TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 30-05-2016

    Bán doanh nghiệp nhà nước, rồi sao nữa?

    Nếu tiến trình này được đẩy mạnh trong thời gian tới, có thể thấy số tiền thu về sau khi bán các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là rất lớn và điều này đặt ra yêu cầu sử dụng dòng tiền hậu thoái vốn sao cho hiệu quả.

    Nguồn tiền sau khi bán các doanh nghiệp nhà nước nên sử dụng làm đòn bẩy thu hút vốn đầu tư tư nhân tham gia phát triển dự án cơ sở hạ tầng, vừa giúp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, vừa giảm áp lực đóng phí với giá trên trời của các dự án BOT. Ảnh: Minh Khuê

    Đầu tháng 5 vừa qua, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị bán đứt hai công ty bia Sabeco và Habeco. Theo VAFI, nếu thương vụ này được hoàn tất, Chính phủ có thể thu về trên 3 tỉ đô la Mỹ, gần tương đương với số tiền thoái vốn (dự kiến) tại 10 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả như Vinamilk, FPT, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh... theo công bố hồi tháng 10-2015. Nếu đề nghị này được chấp thuận thì đây sẽ là một thông điệp mạnh của Chính phủ cho quyết tâm tái cơ cấu khu vực DNNN của Chính phủ theo hướng thu hẹp khu vực này vào một số lĩnh vực công ích nhất định.

    Tiền thoái vốn đi về đâu?

    Theo Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tiền thu được từ việc thoái vốn tại các DNNN sẽ được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp sau khi trừ hết các chi phí hoặc nghĩa vụ có liên quan đến việc chuyển nhượng vốn. Cũng theo nghị định này, số tiền thoái vốn từ các DNNN sau khi nộp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, kết hợp với nguồn thu của quỹ từ các khoản thu khác theo quy định của pháp luật, sẽ được chi cho các việc: hỗ trợ người lao động, đầu tư các dự án trọng điểm hoặc cơ cấu lại vốn tại các DNNN.

    Tuy nhiên cho tới nay, Chính phủ vẫn chưa đệ trình một kế hoạch sử dụng nguồn vốn này như thế nào cho hiệu quả trong thời gian tới. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách như hiện nay, xuất hiện nhiều đề xuất dùng một phần số tiền thoái vốn này để tài trợ cho chi tiêu của Chính phủ. Cụ thể, năm ngoái, ngay sau quyết định thoái vốn tại 10 DNNN kể trên, Quốc hội đã cho phép Chính phủ sử dụng không quá 10.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, trong trường hợp ngân sách năm 2015 bị hụt thu. Tiền lệ này rất nguy hiểm nếu tiếp tục vì khi đó Chính phủ sẽ không có động lực để cải cách tinh gọn và nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước.

    Nên sử dụng nguồn tiền này như thế nào?

    Cách sử dụng khôn ngoan nhất nguồn tiền thu được từ thoái vốn các DNNN là làm đòn bẩy để thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT). Nếu làm theo cách này, Chính phủ sẽ cùng một lúc đạt được nhiều mục đích.

    Thứ nhất, nguồn vốn này được sử dụng vào mục đích đầu tư các dự án CSHT trọng điểm đúng như tiêu chí sử dụng vốn của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Hệ thống CSHT của Việt Nam như đường sá, cầu cảng, điện nước, bệnh viện, trường học... hiện vẫn còn rất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển. Sử dụng vốn nhà nước theo cách này hứa hẹn sẽ hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế tốt hơn nhiều so với hỗ trợ thông qua phát triển DNNN.

    Thứ hai, điều này sẽ góp phần làm giảm bớt áp lực nợ công của nền kinh tế. Ngân sách sẽ giảm bớt áp lực vay để chi cho đầu tư phát triển. Điều này sẽ gián tiếp làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Không những thế, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất của nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng, việc Chính phủ giảm huy động vốn qua phát hành trái phiếu sẽ góp phần giúp nền kinh tế bớt nóng hơn. Cả hai tác động này sẽ giúp cho các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế được lành mạnh hơn, qua đó thu hút được thêm nhiều nguồn vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam.

    Thứ ba, nếu nguồn vốn này được sử dụng theo hướng làm đòn bẩy để thu hút vốn đầu tư tư nhân tham gia phát triển CSHT thì điều này sẽ thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân, huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển CSHT. Nếu cách thức này được dùng cho lĩnh vực xây dựng đường sá, cầu cảng, áp lực thu phí của người dân với giá “trên trời” của các dự án BOT như thời gian vừa qua sẽ giảm bớt.

    Tất nhiên, ngoài cách sử dụng như trên, Chính phủ có thể ưu tiên dùng cho các lĩnh vực công ích khác như năng lượng xanh, chống ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... Bù đắp thâm hụt ngân sách như hiện nay nên xếp sau cùng trong cơ cấu.

    Để đạt được cơ cấu tối ưu như trên rất cần một chính sách rõ ràng trong quản lý. Mỗi khoản mục sử dụng cần có địa chỉ rõ ràng, minh bạch và công khai, thậm chí cần có “đạo luật” để quản lý nguồn tiền cổ phần hóa giống như Quốc hội quản lý ngân sách, như đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch từng đề xuất. Đề xuất này là hoàn toàn hợp lý, bởi một đạo luật không chỉ chặt chẽ hơn về mặt pháp lý so với nghị định như hiện nay mà còn chuyển quyền quyết định cuối cùng về Quốc hội. Như vậy sẽ không còn chuyện Chính phủ tự cân đối thu chi từ tiền bán các DNNN.

    Số tiền khổng lồ thu được từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có thể được xem là thành công của Chính phủ. Nhưng nếu sử dụng không hiệu quả nguồn tiền này, có thể làm giảm một nửa giá trị của thành công ấy. Nỗi lo lắng ấy là hoàn thoàn có thật, và những câu hỏi số tiền ấy đi về đâu sẽ còn tiếp diễn mỗi khi Chính phủ có động thái bán doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia nếu không có một chính sách sử dụng và quản lý minh bạch.(TBKTSG)


    Bí thư Đinh La Thăng: Nên cổ phần hóa Công viên phần mềm Quang Trung

    Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đề nghị Công viên phần mềm Quang Trung phải đề xuất cổ phần hoá và tăng cường cung cấp phần mềm cho các dự án ứng dụng CNTT đột phá của thành phố.

    Sáng 28-5, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có chuyến đi thăm, làm việc với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng một số doanh nghiệp trong QTSC. Tại buổi làm việc, Bí thư đã yêu cầu QTSC tích cực, chủ động đề xuất và cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin cho thành phố.

    Tại buổi làm việc, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết từ năm 2001 đến 2015, QTSC đã thu hút 33 nhà đầu tư với vốn đăng ký đầu tư là 5.735 tỉ đồng và 135 doanh nghiệp CNTT với vốn đăng ký kinh doanh là 2.451 tỉ đồng. Doanh số tích lũy sau 15 năm đạt 20.321 tỉ đồng; năm 2015 là năm đầu tiên QTSC đạt mức doanh số 220 triệu đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu 140 triệu đô la Mỹ.

    Khi đề cập đến định hướng phát triển của QTSC, ông Đinh La Thăng đã khẳng định Công viên phần mềm Quang Trung cần trình dự án và đề xuất thành phố cho phép cổ phần hoá ngay. Phải cổ phần hoá để phát triển tiềm lực của QTSC, thu hút vốn đầu tư của các công ty tư nhân trong nước, kể cả nước ngoài. Cái gì thuộc về QTSC mà cần bảo mật thì giữ lại.

    Ông Thăng nói thêm khi lãnh đạo QTSC tỏ ý ngần ngại: "Đề xuất cổ phần hoá không phải chờ xin phép!".

    Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cũng yêu cầu QTSC phải chủ động trong việc cung cấp phần mềm cho các dự án ứng dụng CNTT mang tính đột phá của thành phố. QTSC có thể cung cấp giải pháp, phần mềm cho các chương trình chống ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, chống ngập nước...

    Trước đó, tại một số buổi làm việc với doanh nghiệp, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cũng yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước để phát triển kinh doanh, nâng cao thu nhập; giải quyết các vấn đề khó khăn khi Nhà nước còn nắm 100% vốn.

    Theo thông tin đăng tải trên website của UBND TPHCM, mới đây thành phố đã đề xuất giữ lại một số công ty lớn, doanh nghiệp Nhà nước (100% vốn Nhà nước). Đây là các doanh nghiệp chủ lực, nòng cốt cần tiếp tục đầu tư để thực hiện các chương trình đột phá, dự án trọng điểm tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế thành phố; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; doanh nghiệp có tính chất đặc thù.

    Theo đề xuất này, Công viên phần mềm Quang Trung cũng là một trong các doanh nghiệp Nhà nước được thành phố giữ lại.

    Do đó, việc tiến hành cổ phần hoá QTSC có thuận lợi hay không còn phải tính đến quan điểm muốn giữ lại các doanh nghiệp “đầu đàn” của thành phố hiện nay.(TBKTSG)


    Ngân sách bội chi 3 tỷ USD sau 5 tháng

    Bội chi 5 tháng đã tăng lên 66.400 tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách phải chi trả nợ và viện trợ khoảng 55.000 tỷ đồng.

    Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách 5 tháng đạt 346.200 tỷ đồng, bằng 34% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 284.200 tỷ đồng, thu từ dầu thô 13.900 tỷ đồng, từ xuất - nhập khẩu đạt 47.800 tỷ đồng.

    Trong khi đó, tổng chi đạt 412.600 tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm. Ngân sách chỉ có thể dành 64.300 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, trong khi chi cho kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính hết 293.400 tỷ đồng. Do nợ công tăng cao khiến nghĩa vụ trả nợ cũng đè nặng. Ngân sách đã phải chi tới 55.000 tỷ đồng để trả nợ và viện trợ.

    Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã bội chi ngân sách 66.400 tỷ đồng (3 tỷ USD). Đây là mức bội chi tương đối lớn trong bối cảnh các hàng rào thuế quan đang dần được cắt giảm, thu ngân sách ngày càng khó khăn. Bội chi cao cũng một lần nữa đặt nặng áp lực lên nợ công.

    Ông Sandeep - Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc dành quá nhiều tiền ngân sách để trả nợ sẽ tạo ra một rủi ro lớn cho việc đầu tư, hạn chế nguồn tiền đầu tư phát triển kinh tế. Nếu nghĩa vụ trả nợ nhiều sẽ gây rủi ro cho những khoản chi tạo ra năng suất lao động, giảm chi vào giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần ổn định chi tiêu thường xuyên, có phương án thu chi ngân sách hợp lý.

    Dự báo của Ngân hàng Thế giới đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%. Như vậy, nợ công của Việt Nam sẽ chạm trần mức khả năng trả nợ của Chính phủ là 65%.

    Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2016 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định Việt Nam không chỉ là nước có mức thâm hụt ngân sách lớn, mà tỷ lệ nợ công/GDP cũng thuộc diện cao nhất trong khu vực ASEAN.

    CIEM dẫn lại số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), năm 2015, thâm hụt ngân sách của Việt Nam là 6,9% GDP, trong khi của Thái Lan là 1,2% GDP, Indonesia 2,3% GDP, Philippines 0,12% GDP và Campuchia 2% GDP.

    Tổ chức này dự báo, đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước ASEAN và là nước duy nhất có nợ công/GDP tiếp tục tăng đến gần 68% GDP năm 2020.

    Từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã dự báo thu ngân sách năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do giá dầu thô vẫn chưa hồi phục, tham gia các FTA nên cắt giảm nhiều loại thuế. Dự báo, năm 2016 tổng thu ngân sách đạt hơn một triệu tỷ đồng, tổng chi là 1,27 triệu tỷ đồng, bội chi 254.000 tỷ đồng (4,95% GDP).


    Sẽ xử lý vi phạm nếu đủ cơ sở chứng minh DN cố tình khai sai

    Trước vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khai sai tên hàng hóa NK để trốn thuế, gian lận thuế và NK hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn của Công ty CP vật tư Du Lịch (gọi tắt là DN), theo Tổng cục Hải quan, nếu có đủ cơ sở chứng minh thì xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của DN.

    Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nêu, tháng 7-2015, DN có làm thủ tục NK lô hàng theo khai báo là phụ tùng xe đạp, đinh, bulong, khóa, bản lề, vòng bi. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng, CBCC Hải quan phát hiện, ngoài các mặt hàng theo khai báo còn có 50 mục hàng bách hóa các loại không khai báo là thực phẩm các loại, rượu, mỹ phẩm (đây là các mặt hàng có điều kiện khi NK). Như vậy, DN đã có hành vi “khai sai tên hàng hóa NK để trốn thuế, gian lận thuế và NK hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật”. Trị giá hàng vi phạm hành vi khai thuế trên 396 triệu dẫn đến số thuế thiếu trên 49 triệu đồng; Trị giá hàng vi phạm hành vi NK hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 1,1 tỷ đồng.

    Ngay sau đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với DN về hành vi trốn thuế, gian lận thuế và hành vi NK hàng hóa không đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Tổng trị giá hàng vi phạm trên 1,5 tỷ đồng.

    Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, lô hàng DN NK theo hợp đồng ủy thác với chi nhánh Công ty TNHH MTV Hà Thành thuộc Bộ Quốc phòng. Do đó, đơn vị đã chuyển hồ sơ liên quan vụ vi phạm của DN đến cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 2 (Bộ Quốc phòng) để xử lý theo quy định. Đồng thời, đơn vị cũng chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP. Hồ Chí Minh) để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.

    Qua kiểm tra, cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 2 nhận thấy: Chi nhánh Công ty TNHH MTV Hà Thành là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, lô hàng hóa bị lập biên bản vi phạm có liên quan đến hợp đồng ủy thác của DN quân đội, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Điều tra quân đội. Tuy nhiên, qua kiểm tra nhận thấy đối tác nước ngoài đã chuyển nhầm lô hàng cho DN theo hợp đồng ủy thác chứ không phải nhập lậu hàng hóa. Đồng thời, sự việc nêu trên chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự. Vì vậy, cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 2 đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh để xử lý hành chính đối với hàng hóa theo quy định.

    Cũng theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, ngày 20-4, đơn vị nhận được công văn của DN xin tái xuất toàn bộ lô hàng với lý do đối tác nước ngoài gửi nhầm hàng và đồng ý nhận lại lô hàng. Xét thấy, vụ vi phạm của DN từ ban đầu đã không thể hiện hợp đồng ủy thác NK với chi nhánh Công ty TNHH MTV Hà Thành, nhưng cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 2 là cơ quan có chức năng điều tra hình sự, vì vậy, quan điểm Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh là nên xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với DN theo hình thức xử phạt hành chính. Trong đó, đối với hành vi NK hàng hóa không khai báo dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp thì sẽ phạt tiền bằng 20% số tiền thuế khai thiếu đối với hành vi NK hàng hóa không khai báo dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp mà cơ quan Hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 127/2013/NĐ-CP; Đối với hành vi NK hàng hóa không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ phạt tiền 30 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa toàn bộ hàng hóa vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điểm d, khoản 5 và Điểm b, Khoản 7 Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ-CP.

    Trước vướng mắc này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hải quan đối với vụ việc này.

    Để có hướng xử lý vụ việc, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh xem xét một cách toàn diện đối với vụ việc nêu trên. Cụ thể, đối chiếu với quy định tại Điều 62, Luật Xử lý vi phạm hành chính và ý kiến trao đổi của cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 2 để xác định biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm của DN.

    Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, trường hợp có đủ cơ sở để xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của DN thì căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 8; Khoản 5, Khoản 7 Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ-CP để xử lý theo quy định.(BHQ)


    5 tháng: ngành Hải quan thu NSNN đạt 102 nghìn tỷ đồng

    Theo Thống kê của Tổng cục Hải quan, ước thu NSNN của toàn ngành Hải quan trong 5 tháng đầu năm 2016 đạt 102 nghìn tỷ đồng, bằng 37,78% dự toán và giảm 1,89% so với cùng kỳ năm 2015.

    trong thang 5-2016, uoc thu nsnn cua toan nganh hai quan dat 22.500 ty dong. anh: t.trang.

    Trong tháng 5-2016, ước thu NSNN của toàn ngành Hải quan đạt 22.500 tỷ đồng. Ảnh: T.Trang.

    Chỉ tính riêng trong tháng 5-2016, ước thu NSNN của toàn ngành Hải quan đạt 22.500 tỷ đồng, giảm 614 tỷ đồng so với tháng trước.

    Cụ thể, kim ngạch của một số mặt hàng có số thu lớn có xu hướng giảm so với tháng trước như: ô tô nguyên chiếc các loại (tăng 27,7% về lượng nhưng giảm 22,4% về trị giá), xăng dầu các loại (giảm 14,5% về lượng và giảm 6,9% về trị giá); phế liệu sắt thép (giảm 18,4% về lượng và giảm 8,3% về trị giá); phương tiện vận tải khác và phụ tùng (giảm 61,2%)…

    Mặt khác, trong tháng 5 có số ngày nghỉ lễ nhiều (tổng cộng 11 ngày nghỉ) đã tác động không nhỏ tới công tác thu NSNN của ngành Hải quan.

    Tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước trong tháng thứ 5 của năm 2016 đạt 29,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá XK ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,7%. Tổng trị giá NK ước đạt 15 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước.

    Theo đó, trong 5 tháng-2016, tổng trị giá XNK hàng hóa của Việt Nam ước đạt 134,05 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5-2016 ước tính thâm hụt 400 triệu USD. Tính đến hết tháng 5-2016, thương mại hàng hóa của Việt Nam dự kiến xuất siêu 1,36 tỷ USD.

    Tính tổng thể, kim ngạch XNK trong 5 tháng 2016 dự kiến tăng nhưng ước thu 5 tháng 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015 là do kim ngạch NK của một số mặt hàng chính có số thu lớn có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: xăng dầu, ô tô nguyên chiếc, máy móc thiết bị và phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng.

    Ngoài ra, còn có các yếu tố khác khiến nguồn thu giảm so với cùng kỳ như: giá dầu thô giảm, cắt giảm thuế khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã gây ảnh hưởng giảm đến số thu NSNN của ngành Hải quan trong 5 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ.

    Xác định được những khó khăn này, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã đưa ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, trong đó sẽ tập trung kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn trọng điểm, đấu tranh chống thất thu qua số lượng, trị giá, mã số, C/O, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, kiểm soát, ứng dụng công tác quản lý rủi ro, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan, xiết chặt kỷ cương kỷ luật trong ngành…


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn