TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

VEPR: Kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào FDI, đặc biệt Samsung

    Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.

    Chiều ngày 10/7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR tổ chức buổi Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II/2017.

    Tại sự kiện, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết dù đã có sự phục hồi trong Quý II, các chỉ báo đang cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

    "Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017", ông Thành lấy dẫn chứng.

    (màu xanh: khu vực FDI, màu đỏ: khu vực nhà nước)

    Theo ông Thành, với dòng FDI lớn, vốn đầu tư toàn xã hội khu vực này liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây. Dù suy giảm trong nửa cuối năm 2016, dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2017. Trong khi đó, lượng lao động sử dụng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Ngược lại, số lao động sử dụng trong khu vực ngoài nhà nước thậm chí đã giảm tuyệt đối trong 6 tháng đầu năm 2017.

    "Những điều này cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng", ông Thành nhấn mạnh.

    ts nguyen duc thanh, vien truong vepr tai buoi cong bo bao cao quy ii.

    TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR tại buổi Công bố Báo cáo quý II.

    Trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu phục hồi, VEPR dự báo tăng trưởng hai quý tiếp theo sẽ ở mức 6,7% và 7,0%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước.

    Đồng thời, với chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng cũng như ảnh hưởng của cú sốc về giá thực phẩm, VEPR dự báo lạm phát năm 2017 sẽ duy trì ở mức thấp dưới 2,5%. Cụ thể, lạm phát cuối Quý III có thể giảm xuống 1,8% trước khi tăng lên 2,2% vào cuối năm.

    VEPR cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách.

    Về lạm phát, với mức giá giảm xuống thấp như trong Quý II, VEPR cho rằng Chính phủ có nhiều không gian hơn để điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan như điều chỉnh giá các dịch vụ công thiết yếu, cũng như nới rộng chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng nhằm kích thích kinh tế.

    Đối với chi ngân sách, thực trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, thị trường việc làm cũng như hiệu quả sử dụng vốn. Theo VEPR, Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các biện pháp thắt chặt chi thường xuyên như chính sách tinh giảm biên chế, thoái vốn khỏi các DNNN cũng như nâng cao hiệu quả chi phí quản trị nhà nước.

    VEPR khuyến cáo cần cảnh giác với hiện tượng nhiều thay đổi chính sách đang tạo ra nhiều giấy phép con mới, hoặc đưa ra nhiều điều kiện mới, gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, VEPR cho biết trên thị trường tài chính, tín dụng tăng trưởng ở mức cao đưa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và xấp xỉ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2009.

    "Đây là một thực tế cần theo dõi chặt chẽ, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro trên thị trường vốn. Nếu vốn ngân sách được đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm, có thể gây sức ép mới về thanh khoản và lãi suất", VEPR nhận định.

    Để bình ổn, VEPR cho rằng Ngân hàng nhà nước có thể phải bổ sung lượng phương tiện thanh toán về cuối năm. Điều này, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao hơn tiền gửi, có thể dẫn tới khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2018.

    Tổ chức này cũng lưu ý về khả năng những rủi ro lớn có thể xuất hiện trên thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) khi tín dụng đang tăng nhanh một cách bất thường, dẫn tới những thay đổi không đồng đều trên các thị trường này (thị trường chứng khoán tăng nhanh, trong khi thị trường bất đổng sản có dấu hiệu chững lại).


    Thanh Tâm
    Theo NDH.VN

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn