TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh 24-06-2016

    Tổng thống Indonesia thăm quần đảo bị Trung Quốc 'dòm ngó'

    Đây được xem là hành động quyết liệt của chính phủ Indonesia trước các tuyên bố của Trung Quốc.

    Vào ngày 23-6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới thăm tại quần đảo Natuna, phía nam biển Đông, theo Reuters. Đi cùng ông Widodo trên tàu chiến ra quần đảo Natuna còn có Bộ trưởng An ninh, Tư pháp, Chính trị Indonesia - ông Lulut Pandjaitan và Ngoại trưởng nước này - bà Retno Marsudi. Theo tuyên bố từ Phủ Tổng thống, ông Widodo dự định tổ chức một buổi họp ngay trên chiến hạm này.

    Tờ Jakarta Post trích lời Bộ trưởng An ninh Luhut Pandjaitan cho biết: “Trong lịch sử chúng ta, chúng ta chưa bao giờ quyết liệt như thế này. Chuyến thăm lần này cũng nhằm khẳng định Tổng thống Indonesia sẽ không xem nhẹ vấn đề này… Chúng tôi đã truyền đạt lập trường rõ ràng của mình tới Bắc Kinh nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa ngay tại Natuna. Chúng tôi từ chối công nhận "đường chín đoạn" và những tuyên bố rằng Bắc Kinh có ngư trường truyền thống quanh Natuna".

    tong thong indonesia ra tham dao natuna the hien su quyet liet cua nuoc nay ve van de chu quyen truoc trung quoc. anh: reuters

    Tổng thống Indonesia ra thăm đảo Natuna thể hiện sự quyết liệt của nước này về vấn đề chủ quyền trước Trung Quốc. Ảnh: Reuters

    Lãnh đạo Indonesia quyết định ra thăm quần đảo Natuna chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Retno Marsudi bác bỏ lập luận của Trung Quốc về các tuyên bố chồng lấn liên quan đến quyền và lợi ích hàng hải trên biển Đông giữa Bắc Kinh và Jakarta. Bà Marsudi khẳng định: "Quần đảo Natuna thuộc Indonesia. Chúng tôi không có tuyên bố chồng lấn ở bất kỳ phương diện nào với Trung Quốc trên vùng biển vốn của Indonesia”.

    Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không có tranh chấp với Jakarta về quần đảo Natuna nhưng lại có “sự chồng lấn về lợi ích và quyền lợi hàng hải". Đây cũng là luận điểm mà Trung Quốc đưa ra để tuyên bố về ngư trường truyền thống quanh Natuna. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng gộp cả vùng biển quanh Natuna vào "đường chín đoạn" mà nước này ngang nhiên tuyên bố trên biển Đông.


    Ấn Độ phóng cùng lúc 20 vệ tinh

    Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) ngày 22-6 đã phóng cùng lúc 20 vệ tinh vào quỹ đạo, bao gồm vệ tinh của Mỹ, Đức,Canada, Indonesia...

    ten lua day pslv-c34 cua an do duoc dung de phong 20 ve tinh sang 22-6 - anh: indian express

    Tên lửa đẩy PSLV-C34 của Ấn Độ được dùng để phóng 20 vệ tinh sáng 22-6 - Ảnh: Indian Express

    Các vệ tinh được phóng bằng tên lửa đẩy PSLV-C34 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh. Tổng trọng lượng của các vệ tinh được phóng, theo ISRO, là khoảng 1.288 kg. 

    Chúng bao gồm 17 vệ tinh của Mỹ, Canada, Đức và Indonesia cũng như 3 vệ tinh của Ấn Độ, trong đó có vệ tinh quan sát Trái đất Cartosat nặng 727kg có khả năng chụp ảnh độ phân giải cao.

    Theo Indian Express, đây là lần đầu tiên ISRO phóng cùng lúc nhiều vệ tinh như vậy. Trước đó vào năm 2008, cơ quan này đã phóng cùng lúc 10 vệ tinh vào quỹ đạo.

    Hiện nước đang nắm giữ kỷ lục thế giới về số vệ tinh trong một lần phóng là Nga. Năm 2014, tên lửa Dnepr của nước này đã đưa cùng lúc 37 vệ tinh vào quỹ đạo, và cho đến nay chưa có nước nào làm được điều này. 

    Theo NDTV, đến nay ISRO đã đưa 57 vệ tinh nước ngoài vào quỹ đạo, thu về cho Ấn Độ 100 triệu USD. 


    Các vết nứt xuất hiện trong quan điểm của EU về vấn đề nước Nga

    Trong những năm qua, châu Âu đã đạt được sự đồng thuận cao về vấn đề người tị nạn, cứu trợ Hy Lạp với những gói chính sách thắt lưng buộc bụng. Song, nổi bật nhất trong số đó chính là quyết định trừng phạt Nga về vấn đề sáp nhập của Crimea và hỗ trợ cho người ly khai tại miền đông Ukraine.

    tong thong nga, ong vladimir putin tai dien dan kinh te quoc te st. petersburg 2016.

    Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg 2016.

    Sự đồng thuận đó đã được khởi xướng bởi Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel khi thuyết phục các thành viên trong chính phủ nước này (những người vốn thân với nước Nga) và các quốc gia khác vẫn còn hoài nghi về vấn đề này tại EU như Slovakia, Hungary, Ý để mở rộng của các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính chống lại Moscow.

    Một thỏa thuận nhằm gia hạn thêm 6 tháng cho các biện pháp trừng phạt này nhiều khả năng sẽ được tính toán. Nhưng điều đó không thể che giấu được một thực tế là “tâm lý” của Berlin đang dịch chuyển. Và với sự thay đổi đó, các vết nứt đầu tiên đã thực sự xuất hiện trong sự đồng thuận của châu Âu về cách đối phó với chính phủ của Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin.

    Cùng với đó là những sự thất vọng với chính quyền của Ukraine và cuộc đấu tranh để thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk thông qua một đạo luật cho phép các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngay ở phía đông tranh chấp.

    Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo của Đức và châu Âu đã nảy sinh nhiều bất đồng với những câu hỏi kiểu như liệu châu Âu có đủ khả năng để cùng lúc đối phó với các mối đe dọa lớn như Anh rời khỏi EU, các cuộc tấn công từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và khủng hoảng người di cư.

    Ông Ulrich Speck, một thành viên cao cấp của Học viện Transatlantic ở Washington cho biết: “Tất cả đều đang mệt mỏi trong cuộc đối đầu với Nga. Không quốc gia nào muốn gia tăng căng thẳng như vậy, trong khi chính quyền Ukraine cũng không có những động thái cải cách tích cực. Ngoài ra, chúng ta chỉ nên làm điều đó khi phải đối mặt với IS, còn chính quyền của Putin thì không như vậy. Và sự đối đầu này sẽ có nguy cơ ngày càng gia tăng nếu EU áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn".

    Chia rẽ trong nội bộ

    Trong những tuần qua vừa qua, sự chia rẽ trong nội bộ của Đức về vấn đề nước Nga đã thể hiện một cách rõ rệt khi Ngoại trưởng Đức, ông Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi một cách tiếp cận hòa giải hơn đối với Nga và từng bước nới lỏng các lệnh trừng phạt.

    Rõ ràng, ông Steinmeier đang có quan điểm trái ngược với bà Merkel, khi bà Merkel luôn thể hiện lập trường cứng rắn của Đức về vấn đề nước Nga, đó là việc trừng phạt sẽ không có thay đổi đáng kể nào cả. 

    Một điều chắc chắn là chính trị của Đức đang đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc tranh luận về vấn đề nước Nga. Bản thân ông Steinmeier cũng đang chịu sức ép lớn từ nhà lãnh đạo đảng SPD, ông Sigmar Gabriel trong nhiều tháng qua khi ông này đã thể hiện những động thái mềm mỏng hơn với nước Nga.

    Những chuyến thăm mang tính biểu tượng

    Cuối tháng này, ông Gabriel sẽ lên kế hoạch đến thăm Nga để gặp gỡ với Tổng thống Putin tại nhà riêng của ông ở ngoại ô Moscow.

    Ngày 27-6, Thủ tướng mới của Ukraine, ông Volodymyr Groysman được cho là sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Berlin để hội đàm với Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.

    Nhiều ý kiến cho rằng, Đức đều không muốn mất hai đối tác quan trọng này và nhiều khả năng các quốc gia sẽ đàm phán nhằm tháo gỡ dần các biện pháp trừng phạt.

    Trong khi đó, Thủ tướng Ý, ông Matteo Renzi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế có quy lớn ở Nga tổ chức tại St. Petersburg trong tuần trước .

    Trên một phương diện khác, Slovakia - một trong những quốc gia đang có nhiều hoài nghi nhất về việc có nên tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga hay không, sẽ tiếp quản chức chủ tịch EU trong tháng 7 tới đây.(BĐT)


    Trung Quốc mở đợt truy quét tham nhũng mới

     Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 22-6 thông báo chuẩn bị mở một đợt kiểm tra chống tham nhũng mới dự kiến kéo dài trong vài tháng với trọng tâm là các ban lãnh đạo đảng tại 32 cơ quan đảng và nhà nước.

    Tờ China Daily đưa tin theo tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đoàn kiểm tra sẽ được cử đến làm việc tại Quốc hội và Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân.

    Ngoài ra, CCDI cũng sẽ cử đoàn kiểm tra tới các bộ như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia cùng các cơ quan chính phủ phụ trách những vấn đề lập pháp và vấn đề liên quan đến Hong Kong, Macao và người Trung Quốc ở hải ngoại.

    dot truy quet tham nhung moi dat duoi su huong dan cua chu tich trung quoc tap can binh. nguon: short india

    Đợt truy quét tham nhũng mới đặt dưới sự hướng dẫn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn: Short India

    Một số cơ quan đảng như Ban Mặt trận thống nhất trung ương, Ban liên lạc đối ngoại trung ương cũng sẽ bị kiểm tra. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng sẽ tới làm việc tại các tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây và Hồ Nam và tái thanh tra tỉnh Thiên Tân.

    Trong buổi họp công bố chiến dịch mới hôm 22-6, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Wang Qishan cho biết các đoàn kiểm tra làm việc dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ tập trung vào các vấn đề như quá trình xây dựng đảng, các biện pháp chống tham nhũng và thực hiện chính sách của đảng và nhà nước tại các đơn vị.

    Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Wang Qishan nói: "Kiểm tra là cách thức quan trọng để tiến hành giám sát trong nội bộ đảng. Các đoàn sẽ làm việc theo hướng dẫn của Chủ tịch Tập Cận Bình và kiểm tra xem những chính sách và nghị quyết của đảng có được thực thi theo hướng tuân thủ lãnh đạo của đảng hay không".

    Theo SCMP, đây là đợt kiểm tra chống tham nhũng thứ 10 tại Trung Quốc, trong đó có cả Hong Kong và Macao, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Sau đợt truy quét nạn chống tham nhũng gắt gao, hàng chục quan chức cấp cao đã sa lưới.

    Quyết định tiến hành kiểm tra ở cả các đặc khu hành chính như Hong Kong hay Macao diễn ra chỉ vài ngày sau khi một quan chức Trung Quốc phụ trách các vấn đề về hai đặc khu này của Quốc vụ viện bị phát hiện đã vi phạm quy định khi mời bạn bè dùng bữa tại một khách sạn bằng tiền công.

    Nhận xét về đợt kiểm tra mới nêu trên, nhà quan sát Johnny Lau Yui-siu nói: "Đó là tín hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc thực sự coi vấn đề chống tham nhũng là một ưu tiên cần phải giải quyết và không có bộ ngành nào ngoại lệ. Trong quá khứ, họ có thể không nhắm tới Văn phòng phụ trách các vấn đề Hong Kong và Macao hay Ủy ban về luật cơ bản của Hong Kong. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hai cơ quan này không có những vấn đề liên quan tới tham nhũng”.


    Đức tiêu diệt kẻ xả súng, bắt hàng chục con tin

    Kẻ xả súng cố thủ trong rạp phim Kinopolis ở thành phố Viernheim, miền tây nước Đức sau khi bắn bị thương hàng chục người. 

    canh sat duc ben ngoai rap phim noi xay ra xa sung - anh: rt/fb

    Cảnh sát Đức bên ngoài rạp phim nơi xảy ra xả súng - Ảnh: RT/FB

    Tin mới nhất từ RT cho hay kẻ xả súng hiện đã bị tiêu diệt. Bộ Nội vụ Đức cũng xác nhận tay súng đã bị bắn hạ.

    Theo báo chí địa phương, tay súng đeo mặt nạ và băng đạn trên vai xông vào rạp phim khoảng 3g chiều 23-6 giờ địa phương, sau đó nổ súng.

    Tin ban đầu cho biết có 20 - 50 người bị thương. Hàng chục người được cho đã chạy ra khỏi rạp phim, trong khi nhiều người khác bị tay súng bắt làm con tin.

    Không rõ nguyên nhân khiến những người này bị thương, trong khi nhật báoBild của Đức khẳng định là do hơi cay.

    Cảnh sát có vũ trang đến hiện trường ngay sau đó. Theo Metro, máy bay trực thăng cũng được điều đến. 

    Hiện chưa rõ động cơ vụ tấn công, nhưng theo báo chí địa phương, nhiều kịch bản đang được xem xét, bao gồm một vụ cướp bất thành hoặc xuất phát từ nguyên nhân chính trị, bất đồng tư tưởng...


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn