Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 12-05-2016
Sớm hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời
Theo ước tính, sẽ có 0,5% sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời vào năm 2020; đến năm 2030 là 5%; đạt mức 20% vào năm 2050.
Sáng 11/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các địa phương sớm đưa vào quy hoạch những khu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tránh sự xung đột với các quy hoạch khác.
Dự kiến, sau khi Bộ Công Thương hoàn thiện, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ được báo cáo tại phiên họp của Thường trực Chính phủ trước khi Thủ tướng ký ban hành.
Là nước gần đường xích đạo, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện năng. Nguồn điện mặt trời sẽ giúp giải bài toán về cân bằng cung cầu điện vào giờ cao điểm ban ngày. Thay thế sử dụng nhiên liệu hoá thạch bằng điện mặt trời sẽ góp phần giảm khí CO2, giảm tác động xấu đến môi trường. Nhiều dự án điện mặt trời có thể bán được chứng chỉ giảm phát thải carbon cho cộng đồng quốc tế, tạo ra nguồn thu bổ sung để hỗ trợ các dự án điện mặt trời ở Việt Nam.
Sớm ý thức về vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng, ngay từ năm 2004, Luật Điện lực đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, những cơ chế, chính sách hiện có chưa thiết lập được cơ chế tài chính để khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời. Với những lý do đó, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ là hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động quản lý Nhà nước về phát triển điện mặt trời.
Dự thảo cũng quy định mức hỗ trợ giá điện đối với đầu tư xây dựng công trình điện mặt trời. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị phân phối điện, các tổ chức, cá nhân kinh doanh điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng từ các dự án điện mặt trời trong một giai đoạn (dự kiến 20 năm). Giá mua, phương thức cũng như các điều kiện mua-bán điện từ các dự án điện mặt trời sẽ được quy định cụ thể để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.
Theo ước tính, sẽ có 0,5% sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời vào năm 2020; đến năm 2030 là 5%; đạt mức 20% vào năm 2050; tương ứng đến năm 2030 và năm 2050 sẽ giảm khoảng 7,6 triệu tấn và 70 triệu tấn than nhập khẩu.
Tổng thống Obama thăm VN, thảo luận 5 vấn đề quan trọng
Trong khi đó, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết nhiều vấn đề quan trọng sẽ được tổng thống Mỹ thảo luận trong chuyến thăm này.
Gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp
Ngày 10-5, ông Daniel Russel - trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - đã có cuộc gặp gỡ báo giới tại Hà Nội để thông báo về các nội dung quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama trong tháng này.
Ông Russel cho biết ông Obama sẽ kết hợp chuyến thăm Việt Nam với tham dự Hội nghị 7 nước công nghiệp phát triển (Hội nghị G7) diễn ra trong hai ngày 26 và 27-5 ở Nhật Bản.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ thông tin rằng thông thường trong những chuyến thăm cấp cao như thế này, tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các đại diện xã hội và đặc biệt là giới trẻ.
Ông Russel kể ông đã trực tiếp đề xuất ông Obama nên đi thăm một số địa điểm thú vị ở Việt Nam vì Việt Nam có một nền văn hóa vô cùng đặc biệt.
5 nội dung thảo luận chính
Ông Daniel Russel cho biết có 5 vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận trong dịp Tổng thống Obama đến Việt Nam, gồm:
1. Chuyến thăm nhấn mạnh một nước Việt Nam vững mạnh, an toàn, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng nhân quyền phổ quát và pháp quyền, không chỉ phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân Việt Nam mà còn đáp ứng lợi ích của Mỹ.
Tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam là một thành tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kinh tế cũng là một lĩnh vực rất quan trọng.
Việt Nam là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam năng lực thực hiện hiệp định quan trọng này.
Mở rộng hợp tác an ninh là một thành tố quan trọng khác gồm các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, nâng cao khả năng nắm bắt tình hình thông tin trên biển và hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải.
2. Tăng cường các hoạt động hợp tác và giao lưu giữa nhân dân hai nước, trong đó có hợp tác đầu tư vào thế hệ trẻ Việt Nam thông qua Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), thành lập Đại học Fulbright Việt Nam.
3. Thảo luận với lãnh đạo Việt Nam về các giải pháp đối phó với các thách thức trong khu vực và toàn cầu. Mỹ đang hợp tác với Việt Nam đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi đang hợp tác để thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế và tìm các giải pháp làm giảm tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm quyền lợi của các bên và luật pháp quốc tế được tôn trọng. Các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải tiến hành các bước giảm căng thẳng trên biển” - ông Russel nói thêm về vấn đề Biển Đông.
4. Hợp tác giải quyết các “di sản” chiến tranh như tăng cường hợp tác rà phá bom mìn, tìm kiếm và hồi hương di hài quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, cũng như cùng nhau hợp tác xử lý ô nhiễm dioxin chẳng hạn như ở sân bay Đà Nẵng.
5. Tiếp tục thảo luận và mở rộng hợp tác trong vấn đề quyền con người và cải cách pháp luật của Việt Nam. Đây là thành tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Nga trong chuyến công du đầu tiên
Đây là chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng, sau khi ông nhậm chức hồi tháng 4/2016.
Chợ Đồng Xuân Berlin bốc cháy dữ dội
Sáng 11/5 (giờ địa phương), một đám cháy lớn đã xảy ra tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân Berlin, Đức, nơi khoảng 20 bà con người Việt có hàng hóa lưu trữ.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các thông tin mới nhất cho biết nơi xảy ra vụ cháy là một kho giao hàng trong Trung tâm Thương mại Đồng Xuân.
Chủ kho là một người Thổ Nhĩ Kỳ, song có khoảng 20 bà con người Việt có hàng hóa lưu trữ tại đây. Rất may không có trường hợp thương vong trong vụ việc này.
Từ xa khoảng vài km đã có thể nhìn thấy những cột khói lớn bốc lên từ trung tâm này.
Hiện lực lượng cứu hộ, cứu hoả, xe chuyên dụng cùng máy bay trực thăng với khoảng 200 người đã được triển khai để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, bên trong chứa các đồ dễ cháy, trong khi kho lại là một toà nhà kín nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, gió to khiến ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ kho.
Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy, song theo những thông tin mới nhất thì vụ cháy chỉ gây thiện hại về tài sản và không có trường hợp thương vong. Trong khi đó, các toà nhà buôn bán và giao hàng khác của người Việt trong Trung tâm thương mại Đồng Xuân vẫn hoạt động bình thường.
Đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Đoàn Xuân Hưng cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã có mặt ở hiện trường, thăm hỏi động viên bà con có hàng bị cháy trong kho, giúp bà con sớm ổn định tinh thần trở lại công việc.
Cảnh sát Berlin khuyến cáo người dân nên đóng cửa, cửa sổ, tránh ra ngoài đề phòng khói độc. Ảnh: Bild Berlin
Đất trồng lúa: Thừa và thiếu
Chưa khi nào ngành nông nghiệp nói chung và trồng lúa của Việt Nam lại đứng trước sức ép cải tổ và tái cơ cấu lớn như hiện tại.
Chưa khi nào ngành nông nghiệp nói chung và trồng lúa của Việt Nam lại đứng trước sức ép cải tổ và tái cơ cấu lớn như hiện tại.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam chỉ cần từ 3 đến 3,2 triệu ha đất lúa vẫn có thể bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Khi tính lượng gạo đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhóm nghiên cứu của WB đã tính đến các kịch bản về cung với diện tích đất, năng suất khác nhau và kịch bản về cầu với mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người khác nhau. Có 3 kịch bản về cầu được đưa ra: mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người 100 kg/người/năm; 120 kg/người/năm; và 140 kg/người/năm.
Xu hướng chung trên thế giới, kể cả ở nông thôn, là khi thu nhập tăng lên, người dân ăn ít gạo, nên giảm nhu cầu tiêu thụ gạo. Trong điều kiện năng suất thấp nhất không tăng lên nhiều và sử dụng đất vẫn không giảm, giữ 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2025-2030 vẫn thừa 6 đến 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu; nếu giữ 3,2 triệu ha đất lúa, vẫn thừa 4 triệu tấn gạo; và nếu giữ lại 3 triệu ha đất lúa thì còn vẫn hơn 1 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu lựa chọn kịch bản “chắc ăn” nhất, tức là chỉ cần giữ 3,2 triệu ha đất lúa.
Nghiên cứu của WB cũng chỉ ra thực tế, chưa khi nào ngành nông nghiệp nói chung và trồng lúa của Việt Nam lại đứng trước sức ép cải tổ và tái cơ cấu lớn như thời điểm hiện tại. Cơ bản đó là nhiệm vụ tăng năng suất và giá trị cho nông sản. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 7,6-7,7 triệu ha, năng suất bình quân 57,8 tạ/ha, sản lượng đạt 44,5 triệu tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016, ngành dự kiến sẽ giảm khoảng 100.000 ha diện tích gieo trồng lúa để chuyển sang trồng một số cây hàng năm khác; trong đó chủ yếu là ngô, cây thức ăn chăn nuôi.
Để tăng chất lượng nông sản và lúa gạo, theo các chuyên gia, Nhà nước nên đặt ra tiêu chuẩn về chất lượng, sau đó để doanh nghiệp cung cấp giống được tham gia theo cơ chế thị trường. Như vậy, người nông dân sẽ chọn được người cung cấp đầu vào tốt nhất, với chi phí hợp lý nhất. Với đầu ra, Nhà nước nên tạo ra các chương trình thu mua tạm trữ một cách tốt nhất, mua của nông dân với giá tốt nhất, có liên kết hợp đồng nông sản với nông dân. “Cách thức tổ chức như thế, người nông dân có thể tính toán được lợi nhuận của mỗi vụ và yên tâm sản xuất, tăng năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng, đúng như người tiêu dùng mong muốn”, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Cũng theo vị tiến sĩ này, lúa là mặt hàng giá trị thấp, không nhất thiết sử dụng 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo nhu cầu gạo. Công cụ “an ninh lương thực” đã quá cổ điển, thay vào đó, nên quan tâm đến vấn đề an ninh dinh dưỡng của người dân. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo những năm gần đây có sự thay đổi rõ rệt về nhu cầu. Gạo lúa lai ngày càng khó bán dù với giá rẻ, trong khi các loại gạo có chất lượng cao lại tiêu thụ rất dễ dàng với mức giá khá cao. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang suy giảm trong bối cảnh giá gạo trên thị trường thế giới vẫn cao, mà Thái Lan là điển hình. Đây là thực trạng đã kéo dài rất nhiều năm: lúa gạo của Việt Nam nhiều về số lượng nhưng kém về chất lượng.
Chính phủ chủ trương bảm bảo nông dân có lãi từ 30% trở lên, nhưng thu nhập của người trồng lúa trên thực tế không được như vậy do chất lượng lúa kém nêu trên. Trồng lúa giá trị thấp không có lãi, người nông dân muốn phát triển chăn nuôi. Nhưng chăn nuôi nếu chỉ có 5% đất vườn sau nhà, thì vừa không mang lại giá trị, vừa gây ô nhiễm môi trường, song không ai dám chăn nuôi ở ruộng. Chưa kể đến những khó khăn trong việc thay đổi cấu trúc đất nông nghiệp, làm cho việc sử dụng đất không linh hoạt và kém hiệu quả. Người nông dân đang bị kẹt cứng ở hai đầu, cả thị trường đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi…), lẫn thị trường sản phẩm đầu ra. Với thị trường như vậy, nông dân bỏ ruộng, ngừng canh tác ngày càng nhiều, hoặc làm thì không chăm chút cho chất lượng sản phẩm, vì cho rằng giá trị không xứng với công lao động.