TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin trong nước đọc nhanh trưa 26-11-2015

    Thủ tướng phê chuẩn nhân sự mới tỉnh Kiên Giang

    Thủ tướng đã ký các quyết định phê chuẩn nhân sự tỉnh Kiên Giang, theo đó phê chuẩn ông Phạm Vũ Hồng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, miễn nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, để nhận nhiệm vụ mới.

    thu tuong phe chuan nhan su moi tinh kien giang

    Thủ tướng phê chuẩn nhân sự mới tỉnh Kiên Giang

     

    Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị (bìa trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng (thứ hai từ phải qua) tại cuộc họp HĐND tỉnh ngày 28-10 - Ảnh: Giáo dục và Thời đại

    Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định phê chuẩn nhân sự của UBND tỉnh Kiên Giang.

    Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

    Đồng thời, Thủ tướng cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Lê Văn Thi để nhận nhiệm vụ mới.

    Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Thanh Nghị để nhận nhiệm vụ mới.

    Trước đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020, diễn ra trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Nghị đã được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng với ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Nghị trở thành một trong hai bí thư tỉnh, thành ủy trẻ nhất nước (cùng 39 tuổi).

    Sau đó, tại kỳ họp bất thường diễn ra ngày 28-10, HĐND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đã miễn nhiệm chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đối với ông Nguyễn Thanh Nghị để nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Tỉnh ủy.


    Trưng cầu ý dân về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia

    Quốc hội sẽ xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia và ý kiến nhân dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu.

    Chiều 25/11, với trên 86% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật trưng cầu ý dân.

    Theo quy định của luật, những vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp, các vấn đề đặc biệt quan trọng về: chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

    Về kết quả trưng cầu ý dân, luật quy định, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

    Các chủ thể được đề nghị trưng cầu dân ý là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

    Trước ý kiến đề nghị cần giải thích, quy định rõ thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng”, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho hay, việc xác định thế nào là “đặc biệt quan trọng” gắn với nội dung từng vấn đề được xem xét, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Do đó, nội dung này nên để Quốc hội cân nhắc, xem xét quyết định khi có đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này.

    Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương 52 điều có hiệu lực từ 1/7/2016.


    Bộ tư lệnh châu Á Thái Bình Dương Hoa Kỳ xây phòng khám khu vực

    Dự án có vốn đầu tư 7 tỉ đồng do Bộ tư lệnh châu Á, Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ sẽ tiến hành xây dựng vào đầu năm 2016 tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

    Ngày 25-11, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho biết đã chỉ đạo UBND huyện Ba Tơ tiếp nhận dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng Phòng khám đa khoa khu vực Ba Vì. Đồng thời tiến hành giải phóng mặt bằng, hợp đồng với các đơn vị rà phá bom mìn để triển khai dự án.

    Được biết, dự án này có vốn đầu tư 7 tỉ đồng do Bộ tư lệnh Châu Á, Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ sẽ tiến hành xây dựng vào đầu năm 2016 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho dân 5 xã vùng xa huyện miền núi Ba Tơ gồm Ba Vì, Ba Xa, Ba Tiêu, Ba Ngạc và Ba Tô.


    Công an vào cuộc điều tra chương trình “Trái tim Việt Nam”

    Cục An ninh Nông thôn, Bộ Công an vừa yêu cầu lực lượng tại các địa phương thực hiện việc tuyên truyền để người dân nắm rõ và không tham gia những chương trình có dấu hiệu bất thường như chương trình “Trái tim Việt Nam”.

    Ngoài ra, cơ quan điều tra một số địa phương cũng đã vào cuộc điều tra những dấu hiệu tình nghi vi phạm pháp luật của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (trực thuộc Hiệp hội doanh nghiện vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam) do ông Trần Đức Trung và bà Lê Thị Hằng làm lãnh đạo.

    Cụ thể, khoảng giữa tháng 11-2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Hà Nội nhận được thông tin trung tâm của ông Trung, bà Hằng có dấu hiệu lừa đảo hàng nghìn người dân với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Do đó, cơ quan công an đã vào cuộc để điều tra, xác minh.

    PC45 Hà Nội đã làm việc với ông Trần Đức Trung và bà Lê Thị Hằng nhiều lần nhằm làm rõ những dấu hiệu liên quan đến hành vi lừa đảo. Bước đầu cơ quan điều tra thấy có những vấn đề nổi cộm cần làm rõ nên vẫn đang tiếp tục xác minh.

    Trong khi đó, tại Bắc Giang, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) cũng đã làm việc với các cơ sở thuộc chương trình “Trái tim Việt Nam”.

    Bước đầu, PC46 Bắc Giang yêu cầu cơ sở phải cung cấp các tài liệu, hồ sơ liên quan cũng như các loại hàng hóa được cung cấp đến người tiêu dùng, danh sách thành viên tham gia và số tiền thu được. Công an cũng đang làm rõ số tiền 5,4 triệu đồng/người mà mỗi thành viên nhận được lấy từ đâu, vì sao hỗ trợ…

    Ngoài Bắc Giang, Hà Nội, cũng còn nhiều địa phương khác đang tiến hành xác minh những dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến chương trình này.

    Được biết, nhiều thông tin cho thấy Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, do nhà báo Trần Đức Trung (vừa bị rút thẻ), chủ tịch Hội đồng thành viên và Lê Thị Hằng, tổng giám đốc, có dấu hiệu lợi dụng uy tín của các nhà lãnh đạo cấp cao để trục lợi.

    Theo đó, trung tâm này khai trương các cơ sở tại nhiều địa phương và thường trưng ra những hình ảnh, khoe khoang đây là chương trình của một vị lãnh đạo cấp cao.

    Bước đầu trung tâm tìm đến Hội nông dân nhờ tìm kiếm những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để trung tâm hỗ trợ tặng nhà tình nghĩa 50 triệu đồng, tặng sổ tiết kiệm, tặng phân vi sinh, thuốc thực phẩm chức năng…

    Sau đó, lãnh đạo và cán bộ trung tâm mới tìm đến những người có chức trách trong xã, mời chào để trở thành thành viên của trung tâm nhằm thu tiền ủng hộ trung tâm thực hiện chương trình “Trái tim Việt Nam”.

    Bằng hình thức này, trung tâm của ông Trung, bà Hằng bị cáo buộc đã thu của người dân hàng trăm tỉ đồng.


    Mỹ Tho khánh thành tuyến đường 390 tỉ đồng ven sông Tiền

    Sau hơn 4 năm thi công, sáng 25-11, UBND TP Mỹ Tho, Tiền Giang tổ chức lễ khánh thành công trình đường và kè sông Tiền khu vực TP Mỹ Tho.

    tuyen duong dai hon 2km nam doc song tien la noi ly tuong de nguoi dan vui choi, dao mat moi buoi chieu - anh: mau truong

    Tuyến đường dài hơn 2km nằm dọc sông Tiền là nơi lý tưởng để người dân vui chơi, dạo mát mỗi buổi chiều - Ảnh: Mậu Trường

    Công trình có tổng chiều dài 2.625m, chiều rộng 26m, điểm đầu từ cửa rạch Bình Đức, điểm cuối giáp ranh Công ty Cấp thoát nước Tiền Giang. Ngoài cùng phía sông Tiền là kè bảo vệ bờ, có thiết kế lan can, đèn trang trí. Tiếp theo là vỉa hè rộng 7m. Trên vỉa hè có bố trí các bồn trồng hoa, cây cảnh... để người dân và khách du lịch đi dạo mát, ngắm cảnh, tập thể dục…

    Tại các vị trí cầu Rạch Miễu, bến phà Rạch Miễu cũ, đoạn giữa đường Tết Mậu Thân và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, con đường tạo thành 1 vòng cung nhô ra phía ngoài sông 27m. Tại các vòng cung có bố trí trồng hoa, cây cảnh… 

    Phía trong vỉa hè bờ sông là đường rộng 12m liên kết với các đường giao thông được quy hoạch trong khu vực tạo thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh…

    Ông Lê Văn Nghĩa, phó chủ tịch tỉnh Tiền Giang, cho biết công trình đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm lưu lượng xe trên đường Lê Thị Hồng Gấm và giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ Tây Nam TP Mỹ Tho. Đồng thời kết nối cầu Rạch Miễu với khu đô thị trung tâm tỉnh, khu vực giếng nước, khu dân cư dọc sông Tiền. 

    Tổng mức đầu tư công trình gần 390 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn