TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 06-04-2016

    Indonesia đánh chìm 13 tàu cá Việt Nam

    Indonesia hôm nay đánh chìm 23 tàu cá nước ngoài, trong đó có 13 tàu cá Việt Nam, với cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển nước này.
    cac tau ca viet nam va malaysia bi indonesia danh chim ngay 5/4. anh: reuters.

    Các tàu cá Việt Nam và Malaysia bị Indonesia đánh chìm ngày 5/4. Ảnh: Reuters.

    Các tàu cá, gồm 13 tàu Việt Nam và 10 tàu Malaysia, bị đánh chìm ở 7 khu vực khác nhau, trong đó có Batam và Aceh, Xinhua đưa tin.

    Sự kiện có sự tham gia của hải quân và cảnh sát Indonesia. Đây là lần thứ ba Jakarta đánh chìm tàu cá nước ngoài với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia trong năm nay. Indonesia đã đánh chìm 174 tàu kể từ năm 2014.

    "Chính phủ sẽ tiếp tục đánh chìm tàu đánh bắt trái phép", Bộ trưởng Hàng hải và Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti phát biểu với báo giới tại Jakarta.

    Indonesia tháng 8/2015 đánh chìm 38 tàu cá với cáo buộc tương tự nhân dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh. 34 tàu trong số này đến từ các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi đó nói Jakarta thiệt hại hơn 20 tỷ USD mỗi năm do nạn đánh bắt cá trái phép.


    Cựu giám đốc Ban quản lý Dự án nước Sông Đà bị truy tố như thế nào?

    Cựu giám đốc ban quản lý dự án nước Sông Đà bị cáo buộc không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, tắc trách trong việc kiểm soát nguyên liệu.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Thực hiện chủ trương phát triển đô thị và môi trường của chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội, trong đó yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải được ưu tiên đầu tư thực hiện là xây dựng một hệ thống cấp nước lâu dài, bền vững và ổn định, nên Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (viết tắt là Tổng Công ty Vinaconex) đã có chủ trương đầu tư xây dựng dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Đông (viết tắt là Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội).

    Sau khi trình lên Chính phủ, và được Thủ tướng phê duyệt, Tổng Công ty Vinaconex bắt tay vào thực hiện dự án.

    Để thực hiện quản lý đầu tư xây dựng dự án, Tổng Công ty Vinaconex có các quyết định về việc thành lập, bổ nhiệm lãnh đạo, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội.

    Bị cáo Hoàng Thế Trung (SN 1960, trú tại Hà Nội) được giao trọng trách làm giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà – Hà Nội. Bị cáo Trung nhận nhiệm vụ phụ trách chung.

    Bị cáo Nguyễn Văn Khải (trú tại Hà Nội) được giao trách nhiệm Phó giám đốc ban quản lý dự án, phụ trách vật tư thiết bị. Bị cáo Trương Trần Hiển làm trưởng phòng vật tư thiết bị.

    Theo quy chế tổ chức và hoạt động, ban quản lý dự án có chức năng nhiệm vụ thay thế chủ đầu tư dự án tổ chức, quản lý và thực hiện đầu tư, giám sát và điều hành thi công dự án đầu tư từ giai đoạn khởi công đến giai đoạn hoàn thành, bàn giao đưa dự án vào khai thác sử dụng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tổng Công ty Vinaconex về chất lượng công trình.

    Ngoài ra, Ban quản lý dự án còn thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình theo một nghị định của Chính phủ về đầu tư xây dựng.

    Trong quá trình hoạt động, Bản quản lý dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội đã không tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguyên vật liệu đầu vào dùng cho dự án dẫn đến chất lượng công trình xây dựng không đảm bảo.

    Khi thương thảo, ký kết hợp đồng kinh tế với nhà thầu cung cấp ống và phụ kiện Composite cốt sợi thủy tinh là Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex để cung cấp, lắp đặt cho hạng mục tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án đã không kiểm tra đầy đủ các tiêu chí.

    Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý xây dựng, ban quản lý dự án cùng tư vấn giám sát đã phát hiện nhiều sản phẩm ống cốt sợi thủy tinh không đạt tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế nhưng không tổ chức thu hồi mà vẫn cho lắp đặt.

    Kết luận của Bộ Xây dựng xác định, nguyên nhân chính gây ra việc vỡ ống truyền tải nước sạch là do ống cốt sợi thủy tinh đã lắp đặt cho dự án không đảm bảo chất lượng, độ bền lâu của tuyến ống không đảm bảo 50 năm.

    Từ ngày 4/2/2012 – 26/9/2015, tuyến ống truyền tải nước sạch đã bị vỡ 14 lần, số lượng 18 cây ống cốt sợi thủy tinh bị vỡ. Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex – đơn vị khai thác đường ống dẫn nước đã phải chi phí gần 13,5 tỷ đồng để khắc phục sự cố.

    Theo cáo buộc, trách nhiệm vụ việc thuộc về giám đốc ban quản lý dự án là Hoàng Thế Trung và các thuộc cấp.

    Đây là những người có trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ quản lý điều hành dự án, phụ trách công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu dùng cho dự án.

    Bị cáo Trung và hai thuộc cấp bị cơ quan tố tụng truy tố tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 Bộ Luật hình sự.

    Ngoài bị cáo Trung và hai thuộc cấp tại dự án, trong vụ án này còn truy tố các bị cáo: Trần Cao Bằng (SN 1954, quê Nam Định), Vũ Thanh Hải (SN 1960, quê Nam Định) – thuộc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex; Đỗ Thanh Trì (SN 1968, quê Phú Thọ), Nguyễn Biên Hùng (SN 1950, trú tại Hà Nội), Hoàng Quốc Thống (SN 1955, quê Nam Định), Bùi Minh Quân (SN 1972, trú tại Hà Nội) đều thuộc Công ty Cổ phần nước và Môi trường Việt Nam. Các bị cáo bị truy tố theo khoản 2, điều 229 Bộ luật hình sự.

    Trong vụ án này, còn có trách nhiệm của các thành viên HĐQT Tổng Công ty Vinaconex. Kết quả điều tra xác định sai phạm của HĐQT Vinaconex là, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, sử dụng ống cốt thủy tinh thay cho ống gang dẻo, ống thép để lắp đặt cho tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm để cung cấp ống composite cho dự án; sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng.

    Tuy nhiên, việc thay đổi vật liệu, HĐQT muốn tiết kiệm kinh phí đầu tư, thu hồi vốn nhanh và không biết việc làm vi phạm các quy định về xây dựng trong quá trình sản xuất, nghiệm thu, lắp đặt tuyến ống của các bị cáo ở quan bản lý dự án và Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex.

    Một số thành viên HĐQT đã nghỉ hưu, người thì mắc bệnh hiểm nghèo nên cơ quan điều tra xem xét xử lý sau.

    Hiện TAND Hà Nội đang xem xét hồ sơ vụ án.


    Hà Nội kiến nghị dừng mua ống nước Trung Quốc

    Thành phố đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện của Trung Quốc.

    Hôm nay (5/4), người phát ngôn thành phố Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành thông tin liên quan đến việc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (chủ đầu tư dự án nước sạch sông Đà) lựa chọn nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống nước cho giai đoạn 2 của dự án.Ông Thành cho hay, Hà Nội đã có báo cáo và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ đầu tư dừng ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện, nghiên cứu kỹ về ý kiến của tư vấn xét thầu và dư luận liên quan việc chọn nhà thầu.

    duong ong nuoc so 1 song da da 17 lan bi vo. anh: ba do.

    Đường ống nước số 1 sông Đà đã 17 lần bị vỡ. Ảnh: Bá Đô.

    Cùng với đó thành phố đề nghị thuê đơn vị tư vấn quốc tế có đủ năng lực kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện của ống mẫu, lập quy trình kiểm định, nghiệm thu chất lượng vật tư từ giai đoạn sản xuất, thi công, đưa vào sử dụng lâu dài.

    Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thành phố Hà Nội chủ trì rà soát toàn bộ dự án xây đường nước sông Đà số 2. Phó thủ tướng yêu cầu đánh giá và làm rõ những thông tin liên quan đến dự án, đồng thời đề xuất giải pháp bảo đảm dự án được thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và đúng pháp luật.

    Theo thông cáo của Chủ đầu tư: "Doanh nghiệp trúng thầu là Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (địa chỉ: Lạc Dương Bắc, thành phố Vũ An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) với giá trúng thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt".

    Nhà thầu được chủ đầu tư tin tưởng là "công ty có uy tín trên thế giới và có 20 năm kinh nghiệm về sản xuất các ống kích thước lớn, có năng lực tài chính tốt và đã niêm yết trên thị trường chứng khoán".

    Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), đơn vị thẩm định hồ sơ thầu lại đưa ra một vài nhận định  quan ngạivề chất lượng ống gang dẻo của đơn vị này.

    "Dù nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nhưng theo các chuyên gia, chất lượng ống gang dẻo của nhà thầu tại một số dự án ở Việt Nam chưa làm hài lòng khách hàng. Một số thông tin từ khách hàng trên thế giới cũng không hài lòng với sản phẩm ống gang dẻo của Xinxing", báo cáo cho biết.

    Đường nước sạch sông Đà số 2 được khởi công ngày 7/10/2015 sau nhiều lần trì hoãn. Công trình nằm trong dự án hệ thống cấp nước cho gần 200.000 hộ dân dọc chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư và khởi công năm 2004.

    Giai đoạn một của dự án hoàn thành năm 2009 với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Từ đó đến nay, đường ống số 1 đã bị vỡ 17 lần khiến cuộc sống của khoảng 70.000 hộ dân thuộc 6 quận nội thành Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng. Nguyên nhân ống vỡ được cơ quan chức năng chỉ ra là do Ban quản lý sử dụng chất liệu composite cốt sợi 
thủy tinh không phù hợp trên nền đất phức tạp. 9 cựu quan chức của Vinaconex vì việc này đã vướng lao lý.

    Giai đoạn hai của dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và vay ngân hàng thương mại. Thời gian thi công dự kiến trong 48 tháng, tức đến hết năm 2019. Sau khi hoàn thành, tuyến ống có tổng chiều dài 47,6 km nâng công suất cấp nước lên gấp đôi so với giai đoạn một: 600.000 m3/ngày đêm.


    Đà Nẵng thực hiện tiết kiệm, cắt giảm nhiều khoản chi ngân sách

    Đó là một trong những nội dung vừa được UBND TP Đà Nẵng ban hành trong quyết định triển khai chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP.

    Theo đó, TP sẽ tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu hồi đối với các dự án đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư.

    TP Đà Nẵng cũng cho hay sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng, xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí.

    da nang se cat giam chi tieu tiep khach, hoi hop, toa dam va chi tieu mua sam. anh: le phi

    Đà Nẵng sẽ cắt giảm chi tiêu tiếp khách, hội họp, toạ đàm và chi tiêu mua sắm. Ảnh: LÊ PHI

    Không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, không khả thi; ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lắp, kém hiệu quả. 

    TP cũng sẽ đăng ký thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên), phấn đấu thực hiện tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết….

    TP Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan đơn vị xây dựng quy chế sử dụng điện năng, nước sinh hoạt; nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc sử dụng điện năng, nước sinh hoạt. Phấn đấu thực hiện chỉ tiêu tinh giản 1,5% so với số biên chế được giao.

    Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

    UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, các hội đoàn thể đẩy mạnh thực hiện công khai trong thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đặc biệt là công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý các hành vi lãng phí.


    Thực hư việc mè đen bị nhuộm bằng lõi pin ở Phú Yên

    Khoảng gần một tuần nay, trên các trang mạng rộ lên thông tin ở chợ Tuy Hòa  (Phú Yên) có bán hạt mè (hạt vừng) được nhuộm đen bằng lõi pin đã qua sử dụng để thành mè đen (vừng đen) làm nhiều người tiêu dùng rất hoang mang.

    Ngày 5-4, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu hạt mè đen lấy tại sạp hàng ở chợ Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết không có dấu hiệu mè bị nhuộm như nghi ngờ của người tiêu dùng cũng như thông tin trên một số trang mạng.

    Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy ba mẫu mè đen được gửi đến kiểm nghiệm đều không có phẩm màu. Tuy nhiên, cả ba mẫu đều được phát hiện có chì với hàm lượng 0,13-0,16 mg/kg, thấp hơn giới hạn cho phép. Theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì giới hạn tối đa cho phép đối với ngũ cốc, đậu đỗ là 0,2 mg/kg.

    me den ban tai cho tuy hoa. anh: tl

    Mè đen bán tại chợ Tuy Hòa. Ảnh: TL

    Theo ông Đào Tấn Cam, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, sau khi có phản ánh của người tiêu dùng cũng như thông tin trên một số trang mạng cho rằng mè đen bán tại chợ Tuy Hòa bị nhuộm bằng lõi pin, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Yên đã tiến hành kiểm tra, lấy ba mẫu mè đen đang bán tại ba sạp hàng (trong số 68 sạp kinh doanh hàng khô tại chợ Tuy Hòa).

    Theo đó, hai chủ sạp cho biết đang bán mè đen do nông dân địa phương sản xuất, chủ sạp còn lại cho biết bán mè đen Tây Ninh lấy tại một đại lý ở TP Tuy Hòa. Tất cả hàng hóa này đều không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ do các chủ sạp hàng đều cho rằng họ mua để bán lại với số lượng ít.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn