TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 20-04-2016

    Cử tri 15 tỉnh thành đề nghị sớm kiện Trung Quốc về biển Đông

    hoat dong boi dap, xay dung phi phap cua trung quoc trong khu vuc quan dao truong sa cua viet nam - anh: epa

    Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: EPA

    Biển Đông là quan tâm chung của cử tri 15 tỉnh từ Nam ra Bắc gửi đến Bộ Ngoại giao...

    Bản tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 13 được Ban Dân nguyện phát hành mới đây cho thấy một nội dung duy nhất thuộc lĩnh vực của Bộ Ngoại giao. Trong khi đó, nhiều bộ, ngành khác nhận được hàng chục ý kiến, kiến nghị của cử tri.

    Phú Yên, Long An, Ninh Bình, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bình Thuận, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Dương, Hà Nam, Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Hà Nội là những địa phương có các ý kiến chung được phản ánh qua đại biểu Quốc hội đến Bộ Ngoại giao.

    Theo đó, cử tri 15 tỉnh, thành nói trên tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.

    Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc.

    Đặc biệt, cử tri 15 tỉnh, thành nói trên cũng đề nghị Việt Nam sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc.

    Theo cử tri, cũng cần hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc, đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình biển Đông và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo…, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

    Đáng chú ý, đây cũng là những nội dung đã được cử tri nhiều tỉnh, thành gửi đến Quốc hội khoá 13 từ các kỳ họp trước và đã được Bộ Ngoại giao hồi âm.

    Khi đó, Bộ Ngoại giao khẳng định, đối với những hành động sai trái của phía Trung Quốc, Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc và bảo đảm được chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

    Tại kỳ họp Quốc hội thứ 11 vừa bế mạc ngày 12/4 vừa qua, gửi báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đến các vị đại biểu, Chính phủ nhận định diễn biến trên biển Đông có thể sẽ căng thẳng, gay gắt, phức tạp hơn.

    Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá đã “đảm bảo chủ quyền quốc gia”. Song, trong một phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) nói rằng ông không đồng thuận với đánh giá này.

    Bởi theo ông Lai, Trung Quốc đã biến từ đảo ngầm thành đảo nổi, xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích và sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyền như vùng nhận dạng hàng không… Và theo ông thì những hành vi nói trên không thể có từ nào khác hơn là xâm hại nghiêm trọng chủ quyền quốc gia.

    Vẫn liên quan đến bảo vệ chủ quyền, tập hợp ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội thứ 11 còn nêu tâm tư của cử tri Thừa Thiên - Huế.

    Đó là, thời gian vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng và đưa các hệ thống trang thiết bị quân sự ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động leo thang gây căng thẳng cho vùng biển Đông nước ta.

    Theo Ban Dân nguyện, cử tri đề nghị Chính phủ ngoài các biện pháp đấu tranh ngoại giao, cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đóng mới các hệ thống tàu thuyền cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển nhằm phục vụ tuần tra dài ngày, bảo vệ chủ quyền và bảo vệ ngư dân trên vùng biển nước ta.


    Các ngân hàng đồng loạt giảm nhẹ giá mua - bán đồng bạc xanh

    Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, sáng nay (20/4), các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá mua – bán USD với mức giảm từ 10-20 đồng. Qua đó, đưa mức giá bán tại các ngân hàng về phổ biến 22.325-22.330 đồng/USD.

     
    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Theo đó, 3 NHTM Nhà nước là Vietcombank,BIDV, VietinBank đều giảm 10 đồng ở cả 2 chiều mua – bán. Hiện giá mua – bán USD tại 3 ngân hàng này tương ứng lần lượt là 22.260/22.330 đồng/USD, 22.260/22.330 đồng/USD và 22.250/22.330 đồng/USD.

    Agribank mạnh tay hơn khi giảm giá mua vào 20 đồng xuống 22.250 đồng/USD và giảm giá bán ra 15 đồng xuống mức 22.325 đồng/USD.

    Với khối NHTMCP, Eximbank và Sacombank cùng điều chỉnh giảm 20 đồng ở cả giá mua và giá bán, tương ứng ở mức 22.240/22.320 đồng/USD và 22.240/22.330 đồng/USD.

    Hai ngân hàng ACB và LienVietPostBank hiện đều giao dịch USD ở mức 22.245/22.325 đồng/USD, giảm 15 đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với phiên trước.

    Cũng giảm 15 đồng ở cả 2 chiều mua – bán là DongA Bank. Hiện tỷ giá USD tại ngân hàng này là 22.255/22.325 đồng/USD.

    Techcombank sáng nay giảm giá bán ra 10 đồng xuống mức 22.340 đồng/USD, tuy nhiên tiếp tục giữ giá mua ở 22.240 đồng/USD.

    Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường sáng nay là 22.240 đồng/USD, giá mua cao nhất là 22.260 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.320 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.340 đồng/USD.

    Sáng nay, tỷ giá trung tâm được NHNN Việt Nam giảm 17 đồng xuống mức 21.838 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.493 đồng và tỷ giá sàn là 21.183 đồng/USD.

    Sở Giao dịch NHNN sáng nay vẫn giữ nguyên giá mua vào USD ở mức 22.300 đồng/USD, song giá bán được điều chỉnh tương ứng với mức giá trần mới là 22.493 đồng/USD.


    Vàng SJC lại thấp hơn giá vàng thế giới 300.000 đồng/lượng

    Giá vàng thế giới bất ngờ tăng mạnh lên trên 1.250 USD/oz khi kỳ vọng Fed chưa thể sớm tăng lãi suất lại dấy lên. Giá vàng SJC vì thế cũng tăng 140.000 đồng/lượng trong sáng nay (20/4). Do tăng chậm hơn nên hiện giá bán ra vàng SJC đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 300.000 đồng/lượng.

    Số liệu về thị trường nhà ở tại Mỹ được công bố hôm qua kém khả quan hơn dự kiến đã làm gia tăng kỳ vọng Fed chưa thể sớm tăng lãi suất. Đồng USD vì thế lại tiếp tục bị nhấn chìm, trong khi vàng được hỗ trợ tăng tốc khá mạnh trong phiên hôm qua.

    Hiện giá vàng kỳ hạn tháng Sáu đã tăng lên 1.255,50 USD/oz; giá vàng giao ngay cũng đang xoay quanh 1.255 USD/oz.

    dien bien gia mua - ban vang sjc cua doji trong 7 ngay qua

    Diễn biến giá mua - bán vàng SJC của DOJI trong 7 ngày qua

    Trong khi đó, giá vàng SJC trong nước dù đã quay đầu tăng trở lại 130.000 – 140.000 đồng/lượng trong sáng nay, song mức độ vẫn nhẹ hơn rất nhiều so với đà tăng của giá vàng thế giới. Vì thế, hiện giá bán ra vàng SJC đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 300.000 đồng/lượng.

    Theo đó, sáng nay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã tăng cả giá mua và bán vàng SJC 140.000 đồng/lượng, đưa giá giao dịch tại TP.HCM lên mức 33,26 - 33,48 triệu đồng/lượng; còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 33,26 - 33,50 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện giá bán ra vàng SJC của DN này vẫn thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 300.000 đồng/lượng.

    Hiện Tập đoàn DOJI nâng giá mua – bán vàng SJC của mình lên mức 33,32 – 33,40 triệu đồng/lượng, tăng 120.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 130.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Mặc dù vậy giá bán ra vàng SJC của DOJI vẫn thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 380.000 đồng/lượng.

    Theo các nhà phân tích, mặc dù dữ liệu nhà ở tại Mỹ là yêu kém sẽ càng khiến Fed thêm đắn đo đối với quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường có phần hơi “thái quá”. Vì thế, rất có thể vàng sẽ điều chỉnh nhẹ trở lại trong các phiên tới.


    Mỗi năm Cà Mau lún xuống 1,71 cm

    sut lun tai xa khanh binh, huyen tran van thoi ngay 15/4.

    Sụt lún tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời ngày 15/4.

    Theo nghiên cứu của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), bán đảo Cà Mau đang có xu hướng lún xuống mỗi năm.

    TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn Trưởng của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam cho biết, nơi sụt lún sâu nhất ở Cà Mau đo được là 1,71 cm một năm, sụt lún trung bình do khai thác nước ở đây khoảng 0,35cm một năm.

    Có ba nguyên nhân của tình trạng này gồm sụt lún cấu kết do trầm tích trẻ, do khai thác nước và do chuyển động kiến tạo từ sụt xuống. Xu thế này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.

    Trước đó, nghiên cứu của Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) cũng cho thấy Cà Mau đang trong xu hướng sụt lún mạnh. Con số nghiên cứu của đơn vị này cao hơn so với nghiên cứu của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam.

    Báo cáo kết quả sơ bộ NGI cho rằng, ở tỉnh Cà Mau có thể bị sụt lún nghiêm trọng trên bề mặt xuất phát từ hoạt động bơm nước mặt của 109.096 giếng nước với tổng lượng nước được bơm là 373.000m3/ngày, nếu chia lượng nước khai thác được cho tổng diện tích của tỉnh Cà Mau (khoảng 4.350km2) thì kết quả là tốc độ lún hoặc sụt theo thứ tự là 1,9 - 2,8cm/năm. Nếu lấy diện tích của tỉnh Cà Mau là 5.300km2 thay vì 4.350km2 thì tốc độ sụt lún là 1,56 - 2,30cm/năm.

    Nghiên cứu của NGI còn chỉ ra, trong 15 năm (1998-2013), tốc độ sụt lún mặt đất là 30-80cm và theo dự báo trong vòng 25 năm tới, tốc độ sụt lún sẽ tăng lên 90-150cm và 210cm trong vòng 50 năm tới.


    Công bố Quy hoạch chi tiết Hoàng thành Thăng Long

    phoi canh tong the khu di tich trung tam hoang thanh thang long

    Phối cảnh tổng thể Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

    Lễ công bố Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội đã diễn ra sáng 19/4.

    Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội tỉ lệ 1/500 được duyệt gồm 3 nội dung: Đồ án Quy hoạch; Đề án Bảo tồn; Quy chế quản lý đầu tư xây dựng.

    Với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, du khách tham quan, du lịch, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa thế giới, xây dựng không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về cảnh quan kiến trúc, đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình, là cơ sở để xây dựng quy chế, đề án quản lý tổng thể Khu di tích và triển khai công tác đầu tư các dự án thành phần theo quy hoạch.

    Đồ án đã được Bộ Xây dựng duyệt theo Quyết định số 975/QĐ-BXD và ngày 28/12/2015 Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký Quyết định số 1481/QĐ-BXD phê duyệt điều chỉnh bổ sung đồ án.

    Theo UBND TP Hà Nội, để triển khai nội dung Quy hoạch, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội, Sở Quy hoạch- Kiến trúc, các sở, ban, ngành thành phố sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ:

    Lập, trình duyệt và triển khai Kế hoạch Bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích, di sản các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; lập chương trình giới thiệu, đề cương trưng bày, lựa chọn hiện vật hiệu quả, khoa học, dễ tiếp cận. Khai thác, phát huy giá trị của Khu di tích phục vụ học tập, nghiên cứu, tham quan, du lịch… có chương trình quảng bá, giới thiệu về Khu di tích; Đào tạo nguồn nhân lực quản lý Khu di tích. Tập trung cải tạo, trùng tu các di tích chính trên trục chính tâm như Kỳ Đài, Đoan Môn, nền- thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn…; Chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, chuyển đổi chức năng các công trình cho phù hợp với công năng sử dụng mới của Khu di sản.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn