kg sá sùng khô vẫn cháy hàng

    Tiểu thương cấp tập thu mua số lượng lớn để dành tiêu thụ dịp Tết khiến giá bán đặc sản của đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) có khi đến hơn 4 triệu đồng mỗi kg nhưng vẫn không đủ hàng để bán.

    Trao đổi với VnExpress, bà Hoàng Thị Xuân Điểm - Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến sá sùng Quan Lạn cho biết chính vụ khai thác của địa phương diễn ra từ tháng Giêng đến tháng 10 hằng năm. Lúc này, sản lượng khá ít nhưng vẫn nhiều hộ tranh thủ tìm bắt để về bán cho tiểu thương."Để chuẩn bị cho dịp Tết, rất nhiều tiểu thương tìm mua giá cao. Nhưng do lúc này đã hết vụ thu hoạch, sản lượng ít nên khai thác được bao nhiêu hết bấy nhiêu ", bà Điểm cho biết.

    nhieu tieu thuong thu gom mua de danh ban dip tet trong khi nguon cung han che khien loai dac san nay dang chay hang du gia ban hon 4 trieu dong mot kg. anh:phuong tra.

    Nhiều tiểu thương thu gom mua để dành bán dịp Tết trong khi nguồn cung hạn chế khiến loại đặc sản này đang cháy hàng dù giá bán hơn 4 triệu đồng một kg. Ảnh:Phương Trà.

    Theo đó, với một kg sá sùng tươi nếu giao ngay tại bãi có giá 250.000-300.000 đồng mỗi kg. Nhưng nếu đem về sấy khô thì giá bán cao gấp 10 lần, dao động trong khoảng 3,5-4 triệu đồng mỗi kg, thậm chí có thời điểm khan nguồn cung giá bán ra gần 5 triệu đồng mỗi kg.

    Lý giải về đắt đỏ của mỗi kg sá sùng, bà Điểm cho biết để được một kg khô cần đến 10-11kg tươi. "Sấy khô cũng qua nhiều công đoạn. Sau khi khai thác phải được rửa sạch cát, đem trần nước sôi rồi đem sấy bằng bếp than, như thế thì sá sùng khô nhanh và cho mẫu mã đẹp nhất, mỗi mẻ sấy khoảng 2 giờ đồng hồ", chị nói.

    Theo lãnh đạo Hiệp hội, việc khai thác được nhiều hay ít  tùy vào nhân công mỗi hộ gia đình, tuy nhiên một người trong chính vụ có thể bắt được trên dưới 2-3kg mỗi ngày. Trung bình trong tháng, các hộ thành viên khác thác được 200-300kg sá sùng tươi cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Thậm chí có gia đình chuyên thu mua để sấy bán hàng khô số lượng lớn có thể có doanh thu cả trăm triệu đồng.

    Sá sùng sinh sống và phát triển nhiều nhất ở cùng biển Vân Đồn, Móng Cái (Quảng Ninh), Hải Phòng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Giờ (TP HCM). Ngoài tên gọi sá sùng nhiều vùng còn gọi loài hải sản này là sâm đất. Bề ngoài sá sùng có màu nâu đỏ, nhìn qua rất dễ bị nhầm lẫn với con trùn đất. Tuy nhiên, trên thân loài này có xuất hiện những sợi vân nhỏ li ti.

    Do có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau nên thời gian gần đây, sá sùng được nhiều người dân tìm mua. Tại Quan Lạn, ngoài bán cho các du khách trong và ngoài nước, loại đặc sản này chủ yếu bán cho các tiểu thương hoặc được xuất đi Trung Quốc.


    Dệt may dự kiến đạt kim ngạch 27,5 tỉ USD

    Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2015 đạt 27,5 tỉ USD, tăng 11,3% so với năm 2014, tỉ lệ nội địa hóa đạt mức 51%,

    Đại hội Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) lần thứ 5 diễn ra ngày 26-11 đã bầu ban chấp hành Vitas nhiệm kỳ 2016 - 2020, gồm 15 phó chủ tịch phụ trách các chi hội dệt may địa phương, trong đó có ba phó chủ tịch phụ trách ba chuyên ngành chính là sợi, dệt nhuộm, may - phụ trợ. Cũng tại đại hội, ông Vũ Đức Giang tiếp tục tái đắc cử chức chủ tịch Vitas.

    Theo Vitas, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2015 đạt 27,5 tỉ USD, tăng 11,3% so với năm 2014, tỉ lệ nội địa hóa đạt mức 51%, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 14,74%/năm.


    Mỹ ban hành quy định mới với nhà cung cấp cá da trơn Việt Nam

    Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 25/11 đã ban hành các quy định mới đối với những nhà cung cấp cá da trơn, trong đó yêu cầu tiến hành thanh tra tại chỗ các trang trại và các nhà xưởng chế biến đối với cả những nhà sản xuất trong và ngoài nước, hầu hết từ Việt Nam, nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đồng nhất.

    Những quy định mới này dự kiến có hiệu lực từ tháng 3/2016 và sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong hơn 18 tháng, theo đó cho phép các nhà cung cấp nước ngoài có thời gian để tiến hành những thay đổi cần thiết để đáp ứng những yêu cầu của USDA.

    Hiện cá da trơn là món thủy sản phổ biến thứ 6 ở Mỹ. Các nhà sản xuất Mỹ đã cáo buộc Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này (FDA) không chịu ngừng nhập khẩu cá da trơn chứa kháng sinh và các hóa chất bị cấm khác.

    Các nhà sản xuất Mỹ cũng đã thuyết phục các nghị s​ỹ thông qua đạo luật cho phép thực thi chương trình giám sát cá da trơn mới -lần đầu tiên được đưa vào Luật Nông trại năm 2008 và được tái khẳng định trong năm 2014.

    Các nhà sản xuất Việt Nam và các nhà thương lượng thương mại đã bày tỏ quan ngại rằng hoạt động nhập khẩu cá da trơn sẽ bị cấm cho tới khi các nhà sản xuất có thể đáp ứng những yêu cầu mới của USDA, đồng thời sẽ gây ra trở ngại lớn cho lĩnh vực xuất khẩu quan trọng.


    Xuất khẩu gạo có khả năng đạt 6,8 triệu tấn

    Theo dự báo của Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ NN-PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu cả năm 2015 của Việt Nam có khả năng đạt 6,8 triệu tấn.

    Con số này cao hơn so với số dự báo trước đây của Trung tâm công bố ở mức 6,02 triệu tấn.

    Khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm trong 10 tháng so với cùng kỳ và chỉ tăng so với cùng kỳ vào tháng 11 năm 2015.

    Nguyên nhân chính là do diễn biến thị trường bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi từ tháng 10, khi Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu với Philippines (450.000 tấn) và Indonesia (1 triệu tấn).

    Thời hạn hợp đồng kéo dài từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016. Hai hợp đồng này đã góp phần làm cho khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 và tháng 11 tăng gần gấp đôi so với các tháng trước đó.

    Khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng ước đạt 6,24 triệu tấn với 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng của năm 2015 với 34,49% thị phần.

    Trong 10 tháng, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là Malaysia (2,24%), vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,7% thị phần. Thị trường Gana đứng vị trí thứ 4 với mức tăng trên 9%. Tiếp theo là thị trường Bờ Biển Ngà (tăng 39%) và Indonesia (tăng 3,65%).

    Bên cạnh đó, nhiều thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam có sự giảm đột biến như Hồng Kông giảm 37%, Philippines (33%), Singapore (gần 35%) và Hoa Kỳ (26%).


    Thương lái Trung Quốc lùng mua heo 'siêu mỡ'

    Loại heo trên 100kg nhiều mỡ, ít nạc ở miền Tây thường khó bán thì nay lại được nhiều thương lái lùng mua với giá cao.

    Ông Tuấn, một hộ nuôi tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bán lứa heo có cân nặng trung bình trên 100kg cho các thương lái ở Đồng Tháp với giá bằng với heo loại một. Trước đây, heo có trọng lượng như thế này khá khó bán, vì người mua cho rằng loại này mỡ nhiều, ít nạc.

    Theo các hộ chăn nuôi, nhóm thương lái này thông qua các "cò" ở địa phương đến các vùng nông thôn để chuyên săn lùng loại heo “siêu mỡ”.“Hỏi thì họ nói là mua đem về Đồng Tháp bán cho các thương lái Trung Quốc  chuyển về nước. Không biết họ mua làm gì, nhưng nông dân bán được giá cao là mừng rồi”, một hộ chăn nuôi cho biết.

    loai heo hoi nhieu mo dang duoc thuong lai trung quoc lung mua.

    Loại heo hơi nhiều mỡ đang được thương lái Trung Quốc lùng mua.

    Còn tại Cà Mau, thời gian qua cũng xuất hiện thương lái ở một số tỉnh khác tìm về mua loại heo trên. Anh Nguyễn Văn Đảo, ngụ huyện Phú Tân cho biết, trên thị trường hiện nay heo hơi chất lượng tốt có giá 33.000-34.000 đồng một kg cho loại dưới 100 kg, còn heo có trọng lượng trên 100kg, các thương lái ở địa phương đều chê.

    “Thương lái tại chỗ thì không mua, trong khi nhóm thương lái ngoài tỉnh lại lùng cho bằng được. Đặc biệt là giá của heo 'siêu mỡ' ngang bằng, thậm chí cao hơn heo hơi có chất lượng tốt”, anh Đảo nói.

    Trước việc xuất hiện các thương lái săn mua heo nhiều mỡ, ông Nguyễn Văn Tranh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đã phát đi văn bản cảnh báo về hiện tượng bất thường này.

    “Chúng tôi đã có văn bản gửi Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn các huyện tăng cường kiểm tra, báo cáo ngay về Sở để có hướng xử lý”, ông Tranh nói.

    Văn bản của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau nêu rõ: “Ở góc độ ngươi dân, thương lái thu mua heo giúp đầu ra dễ tiêu thụ, giá heo tăng, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc rất bất thường và việc làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng nên dễ bị động. Tình trạng thu mua này dẫn đến thị trường cung cầu không ổn định, khi heo được thu gom ồ ạt để xuất sang Trung Quốc vào dịp cuối năm sẽ gây cơn sốt giá thực phẩm và nguồn cung sụt giảm. Khi thương lái ngừng thu mua, giá heo hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi sẽ thua lỗ…”.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn