TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh 02-03-2016

    TP.HCM bàn giải pháp chống tội phạm

    “Ngày 1-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong sẽ chủ trì cuộc họp với Công an TP và các sở, ban, ngành và quận, huyện để triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP” - Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho hay tại buổi họp báo của UBND TP ngày 29-2. Đây là một trong những hành động cụ thể để kéo giảm tội phạm theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.

    Tập trung xử lý tin tố giác tội phạm

    Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Hoan cho rằng để có thể kéo giảm tội phạm không chỉ trông chờ vào mỗi ngành công an, mà cần có sự phối hợp đồng bộ, vào cuộc của toàn hệ thống các sở, ban, ngành, đặc biệt là cấp địa phương. “Những địa bàn nào phức tạp, các địa phương tập trung quản lý, xử lý thì sẽ bớt phát sinh tội phạm” - ông Hoan nói.

    Ngoài ra, ông Hoan nhấn mạnh đến vai trò “tai mắt” của nhân dân rất quan trọng trong việc giúp chính quyền trấn áp tội phạm nhanh chóng và hiệu quả. Người phát ngôn của UBND TP cũng cho rằng để phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tội phạm thì “phải nhanh chóng xử ký kịp thời tin tố giác tội phạm của nhân dân, đừng xem đó là những thông tin nhỏ, đơn giản, mà phải xem như là những thông tin có ý nghĩa để chúng ta vào cuộc xử lý. Nếu không tập trung giải quyết thì dân sẽ không tham gia tố giác nữa” - ông Hoan nói.

    ong vo van hoan, chanh van phong ubnd tp.hcm, chu tri cuoc hop bao ngay 29-2. anh: viet hoa

    Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, chủ trì cuộc họp báo ngày 29-2. Ảnh: VIỆT HOA

    Bốn cấp độ “nóng” của đường dây nóng

    Liên quan đến đường dây nóng của UBND TP, ông Võ Văn Hoan cho hay dự kiến tới đây UBND TP sẽ tiếp nhận đường dây nóng của Thành ủy. ông Hoan lý giải sau khi thống kê cả ngàn cuộc gọi đến đường dây nóng của Thành ủy đều thuộc các vấn đề chỉ đạo, điều hành của UBND TP, mà rất ít có thông tin liên quan đến công tác Đảng, tổ chức, tư tưởng...

    “Theo chỉ đạo, đường dây nóng phải nóng, thông tin phản ánh phải được xử lý kịp thời. Muốn vậy phải giao số này cho UBND TP xử lý cho tốt, giảm đi được một khâu, tăng thêm thời lượng tiếp nhận và giải quyết” - ông Hoan nói.

    Về quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh đến đường dây nóng của UBND TP, ông Hoan cho biết các thông tin phản ánh của người dân, tổ chức và doanh nghiệp được phân loại theo bốn cấp độ nóng. Cấp độ một là những thông tin về thủ tục, trình tự... người tiếp nhận thông tin sẽ hướng dẫn ngay. Cấp độ hai là những bức xúc với các vụ việc đang, sắp xảy ra cần phải giải quyết ngay thì Chánh Văn phòng sẽ giải quyết. Cấp độ ba là những vụ việc đã được chỉ đạo nhiều lần nhưng không có chuyển biến như tội phạm, rác... sẽ do văn phòng tham mưu cho lãnh đạo UBND TP chỉ đạo các cơ quan rà soát, đề xuất xử lý ngay. Cấp độ bốn là người phản ánh sẽ được sắp xếp mời đến gặp trực tiếp lãnh đạo UBND TP để giải quyết.

    Ông Hoan cũng khuyến cáo người dân nên phân loại phản ánh vấn đề theo các đường dây nóng đặc thù để được giải quyết nhanh hơn như 112, 113, 114. “Không nhất thiết vấn đề gì cũng dồn vào đường dây nóng này sẽ dẫn đến quá tải” - ông Hoan nói.

    Theo ông Hoan, đường dây nóng của Thành ủy đang triển khai rất nóng. Tổng đài trực luôn trong tình trạng mà các điện thoại viên phải nghe “rát tai” liên tục ngày đêm. Có những người dân gọi đến chỉ để tâm sự chuyện buồn, giống như giải sầu trong đêm nhưng điện thoại viên cũng phải ráng nghe.


    Bộ Công an lên tiếng về việc lùi Luật Biểu tình

    Do nhiều vấn đề chưa được thống nhất nên dự thảo Luật Biểu tình sẽ tiếp tục được lùi lại để nghiên cứu thêm.
    Ngày 1-3, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, lãnh đạo cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết thông tin như trên.
    Thời gian tới, Bộ Công an với vai trò chủ trì sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác nghiên cứu để xây dựng dự án Luật Biểu tình.
    Trả lời về vấn đề quyền biểu tình đã được quy định rõ trong Hiến pháp, vậy trong tình hình chưa có Luật Biểu tình như hiện nay, người dân muốn thực hiện quyền này thì phải làm như thế nào; đại diện Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp cho hay khi Luật Biểu tình chưa được xây dựng thì sẽ áp dụng theo Nghị định 38/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm an ninh trật tự.
    Cụ thể, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Nội dung đăng kí gồm: họ tên, tuổi, địa chỉ của người hoặc tổ chức đăng ký; nội dung, mục đích việc tập trung đông người; ngày, giờ diễn ra hoạt động, thời gian kết thúc; địa điểm tập trung, đường đi, sơ đồ lộ trình sẽ đi qua; tên của các tổ chức dự kiến tham gia và họ tên, tuổi, địa chỉ của người đại diện cho tổ chức đó; số người dự kiến tham gia; cờ, ảnh, phương tiện mang theo, nội dung biểu ngữ, khẩu hiệu (nếu có),...
    Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng cho biết Luật Biểu tình là một dự án luật quan trọng, phức tạp và nhạy cảm. Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã họp cho ý kiến chỉ đạo về tư tưởng, quan điểm, nội dung cơ bản của dự án Luật để định hướng cho việc soạn thảo.
    Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01-2016, trong thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về một số vấn đề quan trọng. Do vậy Chính phủ chưa thông qua và đề nghị UBTVQH cho phép chưa trình dự án Luật này tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII.
    Ngay sau khi có ý kiến của UBTVQH (ngày 17-02-2016), Văn phòng Chính phủ đã báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đề nghị UBTVQH chưa đưa nội dung cho ý kiến đối với dự án Luật Biểu tình vào chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII với lý do cơ quan chủ trì dự án Luật chưa chuẩn bị kịp để trình Chính phủ xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016.

    Truy tố ba kiểm lâm nhận tiền ‘giải cứu’ gỗ lậu

    Ngày 29-2, một nguồn tin cho biết VKSND huyện Hàm Tân, Bình Thuận đã truy tố ba kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Tân là Đỗ Bổn, Lê Quốc Vân và Đặng Quốc An về tội nhận hối lộ.

    Quá trình điều tra, công an xác định nhóm kiểm lâm này nhận 30 triệu đồng của tài xế Ngô Xuân Việt (đã bị bắt giam vào ngày 2-6-2015) để giải cứu xe gỗ lậu.

    Ngày 12-1-2015, tổ kiểm lâm cơ động trên kiểm tra xe chở gỗ biển số 49C-026.62 khi xe dừng tại quán ăn ven quốc lộ 1. Họ đưa xe về chốt kiểm lâm cơ động để kiểm tra. Tài xế Ngô Xuân Việt xuất trình một hóa đơn giá trị gia tăng do Công ty TNHH Ngô Thùy Trang xuất và một bảng kê lâm sản có xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh (Lâm Đồng). Tuy nhiên, so sánh giữa hồ sơ và khối lượng, chủng loại gỗ trên xe không phù hợp. Số gỗ trên xe gấp đôi so với giấy tờ nhưng các kiểm lâm không đưa xe về trụ sở để xử lý mà cho xe đậu hơn 10 giờ trước một quán cà phê.

    Đến 21 giờ cùng ngày, chiếc xe này được “phóng thích” nhưng đến gần địa phận tỉnh Đồng Nai thì bị Công an huyện Hàm Tân phối hợp với CSGT tỉnh Bình Thuận bắt giữ. Khi dừng xe, lực lượng kiểm tra bất ngờ khi phát hiện kiểm lâm tên An ngồi trên xe cùng với tài xế, còn kiểm lâm tên Vân đi mô tô kèm phía sau để áp tải xe gỗ lậu qua khỏi tỉnh Bình Thuận.


    Rà soát các văn bản để tháo ngòi đình công

    Ngày 29-2, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết Bộ đang theo dõi diễn biến, mâu thuẫn các vụ ngưng việc tập thể có quy mô lớn, kéo dài ngày xảy ra tại TP.HCM, Đồng Nai (Pháp Luật TP.HCM phản ánh) để có các hướng dẫn, chỉ đạo xử lý các tình huống.

    Trước mắt Bộ yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý lao động địa phương tập hợp cách thực hiện các chính sách về lương, phụ cấp, phúc lợi; kiến nghị của công nhân và cách xử lý của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh lại các văn bản, thông tư hướng dẫn sát thực tế, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp để hạn chế các vụ đình công.

    “Những vấn đề nào còn tồn đọng, cần vận động doanh nghiệp, công đoàn cùng bàn bạc, thương lượng để tìm biện pháp tháo gỡ, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm” - ông Huân khuyến cáo.

    Về tình trạng nhập nhằng giữa tiền lương, phụ cấp, phúc lợi được xem là nguyên nhân chính của các vụ ngưng việc, ông Huân cho rằng quy định hiện hành lương hay phụ cấp đều phải trích đóng BHXH. Vấn đề nổi lên ở đây là trước khi điều chỉnh các chính sách, doanh nghiệp và đại diện người lao động (công đoàn) có thỏa thuận, bàn bạc gì không hay tự động điều chỉnh các chính sách khiến người lao động bất bình.

    Theo ông Huân, hiện đã có Thông tư 47 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì phát sinh thì điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế cách hiểu không rõ, không đầy đủ làm bùng phát các vụ tranh chấp lao động.

    “Bộ đang giao vụ trưởng Vụ Lao động, tiền lương tiếp tục rà soát, đánh giá thực tiễn vừa qua có gì cần điều chỉnh sát thực tế. Đồng thời, tìm cách hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn và thu nhập người lao động còn thấp” - ông Huân chia sẻ.

    Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách pháp luật BHXH Việt Nam, băn khoăn: Là cơ quan thực hiện các chính sách bảo hiểm, chúng tôi mong muốn các quy định về chính sách này thật chặt chẽ để doanh nghiệp không tìm ra kẽ hở để lách gây thiệt thòi cho người lao động. Bởi vậy, các chính sách về bảo hiểm cần phải quy định rõ ràng, minh bạch khoản nào buộc phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, khoản nào là phúc lợi.


    Cấm cản trở người bào chữa trong hoạt động điều tra

     Ngày 26-11-2015, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) thay thế Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2006, 2009).

    Luật này cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, ghi nhận, tôn trọng, đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là nghiêm cấm các hành vi cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trợ giúp pháp lý; quyền khiếu nại, tố cáo… Điều luật cũng nghiêm cấm các hành vi cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật (khoản 4).


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn