TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh trưa 12-10-2015

    Chỉ số cạnh tranh hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc

    Chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng từ 76 trong năm trước lên hạng thứ 67 trong năm 2015.

    Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 12 bậc trong năm nay. Trong đó, chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông tăng 9 bậc, từ thứ hạng 76 trong năm trước lên hạng 67 trong báo cáo năm 2015 - 2016.

    Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông đã thực hiện các đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại ngành nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.Trong hai năm qua, lĩnh vực vận tải đã tái cơ cấu thị trường nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ. Trên các hành lang vận tải chính đã tăng thị phần đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận tải xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.

    duong ho chi minh qua tay nguyen (quoc lo 14) da hoan thanh giua nam 2015. anh: d.loan

    Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) đã hoàn thành giữa năm 2015. Ảnh: Đ.Loan

    Cũng theo ông Trần Bảo Ngọc, Bộ Giao thông đã điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong đầu tư để tạo ra kết quả là sự cải thiện đáng kể về hạ tầng giao thông. Cùng với việc đầu tư xây dựng, ngành cũng tập trung khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng. Điển hình là chất lượng dịch vụ cảng biển đã nâng cao được tính cạnh tranh với các cảng biển lớn trong khu vực.

    Nhận định về chỉ số xếp hạng của WEF, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, lĩnh vực giao thông vận tải đã có đóng góp rất tích cực trong việc cải thiện chỉ số cạnh tranh này. Hai năm qua, hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều nguồn vốn BOT cũng là một thành tựu lớn, giúp giao thông thuận tiện, an toàn hơn. Cùng với đó, lĩnh vực vận tải được quản lý chặt hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, phát triển ổn định và cạnh tranh lành mạnh.

    Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, Bộ Giao thông đã giải quyết được 2 đột phá là nhân lực và thể chế. Ngành đã tạo được sự thay đổi trong tư duy quản trị, chuyển từ cái gọi là chịu trách nhiệm tập thể, sang gắn với trách nhiệm cá nhân. Điều này buộc mỗi quan chức cũng như công chức phải nâng mình lên. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng gắn với trách nhiệm cá nhân, người lãnh đạo chịu trách nhiệm thì phải cam kết, cam kết thì phải thực thi.

    Theo ông Trần Đình Thiên, kết quả đổi mới của hạ tầng giao thông đã được ghi nhận cả trên phương diện quốc tế, thể hiện qua sự thăng hạng của các chỉ số về hạ tầng giao thông, logistics hay sự ghi nhận liên tục giữ top đầu về cải cách hành chính. Năm 2014, theo đánh giá về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48/160 nước nghiên cứu (tăng 5 bậc so với năm 2012) và đứng thứ tư trong các nước thành viên ASEAN.


    Trưởng ban các khu công nghiệp Thừa Thiên-Huế đề nghị tỉnh thanh tra đơn vị mình

    Cho rằng cơ quan có nhiều sai phạm về đầu tư công, kinh phí hoạt động, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Thừa Thiên – Huế đề nghị lãnh đạo tỉnh cho thanh tra toàn bộ đơn vị mình trong khoảng thời gian trước khi ông này nhậm chức.

    Ông Phan Văn Xuân, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Thừa Thiên - Huế vừa có văn bản đề nghị Sở Tài chính và UBND tỉnh này thanh tra toàn diện việc sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2012-2015, sử dụng quyết toán, vốn đầu tư xây dựng cơ bản các công trình do ban này làm chủ đầu tư từ năm 2015 trở về trước.Ông Xuân cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép ban này được niêm phong tài liệu và quyết toán xong công trình đường trong khu công nghiệp thuộc ban để đảm bảo tính pháp lý và khách quan, phục vụ công tác thanh, kiểm tra. Việc kiểm tra, thanh tra phải giao cho cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thực hiện (Sở Tài chính hoặc Thanh tra tỉnh) nhằm có kết luận đầy đủ, toàn diện và minh bạch.

    ong phan van xuan (bia trai) trong le bo nhiem giu chuc truong ban quan ly cac khu cong nghiep. anh: thanh son.

    Ông Phan Văn Xuân (bìa trái) trong lễ bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn.

    Theo văn bản ông Xuân ký gửi các cơ quan chức năng hôm 7/10, qua công tác kiểm tra kinh phí hoạt động năm 2014, việc chi tiêu tiếp khách của Ban vượt 50 triệu đồng nhưng không điều chỉnh dự toán với phần kinh phí không giao tự chủ, các khoản thu về cho thuê kho ngoại quan Khu công nghiệp Phú Bài (65 triệu đồng) không nộp vào ngân sách Nhà nước; nợ thuế trên 31 triệu đồng, mua sắm tài sản vượt mức…

    Về công tác đầu tư xây dựng cơ bản (các công trình do Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư) từ năm 2014 trở về trước, đa số đã hoàn thành thẩm tra quyết toán nhưng việc xử lý trách nhiệm vật chất, thu hồi các khoản kinh phí quyết toán sai cho nhà nước vẫn chưa được thực hiện. Một số công trình đến nay vẫn chưa quyết toán được, không có người đứng ra chịu trách nhiệm. Tình trạng này làm ảnh hưởng xấu đến việc triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản theo Luật Đầu tư công đối với đơn vị trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

    Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế đang làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh về các nội dung liên quan đối với Chi bộ, Bí thư chi bộ và Trưởng ban. Đoàn cũng yêu cầu Ban quản lý cung cấp các chứng từ gốc, hồ sơ liên quan đến việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ngân sách, tài chính, xây dựng cơ bản. Cụ thể là kinh phí chi tiêu thường xuyên năm 2015, kinh phí xây dựng cơ bản công trình đường trong khu công nghiệp.

    Đánh giá về việc người đứng đầu một cơ quan chủ động xin được thanh tra chính đơn vị mình, ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch Thừa Thiên – Huế, cho rằng việc làm này thể hiện "sự tự giác cao". "Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin về đề nghị trên của ông Xuân", ông Thọ nói.

    Ông Phan Văn Xuân được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế từ ngày 5/1/2015. Trước đó, ông Xuân là Phó chủ tịch Thị xã Hương Thủy. Khoảng thời gian từ 1/10/2009 – 1/10/2014, Ban quản lý các khu công nghiệp do ông Nguyễn Hữu Trân phụ trách. Sau khi ông Trân thôi chức, ông Nguyễn Văn Sơn (Phó trưởng ban) được cử phụ trách Ban cho đến khi ông Xuân được bổ nhiệm.

     


    Nếu không tập trung triển khai, khả năng sẽ không hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN

    neu khong tap trung trien khai, kha nang se khong hoan thanh ke hoach tai co cau dnnn

    Nếu không tập trung triển khai, khả năng sẽ không hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN

    “Không để chậm trễ, kéo dài và phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa DNNN một cách triệt để”, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, đồng thời cho biết đây là ý kiến chỉ đạo của Chính phủ mà các địa phương cần nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới. Chiều 9/10, tại TPHCM, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà đồng thời là Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã có buổi làm việc với một số địa phương phía Nam về tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN trên địa bàn.

    Đây là những địa phương còn nhiều DNNN chưa hoàn thành cổ phần hóa, có khả năng chậm tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2015.

    Cùng dự buổi làm việc có Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp VPCP Nguyễn Trọng Dũng, đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp TPHCM và tỉnh Bình Dương.

    Sau khi nghe các địa phương báo cáo kết quả và  khó khăn trong quá trình thực hiện, ông Lê Mạnh Hà đề nghị các địa phương cần nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các phương án tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là kế hoạch cổ phần hóa DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu DNNN một cách nghiêm túc. Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới tổ chức, hoạt động, quản lý, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành nhằm đẩy nhanh quá trình này.

    Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN còn chậm, số DNNN phải hoàn thành tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn khá nhiều. Vì vậy nếu không tập trung quyết liệt triển khai, có khả năng sẽ không hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011-2015.

    Kế hoạch năm 2015, cả nước phải cổ phần hóa 289 DNNN. Nhưng đến tháng 8/2015 mới cổ phần hóa được 95 DN, chỉ đạt 32,8% kế hoạch đề ra.

    Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong tổng số 6 DNNN thuộc diện phải tiến hành cổ phần hóa, tỉnh mới hoàn thành cổ phần hóa một DN. Những DN chưa hoàn thành gồm: Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây dựng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp và Tổng Công ty Thương mại, xuất nhập khẩu Thanh Lễ.

    Trong số các DN nêu trên, đến hết năm 2015, tỉnh Bình Dương dự kiến cũng chỉ hoàn thành cổ phần hóa đối với 2 DN. Còn 3 DN, tỉnh dự kiến xin chuyển kế hoạch thực hiện sang năm 2016.

    Tương tự ở TPHCM, tính đến tháng 10/2015, trên địa bàn còn đến 16 DN (trong tổng số 21 DNNN đã được phê duyệt tại kế hoạch năm 2015) vẫn chưa hoàn thành cổ phần hóa. Từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ tiếp tục ban hành quyết định công bố giá trị, phê duyệt phương án cổ phần hóa đối với 13 DN. Số DN còn lại, Thành phố cũng xin được điều chỉnh kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

    Về nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ cổ phần hóa, theo phản ánh từ các địa phương, chủ yếu là do các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể hết các trường hợp phát sinh trong thực tế, dẫn đến việc áp dụng vào thực tế còn nhiều lúng túng. Ví dụ như phương pháp xác định giá trị đối với tài sản là các dự án đường BOT, việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh để tính vào giá trị DN…

    Bên cạnh đó, quá trình cổ phấn hóa chậm do thời gian tổ chức xác định giá trị DN kéo dài. Đặc biệt là tại các Tổng công ty có tài sản lớn, kinh doanh nhiều lĩnh vực, đa ngành nghề. Đơn cử như trường hợp hai Tổng Công ty tại Bình Dương, sau 9 tháng thực hiện xác định giá trị DN nhưng vẫn chưa xong.

    Ngoài ra, các yếu tố khác như việc chuyển chức năng thẩm định giá quyền sử dụng đất từ Sở Tài chính sang Sở TN&MT; cùng những khó khăn trong việc chuyển giao các dự án liên doanh với nước ngoài về công ty mẹ… cũng ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

    Nhận định những khó khăn của tỉnh Bình Dương và TPHCM trong việc thực hiện tái cơ cấu DNNN cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước, Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp VPCP Nguyễn Trọng Dũng cho rằng, thời gian tới, TPHCM và Bình Dương có thể tham khảo cách làm của các địa phương khác, từ đó rút kinh nghiệm, nghiên cứu phương án giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện.

    Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2015, trước mắt, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị, DN khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan; đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh quá trình xác định giá trị DN, phê duyệt phương án cổ phần hóa DN; tăng cường tiếp xúc với DN để tìm hiểu nguyên nhân chậm tiến độ…; vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Nhà nước, triển khai ngay các biện pháp khắc phục phù hợp với tình hình thực tế.


    Nhân sự mới UBND tỉnh Vĩnh Phúc

    ong nguyen van tri - tan chu tich ubnd tinh vinh phuc

    Ông Nguyễn Văn Trì - tân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

    Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011- 2016.
    Cụ thể, tại Quyết định 1729/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

    Đồng thời, tại Quyết định 1728/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Phùng Quang Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để nghỉ hưu theo chế độ.

    Tại Quyết định 1727/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với bà Dương Thị Tuyến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để nghỉ hưu theo chế độ.

    Tại Quyết định 1732/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hữu Thục, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc.

    Đồng thời, tại Quyết định 1731/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phùng Sỹ Tấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc để nhận nhiệm vụ mới.

    Bộ Chính trị bổ nhiệm hai Phó trưởng ban Nội chính Trung ương

    Ông Nguyễn Văn Thông và Võ Văn Dũng hôm nay đã nhận quyết định giữ chức Phó trưởng ban Nội chính Trung ương.

    Sáng 10/10, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên nhiệm kỳ 2010-2015, để giữ chức Phó trưởng ban Nội chính Trung ương.Bộ Chính trị cũng điều động ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu nhiệm kỳ 2010-2015 để giữ chức Phó trưởng ban Nội chính Trung ương.

    ong nguyen van thong, uy vien trung uong dang, duoc phan cong giu chuc pho truong ban noi chinh trung uong. anh: ttxvn.

    Ông Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Trung ương Đảng, được phân công giữ chức Phó trưởng ban Nội chính Trung ương. Ảnh: TTXVN.

    Tại buổi lễ, ông Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chúc mừng hai ông Nguyễn Văn Thông và Võ Văn Dũng nhận nhiệm vụ mới. Ông Minh tin tưởng rằng, trong thời gian tới với những kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở, các ông sẽ có nhiều đóng góp, đoàn kết cùng với tập thể lãnh đạo Ban Nội chính hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    Nhận quyết định điều động, ông Nguyễn Văn Thông và ​ông Võ Văn Dũng khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, năng lực công tác cùng tập thể lãnh đạo Ban Nội chính hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó, xây dựng tập thể Ban Nội chính Trung ương đoàn kết, nghĩa tình. 

    Ông Nguyễn Văn Thông sinh năm 1956, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông Võ Văn Dũng sinh năm 1960, quê Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.(TTXVN)


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn