TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 16-08-2016

    Chuyển đổi kinh tế biển ‘nâu’ sang ‘xanh’ ở Việt Nam

    Trên toàn thế giới, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển và các nguồn lợi biển đóng góp cho các nền kinh tế trên 5% GDP toàn cầu.

    Rõ ràng, tương lai của loài người phụ thuộc rất nhiều vào biển nhất là khi số dân toàn cầu vượt mức 7 tỷ người, các nguồn lực trên đất liền dần cạn kiệt và bị ô nhiễm. 
    Đối với Việt Nam, biển là không gian sinh tồn và kinh tế biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

    Thời gian qua, kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng cho kinh tế quốc dân, nhưng quy mô phát triển đến nay chưa tương xứng với tiềm năng và ‘nguồn vốn tự nhiên biển’ đang bị bòn rút ở mức báo động. 
    Chính vì vậy, để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững đòi hỏi phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng đầu tư nhiều hơn cho phát triển kinh tế biển ‘xanh’.

    Thực tế cho thấy đó là cách lựa chọn đúng đắn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia ‘mạnh về biển và làm giàu từ biển’ như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia đến năm 2020 và Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 về tăng trưởng xanh.
    Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km với trên 3.000 đảo lớn nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa.

    Biển là yếu tố ‘nổi trội’ trong phân hóa lãnh thổ Việt Nam và kinh tế biển đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia.

    Tài nguyên biển nước ta đa dạng về kiểu loại, nhưng trữ lượng thường không lớn, chỉ đạt mức trung bình và chủ yếu là nhỏ.

    Tiềm năng phát triển cảng và hàng hải lớn với khoảng 114 cửa sông đổ ra biển, có 48 vũng vịnh ven bờ với tổng diện tích hơn 4.000 km2 và 12 đầm phá phân bố từ Huế vào đến Ninh Thuận với tổng diện tích trên 400 km2.

    Du lịch biển cũng có nhiều lợi thế về bãi biển (trên 100 bãi cát biển, 21 bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế), có các cụm biển-đảo đẹp gắn với tiềm năng bảo tồn thiên nhiên và có khả năng phát triển ‘du lịch 3S’ (sun-sea-sand), nhưng để hiệu quả cần phải hướng tới du lịch 4S (thêm dịch vụ - service). 
    Triển khai thực hiện Nghị Quyết số 09-NQ/TW về Chiến lực biển Việt Nam đến năm 2020 (ban hành 2007) với mốc tính đến năm 2005, phát triển kinh tế biển và ven biển nói chung và khu vực ven biển nói riêng đã có bước chuyển biến rõ rệt.

    Bên cạnh sự thay đổi về nhận thức đối với kinh tế biển, GDP kinh tế biển và ven biển ước chiếm 49,5% tổng GDP cả nước (tăng thêm 1,8% so với năm 2005), thuần biển đạt 13% (năm 2013).

    Trong đó các tỉnh, thành phố ven biển có mức đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế trong giai đoạn gần đây với tốc độ tăng trưởng của phần lớn các địa phương cao hơn bình quân cả nước (5,64%).

    Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước của ngành dầu khí và ngành hàng hải có chiều hướng giảm, trong khi từ các hoạt động kinh tế ở dải ven biển lại có chiều hướng tăng dần.

    Mức tăng trưởng cao, đôi khi ‘đột phá’ của một số tỉnh, thành phố liên quan chủ yếu đến phát triển các khu kinh tế ven biển. 
    Cơ cấu kinh tế biển cũng thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, xuất hiện các ngành nghề mới, du lịch biển có dấu hiệu phát triển, điều kiện hạ tầng ở một số đảo và quá trình đô thị hóa ở vùng ven biển diễn ra nhanh, mạnh, bước đầu hình thành ‘chuỗi đô thị’ ven biển tạo ra sự liên kết vùng và làm thay đổi cơ bản bộ mặt vùng ven biển so với trước đây.

    Cơ hội đối với phát triển kinh tế biển xanh (blue economy) xuất hiện và đang trở thành mối quan tâm quốc gia và được xem là động lực để phục hồi, thúc đẩy kinh tế biển phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. 

    Cùng với tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế biển ở nước ta vừa qua cũng bộc lộ không ít yếu kém về mặt bảo vệ môi trường và bảo tồn nguồn vốn tự nhiên biển.

    Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý đổ bất hợp pháp ra biển, đầu độc môi trường biển về lâu dài và gây ra các tác động xã hội mạnh mẽ, ảnh hưởng đến an ninh môi trường biển quốc gia, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế đất nước và cuộc sống của người dân địa phương.

    Vụ cá chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh gần đây cảnh báo Việt Nam cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, không thể đánh đổi môi trường bằng mọi giá để phát triển công nghiệp ‘bẩn’.

    Chấp nhận mô hình thể chế và tiêu chuẩn công nghệ đẳng cấp ‘thấp’ đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất ở ven biển như vừa qua, không chỉ không thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài có vốn lớn, có công nghệ ‘sạch’, mà còn không có hiệu quả cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
    Nguồn nhân lực thực hiện kinh tế biển ‘xanh’ và quản lý biển, đảo đang ở tình trạng ‘vừa thừa, vừa thiếu’, chưa được chú trọng đúng mức, cơ chế chính sách chưa tạo ra ‘lợi thế động’ cho kinh tế biển, chưa đúng tầm của chiến lược biển.

    Điều này đang tác động xấu tới các mục tiêu phát triển bền vững biển, đảo mà Việt Nam cam kết thực hiện với quốc tế và khu vực biển Đông Á từ năm 2003.

    Không giải quyết được vấn đề môi trường, tài nguyên và nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, đảo (yếu tố đầu vào) thì tăng trưởng kinh tế biển sẽ bị chậm lại, kém hiệu quả và thiếu bền vững.

    Đặc biệt, khi đó các sản phẩm ‘đầu ra’ của kinh tế biển sẽ không thỏa mãn được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020: sản phẩm hàng hóa từ biển thiếu tính cạnh tranh, nhiều phế thải, nhiều chất thải, không tác động là bao đối với xã hội.  
    Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát: ‘Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát huy mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn, góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước’.

    Để đạt được mục tiêu trên, cần phải thay đổi ‘gam mầu’ của nền kinh tế, từng bước chuyển từ kinh tế biển ‘nâu’ sang kinh tế biển ‘xanh’.   
    Kinh tế biển xanh sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển ‘truyền thống’ cho phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực.

    Phát triển kinh tế biển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam để duy trì tăng trưởng ổn định, bảo đảm sự thịnh vượng cho đất nước và sinh kế lâu dài của người dân.

    Đây cũng là bài học của các nước mà Việt Nam cần lựa chọn để phát huy lợi thế của ‘người đi sau’.

    Phát triển kinh tế biển bền vững gắn với tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế biển xanh dựa trên nguyên tắc ‘phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo toàn được nguồn vốn tự nhiên và chức năng của các hệ sinh thái mà kinh tế biển nương tựa’.
    Các ưu tiên hành động phải bắt đầu từ thay đổi khuôn khổ thể chế - chính sách phát triển kinh tế biển, hiểu đúng nội hàm của kinh tế biển, chú ý phát triển kinh tế đảo (xây dựng chuỗi đô thị ven biển-đảo và phát triển kinh tế biển dựa vào bảo tồn), bảo toàn các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển; tăng đẳng cấp công nghệ, kiên quyết từ chối các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu, không sạch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển có trình độ và kỹ năng phù hợp với yêu cầu của hội nhập; tăng cường trách nhiệm và hiệu lực của công tác kiểm soát phát triển biển đảo (khai thác, sử dụng), trong đó có kiểm soát môi trường…

    Giải quyết tốt các vấn đề nêu trên sẽ góp phần xây dựng một nền kinh tế biển ít lệ thuộc, có khả năng hội nhập, hiệu quả và bền vững (Xaluan)


    TPHCM xem xét rút giấy phép dự án 3,5 tỷ USD của Berjaya

    Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện tại Khu đô thị Tây Bắc.

    Theo thông tin từ Văn phòng UBND TPHCM, UBND Thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các sở ngành liên quan đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Tây Bắc theo hướng kết hợp phát triển các khu dân cư mới với chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

    Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện, trong đó có dự án của Công ty TNHH MTV Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya.

    Sở này cũng sẽ đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư nếu dự án không đủ điều kiện tiếp tục triển khai.

    Theo kế hoạch, Tập đoàn Berjaya (Malaysia) dự kiến đầu tư dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) với tổng diện tích khoảng 925 ha, thuộc xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Dự án là một phần của khu đô thị Tây Bắc, đã được UBND TPHCM cấp giấy phép ngày 1/7/2008.

    Theo Berjaya, dự án có mức đầu tư là 3,5 tỷ USD, nhằm mục đích tạo ra một đô thị hội nhập dưới bốn chủ đề: làm việc, tri thức, phong cách sống và vui chơi giải trí, tập trung vào sự phát triển bền vững, tạo không gian sống và làm việc trong môi trường quốc tế về làng đại học và cộng đồng sinh hoạt.

    Khu đô thị Tây Bắc có quy mô diện tích khoảng 9.000 ha. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án có quy mô 6.089 ha, nằm trên địa bàn huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.

    UBND TP cũng chấp thuận hủy bỏ chủ trương “tạm không phát triển thêm dự án nhà ở thương mại tại Khu đô thị Tây Bắc” trước đây. Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc được giao xây dựng Đề án thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hộ, để tạo động lực phát triển trong những năm tới.(Nhipcaudautu)


    Chỉ vay khi không có nhà thầu Trung Quốc

    Bộ GTVT khẳng định, tới nay vẫn chưa có nhà tài trợ nào khác ngoài Trung Quốc quan tâm rót vốn cho dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Dù cách đây ít ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có đề xuất xin Chính phủ cho phép triển khai tuyến đường theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao).

    Bộ GTVT khẳng định, tới nay vẫn chưa có nhà tài trợ nào khác ngoài Trung Quốc quan tâm rót vốn cho dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Dù cách đây ít ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có đề xuất xin Chính phủ cho phép triển khai tuyến đường theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao).

    Ngày 10/8, trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng GTVT – đơn vị đề xuất vay hơn 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết: “Thời điểm đề xuất vay ODA Trung Quốc và tới nay chưa có nhà tài trợ ODA nào khác ngoài Trung Quốc quan tâm đến dự án, trong khi tiến độ đầu tư dự án đã chậm 2 năm so với đoạn Hạ Long - Vân Đồn (thuộc tuyến cao tốc Hạ Long – Móng Cái). Tỉnh Quảng Ninh cũng ủng hộ quan điểm vay vốn của bộ”, ông Trường nói. Ông Trường cũng cho biết, hiện Chính phủ cũng chưa quyết định vay vốn ODA Trung Quốc.

     

    Theo ông Trường, tổng mức đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long – Móng Cái lớn nên UBND tỉnh Quảng Ninh mới triển khai đầu tư tuyến đoạn Hạ Long - Vân Đồn (dài 59,7km), kết hợp cải tạo, nâng cấp QL18 (đoạn Hạ Long - Mông Dương) theo hình thức BOT. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương để địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư BOT cho dự án này. Nếu có nhà đầu tư BOT quan tâm, sẽ không dùng đến vốn vay ODA nữa.

    Nói về việc sẽ đàm phán với phía Trung Quốc để giảm điều kiện cho vay 300 triệu USD, ông Trường cho biết: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã trả lời báo chí rằng, hiện chúng ta có nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, nhưng không đủ nguồn lực nên phải đi vay. Vốn ODA của Trung Quốc hay bất kể nước nào khác, nếu đáp ứng yêu cầu thì chúng ta sử dụng, không phân biệt nước này, nước kia. Nguồn vốn vay ODA của nước nào cũng vậy, đều kèm theo các điều kiện của nước cho vay.

    Bộ GTVT thống nhất với quan điểm của Bộ KH&ĐT là tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc về điều kiện khoản vay này, theo hướng ưu đãi hơn. Đặc biệt, khoản vay phải không áp dụng điều kiện thực hiện dự án theo hình thức phiếu EPC (thiết kế - cung ứng - thi công) chỉ định cho nhà thầu Trung Quốc.(Tienphong)

    Về lý do chọn vay vốn Trung Quốc đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mà không phải dự án khác (có thể cấp thiết hơn), Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ việc đầu tư tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (2 hành lang, một vành đai kinh tế) để tăng cường phát triển kinh tế thương mại với Trung Quốc và các nước ASEAN. Đến nay hầu hết các tuyến đã và đang thực hiện, chỉ còn đoạn tuyến Hạ Long – Móng Cái chưa được nghiên cứu đầu tư.

    Vốn cho nền kinh tế luôn sẵn nhưng khó giải ngân

    Từ đầu năm đến nay, có khoảng 5 triệu tỷ đồng vốn từ ngân hàng đi ra nền kinh tế phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong lúc đó, lượng tiền có được từ hệ thống ngân hàng nhờ phát hành trái phiếu Chính phủ đang rơi vào tình cảnh nằm im chờ giải ngân.Vì sao vậy?

    Tiền ngân hàng đi đâu?

    Ngày 5/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố một số thông tin cơ bản về kết quả điều hành chính sách tiền tệ. Tính đến hết 20/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,8% so với tháng 12/2015; Huy động vốn tăng 10,1%; Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,0%. Với mức tăng này, người ta ước tính đã có khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng đi từ hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế.

    Trong đó, tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) tăng 9% so với cuối năm 2015, chiếm tỉ trọng 8,5% tổng tín dụng. Tỷ trọng này được cho là phù hợp và nằm trong mức kiểm soát của hệ thống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy thông tin về tổng giá trị cho vay lĩnh vực BĐS tính đến ngày 20/7 không được công bố nhưng theo tính toán của một số tổ chức, vốn vào lĩnh vực này khoảng 428.000 tỷ đồng.

    Cùng thời điểm, hoạt động huy động vốn cho ngân sách qua kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP) diễn biến thuận lợi. Lãi suất không thấp hơn lãi suất ngân hàng là mấy, quanh mức 6%, thậm chí có thể 8%/năm nếu kỳ hạn dài; rủi ro không có, thanh khoản khá tốt là lý do khiến dòng tiền chảy mạnh vào trái phiếu. Thống kê từ đầu năm đến hết tháng bảy, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 182.271 tỷ đồng TPCP, đạt gần 83% kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 220.000 tỷ đồng. “Thừa thắng xông lên”, Kho bạc Nhà nước vừa điều chỉnh tăng huy động thêm 30.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn TPCP lên 250 ngàn tỷ năm 2016.

    Nói về mối quan hệ giữa các cơ quan điều hành chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, một lãnh đạo NHNN gần đây chia sẻ: “Sự phối hợp thời gian qua rất nhịp nhàng, khi Bộ Tài chính có ý định huy động vốn trên thị trường trái phiếu, chúng tôi đã tạo điều kiện tối đa để các ngân hàng thương mại tham gia và điều hòa “bơm- hút” nhịp nhàng trên thị trường mở đảm bảo lãi suất ổn định. Cũng nhờ một phần đó, cộng thêm với yếu tố lãi suất, TPCP đấu giá phiên nào đắt hàng phiên đó”.

    Lo đầu ra cho tiền trái phiếu

    Trong câu chuyện về vốn ngân hàng gần đây, lãnh đạo cấp cao một ngân hàng thương mại lớn cho hay, đang có sự “lúng túng” trong sử dụng khi một lượng lớn vốn TPCP huy động xong lại “quay” về nằm rải rác tại các ngân hàng với lãi suất thấp (tất nhiên, Chính phủ là người trả phần chênh lệch). “Tốc độ giải ngân đầu tư công chậm khiến một phần lớn dòng tiền đã đi ra kênh trái phiếu lại lộn trở về gửi ở ngân hàng”, vị này nói.

    Vốn vào trái phiếu nhiều nhưng giải ngân chậm, còn vốn ngân hàng đang chảy mạnh vào đâu, chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn cho rằng, thời gian qua, huy động vốn và M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng. Chính điều này đã khiến các thị trường như BĐS, chứng khoán “nghển cổ” ngóng dòng tiền từ ngân hàng chảy vào. Tuy nhiên, theo ông này, dư thừa vốn không có nghĩa là phải đưa ra bằng mọi giá.

    Năm 2016, nền kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7-6,8% GDP nhưng nguồn lực xã hội chủ yếu hướng vào kênh đầu tư của Chính phủ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện kinh tế vỹ mô đang khá ổn định, tuy nhiên các chỉ số cho thấy nền kinh tế trong nước tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn.

    Đặc biệt trước bối cảnh xuất khẩu Việt Nam đang gặp khó tại các thị trường như Nhật Bản, châu Âu chúng ta bị cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Trong khi đó, về nội địa phải đối phó với các vấn đề về môi trường, thời tiết, xâm nhập mặn. Theo ông Hiếu, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7-6,8% hiện rất khó đạt được và lẽ dĩ nhiên, phải trông vào điều hành của Chính phủ cũng như tăng tốc giải ngân đầu tư công.(Tienphong)


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn