TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 30-07-2016

    Nhiều điểm sáng trong bức tranh tiền tệ

    Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, trong 6 tháng đầu năm tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động gây ảnh hưởng không ít đến công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), nhưng CSTT cũng đã đạt được một số mục tiêu quan trọng.

     
    ong can van luc

    Ông Cấn Văn Lực

    Ông có thể đánh giá sơ bộ về thị trường tài chính tiền tệ trong 6 tháng đầu năm?

    Có thể nói, 6 tháng đầu năm nay, thị trường tài chính tiền tệ thế giới diễn biến rất phức tạp với hai biến động nổi bật. Một là giá dầu có lúc giảm kỷ lục dù sau đó quay đầu trở lại tăng nhẹ.

    Hai là, sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU khiến thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán của thế giới chao đảo. Trước bối cảnh đó, điều hành CSTT của NHNN vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

    Thứ nhất, duy trì mức cung tiền ở mức 8% so với cùng kỳ năm ngoái đảm bảo hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống NH duy trì mặt bằng lãi suất thấp cũng như đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

    Thứ hai, trong 6 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng khoảng 8,16%, cả năm mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 17% có thể đạt được. Điểm tích cực nữa là tín dụng vẫn hướng vào những lĩnh vực ưu tiên và tăng trưởng ở mức tương đối cao.

    Thứ ba, năm 2016, điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm giúp NHNN linh hoạt hơn và cũng đảm bảo chống lại cú sốc lớn về tỷ giá trước biến động thị trường tiền tệ trên thế giới.

    Chúng ta thấy tỷ giá khá ổn định trong 6 tháng đầu năm. Trong bối cảnh một số đồng ngoại tệ mất giá, đâu đó đồng Việt Nam tăng khoảng 0,17% so với đồng USD. Cái được nữa, khi thị trường vàng quốc tế biến động mạnh và thị trường vàng trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, tuy nhiên, Chính phủ và NHNN vẫn tiếp tục kiên định với chính sách chống vàng hóa và cũng đã truyền thông kịp thời giúp thị trường ổn định trở lại.

    Một điểm đáng chú ý, được thị trường hoan nghênh là hệ thống NH cũng đang tiếp tục hướng đến DN nhiều hơn thông qua nhiều giải pháp. Ví dụ như ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí có phần kiên quyết giảm nhẹ lãi suất cho vay, tích cực cải cách thủ tục hành chính, ban hành một số thông tư tháo gỡ điểm nghẽn hỗ trợ cho cả TCTD, DN song vẫn đảm bảo kiểm soát. Cùng với đó việc phối hợp chính sách giữa tiền tệ và tài khóa ổn hơn.

    Theo đó cũng giúp cho Bộ Tài chính phát hành được trái phiếu chính phủ ở mức lãi suất thấp hơn so với trước đây và đã hoàn thành 3/4 yêu cầu phát hành trái phiếu của năm nay.

    Một số DN tỏ ra quan ngại về khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới. Quan điểm của ông về vấn đề này?

    Tôi cho rằng cũng không phải quá lo. Mặc dù một vài TCTD có tăng lãi suất huy động, nhưng động thái này mang yếu tố thời vụ như chỉ rơi vào cuối tháng 6 một số NH cần phải hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh 6 tháng đầu năm nên buộc phải đẩy mạnh huy động vốn nhiều hơn để đáp ứng chỉ tiêu kinh doanh vào thời kỳ đó. Hiện tượng này không phải diễn ra trong thời gian dài hay là trên toàn hệ thống NH. Và đâu đó chỉ xảy ra ở một số NH yếu kém.

    Yếu tố tác động đến lãi suất là thanh khoản thì về cơ bản tương đối tốt. Hiện nay, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động theo công bố của NHNN đâu đó khoảng 85 – 86%, tốt hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây mấy năm khi lên đến 100%. Tôi nghĩ khả năng lãi suất huy động đầu vào tiếp tục tăng là ít xảy ra. Cộng với việc Chính phủ cũng như NHNN đang quyết tâm giữ mặt bằng lãi suất, đặc biệt lãi suất cho vay.

    Cụ thể, NHNN cũng đã yêu cầu các NHTM một mặt cân đối năng lực tài chính của mình, mặt khác tiết giảm chi phí để có thể giảm một chút lãi suất đầu vào. Cái đó, tất nhiên không nhiều nhưng nó thể hiện quyết tâm hỗ trợ DN trong thời buổi DN còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm lãi suất cho vay về cơ bản tiếp tục được duy trì.

    Đẩy nhanh xử lý nợ xấu

    Để giảm lãi suất cho vay, một trong những giải pháp là đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu.

    Theo phản ánh của các DN, tháng 4, một số NHTM nhà nước đã chủ động hạ lãi suất cho vay, nhưng mức độ giảm và phạm vi còn khá hạn chế. Phản ánh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số DN đang e ngại “việc lãi suất cho vay tăng trở lại luôn tiềm ẩn” và tiếp tục kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vốn cho DN. 

    Ông Nguyễn Anh Dương - Phó Ban chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nhận xét, đúng là lãi suất cho vay VND và USD giảm không đáng kể trong quý II và dư địa giảm lãi suất không nhiều.

    Theo ông, với những dự định tiếp tục điều chỉnh giá một số mặt hàng như giáo dục, y tế và với dự báo thị trường thế giới, lại thêm đề xuất tăng lương từ phía DN… khiến cho áp lực lạm phát cao là có và kỳ vọng lạm phát cao đang hiện hữu.

    Với kỳ vọng lạm phát cao, lãi suất huy động không thể giảm thì lãi suất cho vay cũng khó giảm. Bên cạnh đó lãi suất còn chịu sức ép từ  tác động chèn lấn của việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Muốn giảm lãi suất, thì lãi suất huy động phải giảm, nợ xấu phải được giải quyết.

    ty le no xau cua cac to chuc tin dung 2013-2016                              (don vi tinh: %)

    Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng 2013-2016                              (Đơn vị tính: %)

    “Ở Việt Nam lãi suất rất nhạy cảm với lạm phát. Lạm phát còn tăng thì làm sao đòi lãi suất hạ. Không thể ép hạ lãi suất và có ép cũng không được vì không thể cưỡng lại thị trường”, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia phát biểu.

    Ông nói “Việc cần làm là tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành cơ bản tái cơ cấu các NHTM. Đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các NHTM. Tránh can thiệp để giảm lãi suất cho vay bằng biện pháp hành chính”.

    Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định: thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống ngân hàng đã dùng nhiều giải pháp giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên chi phí trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng đang cao nên lãi suất ít dư địa để giảm.

    Vì vậy, để giảm lãi suất cho vay, một trong những giải pháp là đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Theo CIEM, tình hình nợ xấu chưa có thêm chuyển biến. Đến cuối tháng 3, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên mức 2,62% (so với mức 2,55% vào cuối năm 2015). Hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu không có nhiều chuyển biến trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm. “Vấn đề là phải giải quyết căn bản hơn để xử lý nhanh nợ xấu, bởi càng để lâu, mức độ thiệt hại càng lớn”, ông Cung gợi nhắc.

    “Chúng ta đã từng không dùng tiền ngân sách mà vẫn giải quyết được nợ xấu ở giai đoạn đầu, đã dồn được nợ xấu vào kho. Đó là một cái tài của ta nhưng đến nay không thể tiếp tục “tay không bắt giặc”, không thể “uống nước lã cầm hơi” được nữa”, TS.Trần Đình Thiên phát biểu. Các chuyên gia đều đồng thuận ở quan điểm giải quyết nợ xấu giai đoạn đầu đã đạt được kết quả nhất định. Nhưng nó vẫn là cục máu đông càng để càng nguy.

    Theo ông Thiên, lúc này Chính phủ phải ra tay dùng tiền Chính phủ làm vốn mồi kích hoạt thị trường mua bán nợ. Với góc nhìn của ông, VAMC cũng có cái cực khi nợ còn đọng đó cho dù họ rất muốn lưu chuyển cục nợ.

    viec tao lap thi truong mua ban no la vo cung can thiet

    Việc tạo lập thị trường mua bán nợ là vô cùng cần thiết

    Nhìn lại, gần 3 năm qua VAMC chưa xử lý được nhiều món nợ như kỳ vọng, một phần cũng vì thiếu thị trường mua bán nợ. Vì vậy, việc tạo lập thị trường mua bán nợ và đưa ra các định hướng, giải pháp thu hút người mua nợ là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà nước phải là người kích hoạt thị trường với vai một nhà đầu tư trên thị trường mua bán nợ, theo kiểu “vốn mồi”. Nợ xấu càng giải quyết nhanh thì khả năng phục hồi nền kinh tế theo nghĩa thật sẽ tốt hơn rất nhiều.

    Nền kinh tế nhận gần 1,4 triệu tỷ đồng vốn đăng ký bổ sung

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết 7 tháng đầu năm 2016 cả nước có 64.122 DN thành lập mới và 16.706 DN quay trở lại hoạt động với tổng số vốn đăng ký 1.391.880 tỷ đồng

    Trong đó, tổng số vốn của DN đăng ký thành lập mới là 496.958 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn là 894.922 tỷ đồng.

    Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.

    Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 7 tháng đầu năm 2016 là 13.656 DN, các DN này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh.

    Hơn 28 nghìn DN giải thể và tạm dừng hoạt động

    Số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 28.972 DN, trong đó: có 6.422 DN hoàn tất thủ tục giải thể và 22.550 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

    Các vùng đều có số DN đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 8.958 DN với tỷ lệ tăng nhiều nhất là 30,6%.

    Tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng có 19.321 DN, tăng 25,5%; Trung du và miền núi phía Bắc có 2.449 DN, tăng 22,1%; Đông Nam Bộ có 27.321 DN, tăng 21,7%; Tây Nguyên có 1.538 DN, tăng 21,5% và Đồng bằng Sông Cửu Long có 4.535 DN, tăng 12,3%.

    Một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo là 345.994 lao động; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy là 135.889 lao động; xây dựng là 68.846 lao động; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác là 32.531 lao động; vận tải, kho bãi với 32.465 lao động;...(NDH)

    Formosa đã bồi thường 250 triệu USD

    Đây là thông tin mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà vừa báo cáo trước Quốc hội chiều nay 29-7.

    Mở đầu phần trình bày, ông Hà đã “cảm ơn các đại biểu Quốc hội và nhân dân đã ủng hộ chúng tôi truy tìm nguyên nhân sự cố”.

    Ông cho biết: "Đến ngày 28-7,Formosa đã thực hiện cam kết ban đầu là đã chuyển cho chúng ta 250 triệu USD. Đến nay, các công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ cho người dân đã được Chính phủ triển khai tích cực”.

    Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và môi trường đang tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với Formosa, mà đây cụ thể là 53 sai phạm được phát hiện.

    Cùng theo đó Bộđã cókế hoạch toàn diện để khắc phục các sai phạm của Formosa, từ vấn đề chuyển đổi công nghệ cho đến vấn đề hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải và khí thải.

    “Đồng thời, chúng ta triển khai các hệ thống ứng phó với sự cố môi trường như xây dựng hồ sinh học, chỉ định sinh học có thể chứa được nước mà trước khi thải ra biển khoảng 7 ngày. Có hệ thống quan trắc trực tuyến để quan sát tất cả các chỉ tiêu có liên quan mà gây ô nhiễm môi trường biển”, ông Hà nói.

    Bộ trưởng Hà cũng thông tinrằng ngay từ khi có sự cố, Bộ Tài nguyên và môi trường, các bộ ngành đã được chỉ đạo là cùng với việc điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân thì đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, sự suy thoái môi trường biển. Việc này đang tiến hành một cách rất bài bản, khoa học, bước đầu đã có thông tin.

    "Khoảng ngày15-8 sẽ thông qua hội đồng, có các nhà khoa học, để đánh giá về phương pháp đánh giá, mức độ ô nhiễm và các giải pháp cụ thể để có thể khắc phục. Đồng thời có giải pháp để phục hồi hệ sinh thái, môi trường", Bộ trưởng nói.

    Ông Hà cũng cho biết thêm: Bộ Tài nguyên và môi trường đã được Chính phủ chỉ đạo xây dựng một dự án để giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển trên các tỉnh miền Trung, mở rộng ra cho đến Thanh Hóa, vào đến Đà Nẵng.

    Hệ thống này sẽ giúp chủ động cung cấp thông tin đến người dân và đồng thời giám sát môi trường minh bạch đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

    “Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có dự án hỗ trợ người dân về sinh kế, trong đó có dự án sử dụng kinh phí bồi thường để phục hồi các hệ sinh thái biển” -ông nói.

    Trước khi kết thúc phát biểu, ông Hà nhấn mạnh: “Đối với sự cố Formosa, như một đại biểu đã nói là nó tạo ra tiền lệ mới chocông tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường. Đặc biệt nó liên quan đến quy chuẩn, đến công tác đánh giá tác động môi trường, các quy trình giám sát, cũng như việc thanh tra, kiểm tra”(TT)

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn