TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh chiều 25-02-2016

    Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hơn 101.000 tỉ đồng

    Đó là số liệu được Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đưa ra khi báo cáo công tác nhiệm kỳ của mình trước phiên họp sáng nay (24-2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Ông Vạn cho biết: Bình quân hằng năm Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện từ 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.

    Trong năm năm (2011-2015), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền là 101.037 tỉ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỉ đồng). Trong đó, chuyển chín hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và ĐBQH để phục vụ kiểm tra, giám sát.

    ong nguyen huu van - tong kiem toan nha nuoc

    Ông Nguyễn Hữu Vạn - Tổng kiểm toán Nhà nước

    Trước những con số trên, Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu tỏ ra lo lắng: “Quản lý tài chính công của ta đi đến đâu, làm sao để kiểm soát quản lý tài chính công chứ kết quả năm năm mà bằng 55% của 21 năm thì đáng lo". Theo ông Giàu, những số liệu trên cho thấy việc quản lý tài chính công của Việt Nam nhiều năm qua không có tiến bộ và có vấn đề.

    Các ý kiến cũng cho rằng công tác “hậu kiểm toán” vẫn chưa được coi trọng, vẫn chưa ai bị xử lý sau kiểm toán, chưa phát huy vai trò chống tham nhũng, lãng phí giống như kiểm toán của nước ngoài.

    “Kiểm toán là “vũ khí” của Quốc hội để kiểm soát vấn đề tài chính quốc gia, ngân sách nhà nước, thu-chi tiêu như thế nào? Tuy nhiên, vấn đề “hậu kiểm toán” lại chưa tốt. Hằng năm kiểm toán kiến nghị thu hồi hàng ngàn tỉ đồng cho Nhà nước nhưng xử lý được đến đâu? Thu được bao nhiêu? Số còn lại xử lý thế nào thì chưa rõ”, Chủ nhiệm HĐDT Ksor Phước nói.

    Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho rằng Luật Kiểm toán nhà nước đã quy định trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhưng đến nay việc quy trách nhiệm dường như chưa được thực hiện. "Tôi chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật vì không thực hiện kết luận của kiểm toán. Quốc hội, Chính phủ cũng chưa xử lý kỷ luật ai không thực hiện theo kết luận của kiểm toán, ngay bản thân kiểm toán cũng chưa đề xuất kỷ luật được ai, chủ tịch tỉnh nào, vi phạm trong khi kiến nghị của kiểm toán rất đúng", ông Lý nói.

    ong nguyen van hien - chu nhiem ubtp

    Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm UBTP

    Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho rằng hiệu quả của công tác KTNN trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, chỉ tập trung mặt xử lý hành chính, ít xử lý hình sự. Bằng chứng là trong khi kiến nghị xử lý hơn 101.000 tỉ đồng trong cả nhiệm kỳ năm năm thì KTNN mới đề nghị xử lý chín hồ sơ của 11 vụ do có vi phạm pháp luật. Nước khác có tới 80%-90% vụ tham nhũng là do kiểm toán, thanh tra phát hiện. Ở ta thì tham nhũng chủ yếu do nhân dân và báo chí phát hiện. KTNN là thay mặt Nhà nước trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, do đó  cần tăng cường phát hiện những vi phạm, tham nhũng thông qua kiểm toán việc sử dụng chi tiêu ngân sách của các cơ quan, đơn vị".


    TP HCM có thể mất 1.000 tỷ đồng nếu đóng cửa bãi rác

    Theo Thanh tra thành phố, nếu đóng cửa bãi rác số 3 (huyện Củ Chi), thành phố sẽ mất khoảng 1.000 tỷ đồng gồm vốn đầu tư và tiền bồi thường cho nhà thầu.

    Chánh Thanh tra TP HCM vừa kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố cân nhắc chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 - thuộc khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi, nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước.Theo cơ quan này, nếu vẫn quyết đóng cửa bãi rác, thành phố phải mất khoảng 1.000 tỷ đồng, gồm 600 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng và 400 ty đồng dự kiến phải bồi thường cho nhà đầu tư Hàn Quốc - nhà thầu chính xây dựng bãi chôn lấp rác.

    du an bai chon lap so 3 trong khu xu ly chat thai ran phuoc hiep dang duoc xay  dung. anh: h.p

    Dự án bãi chôn lấp số 3 trong khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp đang được xây  dựng. Ảnh: H.P

    Bãi rác số 3 do Công ty Môi trường Đô thị TP HCM làm chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu KBEC (Hàn Quốc), bắt đầu nhận rác từ năm 2013. Tính đến đầu năm 2015, bãi rác đã hoàn thành xây dựng 70% diện tích và đang trong quá trình tiếp nhận 2.000 tấn rác mỗi ngày.

    Tuy nhiên, đầu năm ngoái, UBND thành phố có chủ trương đóng cửa bãi rác số 3, chuyển rác về khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh). Chính quyền thành phố cũng đồng ý điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam nâng công suất tiếp nhận, xử lý của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước từ 3.000 lên 10.000 tấn mỗi ngày.

    Trước đó, tháng 8/2015, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM đã có thư gửi UBND TP cho rằng, tính đến khi nhận được thông báo ngưng dự án, nhà thầu KBEC (Hàn Quốc) đã rót nhiều chi phí đầu tư cho bãi rác như nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư nhập từ Hàn Quốc, thu mua vật tư tại chỗ... Quyết định dừng dự án bãi chôn lấp số 3 khiến nhà thầu KBEC đối mặt với nhiều khó khăn.

    Theo phía Hàn Quốc, chính quyền thành phố dừng hay tạm dừng dự án bãi chôn lấp số 3 không có lý do chính đáng mà chỉ vì chính sách thay đổi là điều không công bằng và không chấp nhận được theo thông lệ hợp đồng quốc tế, có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý mang tính quốc tế.

    Cũng theo kết luận của Thanh tra thành phố, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (nơi tiếp nhận thêm 2.000 tấn rác mỗi ngày từ bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp) theo dự án được duyệt ban đầu có công suất 3.000 tấn mỗi ngày và hiện nay đã tiếp nhận bình quân 5.000 tấn mỗi ngày. Song, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, lực lượng kiểm tra, giám sát về môi trường bị hạn chế trong việc tiếp cận hoạt động xử lý chất thải của khu liên hợp này.

    Do vậy, Thanh tra đề nghị thành phố cần cân nhắc đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, việc hợp tác và chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, đánh giá tác động môi trường, sức chịu tải của nền đất và hạ tầng kỹ thuật khu xử lý rác này. Đặc biệt là vấn đề an ninh chất thải trong trường hợp Khu xử lý chất thải Đa Phước xảy ra tình trạng sụt, lún, cháy nổ,…

    Thanh tra cũng kiến nghị thành phố cần tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích trong lĩnh vực xử lý rác thải theo đúng Nghị định của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích để tránh tình trạng độc quyền, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách.


    Kỷ cương phép nước mờ nhạt ở nhiều nơi

    Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, thành viên hội đồng khoa học Viện Khoa học tổ chức nhà nước.

    cong trinh so 8b le truc ha noi voi chieu cao xay vuot muc cho phep la 16m da phai cat bo chieu cao vi pham - anh: nguyen khanh

    Công trình số 8B Lê Trực Hà Nội với chiều cao xây vượt mức cho phép là 16m đã phải cắt bỏ chiều cao vi phạm - Ảnh: Nguyễn Khánh

    Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Khiển liên quan vấn đềthực thi công vụ hiện nay ở nước ta.

    * Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi công vụ ở nước ta hiện nay?

    - Kết quả của việc thực thi công vụ thể hiện ở kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này khó mà đánh giá ngắn gọn. Theo tôi, trong nhiều năm qua, cùng với quá trình cải cách nền hành chính quốc gia, có thể khẳng định việc thực thi công vụ nói chung đã có nhiều bước đột phá tích cực.

    Ví dụ như thực thi công vụ trong lĩnh vực thuế, hải quan được cải thiện nhiều so với trước đây, thái độ thực thi tốt hơn, thủ tục ít hơn, thời gian thực thi ngắn hơn.

    Nhưng cần nói thẳng là chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề nổi lên lâu nay là tình trạng tham nhũng vặt.

    Theo phản ánh của dư luận thì hầu như tất cả giao dịch liên quan đến hệ thống công vụ đều có cơ chế tiền nong. Dư luận thì có thể không hoàn toàn đúng, hỏi chứng cứ đâu thì dư luận không có, nhưng cũng nên hỏi ngược lại là tại sao dư luận này tồn tại.

    Một vấn đề được ghi vào văn kiện của Đảng là “chạy chức, chạy quyền”. Chỗ nào có “chạy” thì khó mà đảm bảo chất lượng thực thi công vụ được, vì nguyên tắc quan trọng nhất trong thực thi công vụ là tính liêm chính bị gác sang một bên.

    Đây là môi trường hình thành loại cán bộ “năng lực thì hạn chế nhưng mưu kế thì vô biên”.

    * Vào đầu năm sau Tết Nguyên đán, các cấp có thẩm quyền thường phải yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động. Ông nghĩ sao?

    - Tôi không dám nói tất cả, nhưng quan sát xã hội hiện nay tôi thấy sự duy tâm trong đầu óc một bộ phận cán bộ, công chức là rất lớn, họ tham gia rất sâu vào các sinh hoạt văn hóa tâm linh.

    Tất nhiên đây là quyền của mỗi người. Nhưng nên nhớ là người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao cán bộ, công chức đó phải cầu xin, có biểu hiện dựa vào thần thánh. Trong khi lễ hội ăn thề chống tham nhũng không thấy quan chức nào đến thì những lễ hội khác lại thấy quan chức đến rất nhiều.

    Có thể khẳng định kỷ cương phép nước mờ nhạt ở nhiều nơi. Rất nhiều vụ việc xảy ra, cuối cùng người dân không thấy ai bị kỷ luật hoặc chỉ kỷ luật cấp dưới một cách sơ sài.

    Ví dụ như vụ tòa nhà 8B Lê Trực, xử lý cắt ngọn tòa nhà này là một chuyện, chuyện khác là kỷ luật những cán bộ, công chức để xảy ra vụ việc này thì dư luận cho là chưa tương xứng.

    Bối cảnh chung như vậy, nên việc lãnh đạo nào đó có thái độ nghiêm túc trong xử lý trách nhiệm cấp dưới mà chúng ta hay gọi là “trảm tướng” đều được dư luận rất ủng hộ.

    * Vậy theo ông, cần làm gì để cải thiện chất lượng thực thi công vụ?

    - Chất lượng thực thi công vụ là vấn đề then chốt của cải cách hành chính. Muốn cải thiện thì phải tiến hành đồng bộ nhiều việc. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh hai việc là mạnh dạn tinh giản biên chế và kỷ luật nghiêm minh để siết chặt đội ngũ.

    Với bộ máy cồng kềnh như hiện nay mà mỗi năm giảm vài nghìn biên chế thì chỉ như muối bỏ biển. Chúng ta cũng phải mạnh dạn nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo, sáp nhập các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước có chức năng giống nhau, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp.

    Trao quyền và giao trách nhiệm cho người đứng đầu, anh được quyền chọn bộ máy, nhưng hiệu quả công việc sẽ quyết định cái ghế của anh.(TT)


    Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cử người đi nước ngoài học trồng cây

    Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc làm việc mới đây của UBND TP Hà Nội với các sở ngành, địa phương về công tác cắt tỉa, trồng mới, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố.

    Nội dung chỉ đạo kết luận này của Chủ tịch UBND TP Hà Nội được ông Lưu Quang Huy, Chánh VP UBND TP Hà Nội ký văn bản thông báo gửi các cơ quan, đơn vị liên quan vào ngày 23-2.

    trong cay xanh tren duong pho ha noi

    Trồng cây xanh trên đường phố Hà Nội

    Theo đó, ông Chung yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, đề xuất, lựa chọn một số cán bộ quản lý lĩnh vực cây xanh thuộc Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cử đi nước ngoài đào tạo, học tập ngắn hạn.

    Cùng với đó, ông Chung cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội nghiên cứu, tổ chức lại bộ máy của công ty theo hướng thành lập các đơn vị cắt tỉa chuyên nghiệp, các xí nghiệp trồng cây mới và phát triển cây giống, xí nghiệp quản lý cây xanh…

    “Sau khi cơ cấu lại, các đơn vị bố trí lựa chọn một số cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ về cắt tỉa đi học kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh tại Singapore, Trung Quốc” - văn bản thông báo viết.

    Bên cạnh đó, ông Chung cũng yêu cầu giao toàn bộ việc cắt tỉa, trồng mới, thay thế cây xanh trên toàn bộ 12 quận trung tâm cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện.

    Việc trồng mới cây, thay thế cây cong, cây mục nát phải thực hiện trong đêm. Sau khi thay thế sẽ tiếp tục cắt tỉa vào thời điểm thích hợp, đảm bảo điều kiện sinh trưởng của cây. Những tuyến phố có cây từ 10 năm tuổi trở lên, khi thay thế phải đảm bảo cây có đường kính tương ứng, đồng thời phải đánh chuyển những cây không đúng chủng loại cây đô thị ra khỏi nội đô…


    Hơn nửa tấn mỡ bò thối tuồn vào thủ đô

    Số mỡ bò bốc mùi hôi thối chứa trong hàng chục bao dứa đang trên đường chở đi tiêu thụ thì bị cảnh sát giao thông Công an Hà Nội chặn giữ.
    mo bo boc mui hoi thoi bi canh sat giao thong chan giu. anh: son duong

    Mỡ bò bốc mùi hôi thối bị cảnh sát giao thông chặn giữ. Ảnh: Sơn Dương

    20h tối 23/2, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông 14, gồm trung uý Hoàng Xuân Quang, Nguyễn Quang Thảo và Thái Huy Văn làm nhiệm vụ tại ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng, phát hiện xe tải có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng kiểm tra.

    Khi tài xế Nguyễn Đăng Ninh (29 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) mở cửa thùng sau, tổ công tác ghi nhận 27 bao tải đựng mỡ bò với trọng lượng 600 kg bốc mùi hôi thối. Lái xe Ninh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng.

    Tổ công tác đã bàn giao toàn bộ số mỡ bò cho Đội cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai để tiếp tục làm rõ. 


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn