TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 20-07-2016

    Quy hoạch ga đường sắt Bình Triệu (TP.HCM) 33.000 tỷ: Tắc 14 năm vì... vốn quá khủng

    Số vốn đầu tư quá lớn, ước tính trên 33.000 tỷ đồng, không biết tìm ở đâu ra, khiến Quy hoạch ga đường sắt Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) sau 14 năm vẫn chỉ là bản vẽ trên giấy.

    Ngay từ năm 2002, UBND TP.HCM đã đưa ra bản quy hoạch xây mới ga Bình Triệu, nhưng đến nay, địa điểm được quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu vẫn chưa có động tĩnh gì, người dân tại đây phải sống trong quy hoạch treo.

    Vì nhiều vướng mắc mà quy hoạch xây mới ga Bình Triệu lập năm 2002 chưa được thực hiện. Đến ngày 8/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông - vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 568/QĐ-TTg. Theo đó, đồng ý xây dựng mới các ga trong khu đầu mối đường sắt TP.HCM, bao gồm ga khách kỹ thuật phía Bắc là ga Bình Triệu với diện tích 41 ha, ga khách trung tâm là ga Sài Gòn với diện tích 6,14 ha.

    ..

    Ngay sau đó, Bộ GTVT cũng phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, trong đó ga Bình Triệu là một trong các ga chính trong khu đầu mối, có chức năng làm đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.

    Tháng 9/2013, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đầu mối giao thông Bình Triệu, trong đó đất ga đường sắt có diện tích 47,35 ha.

    Tưởng rằng, sau những quyết định này, ga Bình Triệu sẽ mau chóng được xây dựng sau nhiều năm trì hoãn, nhưng tới nay dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, còn người dân khu vực dự án phải chịu khổ vì quy hoạch treo.

    Phóng viên Báo Đầu tư tìm tới khu vực xây dựng ga Bình Triệu những ngày giữa tháng 7, tháng mùa mưa ở TP.HCM, chứng kiến cảnh nhiều hộ dân đang phải sống trong những ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, đường vào lầy lội, sau mỗi cơn mưa, nước ứ đọng khiến nơi đây như vùng quê mùa nước nổi.

    Bà Trần Thị Bé, một hộ dân sống tại đây cho biết, từ năm 2002, Thành phố thông báo quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu và sẽ thu hồi đất của các hộ dân, chính vì vậy mà nhà muốn bán nhưng không ai dám mua. Muốn xây dựng sửa chữa thì chính quyền không cho, nhiều nhà muốn đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không được. Vì là khu quy hoạch nên đường sá cũng không ai ngó ngàng sửa chữa cho dân.

    Ông Trần Văn Báo, một hộ dân thuộc diện giải tỏa để xây mới ga Bình Triệu cho biết, nhà ông có 60 m2 đất, gia đình có 4 người con trai đều đã lấy vợ và sống cùng ông bà trên căn nhà cấp 4 xây dựng cách đây gần 40 năm. “Nhà xuống cấp, cứ trời mưa là dột. Gia đình đông người nên có nhu cầu xây dựng thêm lầu để sinh sống, tuy nhiên lên phường xin giấy phép xây dựng thì bị trả hồ sơ về, vì nhà tôi trong vùng quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu mới”, ông Báo nói.

    Làm việc với UBND quận Thủ Đức, ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND quận cũng thừa nhận, hàng ngàn hộ dân phường Hiệp Bình Chánh đang phải sống khổ vì quy hoạch ga Bình Triệu.

    “Cả khu vực rộng 47,35 ha chỉ có vài đường giao thông chính, nhưng đường cũng chỉ rộng 5m, các đường giao thông còn lại không theo quy hoạch nào, nên chỉ rộng từ 1 đến 3m, ngoằn nghèo khó đi, gây khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy khi xảy ra sự cố. Đồng thời, hệ thống thoát nước của khu vực này chủ yếu thoát tràn qua các mương hở, nên gây ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường. Nguyên do vì quy hoạch dự án đã khiến 3.257 hộ gia đình (khu phố 2, 6, 7, phường Hiệp Bình Chánh) với hơn 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Việc chậm triển khai dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người dân như không được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở, không được cấp giấy phép xây dựng…”, ông Dũng cho biết.

    Để tìm hiểu nguyên nhân dự án chậm triển khai, phóng viên đã tìm gặp ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Ông Cường cho biết, quy hoạch ga Bình Triệu bao gồm tuyến Hòa Hưng - Trảng Bom, do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Trong đó, đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu dài 8,8 km, dự kiến mức đầu tư 8.100 tỷ đồng tiền xây lắp và 15.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Đoạn từ ga Bình Triệu đến Trảng Bom dự kiến cần khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư. Vì kinh phí xây dựng dự án quá lớn, nên Bộ GTVT đang tìm nguồn vốn, mặc dù đã công bố quy hoạch, nhưng chưa thể cắm mốc được. Trong năm 2016, Cục Đường sắt sẽ tìm vốn và tiến hành cắm mốc, ranh giới toàn tuyến.

    Ông Cường cho biết thêm, hồi đầu tháng 5/2016, nhiều người dân sống tại khu vực quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu đã gửi đơn cầu cứu tới Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Ông Thăng đã chỉ đạo UBND Thành phố giao Sở GTVT công bố công khai quy hoạch và tiến hành cắm mốc dự án ga Bình Triệu, việc này phải hoàn thành trong quý III/2016. 

    “Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, trước mắt Sở GTVT sẽ kiến nghị làm trước đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu, còn tại ga Bình Triệu, Sở sẽ phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam cắm mốc, sau đó giao cho quận Thủ Đức quản lý và tiến hành giải tỏa trước một phần để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng”, ông Cường nói.(BĐT)

    Xây hệ thống thu gom, xử lý nước thải TP Phan Rang - Tháp Chàm

    Mục tiêu của dự án là thu gom và xử lý nước thải của khoảng 125.000 dân và khoảng 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện chất lượng nước tại các hồ điều hòa và các sông tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
    anh minh hoa: internet

    Ảnh minh họa: Internet

    Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc ký Thỏa thuận tài trợ cho Dự án"Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải thành phố Phan Rang - Tháp Chàm" để tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng (ORIO).

     Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện Cơ quan Doanh nghiệp Hà Lan khẩn trương hoàn thiện và ký Thỏa thuận để tiếp nhận khoản viện trên cho Dự án.

    UBND tỉnh Ninh Thuận rà soát, cắt giảm kinh phí không cần thiết để bảo đảm hiệu quả đầu tư; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng phương án bố trí vốn đối ứng khả thi cho Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

    Mục tiêu của dự án là thu gom và xử lý nước thải của khoảng 125.000 dân và khoảng 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện chất lượng nước tại các hồ điều hòa và các sông tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bảo vệ môi trường.

    Đồng thời nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật trong công tác vận hành trong công tác bảo trì hệ thống thu gom và xử lý nước thải; áp dụng công nghệ xử lý nước thải phù hợp; tái sử dụng nước thải đã qua xử lý phục vụ mục đích nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các vùng lân cận.

    Nhiều giải pháp đưa hợp tác kinh tế Việt Nam - Slovakia lên tầm cao mới

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Slovakia sẽ góp phần tạo động lực đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực trong giai đoạn mới.
    thu tuong nguyen xuan phuc va thu tuong slovakia robert fico hoi dam sang 18/7 (anh: vgp/quang hieu)

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Slovakia Robert Fico hội đàm sáng 18/7 (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

     

    Sáng 18/7, sau Lễ đón trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng nước Cộng hòa Slovakia Robert Fico, có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-19/7.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Robert Fico thăm Việt Nam và khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển quan hệ với các nước bạn truyền thống, trong đó có Slovakia.

    Hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương và về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

    Chúc mừng những thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Slovakia đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập châu Âu, chúc mừng Thủ tướng Robert Fico và Chính phủ Slovakia bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Slovakia sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách trong giai đoạn EU đang phải đối mặt với nhiều thử thách.

    Thủ tướng Robert Fico bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam; chân thành cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn sự tiếp đón trọng thị và chân tình. Thủ tướng Slovakia đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, cũng như vị trí, vai trò quốc tế ngày càng được nâng cao; khẳng định Slovakia luôn coi Việt Nam là đối tác hữu nghị truyền thống và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Robert Fico bày tỏ hài lòng về những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Slovakia thời gian qua, đặc biệt là quan hệ chính trị, đối ngoại tốt đẹp và phối hợp hiệu quả trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển của mỗi nước.

    Hai nhà lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và  Slovakia phát triển ổn định, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trung bình khoảng 300 triệu USD/năm trong vài năm trở lại đây; đầu tư trực tiếp của Slovakia tại Việt Nam còn khiêm tốn với 5 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có 01 dự án đầu tư của FPT tại Slovakia. Để đưa hợp tác kinh tế lên tầm cao mới, hai Thủ tướng đã thỏa thuận tiếp tục nâng cao hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu thị trường, nhất là trong các lĩnh vực mà Slovakia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến thực phẩm, dược phẩm, quy hoạch đô thị và giao thông công cộng, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước… Hai bên cùng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Slovakia tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập và sinh sống ổn định tại Slovakia; bày tỏ tin tưởng cộng đồng người Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Slovakia bày tỏ hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế. Thủ tướng Robert Fico khẳng định, Slovakia ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và thúc đẩy EU sớm công nhận kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam cùng thời điểm ký chính thức EVFTA.

    Về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo hai bên chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), coi đây là phương thức hữu hiệu để đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và giao thương tại Biển Đông.

    Thủ tướng Robert Fico đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Slovakia trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui vẻ nhận lời.

    Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Robert Fico đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực vận tải, thông tin và truyền thông, đầu tư và giáo dục và có cuộc gặp gỡ báo chí.(BĐT)

    Bàn giao 3 tàu mới cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

    Theo tin từ Cảnh sát biển Việt Nam Việt Nam, Công ty đóng tàu Hồng Hà, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng vừa tổ chức bàn giao 3 tàu đóng mới cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Trong đó, tàu CSB 7011 có lượng giãn nước đầy tải trên 4.300 tấn.
    trung tuong le chiem va cac dai bieu cat bang ban giao tau. anh cbs

    Trung tướng Lê Chiêm và các đại biểu cắt băng bàn giao tàu. Ảnh CBS


    Các tàu Cảnh sát biển tiếp nhận đợt này gồm: 2 tàu tuần tra cao tốc TT-400 số hiệu CSB 4038, CSB 4039 và tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển H222, số hiệu CSB 7011.

    Đây là 3 trong tổng số 7 tàu được Chính phủ đầu tư cho lực lượng CSB theo chương trình Nghị quyết 72/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII, nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam trước yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.

    Trong đó, tàu tuần tra cao tốc TT-400 có chiều dài 54,65 m, rộng 9,3 m; lượng giãn nước 424 tấn; tốc độ tuần tra 14 hải lý/giờ. Tàu chịu được sóng gió cấp 8-9; tầm hoạt động ở tốc độ tuần tra 2.500 hải lý; thời gian hoạt động liên tục trên biển là 30 ngày đêm.

    Còn H222 là tàu vận tải đa năng, tiếp dầu lớn nhất hiện nay của lực lượng Cảnh sát biển nói riêng và của Việt Nam nói chung.

    tau van tai da nang tiep dau tren bien h222, so hieu csb 7011.

    Tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển H222, số hiệu CSB 7011.

    Tàu CSB 7011 có chiều dài lớn nhất gần 90 m, chiều rộng lớn nhất gần 14 m, chiều cao mạn khoảng 6,25 m, mớn nước tàu khoảng 4,5 m, trọng tải toàn phần khoảng 2.900 tấn, lượng giãn nước đầy tải trên 4.300 tấn, tốc độ tối đa 13,5 hải lý/giờ, tầm hoạt động đến 6.000 hải lý, thời gian hoạt động liên tục trên biển đến 60 ngày đêm và chịu được sóng, gió cấp 9-11.

    Khả năng vận chuyển và tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt của tàu lên tới 2000 m3 dầu và 500 m3 nước ngọt. Về khả năng vận chuyển và tiếp tế hàng hậu cần, tàu có thể mang theo khoảng 300 tấn hàng khô, 30 tấn hàng đông lạnh và 80 tấn rau củ quả các loại.

    Ngoài ra trên tàu còn bố trí hệ thống buồng khám, sơ cứu, phòng điều trị để phục vụ công tác quân y và xưởng sửa chữa kỹ thuật phục vụ bảo đảm dịch vụ sửa chữa kỹ thuật vừa và nhỏ.

    Tàu CSB 7011 có nhiệm vụ vận chuyển dầu và cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, vật tư kỹ thuật, hậu cần cho các tàu hoạt động trên biển cũng như cho các đảo và nhà giàn.

    Bên cạnh đó, tàu CSB 7011 còn có nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ có thể bám biển dài ngày (cung cấp dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm và sửa chữa nhỏ); tham gia phối hợp tuần tra, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng biển đảo và các công việc khác khi có yêu cầu.

    thu truong bo quoc phong va thu truong bo tu lenh canh sat bien tham quan cac tau sau le ban giao.

    Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển thăm quan các tàu sau Lễ Bàn giao.

    Tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định: Việc bàn giao và đưa vào biên chế của Lực lượng Cảnh sát biển cùng một lúc 3 tàu hiện đại có ý nghĩa đặc biệt, là kết quả to lớn từ sự quan tâm, chỉ đạo đúng đắn và tạo điều kiện thuận lợi của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng; sự chủ động của chủ đầu tư Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và sự nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết của đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư, công nhân Công ty đóng tàu Hồng Hà.

    Ý nghĩa đặc biệt hơn nữa là các con tàu này hoàn thành đã đáp ứng được ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà tinh thần Nghị quyết 72, Quốc hội Khóa XIII đã đề ra.

    Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện đang quản lý số lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật với nhiều chủng loại, trong đó có các lớp tàu mới được đưa vào biên chế với những tính năng hiện đại, khí tài đồng bộ như: TT-1500, TT-400, TT-200, TT-120, DN-2000, DN-4000, TS-500CV và các tàu có lượng giãn nước 1.400 tấn trở lên.

    Đặc biệt, trên các tàu CSB hiện nay đều đã được trang bị các loại máy thông tin sóng ngắn XD-D12V, Barret 2050, máy thông tin sóng cực ngắn M-XIR M8268, M1V M8, cùng hệ thống radar, khí tài hàng hải đồng bộ, thế hệ mới như radar Decca, máy đo sâu ES-5000, máy đo tốc độ EM-2000, phao vô tuyến... đủ sức đáp ứng cho các hoạt động trên biển của lực lượng CSB.

    Cùng với đó, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển còn được trang bị các máy bay tuần thám biển CASA C212-400. Đây là loại máy bay trang bị hai động cơ cánh quạt cho phép bay đạt tốc độ tối đa 360 km/giờ, trần bay 3.300 m, với hoạt động hiệu quả cả ngày, đêm và hệ thống định vị toàn cầu tích hợp trong hệ thống quản lý bay… 

    Thay mặt Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Lê Chiêm ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương thành tích của các đơn vị, cá nhân đã phối hợp tốt trong thực hiện dự án đóng tàu đạt hiệu quả, chất lượng, đúng theo tiến độ đề ra.

    Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty Hồng Hà tổ chức huấn luyện cho các kíp tàu sử dụng thành thạo tàu và các trang thiết bị trên tàu để phát huy tốt tính năng kỹ - chiến thuật, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ trên biển.

    Đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm, tổng hợp những bất cập trong thi công, huấn luyện, khai thác sử dụng và xây dựng kế hoạch huấn luyện bổ sung để đảm bảo tàu hoạt động tin cậy, an toàn tuyệt đối.

    Theo kế hoạch, tàu CSB 7011 được giao cho Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, tàu CSB 4038 giao cho Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, tàu CSB 4039 giao cho Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý và khai thác sử dụng.

    Các tàu khi đưa vào sử dụng sẽ tăng cường đáng kể về trang bị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về năng lực trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền an ninh trên biển; thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn...

    trung tuong le chiem va doan dai bieu tham quan buong lai tau csb 7011.

    Trung tướng Lê Chiêm và đoàn đại biểu thăm quan buồng lái tàu CSB 7011.

    Đặc biệt, tàu vận tải đa năng, tiếp dầu trên biển sẽ góp phần nâng cao năng lực của Cảnh sát biển đối với nhiệm vụ vận chuyển và cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lượng thực thực phẩm, vật tư kỹ thuật - hậu cần cho các tàu hoạt động trên biển, các đảo và nhà giàn, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, bám biển. (Chinhphu)

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn