TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh 02-05-2016

    Trung Quốc huấn luyện quân sự ngư dân, xua xuống Biển Đông

    Trung Quốc trả tiền cho ngư dân tham gia các khóa huấn luyện quân sự kéo dài 4 tháng nhằm phát triển lực lượng dân quân biển.

    Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đang huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam để trở thành "dân quân" rồi xua xuống biển Đông, mang danh tàu đánh cá.

    Một số ngư dân tại Hải Nam khẳng định nhiều tàu cá tại đây được trang bị vũ khí hạng nhẹ.

    tau ca trung quoc xuong bien dong, anh: reuters

    Tàu cá Trung Quốc xuống Biển Đông, ảnh: Reuters

    Để phát triển lực lượng dân quân biển, Trung Quốc đã đưa Lực lượng vũ trang nhân dân đến đảo Hải Nam để huấn luyện quân sự cho ngư dân.

    Hãng tin Reuters cho biết những ngư dân tham dự khóa học kéo dài bốn tháng, từ tháng 5 đến tháng 8, và đều được trả tiền.

    Trong khi trả lời phỏng vấn với Reuters, các quan chức chính phủ, giám đốc các công ty đánh cá... của Trung Quốc còn cho biết ngư dân được huấn luyện các bài tập trên biển cũng như khả năng thu thập thông tin của tàu nước khác.

    Ngoài việc huấn luyện quân sự cơ bản, Trung Quốc còn trợ giá để ngư dân đóng tàu thép, đồng thời trang bị thiết bị Định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) cho 50.000 tàu cá để dễ liên lạc với Hải cảnh Trung Quốc với mục đích đối phó tàu nước ngoài.

    Giới chức Trung Quốc từng xác nhận Bắc Kinh khuyến khích ngư dân liều lĩnh đi vào các vùng tranh chấp trên Biển Đông bằng cách trợ cấp và huấn luyện an ninh cho các ngư dân.

    Mưu đồ dài hơi

    Hồi đầu tháng 3/2016, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam La Bảo Minh cho biết chính phủ nước này sẽ tài trợ và huấn luyện kỹ thuật quốc phòng cho lực lượng ngư dân để đưa ra Biển Đông.

    Tại phiên họp thường niên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, ông La cho biết Hải Nam có hơn 100.000 ngư dân và với số lượng này thì việc giúp sức cho lực lượng hải quân tuần tra biển, giành lấy ngư trường truyền thống của ngư dân nước khác là chuyện "không khó"!

    Vụ việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia hồi tháng 3/2016 là một ví dụ cho thấy chính quyền Trung Quốc đứng sau các hoạt động của ngư dân nước này tại các vùng biển tranh chấp.

    Luật đánh cá của Trung Quốc ngang ngược xác định khu vực đánh cá ở Trường Sa bao gồm toàn bộ vùng biển bên trong "đường chín đoạn" và các cơ quan chính quyền cấp giấy phép và hỗ trợ ngư dân đánh cá trong khu vực này. Một phần của "đường chín đoạn" lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

    Bắc Kinh đã đẩy các ngư dân đến đánh bắt tại khu vực vùng biển Natuna của Indonesia để chứng minh đây là "vùng đánh cá truyền thống" của mình.

    Trong khi đó, các tàu tuần duyên cũng có mặt để thực hiện hai nhiệm vụ chính: bảo vệ các ngư dân và khẳng định quyền kiểm soát của Bắc Kinh.


    Căng thẳng Nhật-Trung sẽ hạ nhiệt vào tháng 9 tới?

    Lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ gặp nhau vào tháng 9 tới bên lề Hội nghị G20, Bloomberg đưa tin. 
    hai ong shinzo abe va tap can binh bat tay nhau tai hoi nghi apec thang 11/2014. anh: nbc

    Hai ông Shinzo Abe và Tập Cận Bình bắt tay nhau tại Hội nghị APEC tháng 11/2014. Ảnh: NBC

    Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida vừa có chuyến thăm Bắc Kinh, một động thái cho thấy hai nước đang nỗ lực giải quyết các căng thẳng và chuẩn bị cho một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 9 tới.
    Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong vòng hơn 4 năm qua.
    Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới. Đây là cơ hội hiếm hoi để hai ông Shinzo Abe và Tập Cận Bình gặp nhau.
    “Cả hai bên đều muốn chuẩn bị các điều kiện cho một cuộc gặp gỡ giữa ông Tập và ông Abe”, Tim Summers, chuyên gia cố vấn cao cấp về châu Á tại Tổ chức Chatham House ở Hong Kong.
    “Quan hệ hai bên dường như đã ổn định: tại thời điểm hiện tại có ít khả năng cải thiện nhiều, nhưng thời kì gây quan ngại thực sự có vẻ đã qua đi”, chuyên gia này nhận định.
    Hai bên vẫn “thiếu tin tưởng lẫn nhau”
    hai ngoai truong fumio kishida va vuong nghi bat tay nhau hom 30/4. anh: afp/bloomberg.

    Hai ngoại trưởng Fumio Kishida và Vương Nghị bắt tay nhau hôm 30/4. Ảnh: AFP/Bloomberg.

    Sau cuộc gặp hôm qua (30/4), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Nhật Bản dừng coi Trung Quốc như một mối đe dọa và cần tích cực hơn trong việc giải quyết các tồn đọng trong quá khứ để cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á.
    “Chúng tôi muốn phát triển mối quan hệ hàng xóm tốt và thân thiện có tính lành mạnh và ổn định”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói.
    Nguyên nhân của những thăng trầm trong quan hệ giữa hai nước là cách nhìn nhận của phía Nhật Bản đối với lịch sử và chính phủ hai nước vẫn “thiếu tin tưởng lẫn nhau”, ông Vương Nghị phát biểu.
    Tokyo cần có “một thái độ tích cực hơn đối với sự vươn dậy của Trung Quốc và ngưng các loại tuyên truyền về mối đe dọa từ Trung Quốc và các giả thuyết về sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc”, Ngoại trưởng Trung Quốc đề nghị.
    Trong khi đó Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida nói “Trung Quốc và Nhật Bản là hàng xóm quan trọng”.
    Trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, ông Kishida nêu các lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng với Trung Quốc, bao gồm tài chính, năng lượng, giải quyết vấn đề già hóa dân số, du lịch và đối phó với thảm họa, Phó thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
    Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á hiện căng thẳng trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ tại các vùng biển trọng yếu ở châu Á và những ám ảnh dai dẳng về quá khứ chiến tranh của Nhật Bản.
    Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền đối với một nhóm đảo hiện do Tokyo kiểm soát. Trung Quốc đã thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gần các đảo này.
    Trong khi đó, việc Nhật Bản ủng hộ Mỹ trong việc triển khai tàu chiến tại các đảo tranh chấp liên quan đến Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến Bắc Kinh lên tiếng đòi Tokyo đứng ngoài.
    Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 và quy mô thị trường chứng khoán Trung Quốc lấn át thị trường Nhật Bản vào năm 2014.
    Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Thương mại song phương vượt 300 tỷ USD mỗi năm.

    Đài Loan triển khai tàu tuần tra xung quanh đảo Nhật Bản

    tau tung sheng chi 16 cua dai loan moi bi nhat ban bat giu (nguon: straits times)

    Tàu Tung Sheng Chi 16 của Đài Loan mới bị Nhật Bản bắt giữ (Nguồn: Straits Times)


    Theo AFP, ngày 1/5, Đài Loan (Trung Quốc) đã điều 2 tàu tuần tra tới vùng biển xung quanh đảo Okinotori-shima của Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến việc Tokyo bắt giữ một trong những tàu đánh cá Đài Loan tại khu vực trên.

    Một tàu tuần duyên Đài Loan và một tàu khác của Hội đồng Nông nghiệp (COA) đã rời thành phố Cao Hùng vào sáng 1/5. 

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan ra tuyên bố nêu rõ: "Nhật Bản không có quyền cấm các tàu cá của chúng tôi vào khu vực này. Chính quyền (Đài Loan) sẽ quyết tâm bảo vệ các quyền và quyền tự do của ngư dân trong vùng biển quốc tế."

    Sứ mệnh tuần tra này sẽ kéo dài từ 1-3 tháng.

    Vụ bắt giữ tàu "Tung Sheng Chi 16" gần Okinotori-shima hồi tuần trước đã gây ra phản ứng giận dữ từ giới chức Đài Loan, những người cho rằng Tokyo không có thẩm quyền ở khu vực quanh Okinotori-shima.

    Nhật Bản tuyên bố khu vực 200 hải lý xung quanh đảo này là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

    Ông Putin sa thải một loạt quan chức cấp cao

    Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua sai thải một số quan chức hành pháp cấp cao, trong một cuộc cải tổ bộ máy quyền lực với quy mô lớn ở nước này. 
    tong thong nga vladimir putin. anh: reuters

    Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

    Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua sai thải một số quan chức hành pháp cấp cao, trong một cuộc cải tổ bộ máy quyền lực với quy mô lớn ở nước này.  
     Theo sắc lệnh đăng trên cổng luật pháp chính thức của tổng thống, ông Putin sa thải Seregei Dmitriev, công tố viên về vận tải miền nam Nga, ông Igor Klimenov, lãnh đạo cơ quan nhà tù liên bang ở Moscow và Dmitry Neklyudov, thứ trưởng nội vụ khu vực Crimea.
    Ông Putin cũng sa thải nhiều người, trong đó có hai quan chức cấp phó của Uỷ ban Điều tra Nga Yuri Nyrkov và Vasily Piskarev. Tổng thống Nga còn nâng cấp bậc của Lev Gura, điều tra viên chuyên phụ trách các vụ đặc biệt, lên vị trí điều tra viên cấp cao.
    Gura giữ chức thay Thiếu tướng Igor Krasnow, người được chỉ định làm cấp phó uỷ ban điều tra. Ông Krasnow trong một thập kỷ qua nhận nhiệm vụ điều tra những vụ ám sát và âm mưu ám sát lớn nhất ở Nga. Cách đây một năm, ông được chỉ định là điều tra viên trưởng đối với vụ ám sát lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov hồi tháng 2/2015.
    Sắc lệnh không giải thích lý do thay đổi nhân sự trong các cơ quan liên bang. Danh sách gồm một số người bị sa thải và một số người được chỉ định giữ chức vụ trong cơ quan hành pháp khu vực.
    Trong một sắc lệnh khác, ông Putin chỉ định cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin làm phó chủ tịch Hội đồng Kinh tế của tổng thống.

    Đánh bom xe kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều binh sĩ thương vong

    luc luong dac nhiem tho nhi ky dieu tra tai hien truong mot vu danh bom o diyarbakir ngay 31/3. (nguon: afp/ttxvn)

    Lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ điều tra tại hiện trường một vụ đánh bom ở Diyarbakir ngày 31/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)


    Các nguồn tin an ninh cho biết ngày 1/5, đã có 1 cảnh sát thiệt mạng và 13 người bị thương trong vụ đánh bom xe trước một trụ sở cảnh sát ở thành phố Gaziantep, miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

    Hình ảnh trên kênh truyền hình CNN bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy xác một chiếc xe gần cổng trụ sở cảnh sát và nhiều xe cứu thương, cứu hỏa tại hiện trường. 

    Vụ nổ này có thể được cảm nhận từ khoảng cách vài km và còn làm vỡ nhiều cửa sổ các tòa nhà gần đó. 

    Theo thông báo của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài một cảnh sát thiệt mạng, trong số những người bị thương có tới 9 cảnh sát.

    Cũng trong ngày 1/5, cho biết 3 binh sỹ nước này đã thiệt mạng và 14 người khác bị thương trong vụ tấn công được cho là do các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) gây ra tại huyện Nusaybin thuộc tỉnh Mardin, nơi quân đội đang tiến hành chiến dịch truy quét các tay súng PKK và áp đặt lệnh giới nghiêm tại đây. 

    Hãng tin Dogan cho biết các tay súng của PKK đã bắn rốckét vào một đội ra phá bom mìn của quân đội, gây ra số thương vong trên.

    Xung đột giữa lực lượng chính phủ và PKK bùng lên và ngày càng gia tăng kể từ giữa năm 2015, sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên (bắt đầu từ năm 2012) bị phá vỡ. 

    Chính phủ Ankara đã mở nhiều chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm vào các tay súng người Kurd tại khu vực phía Đông Nam, trong khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiều cuộc không kích qua biên giới, với mục tiêu là các căn cứ của PKK tại miền Bắc Iraq.

    Đáp lại, các tay súng của PKK liên tiếp tiến hành các vụ đánh bom nhằm chủ yếu vào binh lính và lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nhiều cảnh sát và binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thương vong.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn