TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Mặt trái của dòng vốn ngoại

    (Tin kinh te)

    Nhiều thương vụ thâu tóm của cổ đông ngoại đã khiến thương hiệu Việt "mất tích" trên thị trường. Chưa kể, các cổ đông ngoại dùng quyền phủ quyết của mình gây khó khăn cho doanh nghiệp.

    Nghị định 60 về nới room ngoại đang tiến gần tới thời gian áp dụng (1/9). Ngày mai (13/8), UBCK cũng tổ chức hội thảo liên quan đến tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài trên TTCK.

    Trong tháng 8 này, theo ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN, sẽ có thông tư ban hành, hướng dẫn cụ thể về nới room.

    Thông tư sẽ hướng dẫn NĐT nước ngoài mở mã số đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và hướng dẫn thủ tục nới room đối với doanh nghiệp (DN). DN nào sau khi được ĐHCĐ thông qua tỷ lệ room chỉ cần thông báo cho UBCK, Sở GDCK để thực hiện.

    Nới room có ảnh hưởng tới các thương hiệu Việt và DN nội bị cản trở hoạt động hay không? Câu hỏi này đến nay còn nhiều tranh cãi. Người viết bài này chỉ xin điểm lại một số thương vụ nổi bật và mối quan hệ DN – cổ đông ngoại không mấy ngọt ngào đã từng xảy ra.

    Phủ quyết tất cả tờ trình

    Vụ việc hy hữu đầu tiên gây xôn xao thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kể đến là cổ đông ngoại Red River Holdings (RRH) phủ quyết toàn bộ nội dung tờ trình tại ĐHCĐ thường niên 2012 của CTCP Vicostone (MCK: VCS).

    Khi đó, RRH đại diện cho 36,39% cổ phần tại VCS. Nội dung mà RRH phủ quyết gồm kết quả kinh doanh 2011; kế hoạch kinh doanh 2012; chia cổ tức; phân phối lợi nhuận; kế hoạch tăng vốn; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; trả thưởng cho Ban Giám đốc và HĐQT…

     

     
    dai dien rrh phu quyet to trinh cua vcs tai dhcd thuong nien 2012 (anh:dtck)

    Đại diện RRH phủ quyết tờ trình của VCS tại ĐHCĐ thường niên 2012 (Ảnh:ĐTCK)

     

    Quyết định này được đưa ra khi đại diện RRH tự ứng cử vào HĐQT nhưng thất bại khi ĐHCĐ bỏ phiếu phủ quyết. Do đó, RRH không hài lòng vì cho rằng đại diện trên 32% cổ phần mà không được tham gia HĐQT. Trước đó, quỹ này còn đề nghị sửa đổi Điều lệ công ty, tăng số lượng thành viên từ 5 lên 6 người nhưng không thành.

    Tại ĐHCĐ thường niên 2014 của CTCP Everpia Việt Nam (MCK: EVE), RRH tiếp tục phủ quyết các nội dung tờ trình do cổ đông ngoại này đề nghị tăng tỷ lệ cổ tức chi trả cho năm 2013 lên 35% thay vì tỷ lệ 11% như dự kiến. RRH khi đó cho rằng EVE không vay nợ, lại đang gửi ngân hàng 150 tỷ đồng thì tăng cổ tức lên 35% là hợp lý, trong khả năng chi trả. 

    Trong khi đó, đại diện EVE lại cho rằng 11% cổ tức đã là quá cao, tương đương 36% lợi nhuận sau thuế của Công ty. Nếu chia 35%, Công ty phải chi trả 100 tỷ đồng, cộng khoản nợ 25 tỷ đồng thì phần lợi nhuận còn lại chỉ hơn 20 tỷ đồng, không đủ vốn đầu tư cho năm sau.

    Vẫn là câu chuyện phủ quyết, tại ĐHCĐ thường niên 2014 của CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS), nhóm cổ đông ngoại mà đại diện là VinaCapital và DWS Vietnam Fund phủ quyết 11/14 nội dung tờ trình. 

    Các nội dung không thông qua gồm kế hoạch kinh doanh năm 2014; Báo cáo tài chính năm 2013 và phân phối lợi nhuận; Đổi tên công ty; Bầu thành viên HĐQT và BKS… Cần nói thêm, năm 2013, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.436 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 17% và 19% kết quả thực hiện năm 2012.

    Một ví dụ điển hình về mối quan hệ "cơm không lành canh không ngọt" giữa cổ đông ngoại và ban lãnh đạo công ty là trường hợp CTCP Bibica và Lotte. Năm 2013, cuộc chiến giữa Lotte và Bibica nổ ra khi Tổng giám đốc Bibica tố Lotte nói sai sự thật khi Lotte phát biểu rằng họ không tham gia điều hành Bibica. Trong khi đó, giữa Bibica và Lotte cũng không đồng thuận việc sử dụng dây chuyền nào, khai thác ra sao, nhãn hiệu sản phẩm gì…. Bibica thì muốn Bibica tự đầu tư, mua dây chuyền và khai thác sản phẩm trong khi Lotte muốn dùng những sản phẩm sẵn có, chuyển nhượng dây chuyền…Hiện tại sau khi xuất hiện cổ đông lớn SSI (và sau này chuyển nhượng sang cho PAN Food), cuộc chiến giữa Bibica và Lotte đã dần trở lại thế cân bằng.

    Thương hiệu Việt cũng biến mất

    Không chỉ là nắm quyền phủ quyết các tờ trình ĐHCĐ và gây khó dễ, một số thương hiệu Việt cũng đã bị mất đi sau khi bị các công ty nước ngoài thâu tóm.

    Đầu tiên có thể kể đến là thương hiệu kem đánh răng P/S, ra đời năm 1975 do 2 đơn vị sản xuất kem đánh răng miền Nam Hynos và Kolperlon sáp nhập với Xí nghiệp sản xuất kem đánh răng Phong Lan. Ở thời kỳ phát triển mạnh, P/S chiếm 60% thị phần kem đánh răng.

    Tuy nhiên, năm 1997, khi Unilever vào Việt Nam, họ đề nghị chuyển quyền sở hữu và thành lập liên doanh Elida P/S. Sau đó, Việt Nam bị đánh bật ra khỏi liên doanh, thay vào đó là 1 công ty của Indonesia. Hiện thương hiệu kem đánh răng PS vẫn còn nhưng thuộc Unilever.

    Cùng với P/S, kem đánh răng Dạ Lan cũng từng làm mưa làm gió trên thị trường khi chiếm tới 70% thị phần giai đoạn 1993 – 1994. Riêng từ Đà Nẵng trở vào, Dạ Lan chiếm tới 90%, đánh bật kem đánh răng Trung Quốc khỏi Việt Nam.

    Tuy nhiên, tới năm 1995, ông chủ Dạ Lan quyết định liên doanh với Công ty Colgate – Palmolive, khi ấy Dạ Lan được định giá 3,2 triệu USD, chiếm 30% vốn. Sau đó, Dạ Lan bị thay thể bởi nhãn hiệu Colgate. 

    kem danh rang p/s khong con la thuong hieu viet

    Kem đánh răng P/S không còn là thương hiệu Việt

    Thương hiệu bia Huda Huế cũng đã trở thành sở hữu của công ty 100% vốn nước ngoài sau 7 năm thâu tóm. Bia Huda Huế là thương hiệu của Công ty Bia Huế, thành lập năm 1990.

    Năm 1994, công ty này liên doanh góp 50% vốn với Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) thành lập Công ty Bia Huế, trở thành thương hiệu bia mạnh trong nước. Ở thời điểm phát triển cực thịnh, bia Huda Huế nắm giữ 98% thị phần tại Thừa Thiên Huế, 95% thị phần tại Quảng Trị, 65% thị phần tại Quảng Bình.

    Tuy nhiên, sau đó Tập đoàn Carlsberg đã mua tiếp 50% cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đưa thương hiệu này trở thành sở hữu của Công ty 100% vốn nước ngoài. 

    Mới đây, Tập đoàn Kinh Đô (MCK: KDC) đã bán đứt 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International  với giá 370 triệu USD. Thương vụ này cũng vừa được hoàn tất trong tháng 7. Theo lộ trình, 20% cổ phần còn lại sẽ được bán tiếp trong 12 tháng sau khi thương vụ đầu hoàn tất.

    Nhận xét về thương vụ này, ông Stephane Gripon, Giám đốc điều hành Mondelez Kinh Đô cho rằng là khoản đầu tư rất thông minh của họ. Đây cũng được cho là thương vụ trọng điểm của Mondelez trong năm 2015 và Tập đoàn này chưa có ý định tìm thương vụ khác.

    Sau khi bán mảng bánh kẹo, Kinh Đô tập trung vào mảng thực phẩm thiết yếu như mì gói, dầu ăn...với thương hiệu Đại Gia đình.

    Hiện tại thị trường rất háo hức chờ đợi đến ngày 1/9 khi Nghị định 60 có hiệu lực và room ngoại tại các ngành nghề không giới hạn điều kiện được mở tối đa lên 100%. Tuy nhiên qua các ví dụ trên cho thấy vẫn có mặt trái của dòng vốn ngoại. Do đó, khi doanh nghiệp được quyền tự quyết tỷ lệ sở hữu thì cần phải cân nhắc kỹ về các đối tác của mình.

    (Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn