Ngân sách lại lo hụt thu nghìn tỷ?
(Tai chinh)
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa thoát khỏi thời kỳ khó khăn, nhu cầu chi ngân sách nhà nước ngày càng tăng, việc giảm thu từ thuế xuất nhập khẩu sẽ gây khó khăn cho cân đối NSNN...
Báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 21/10 về dự án Luật thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã gia nhập WTO được 8 năm và ký kết 10 FTA. Thời gian tới, Việt Nam sẽ ký kết một số FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU…
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua 10 năm thực hiện, Luật Thuế xuất nhập khẩu đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Luật cũng bộc lộ tồn tại cần khắc phục, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật và đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế.
Từ năm 2018 trở đi, mức thuế suất thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo các cam kết thuế quan. Do đó, để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ thương mại về thuế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, khi ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, FTA Việt Nam – EU…, mức độ tự do hóa sẽ đạt 97-98% dòng thuế trong vòng 10 năm. Dự kiến đến giai đoạn 2028-2030, trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất theo các FTA là 0%.
Đặc biệt, cần thiết phải sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội...
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, giãn, hoàn thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Đây là những nguyên nhân khiến tỷ lệ thuế và phí trên GDP thấp, có xu hướng giảm qua các năm. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa thoát khỏi thời kỳ khó khăn, nhu cầu chi NSNN ngày càng tăng, việc giảm thu từ thuế xuất nhập khẩu đã gây khó khăn cho cân đối NSNN.
Do vậy, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN trong việc sửa đổi Luật thuế XNK và thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách tổng thể các chính sách thuế tác động đến sản xuất kinh doanh trong nước và các giải pháp về quản lý thuế nhằm tăng thu, bù đắp số hụt thu NSNN, đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Liên quan đến quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, dự thảo luật lần này đã bổ sung các quy định là phù hợp, góp phần bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trong điều kiện hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Về hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, bổ sung quy định về miễn thuế cho một số hàng hóa thuộc chế độ tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập có thời hạn, không mang mục đích thương mại nhằm phù hợp với Công ước Kyoto.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.