TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh chiều 11-01-2016

    Đề nghị quốc tế phản đối hoạt động uy hiếp an toàn bay của Trung Quốc

    Cục Hàng không Việt Nam cho biết như vậy trong thông cáo phát đi chiều tối 9-1.

    fir ho chi minh

    FIR Hồ Chí Minh

    Theo Cục Hàng không Việt Nam liên tiếp từ ngày 1 đến 8-1-2016, một số tàu bay Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động bay vi phạm các quy định và quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay trong vùng trời có kiểm soát trong Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh mà ICAO giao cho Việt Nam quản lý. 

    Theo lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) Hồ Chí Minh, các tàu bay của Trung Quốc đã bay cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (có mực bay được quy định từ FL135 đến FL460, tức là mực bay từ độ cao khoảng 4.000 m, đến độ cao khoảng 13.800 m), M771 (có mực bay được quy định từ FL250 đến FL460, tức là mực bay từ độ cao khoảng 7.500 m đến độ cao khoảng 13.800m).

    Các tàu bay của Trung Quốc  đã bay từ mực bay FL180 đến FL265 (tức là mực bay từ độ cao khoảng 5.400 m đến độ cao khoảng 8.000 m, có trường hợp đã bay lên đến độ cao 10.000m), cao hơn mực bay tối thiểu của các đường hàng không nêu trên. Các tàu bay nêu trên của Trung Quốc đã không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và cũng không thiết lập liên lạc thoại với ACC Hồ Chí Minh.

    Ngày 8-1, Cục Hàng không Việt Nam  đã gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Trường Sa, đồng thời phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe doạ đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế.

    Với tư cách là Nhà chức trách hàng không của Việt Nam, ngày 6 và ngày 8-1-2016, Cục Hàng không Việt Nam đã có Thư gửi Văn phòng đại diện khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của ICAO  tại Bangkok (Thái Lan), đề nghị ICAO với tư cách là tổ chức hàng không quốc tế chịu trách nhiệm điều phối chung phải có biện pháp, giải pháp để các quốc gia không thực hiện những hoạt động bay uy hiếp an toàn đến hoạt động hàng không quốc tế.

    Vì trách nhiệm đối với an toàn hàng không quốc tế, cùng với thư thông báo gửi đến ICAO, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư thông báo đến Nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội các Nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong FIR Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không. 

    Cục Hàng không Việt Nam khẳng định hoạt động của các hoạt động bay nói trên của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp đến an toàn khai thác các đường hàng không quốc tế trên biển Đông được ICAO và các quốc gia liên quan thỏa thuận thiết lập, ảnh hưởng đến việc quản lý điều hành bay của các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam đối với FIR Hồ Chí Minh.

    “Về phía các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam, chúng tôi vẫn đang hết sức nỗ lực giám sát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay bình thường trong các Vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

    Cục Hàng không Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, đã và đang phối hợp với ICAO và các tổ chức, hiệp hội quốc tế, các hãng hàng không quốc tế liên quan yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hoạt động bay tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì an toàn hàng không ở Biển Đông”- Cục Hàng không Việt Nam cho biết.


    Sớm kiểm tra đũa dùng 1 lần có chất gây ung thư

    Thông tin trên website của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm, Bộ Y tế Đài Loan phát hiện ba mẫu đũa dùng một lần đều có xuất xứ VN lưu hành tại Đài Loan còn tồn dư hydrogen peroxide. 

    Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho hay vừa có trao đổi với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm, Bộ Y tế Đài Loan, về thông tin trên website của cục này phát hiện ba mẫu đũa dùng một lần đều có xuất xứ VN lưu hành tại Đài Loan còn tồn dư hydrogen peroxide. 

    Chất này có tác dụng kháng khuẩn, khử mùi nhưng có nguy cơ gây ung thư, tổn thương mô, thậm chí gây mọc lông ở lưỡi... nếu sử dụng nhiều lần và quá hàm lượng cho phép.

    Theo ông Phong, hiện phía Đài Loan chưa thông báo sản phẩm còn tồn dư hydrogen peroxide là của công ty nào; theo quy định hiện hành, đũa dùng một lần có thể dùng chất chống mốc, kháng khuẩn để bảo quản nhưng phải trong danh mục và hàm lượng cho phép.

    Tại VN, ông Phong cho biết từng kiểm tra đũa dùng một lần và ống hút, nhưng chưa phát hiện chất ngoài danh mục trong sản phẩm.


    Tàu cá Việt Nam bị tàu nước ngoài đâm chìm ở Hoàng Sa

    tau sar 412 lai dat tau ca cua ngu dan binh dinh bi nan tren bien ve dat lien - anh minh hoa: hoang trong

    Tàu SAR 412 lai dắt tàu cá của ngư dân Bình Định bị nạn trên biển về đất liền - Ảnh minh họa: Hoàng Trọng


    Tối 9.1, Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Bình Định cho biết lúc 14 giờ ngày 9.1, tàu cá BĐ 95207 TS đang hành nghề câu cá ngừ bị tàu 1 vận tải nước ngoài (chưa rõ số hiệu) đâm trúng rồi bỏ chạy ở vùng biển có tọa độ 16033’N – 113044’E, cách đảo Lin Côn (Quần đảo Hoàng Sa) khoảng 60 hải lý về phía Đông Nam.
    Tàu cá BĐ 95207 TS (công suất 610CV) do ông Phạm Tiết (ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 8 thuyền viên.
    Ngay sau khi nhận được tin, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Chi cục Thủy sản tỉnh, Radio Quy Nhơn tìm kiếm và thông báo cho các tàu đang hoạt động trong khu vực biết để hỗ tàu bị nạn.
    Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã chỉ đạo đồn Biên Phòng 308 cử cán bộ thường xuyên liên hệ gia đình chủ tàu và thuyền viên để động viên, nắm bắt thông tin về tàu bị nạn.
    Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, 8 ngư dân trên tàu bị nạn đã lên tàu BĐ 97370TS của ông Nguyễn Minh Thi (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, cùng đội đi biển) cứu sống an toàn.
    Tuy nhiên, do tàu BĐ 95207TS hiện đã chìm hoàn toàn và tàu BĐ 97370TS phải tiếp tục hành trình đi đánh bắt nên đã đề nghị cơ quan tìm kiếm cứu nạn điều tàu ra đưa người bị nạn của tàu BĐ 95207TS về bờ.

    TP. HCM đề nghị sớm góp ý về dự án chống ngập 436 triệu USD

    UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính và một bộ ngành liên quan về việc góp ý cho dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.

    Theo đó, dự án bao gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần 1 sẽ tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm cho khu vực dân sinh hạ lưu, lưu vực sông, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai và Long An và nâng cao năng lực quản lý môi trường, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên.

    Hợp phần 2 sẽ bao gồm việc kiểm soát triều đầu các sông, kênh lớn để ngăn triều ảnh hưởng tới khu vực trung tâm với diện tích lưu vực 14.900ha. Điều tiết mực nước trong các kênh rạch để tăng khả năng thoát nước khi có mưa lớn kết hợp với triều cao và là nguồn trữ nước cho mùa khô.

    Ngoài ra còn các mục đích khác như: Tăng khả năng thoát nước và trữ nước phục vụ sản xuất và giao thông vào mùa khô, phát triển giao thông thủy, bộ chỉnh trang hành lang hai bên kênh rạch tạo cảnh quan đô thị; Xây dựng hệ thống cống thoát nước kết hợp với các kênh nhánh, kênh chính để thoát nước nhanh chống ngập cho khu vực quận Gò Vấp với diện tích 1.772 ha và 130 ha của Phường 13 quận Bình Thạnh; Thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt của lưu vực Tham Lương - Bến Cát trên địa bàn quận Gò Vấp và một phần quận Bình Thạnh để đưa về nhà máy xử lý nước thải Tham Lương Bến Cát.

    Hợp phần 3 sẽ có mục tiêu nhằm cung cấp kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động quản lý dự án và các chi phí khác.

    Cụ thể dự án bao gồm các hạng mục công trình gồm: Xây dựng cống điều tiết kết hợp âu thuyền Nước Lên, Vàm Thuật; Nạo vét và kè bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; Xây dựng cống bao chính tại quận Gò Vấp là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp I; Xây dựng và cải tạo cống thoát nước chung cấp 1, cấp 2, và cống bao nhánh tại quận Gò Vấp; Cải tạo các kênh cấp 2: Hy Vọng, Cầu Cụt, Bà Miêng, Ông Tổng, Ông Bầu, Chín Xiểng.

    UBND TP cho biết tổng mức đầu tư là hơn 436 triệu USD (tương đương 9.557 tỷ đồng) trong đó nguồn vốn vay ODA là 399 triệu USD, Vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố là 37 triệu USD. Thời gian thực hiện của dự án dự kiến từ 2017 đến 2021.

    Trước đó vào ngày 22/12/2015 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng phê duyệt một danh mục dự án, trong đó có dự án này và mới đây Thủ tướng đã chính thức phê duyệt.


    225 tỷ đồng mở rộng đường Lê Trọng Tấn

    Toàn bộ đất giải phóng mặt bằng để mở rộng tuyến đường sẽ lấy khu vực đất do Bộ Quốc phòng quản lý (gần 2,5 ha), vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến khu vực nhà dân sống trong khu vực đường Lê Trọng Tấn.

    Ngày 9/1, thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ.

    Tổng mức đầu tư dự án gần 225 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư.

    Tuyến đường Lê Trọng Tấn hiện có chiều dài hơn 1,5 km, điểm đầu giao với đường Tôn Thất Tùng kéo dài, điểm cuối giao với đường phía đông sông Lừ, có mặt cắt từ 11m đến 12m.

    Sau khi mở đường và hè về phía Quân chủng phòng không không quân chiều rộng mặt cắt ngang từ 27 – 30 mét (rộng gần gấp 3 lần đường cũ). Trên đoạn tuyến này cũng xây dựng 1 cầu bắc qua sông Lừ với mặt cắt ngang rộng 14m, chiều dài 30m để kết nối với tuyến đường hai bên sông Lừ.

    Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành xong công tác điều tra và lập phương án chuyển ngầm nổi hạ tầng kỹ thuật, các hiện vật trưng bày và các khu vực thuộc phạm vi dự án.

    Dự kiến công trình sẽ hoàn thành 1/2 mặt đường cắt ngang trước Tết Bính Thân để phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/4.

    Phát biểu tại lễ khởi công dự án, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành Phố Hà Nội cho biết, sau khi hoàn thành tuyến đường sẽ góp phần quan trọng, giải quyết ách tắc giao thông tại các khu vực lân cận, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 6, đường Giải Phóng, đường Trường Chinh hiện đang quá tải tăng cường kết nối giao thông khu vực Định Công và Linh Đàm, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung của Thủ đô theo quy hoạch.

    Để việc đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn hoàn thành đúng tiến độ, Chủ tịch UBND thành Phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị thi công đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình thi công đặc biệt lưu ý đến đảm bảo tổ chức giao thông thông suốt trong quá trình thực hiện triển khai dự án.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn