TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Ngành nông nghiệp “oằn mình” ứng phó với El Nino

    (Nong nghiep)

    Indonesia có thể thiếu gạo dự trữ cho năm tới; Philippines sẽ mạnh tay nhập khẩu gạo để đối phó với El Nino... là những hàng tít “làm nóng” thị trường nông sản trong thời gian gần đây. Tình hình khắc nghiệt gây ra bởi hiện tượng thời tiết El Nino hiện đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của các nước khu vực Đông Nam Á và quốc gia lân cận.

    Đông Nam Á trong “thế thủ”

    Viện Hàng không và Vũ trụ quốc gia Indonesia (Lapan) cho biết, năm 2015 là năm nước này phải trải qua đợt hạn hán kỷ lục trong vòng 5 năm qua, do tác động của hiện tượng El Nino và sự thay đổi bất thường về nhiệt độ trên bề mặt biển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

    Theo đó, hạn hán ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp của quốc đảo này. Người dân ở miền Tây Java đang phải gánh chịu những tác động của khô hạn sau thời gian dài không có mưa, mực nước ngầm bắt đầu sụt giảm, khiến cho lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu hụt nghiêm trọng. Hầu hết 20 khu vực trong tỉnh bị đe dọa mất mùa.

    Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Indonesia, mùa khô kéo dài trong năm nay tại Indonesia đã khiến trên 200.000 hécta trồng lúa của nước này bị thiếu nước, trong đó có 30.000 hécta bị mất mùa. Chính phủ Indonesia đã phải tạo mưa nhân tạo, huy động và phân phát hàng trăm máy bơm nước cho một số khu vực bị hạn nặng.  

    nong dan philippines thu hoach lua tai dao marinduque

    Nông dân Philippines thu hoạch lúa tại đảo Marinduque

    Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla mới công bố số liệu cho thấy kho thóc gạo dự trữ quốc gia của nước này hiện chỉ còn 1,5 triệu tấn, trong khi nhu cầu lên đến 2,5-3 triệu tấn/năm. “Vận đen chưa ngưng đeo bám” Indonesia khi mới đây, Cơ quan Hậu cần Quốc gia (BULOG) dự báo lượng thóc gạo dự trữ của Indonesia sẽ thiếu hụt trong năm 2016.

    Giám đốc BULOG Djarot Kusumayakti cho biết, lượng gạo tồn kho tính đến tháng 12/2015 dự kiến chỉ đạt khoảng 62.000 tấn, trong khi cần phải dự trữ từ 1,5-2 triệu tấn mới có thể đáp ứng nhu cầu cho năm tới trước khi bước vào vụ thu hoạch.

    Việc sụt giảm lượng thóc gạo dự trữ chủ yếu do việc kéo dài thời gian triển khai chương trình trợ cấp gạo cho người nghèo theo chính sách của Tổng thổng Joko Widodo lên 14 tháng so với 12 tháng trong kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân chính dẫn tới động thái trên của Chính phủ Indonesia là do hiện tượng thời tiết khô hạn do El Nino gây ra ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất lúa gạo ở nhiều vùng.  

    Còn ở nước láng giềng Philippines, Manila cho biết cũng sẽ sớm tổ chức một cuộc họp để xác định nhu cầu khẩn cấp về nhập khẩu gạo bổ sung, trong bối cảnh thiệt hại mùa màng đáng kể do cơn bão Koppu và hiện tượng El Nino.

    Cơ quan Lương thực Quốc gia nước này (NFA) trước đó cũng dự định họp để xem xét nguồn cung cấp thóc gạo của nước này và thảo luận về việc tăng nhập khẩu lên đến 1 triệu tấn do dự báo thời tiết khô hạn khắc nghiệt do hiện tượng El Nino gây ra.

    NFA cũng yêu cầu các nhà chức trách thuộc Văn phòng Tổng thống và Bộ Ngân sách mua thóc của khoảng 80.000 nông dân ở miền Bắc Philippines bị ảnh hưởng của bão. Cơn bão Koppu tràn vào vùng Đông Bắc Philippines vừa qua đã phá hỏng 400.000 tấn thóc, tương đương khoảng 5% sản lượng thóc của đất nước trong mùa thu hoạch đại trà hiện nay.

    Theo cảnh báo mới nhất của Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ, khả năng hiện tượng El Nino tiếp diễn đến tận đầu năm sau là 95%. Xét trên bình diện rộng hơn, cường độ cũng như thời gian kéo dài của hiện tượng El Nino ngày càng tăng lên sẽ làm giảm sản lượng lương thực tại châu Á, bất chấp dự trữ thóc gạo dồi dào của các nhà sản xuất nông nghiệp chủ chốt như Thái Lan và Ấn Độ. Giá gạo trở nên đắt đỏ hơn sẽ làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng lạm phát và bất ổn trong khu vực.

    Nhập khẩu thêm thóc gạo

    Tổng thống Indonesia Joko Widodo cuối cùng đã đồng ý nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo lượng lương thực cung cấp cho thị trường trong nước và duy trì giá thóc gạo ổn định. Tuyên bố trên được ông Widodo đưa ra tại Hội chợ Thương mại Indonesia (Trade Expo Indonesia) lần thứ 30 năm 2015 ở Thủ đô Jakarta mới đây và đây là lần đầu tiên ông khẳng định về chuyện Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ nước ngoài.

    Trước đó, Tổng thống Widodo đã nhiều lần khẳng định dù sản lượng gạo của Indonesia năm nay thấp hơn dự tính nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu và quốc đảo này sẽ tự cung tự cấp gạo sớm hơn kế hoạch là vào năm 2017.   

    Indonesia đã phải đàm phán với các nhà sản xuất lúa gạo lớn trong khu vực về khả năng nhập khẩu dự phòng. Tin tức nói rằng Việt Nam đã đồng ý cung cấp 1 triệu tấn gạo, trong khi Thái Lan chưa đưa ra con số cụ thể.

    Giám đốc BULOG Djarot Kusumayakti cũng lên tiếng khuyến nghị Jakarta có thể giải quyết tình trạng thiếu thóc gạo bằng việc thu mua thêm trong thị trường nội địa hoặc chuyển đổi gạo chất lượng cao hiện có thành gạo trợ cấp. Nếu tính cả số gạo không được hỗ trợ phí bảo hiểm, tổng lượng gạo dự trữ tại các kho của BULOG là khoảng 800.000-900.000 tấn.

    Trong khi BULOG cũng đề nghị chính phủ phê chuẩn thêm 3.400 tỷ rupiah (khoảng 234,7 triệu USD) để thực hiện kế hoạch bổ sung phân phối gạo trợ cấp.

    Theo mạng tin Inquirer.net mới đây, Cơ quan Kinh tế và Phát triển quốc gia (NEDA) của Philippines cũng đang cố gắng để Tổng thống Benigno Aquino chấp thuận nhập khẩu tới 1,5 triệu tấn gạo trong quý đầu tiên của năm 2016, tăng gấp ba lần khối lượng trong chương trình cũ, để đảm bảo đủ nguồn cung và giữ giá ổn định, trong bối cảnh hạn hán có thể kéo dài do hiện tượng thời tiết El Nino.

    Trước đó, NEDA đã trình Tổng thống Aquino một bản ghi nhớ danh sách các biện pháp can thiệp để giảm thiểu ảnh hưởng của El Nino. Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế kiêm Tổng giám đốc NEDA Arsenio M. Balisacan giải thích rằng NEDA cần phải nhập khẩu thêm 1 triệu tấn để duy trì lượng thóc gạo “đệm” trong kho trong 45 ngày, nếu không lượng dự trữ trong kho sẽ giảm đáng kể.

    Rút kinh nghiệm từ năm 2013 và 2014, lượng gạo trong kho giảm mạnh đã làm giá cả tăng. Ông Balisacan cho biết thêm rằng chính phủ nước này có thể phải phân bổ tới 19,2 tỷ peso (hơn 416 triệu USD) cho các chương trình/dự án có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của El Nino. Theo Bộ trưởng Balisacan, từ đầu năm đến nay, Philippines đã nhập khẩu tổng cộng 1,9 triệu tấn gạo.

    (Theo Thời báo Ngân hàng)

     

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn