TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 25-04-2016

    Việt Nam nêu 3 đề xuất thực hiện Thỏa thuận Paris

    Phát biểu tại lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà nêu đề xuất cho lộ trình hướng tới kỷ nguyên mới.

    khai mac le ky ket hiep dinh paris ve bien doi khi hau. anh: thx/ttxvn.

    Khai mạc lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ảnh: THX/TTXVN.

    Ngày 22/4, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), sau gần 3 giờ đồng hồ, đại diện 175 quốc gia đã lần lượt ký kết xong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - một văn kiện có tính bước ngoặt cho cuộc chiến ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. 

    Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, song song với lễ ký kết hiệp định, đại diện của các quốc gia tham gia ký kết đã có những bài phát biểu nêu những đề xuất cho lộ trình hướng tới một kỷ nguyên mới ít khải thí cacbonic và ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu đại diện cho Việt Nam, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, đã nêu ra ba đề xuất như sau: 

     
    Thứ nhất, cần phát huy toàn bộ những cơ chế công nghệ và tài chính cũng như khả năng ứng phó sẵn có nhằm cung cấp đầy đủ các công cụ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 
     
    Thứ hai, tất cả các nước cần phát huy những nỗ lực cao nhất và tham vọng nhất để thực hiện những "đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định" (INDC) để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris. 
     
    Thứ ba, các nước phát triển phải thể hiện vai trò đi đầu bằng cách không chỉ thực hiện các cam kết trong INDC của mình mà còn cần huy động và cung cấp nguồn tài chính cho phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để thực hiện các INDC và các dự án trong cả lĩnh vực cả thích ứng lẫn giảm nhẹ (tình trạng biến đổi khí hậu). 

    Bộ trưởng cũng cho biết ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Với việc ký kết Hiệp định Paris, Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong năm nay, Chính phủ Việt Nam sẽ phê chuẩn hiệp định này và Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong INDC. 

    Phát biểu trước các phóng viên tại cuộc họp báo, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết bước quan trọng tiếp theo là phải đảm bảo rằng hiệp định sẽ được đưa vào thực thi càng sớm càng tốt. Ông Ban Ki-moon nói: "Hôm nay là một ngày lịch sử. Chưa khi nào có đông đảo quốc gia ký kết một hiệp định chỉ trong vòng 1 ngày như thế". 

    Theo Tổng thư ký, sự tham gia đông đảo của nhiều nước cũng như sự hiện diện của rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới cho thấy rõ ràng rằng cộng đồng quốc tế quyết tâm hành động để bảo vệ trái đất. Ông cũng hoan nghênh sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và xã hội dân sự, những người "đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa những lời hứa đầy tham vọng của hiệp định Paris".

    Giá xăng dầu thổi luồng “khí nóng” vào CPI tháng 4

     Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2016 vừa được Tổng cục Thống kê công bố đã tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 1,89% so với cùng tháng năm trước.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2016 vừa được Tổng cục Thống kê công bố đã tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 1,89% so với cùng tháng năm trước. Tính bình quân, CPI 4 tháng đầu năm 2016 đã tăng 1,41% so với 4 tháng đầu năm 2015.
    CPI tháng 4 tiếp tục tăng ở mức tương đối cao là do những tác động của một số mặt hàng do nhà nước quản lý như xăng dầu, dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục trong đó tác động mạnh nhất là ở nhóm giao thông.
    Theo quan sát trên thị trường, giá cước vận tải hành khách ở các loại hình như taxi, xe khách, tàu hỏa tiếp tục giảm do tác động của việc giảm giá xăng dầu liên tục trong 8 tháng trước. Tuy nhiên trong tháng này, tác động trực tiếp của các đợt tăng giá xăng dầu ngày 21/3 và 5/4 vừa qua đã khiến chỉ số giá nhóm giao thông bật tăng trở lại ở mức 1,73% sau 8 tháng giảm giá liên tiếp trước đó.
    Ở một diễn biến khác của các quyết định hành chính, sau khi tác động mạnh khiến chỉ số nhóm tăng mạnh mẽ (24,34%) vào tháng trước, tháng này Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã tiếp tục áp dụng ở một số địa phương còn lại đã khiến chỉ số giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tiếp tục tăng 0,45% so với tháng trước. Theo tính toán, tác động của đợt điều chỉnh này không còn ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế trong thời gian tiếp theo.
    Cũng do một tác động mang tính hành chính khác, chỉ số giá nhóm giáo dục đã tăng 0,37% so với tháng trước do một số tỉnh như Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh giá học phí theo nghị định của Chính phủ.
    Những tác động mang tính hành chính kể trên mặc dù tác động đến CPI khá lớn nhưng chúng chỉ mang tính thời điểm tức chỉ tác động một lần lên CPI vào tháng bắt đầu áp dụng thực hiện.
    Ở diễn biến của các nhóm hàng khác, đáng chú ý là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá không đổi so với tháng trước trong đó chỉ số giá các mặt hàng lương thực tăng 1,11%, chỉ số giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12% trong khi chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,27% so với tháng trước.
    Tiếp đà tăng từ các tháng trước, các mặt hàng lương thực tiếp tục tăng tháng thứ 6 liên tiếp do những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong tương lai trong khi giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục giảm do quy luật các mặt hàng này giảm giá sau Tết  Nguyên đán.
    Trong số các địa phương được lựa chọn để Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá, thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng cao nhất ở mức 0,47% do chỉ số giá nhóm giáo dục tăng mạnh hơn các tỉnh khác trong khi Đà Nẵng có chỉ số giá ở mức thấp nhất khi giảm 0,09% so với tháng trước.

    TP.HCM chi 230 tỷ đồng cho bầu cử

    Chiều 23/4, đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã làm việc với Ủy ban Bầu cử TP.HCM liên quan đến công tác bầu cử.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết ngân sách T.Ư rót 73 tỷ đồng cho TP.HCM phục vụ bầu cử. Tuy nhiên, đến nay tổng số tiền mà TP phê duyệt chi cho bầu cử lên tới 230 tỷ đồng. Số tiền mà TP quyết định chi cho bầu cử cao gấp 3,2 lần so với ngân sách T.Ư, cao hơn con số 2,5 lần của một số tỉnh thành. Ông Hùng lo ngại con số cuối cùng sẽ cao hơn 230 tỷ đồng.
    Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP, cho biết công tác chuẩn bị bầu cử đang được các cơ quan tiến hành khẩn trương để đảm bảo tiến độ. Hiện công việc đang tập trung vào công tác tuyên truyền và bố trí kinh phí về các đơn vị bầu cử.
    Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, cho hay TP.HCM có đặc thù nhiều khách du lịch và Việt kiều. Do đó, công tác tuyên truyền, tổ chức cần chú trọng những nơi có đông khách du lịch và khách sạn để khách biết và đi bầu cử. Ngoài ra, vào ngày diễn ra bầu cử 22/5, các chủ doanh nghiệp, công ty cần bố trí thời gian để cán bộ và công nhân viên có thời gian đi bầu cử.

    Lai Châu lấy gì xây sân bay 8.000 tỷ đồng?

    Một nửa dân số thuộc diện nghèo, ngân sách eo hẹp, kinh tế khó khăn... tỉnh Lai Châu lấy nguồn nào để xây dựng sân bay khủng lên tới 8.000 tỷ đồng?
    mot goc thanh pho lai chau.

    Một góc thành phố Lai Châu.

    Chuyện một tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất nước như Lai Châu muốn xây sân bay khủng 8.000 tỷ đồng đang khiến dư luận hết sức quan tâm trong những ngày qua.
    Trả lời trên báo chí trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất (diễn ra vào ngày 23/4), ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã đề xuất "xin" Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sớm cho xây dựng sân bay ở tỉnh này.
    Cũng theo thông tin từ ông Chử, mặc dù hiện chưa có tổng mức đầu tư cho dự án này, nhưng dự kiến tổng đầu tư sân bay sẽ vào khoảng 8.000 tỷ đồng.
    Đề xuất này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong 2 ngày qua, nhiều ý kiến trái chiều nhau đã xuất hiện liên quan đến việc nên hay không nên đồng thuận với siêu dự án này.
    Lai Châu là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước, các chỉ số được thống kê trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 cho thấy rõ điều này.
    Lai Châu là tỉnh vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, giao thương của địa phương. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh vẫn còn 3 xã chưa có đường ô tô, một số tuyến đường huyện, đường xã chất lượng xuống cấp.
    Một số tuyến đường chưa có cầu gây khó khăn cho các phương tiện đi lại trong mùa mưa lũ. Do giao thông đi lại khó khăn, hoạt động sản xuất tại chỗ cũng như giao thương kém phát triển, kéo theo mức giá và chi phí sinh hoạt tăng cao.
    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tháng 3 vừa qua, chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2015 của Lai Châu lại cao nhất cả nước, ở mức 100,3%, con số này cho thấy chi phí sinh hoạt của Lai Châu thậm chí còn đắt đỏ hơn Hà Nội (ở mức 100%).
    Trong đó, hàng may mặc, vật liệu xây dựng, giao thông và thiết bị đồ dùng gia đình là 4 nhóm hàng có mức giá cao hơn từ 1 - 8%.
    Đặc biệt, báo cáo thống kê cũng cho thấy, Lai Châu có tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ số cận nghèo đa chiều thuộc hàng cao nhất cả nước.
    Tỷ lệ hộ nghèo theo cách tiếp cận này của Lai Châu khoảng 44% và khoảng 10% hộ cận nghèo, có nghĩa là 1/2 dân số Lai Châu đang trong diện nghèo.
    Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2015 (theo cách tính cũ) là 20,48%, cao thứ 3 vùng Tây Bắc và thứ 3 của cả nước; có đến 6/7 huyện nghèo theo Quyết định 30a; đặc biệt 3/4 dân tộc ít người ở Lai Châu (La Hủ, Mảng, Cống) có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 60%.
    Với 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có đến 33% dân số trên 15 tuổi chưa biết chữ. Đây là tỷ lệ thấp trong phổ cập giáo dục của đất nước.
    Lai Châu cũng còn nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế. Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, GRDP năm 2015 đứng thứ 61/63 cả nước và chỉ bằng 44,5% bình quân vùng Tây Bắc.
    Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2015 đạt mức 18,2 triệu đồng, chỉ bằng 80% khu vực miền núi phía Bắc và 40% cả nước.
    Thu ngân sách nhà nước 5 năm đạt 3.456 tỷ đồng (năm 2015 là 1.000 tỷ đồng), chỉ bằng 1/6 Lào Cai và 1/3 Sơn La, đứng thứ 62/63 tỉnh, thành trên cả nước.
    Năng lực cạnh tranh của Lai Châu cũng thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng, chỉ số PCI năm 2015 xếp hạng 13/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.(Bizlive)

    Thêm một công ty đa cấp xin dừng hoạt động

    Công ty Everichs Global xin Sở Công Thương Hà Nội giải tỏa tiền ký quỹ và ngừng hoạt động.

    Sau khi nhận được đề nghị xin giải tỏa tiền ký quỹ của của Công ty cổ phần Everrichs Global, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp để người tham gia bán hàng với công ty này được biết. Cơ quan quản lý cho hay, nếu Everrich Global chưa hoàn thành các nghĩa vụ, người tham gia bán hàng cần có thông báo bằng văn tới Sở để đơn vị này yêu cầu công ty trả lại.

    Đến hết ngày 2/6, nếu Sở Công Thương Hà Nội không nhận được thông báo của người tham gia bán hàng đa cấp về việc này, Everrichs Global được coi là đã hoàn thành các nghĩa vụ, được giải tỏa tiền ký quỹ theo quy định.

    Như vậy, đây là công ty thứ 7 dừng hoạt động kinh doanh đa cấp từ sau vụ Công ty đa cấp Liên Kết Việt lừa người dân 1.900 tỷ đồng bị phanh phui. Bên cạnh việc gần đây Bộ Công Thương liên tục rút giấy phép của nhiều công ty đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, một vài trường hợp công ty đa cấp cũng tự nguyện xin ngừng hoạt động bán hàng theo hình thức này.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn