TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-10-2015

    Đồ nhựa Việt Nam ‘gặp nạn’ tại Ấn Độ

     Theo Cục Quản lý cạnh tranh ngày 30-10, Ấn Độ vừa có thông báo kết luận cuối cùng, rằng sản phẩm bộ đồ ăn và dụng vụ làm bếp làm bằng nhựa melamine nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có bán phá giá tại Ấn Độ.

    Nặng nề nhất là hàng Việt Nam lại bị kết luận biên độ phá giá cao nhất, khoảng 60%-70% (khoảng 1.700 USD/tấn sản phẩm), trong khi biên độ phá giá của hàng Trung Quốc là 45%-55% (tương ứng khoảng 1.300 USD/tấn) và Thái Lan là 20%-30% (tương đương 600 USD/tấn). Mức thuế chống bán phá giá đối với hàng Việt sẽ cao nhất, tương ứng với biên độ phá giá.

    do nhua viet nam ‘gap nan’ tai an do

    Đồ nhựa Việt Nam ‘gặp nạn’ tại Ấn Độ


     

    Vụ kiện được khởi xướng đúng một năm trước, do một công ty nhựa Ấn Độ là Công ty TNHH Hamilton Housewares Pvt đệ đơn kiện. Kết luận cuối cùng của Ấn Độ là hàng nhựa nhập từ ba nước kể trên chiếm khoảng 97% tổng hàng nhựa nhập vào Ấn Độ, có phá giá, xuất sang Ấn Độ thấp hơn giá trị thông thường khiến ngành công nghiệp nội địa Ấn Độ đã phải chịu thiệt hại đáng kể, thiệt hại bị gây ra liên tục bởi hàng nhập khẩu.

    Có 18 công ty xuất hàng sang Ấn Độ được đề cập trong vụ kiện, trong đó có bốn công ty Việt Nam là Công ty Thương mại Hà Nội, Vinh Cơ, Hương Đặng và công ty Machi. Trong vụ việc này, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam duy nhất tham gia kháng kiện là Công ty Machi Enterprise Vietnam, có một doanh nghiệp Thái tham gia, không có công ty Trung Quốc nào tham gia kháng kiện.


    Goldman Sachs chịu án phạt kỷ lục

    goldman sachs chiu an phat ky luc

    Goldman Sachs chịu án phạt kỷ lục

    Goldman Sachs nổi tiếng trên phố Wall bởi những mối quan hệ khăng khít với nhà chức trách, vì thế nên án phạt cao lần này khiến nhiều người bất ngờ.
    Cơ quan quản lý ngành ngân hàng tại New York đã chính thức áp án phạt 50 triệu USD với Goldman Sachs và yêu cầu tổ chức tài chính này ngừng nhiều hoạt động tư vấn trong 3 năm.

    Trước đó một nhân viên của Goldman Sachs đã bị phát hiện ăn trộm thông tin giám sát từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York, theo thông tin mới nhất từ Financial Times.

    Ngày thứ Tư, Goldman Sachs thừa nhận đã không giám sát chặt chẽ nhân viên Rohit Bansal dẫn đến việc anh này có những hành vi đánh cắp thông tin. Trước khi vào làm việc tại Goldman Sachs vào tháng 7 năm ngoái, Rohit Bansal đã làm việc tại FED ở New York trong suốt 7 năm.

    Theo lời khai của Bansal, khi mới đến làm việc tại Goldman Sachs, Bansal đã nhận được một số tài liệu với những thông tin cá nhân về một khách hàng mà anh này từng chịu trách nhiệm giám sát khi còn làm việc tại FED. Sau đó, anh đã chuyển thông tin này cho đồng nghiệp mới tại Goldman Sachs, phá vỡ nguyên tắc không tiết lộ thông tin khách hàng.

    Sau khi ban điều tra đưa ra kết luận về vụ việc, Goldman Sachs đã chính thức thừa nhận sai phạm và đồng ý nộp phạt 50 triệu USD, mức phạt cao nhất từ trước đến nay đối với hành vi tương tự. Đồng thời Goldman Sachs cũng đồng ý không ký các hợp đồng tư vấn mới trong 3 năm.

    Đã nhiều năm nay, Goldman Sachs nổi tiếng trên phố Wall bởi những mối quan hệ khăng khít với nhà chức trách. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, cựu Chủ tịch FED tại New York cùng rất nhiều quan chức cấp cao khác của chính phủ Mỹ từng làm việc tại ngân hàng này.

    Ở phố Wall, người ta còn gọi Goldman Sachs bằng một cái tên khác là “Government Sachs”.

    Trên thực tế, đối với Bansal, đây không phải là lần đầu tiên anh này có những sai phạm. Trong khoảng thời gian làm việc tại FED ở New York, Bansal từng làm giả một số giấy tờ để nhận được hợp đồng của BlackBerry. Thế nhưng ngay cả khi đã biết rõ quá khứ của Bansal, Goldman Sachs vẫn tuyển dụng anh ta. Chỉ sau vụ việc mới đây, Goldman Sachs mới tuyên bố sẽ đuổi việc Bansal.

    Kẻ đồng phạm với Bansal trong vụ việc này là Jason Gross, cựu quan chức FED tại New York. Gross đang đối mặt với án phạt 100 nghìn USD và ngồi tù 1 năm.


    Tăng trưởng GDP của TP.HCM có khả năng đạt trên 10%

     Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã cho hay như thế tại cuộc họp về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội TP tháng 10, 10 tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 11.

    Ông Quân nhận xét với những số liệu sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ đạt được cho đến thời điểm hiện nay, khả năng tăng trưởng GDP của TP năm 2015 sẽ đạt trên 10% so với kế hoạch đề ra là 9,5%-10%. Nền kinh tế TP thể hiện sự phát triển qua tổng thu ngân sách của TP cả năm nay dự ước đạt trên 260.000 tỉ đồng, tăng 4.000 tỉ đồng so với dự toán ban đầu. Trong 10 tháng đầu năm nay, TP đã thu ngân sách đạt 225.972 tỉ đồng, bằng 85,2% kế hoạch năm.

    Cũng tại cuộc họp, ông Quân yêu cầu các sở, ban ngành tập trung thực hiện quyết liệt và hiệu quả những giải pháp của TP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ông Quân cũng chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện hơn nữa về lãi suất để các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn vay, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho đổi mới thiết bị, sản xuất và kinh doanh.

    Theo đánh giá chung của UBND TP, tình hình kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước; tình hình đầu tư nước ngoài chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, thu hút đầu tư nước ngoài của TP tiếp tục tăng.


    Cải cách thuế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng

    “Thu thuế cần phải thu được cả lòng dân” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu như trên tại “Hội nghị đối thoại về chính sách thuế và hải quan năm 2015”, do VCCI phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 29-10.

    “Chúng tôi luôn quan niệm rằng các doanh nghiệp (DN) xem việc nộp thuế là quyền lợi, vinh dự và trách nhiệm. Vì thế các cơ quan thuế, Chính phủ cũng nên quan niệm rằng thu thuế nhưng quan trọng hơn là phải thu được lòng dân. Tuy vậy, những thủ tục hành chính thuế và hải quan đang là một trong những trở ngại gây khó khăn cho DN” - ông Lộc nói.

    Theo báo cáo khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, tổng số giờ nộp thuế của một DN tại Việt Nam hiện vào khoảng 770 giờ mỗi năm (số giờ nộp thuế của DN Singapore chỉ 83,5 giờ). Số lần phải làm thủ tục thuế trong năm là 30, tổng số tiền thuế và các khoản chi trả cho việc này chiếm 39,4% lợi nhuận của DN. Như vậy Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vị trí cuối bảng trong khu vực về thời gian nộp thuế của DN.

    “Chỉ số về nộp thuế của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng” - ông Lộc nhận định.

    Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng để khắc phục những rào cản về thuế, hải quan, trước hết cần phải sửa luật. “Quốc hội đã sửa năm luật thuế, 71 luật liên quan đến thuế đã được thực hiện…” - ông Tuấn cho hay.


    Xuất khẩu giảm khiến nông dân lao đao

    Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2015 đạt 5,4 tỉ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2014.

    Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh hơn 27% so với cùng kỳ. Theo các doanh nghiệp (DN), nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là tôm trên thị trường thế giới giảm. Một số nước lân cận đã phục hồi sản xuất sau thời gian dài tôm bị dịch bệnh, không có điều kiện để bảo quản nên các nước này đã bán hết tôm bằng mọi giá.

    Cũng theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm dần, do nhiều người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi đã chuyển sang hướng liên kết với các DN hoặc nuôi gia công cho DN thay vì tự đầu tư nuôi. 


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn