TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh chiều 17-02-2016

    Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông

    Ngày 15/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề: “Tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc - yếu tố then chốt nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.”
    dai su nguyen phuong nga (phai) tham du phien khai mac khoa hop 70 dai hoi dong lien hop quoc. (anh: le duong/ttxvn)

    Đại sứ Nguyễn Phương Nga (phải) tham dự phiên khai mạc khóa họp 70 Đại Hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)


    Cuộc họp do Ngoại trưởng Venezuela, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 2 chủ trì. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tham dự và phát biểu tại hội nghị.

    Trong bài phát biểu mở đầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu đạt được, thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức như nội chiến leo thang ở Syria và Yemen, chủ nghĩa bạo lực cực đoan lan rộng, các giá trị cơ bản của luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế bị xem nhẹ. 

    Tổng Thư ký nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong việc chỗ trợ xây dựng năng lực giúp các nước nhận biết và xử lý xung đột và khủng hoảng, thông qua các biện pháp ngăn ngừa như phát hiện, cảnh báo sớm. 

    Ông cũng khẳng định phương châm hoạt động của Liên hợp quốc dựa trên hợp tác, minh bạch và tôn trọng chủ quyền quốc gia theo đúng tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc.

    Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người; nhấn mạnh giá trị của các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay; kêu gọi Liên hợp quốc, đặc biệt là các cơ quan chính là Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), cần đi đầu thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương trên cơ sở tôn trọng giá trị, bản sắc riêng của mỗi nướcvề lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế-xã hội. 

    Đại sứ cũng cho rằng Liên hợp quốc cần phát huy vai trò hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp và ngăn ngừa xung đột; Hội đồng Bảo an cần ưu tiên sử dụng các biện pháp hòa bình theo Điều 33 của Hiến chương, tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, thực hiện tốt vai trò trung gian h​òa giải, huy động nguồn lực và nâng cao năng lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.

    Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh vai trò đoàn kết của ASEAN trong việc bảo đảm cấu trúc an ninh và ổn định tại khu vực, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông với những hành động đơn phương xây dựng, mở rộng đảo, đá bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến môi trường và gây phương hại nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. 

    Đại sứ đề nghị các bên liên quan chấm dứt những hành động làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông; kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
     

    Tại cuộc họp, các nước đều khẳng định vai trò quan trọng của các nguyên tắc cơ bản và mục đích của Hiến chương là yếu tố then chốt để xây dựng và duy trì một kiến trúc an ninh tập thể quốc tế; đề cao các giá trị cốt lõi như tôn trọng độc lập và bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực và vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ giải quyết hòa bình các tranh chấp và giải quyết các vấn đề gốc rễ để ngăn ngừa xung đột, đặc biệt trong bối cảnh an ninh, hòa bình khu vực và thế giới bị đe dọa bởi những tranh chấp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xung đột tôn giáo, sắc tộc, giải trừ quân bị và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan dẫn đến làn sóng di cư bùng phát, dịch bệnh do virus Ebola, Zika, biến đổi khí hậu.


    Không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất trong vòng 15 ngày

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4.
    Theo đó, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật dưới 30 ngày (thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong một năm) không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
    Ngoài ra, các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động còn bao gồm: Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (gồm: Kinh doanh; thông tin; xây dựng; phân phối; giáo dục; môi trường; tài chính; y tế; du lịch; văn hóa giải trí và vận tải); học sinh, sinh viên nước ngoài đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; người nước ngoài có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…
    Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động phải được Sở LĐ-TB&XH nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận trước ít nhất bảy ngày làm việc; thời hạn xác nhận tối đa là hai năm.
    Với các trường hợp còn lại, nếu không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện.

    Hà Nội sẽ giới thiệu 60 người ứng cử đại biểu quốc hội

    Hôm  16.2, HĐND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Ủy ban mặt trận tổ quốc thành phố về dự kiến số lượng, cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng đại biểu ứng cử Quốc hội khóa 14.
    Theo đó, trên cơ sở phân bổ số lượng và hướng dẫn của trung ương, Hà Nội dự kiến có 10 đơn vị bầu cử và số lượng người dự kiến giới thiệu là 60 người.
    Về thành phần, cơ cấu, HĐND thành phố đề nghị, việc giới thiệu người ứng cử cần có tỷ lệ hợp lý về giới tính, độ tuổi, đại biểu là người ngoài đảng, đại biểu dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần đảm bảo có tính thành phần hợp lý, đại diện cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô, một số ngành, giới.
    Cụ thể, cơ cấu thành phần dự kiến phân bổ gồm 1 lãnh đạo chủ chốt thành phố, 2 chuyên trách; Mặt trận tổ quốc, tôn giáo, quân đội, Viện kiểm sát mỗi khối 1 người; 2 người khối doanh nghiệp nhà nước; 3 người từ Viện nghiên cứu, trường đại hoc; 4 người thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, y tế, lao động thương binh xã hội và 14 người do Trung ương giới thiệu.
    Theo HĐND thành phố, cơ cấu trên đã có thống nhất với Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố và xin ý kiến Thường vụ Thành ủy.

    Trung Quốc phối hợp tìm kiếm 3 ngư dân Việt Nam mất tích trên biển

    Ảnh minh họa:: Hoàng Sơn
    Một máy bay trực thăng được đưa tới hiện trường tàu cá Quảng Bình bị chìm để phối hợp tìm kiếm 3 ngư dân Quảng Bình đang bị mất tích.
    Sáng nay, 16.2, đại diện Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VMRCC) nói với Thanh Niên, vào khoảng 21 giờ 30 ngày 15.2, tàu cá mang số hiệu QB 92671 TS bị sóng lớn đánh chìm khi đang hoạt động ngoài khơi cách cửa Du Lâm, đảo Hải Nam, Trung Quốc 45 hải lý về phía đông nam. Trên tàu có 7 lao động, do ông Nguyễn Ngọc Hải trú tại thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình là chủ tàu.
    Nhận được tin báo, VMRCC đã phát thông tin báo nạn hàng hải, yêu cầu các tàu đang hoạt động xung quanh khu vực tàu QB 92671 TS bị chìm tham gia tìm kiếm cứu nạn 7 thuyền viên và đề nghị Trung tâm cứu nạn hàng hải Trung Quốc (China MRCC) phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
    Tại hiện trường có 3 tàu cá Quảng Bình khác cùng một máy bay trực thăng và tàu Nanhaijiu 111 của China MRCC tham gia tìm kiếm cứu nạn. Đến 10 giờ ngày 16.2, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường đã cứu được 4 người, hiện đang khẩn trương tìm kiếm 3 thuyền viên còn mất tích.
    Danh sách thuyền viên tàu QB 92671 TS đã được cứu:
    1. Nguyễn Ngọc Hải 1970 Bố Trạch - Quảng Bình
    2. Nguyễn Văn Bượi 1958 Thị xã Ba Đồn –Quảng Trạch – Quảng Bình
    3. Nguyễn Văn Nghĩa 1994 Bố Trạch - Quảng Bình
    4. Nguyễn Văn Sơn 1998 Bố Trạch - Quảng Bình
    Danh sách thuyền viên tàu QB 92671 TS đang mất tích:
    1. Nguyễn Văn Côi 1972 Bố Trạch - Quảng Bình
    2. Nguyễn Văn Tọa 1964 Thị xã Ba Đồn – Quảng Trạch – Quảng Bình
    3. Nguyễn Văn Nòi 1992 Bố Trạch - Quảng Bình

    Cơ cấu đại biểu Quốc hội ở trung ương ra sao?

    Sáng 16-2, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

    Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay cơ cấu đại biểu Quốc hội ở trung ương dự kiến có 198 đại biểu, được phân bổ như sau:

    Các ban Đảng 11 đại biểu.

    Cơ quan của Chủ tịch nước: 3 đại biểu

    Quốc hội và đại biểu chuyên trách 114;

    Chính phủ: 18 đại biểu

    Bộ Quốc phòng, bao gồm bộ trưởng và đại diện các quân khu: 15 đại biểu; Bộ Công an, bao gồm cả bộ trưởng: ba đại biểu; TAND Tối cao: một đại biểu; VKSND Tối cao: một đại biểu; Kiểm toán nhà nước: một đại biểu, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên: 31 đại biểu.

    Trong đó, phấn đấu có 20% đại biểu là phụ nữ và đại biểu dân tộc thiểu số. Đặc biệt, số lượng đại biểu Quốc hội thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có đại biểu phụ nữ và dân tộc thiểu số, đạ biểu trẻ dưới 40 tuổi, đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài đảng, đại biểu tái cử, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân.

    Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng cần phải có số dư đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Ngay cả tỉ lệ 30% đại biểu nữ và 18% đại biểu dân tộc thiểu số cũng cần có số dư. “Dân quyết định chứ chúng ta không quyết định được” - ông Thường nói.

    Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị thảo luận thẳng thắn nhằm đi đến thống nhất cao trong công tác bầu cử.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn