TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh 29-01-2016

    Lừa bán tiền giả qua mạng xã hội

    Chiều 27.1, lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, cho biết vừa phát hiện một vụ mua bán tiền giả trên mạng xã hội.
    Nghi phạm này ở Hà Nội, tuổi đời còn rất trẻ, thường rao trên Facebook là bỏ tiền thật ra để mua tiền giả nhưng thực chất không có tiền giả như rao bán.
    Khi nạn nhân hỏi mua, người này nói đủ mọi cách để nạn nhân gửi tiền đặt cọc qua tài khoản hoặc nạp card. Tuy nhiên, khi nạn nhân gửi tiền hoặc thẻ cào xong thì nghi phạm này cắt đứt liên lạc với nạn nhân để chiếm đoạt toàn bộ tiền.
    Tính đến thời điểm nghi phạm này bị mời lên làm việc, đã lừa đảo tổng cộng 50 triệu đồng và xác định với cơ quan chức năng có rất nhiều nạn nhân mắc bẫy.
    Trong khi đó, những ngày cận tết, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin chào mời mua bán tiền giả. Một tài khoản Facebook có tên “Mua bán…” đăng tải hình ảnh nhiều cọc tiền mệnh giá từ 100.000 - 500.000 đồng với lời mời gọi: “Cận tết anh em tranh thủ lấy sớm giùm hàng 100 (mệnh giá 100.000 đồng - NV) mới về, 500 (mệnh giá 500.000 đồng - NV) còn rất nhiều. Vì lý do gần tết mình rất bận, mong anh em mua từ 2 triệu trở lên mình mới ship (giao hàng) được nha. Mong anh em thông cảm gọi trực tiếp cho mình 0125… và 0123…”.
    Chúng tôi gọi vào số điện thoại 0123… thì bên kia đầu dây giọng một nam thanh niên trả lời: “Thường thì 1 triệu thật đổi 4 triệu giả nhưng dịp tết hàng về nhiều nên em khuyến mãi thêm 500.000 đồng (1 triệu thật đổi 4,5 triệu giả - NV)”.
    Người này bảo: “Nếu mua 2 triệu thì em cho người ship (giao hàng) đến đúng địa chỉ. Nhưng phải gửi trước 50% (1 triệu đồng). Khi nào người mang tiền giả đến thì nhận 1 triệu còn lại. Còn muốn gặp trực tiếp thì phải mua 200 triệu trở lên”.
    Sau khi ngắt máy chừng 2 phút, chúng tôi nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0125… với nội dung: “Huynh Anh Thu số tài khoản 970… ngân hàng chi nhánh V. Cà Mau”.
    Ngoài ra còn hàng loạt tài khoản khác trên mạng xã hội cũng rao mua bán tiền giả: “K.N (mua bán tiền giả)” “B.N (mua bán tiền giả), “Mua bán tiền giả uy tín toàn quốc”, “Mua bán tiền giả - Giá rẻ uy tín”, “Mua bán tiền giả không đặt cọc”…
    Nhiều trang cá nhân còn đăng tải “hướng dẫn sử dụng” và những “nguyên tắc” trong quá trình giao dịch tiền giả. Ngoài ra, nhiều tài khoản đăng tải hình ảnh tiền giả được quấn trong phong bì, có dán tem bưu điện để chứng minh nhiều “giao dịch” thành công nhằm mời gọi những người khác mua tiền giả.
    Trong khi đó, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an cho biết sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo C45 đã chỉ đạo xác minh truy tìm ra các đối tượng rao bán tiền giả và nguồn gốc tiền giả nhằm xử lý đến cùng.
    Mặt khác, vị này cũng cảnh báo khả năng những người ham lợi nên mua tiền giả dễ bị lừa, khi phải chuyển tiền thanh toán trước cho các nhóm rao bán. Tiền nhận xong, bên mua sẽ đóng tài khoản mạng xã hội, cắt liên lạc và có khi chỉ gửi… tiền âm phủ.
    Đáng lưu ý, không chỉ bị lừa mà theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả.

    Công bố chỉ số 'cảm nhận tham nhũng'

    Chỉ số CPI của Việt Nam không cải thiện trong 4 năm liên tiếp (2012 - 2015) và Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng trong khu vực công được cho là nghiêm trọng.
    Ngày 27.1, Tổ chức Hướng tới minh bạch quốc tế công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2015, xếp hạng 168 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng. 
    Theo đó, điểm số của Việt Nam tiếp tục là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
    Theo Cơ quan đầu mối quốc gia tại Việt Nam của Tổ chức Hướng tới minh bạch quốc tế, năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời tập trung vào việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng.
    Tuy nhiên, trước thực tế điểm số CPI của Việt Nam không cải thiện trong 4 năm liên tiếp (2012 - 2015) và Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng trong khu vực công được cho là nghiêm trọng. Điều này cho thấy những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, tham nhũng chưa được giải quyết triệt để và hiệu quả.
    Để tạo ra những chuyển biến tích cực trong cảm nhận về tham nhũng ở Việt Nam, tổ chức trên khuyến nghị Đảng và Nhà nước thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
    Trong đó việc sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào việc kê khai và công khai tài sản, bổ sung các quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, các quy định pháp luật cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế; chỉ định cơ quan đầu mối quản lý tài sản được thu giữ, tịch thu; quy định rõ khái niệm người đứng đầu, phạm vi trách nhiệm, hình thức xử lý cụ thể đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước; bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
    Bên cạnh đó, quy định các biện pháp cụ thể để huy động và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước và người dân vào phòng, chống tham nhũng; xem xét việc thành lập hoặc chỉ định một cơ quan với đủ thẩm quyền, năng lực, nguồn lực và sự độc lập để có thể đảm nhiệm toàn bộ quá trình thanh tra, điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng nghiêm trọng.

    Khởi tố 2 nhà sư giả, lừa đúc tượng Phật chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng

    quynh va thanh o co quan dieu tra - anh: cong an cung cap

    Quỳnh và Thành ở cơ quan điều tra - Ảnh: công an cung cấp


    Chiều 27.1 Cơ quan CSĐT Công an Q.Đống Đa (TP.Hà Nội) cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Thị Quỳnh (34 tuổi) và Trần Kim Thành (36 tuổi), đều cùng ngụ tại H.Tân Kỳ, Nghệ An. 
    Theo Công an Q.Đống Đa, vì không có công ăn việc làm ổn định, lại muốn có tiền tiêu, Quỳnh và Thành đã tìm tới các ngôi chùa rồi lân la, thăm gặp những phật tử đi lễ chùa, dò hỏi các thông tin về quê quán, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình..., từ đó lợi dụng, phán họ cung tiến tượng để gia đình được bình an, may mắn.
    Giá mỗi pho tượng Phật từ 10 - 100 triệu đồng, tùy hình thức, kích cỡ. Sau khi bị hại tin tưởng đưa tiền, Quỳnh và Thành hẹn họ một thời gian sau về chùa Quan Âm ở Nam Định (đây là ngôi chùa không có thật) để chứng kiến lễ đúc tượng Phật.
    Quá thời gian hẹn, không liên lạc được với hai nhà sư này, các bị hại mới biết mình bị lừa và làm đơn trình báo. Hiện Công an Q.Đống Đa xác định, Quỳnh và Thành đã lừa tổng cộng 18 người với số tiền hơn 400 triệu đồng.
    Được biết, trước khi bị Công an Q.Đống Đa bắt giữ, Thành đã có hai tiền án về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cũng bằng thủ đoạn giả sư đi lừa tiền. Năm 2010 Thành bị Công an TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) bắt, sau đó bị xử phạt 6 tháng tù treo.

    Cảnh báo việc giả chữ ký lãnh đạo Bộ, đưa người đi nước ngoài

    Ngày 28-1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cảnh báo hiện tượng lừa đảo, đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.

    Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua một số đối tượng nắm bắt được tâm lý, nguyện vọng người lao động muốn đi làm việc tại Hàn Quốc nên lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết về các chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc để lừa đảo, thu tiền bất chính của người lao động.

    Những đối tượng này thường đưa ra các thông tin không chính xác, hứa hẹn có thể giúp đỡ người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc qua những kênh khác nhau. Thậm chí có đối tượng giả mạo hợp đồng, con dấu và chữ ký của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH để lừa đảo số tiền lớn.

    Để tránh việc bị lừa mất tiền, Cục khuyến cáo người lao động tìm hiểu thông tin, chương trình đi xuất khẩu lao động qua website của Cục (http://www.dolab.gov.vn) và Trung tâm Lao động ngoài nước (http://colab.gov.vn). Cảnh giác trước tất cả thông tin, lời mời, hứa hẹn giúp đỡ đi nước ngoài làm việc, liên hệ cơ quan chức năng để kiểm chứng.

     tuyen dung hoc vien di lam viec tai han quoc.

     Tuyển dụng học viên đi làm việc tại Hàn Quốc.

    Bên cạnh đó, cần tố giác với cơ quan chức năng (Công an, Sở LĐ-TB&XH, nơi cư trú, Cục Quản lý lao động ngoài nước,...) để phối hợp xử lý khi phát hiện những trường hợp lừa đảo.

    Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết hiện nay người lao động có thể đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua 3 kênh chính thức.

    Một là lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS). Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, hiện nay do phía Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ bình thường với Việt Nam nên người lao động mới không thể tham gia. Với các trường hợp đã nộp hồ sơ, người lao động chỉ có thể sang Hàn Quốc làm việc khi có doanh nghiệp lựa chọn ký hợp đồng.

    Chương trình thứ hai là đưa lao động sang làm thuyền viên tàu cá. Người lao động phải đăng ký tại một số doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện, danh sách có tại website http://www.dolab.gov.vn.

    Chương trình thứ ba là đưa lao động trình độ cao sang làm việc theo chương trình thẻ vàng (visa E7).


    Hải quan tiếp tay buôn lậu số hàng hơn 23,6 tỉ đồng

    Ngày 28-1, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án buôn lậu do ba bị cáo Lâm Lương Quang (giám đốc Công ty TNHH Hùng Cường), Châu Thanh Nhàn (làm dịch vụ giao nhận xuất nhập khẩu tự do), Tạ Quang Trình (làm dịch vụ giao nhận tự do) thực hiện.
    Cạnh đó, bị cáo Bùi Anh Tuấn (nguyên cán bộ hải quan Chi cục Hải quan TP.HCM KV3) cùng hầu tòa về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
     cac bi cao tai phien toa.

     Các bị cáo tại phiên tòa.

    Theo hồ sơ, ngày 30-12-2013, Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt do Hồ Sấm Dũng làm giám đốc ký mở sáu tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa. Cùng ngày, Công ty TNHH Nhất Minh do Trần Thị Thu Sang làm giám đốc cũng mở bốn tờ khai nhập khẩu hàng hóa. 10 container hàng của hai công ty trị giá 930 triệu đồng, được Nguyễn Phước Tường và Tuấn, cán bộ bảo quan thuộc Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn KV3 ký thông quan.
    Cũng trong ngày, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 10 container theo 10 tờ khai và phát hiện thực tế hàng hóa trong các lô hàng không đúng như khai báo, có hàng cấm.
    Qua điều tra xác định chủ lô hàng trên là Hồ Há Chẩy. Nhằm mục đích buôn lậu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, Chẩy thuê Quang làm thủ tục nhập khẩu với giá 1,5 triệu đồng/tờ khai. Chẩy cung cấp toàn bộ chứng từ nhập khẩu của hai công ty trên.
    Sau khi hàng về cảng, Quang yêu cầu hai cấp dưới trong đó Nhàn đi lấy lệnh giao hàng tại hãng tàu. Quang đưa 10 bộ hồ sơ của hai công ty, 10 triệu đồng để làm thủ tục nhập khẩu, bảng kê hàng hóa khai báo để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho cấp dưới nhưng cố ý khai báo sai số lượng, chủng loại hàng hóa. Dựa vào hồ sơ, Nhàn thuê Trình làm thủ tục truyền dữ liệu khai báo hải quan điện tử và thuê người cắt Seal...
    Hai cán bộ hải quan Tường và Tuấn được phân công trực tiếp kiểm hóa lô hàng trên theo tỉ lệ 5% nhưng không làm theo quy định, không thực hiện việc kiểm hóa hàng. Theo Cục Hải quan TP.HCM, hàng hóa trong 10 container nếu được khai báo đầy đủ sẽ phải đóng gần 5 tỉ đồng tiền thuế.
    VKS xác định Chẩy cùng đồng phạm dùng thủ đoạn khai báo gian dối về số lượng, chủng loại hàng hóa trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu; móc nối với cán bộ hải quan bỏ qua việc kiểm hóa để nhập lậu 10 container hàng hóa với tổng giá trị hàng phạm pháp là hơn 26,3 tỉ đồng.
    Tháng 5-2015, Tường chết do bệnh hiểm nghèo nên VKS quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can này. Còn Chẩy đã bỏ trốn sau khi sự việc bị phát giác. 
    Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong hai ngày.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn