TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh sáng 13-04-2016

    Nga khuyến cáo công dân cẩn thận bị Mỹ 'truy bắt'

    Bộ Ngoại giao Nga cho rằng ngành tư pháp Mỹ có thành kiến không tốt với những người Nga bị bắt giữ.

    Hãng TASS (Nga) đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga ngày 11-4 đã kêu gọi công dân nước này cân nhắc kỹ lưỡng mọi nguy cơ khi lên kế hoạch ra nước ngoài trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành chiến dịch "truy bắt" các công dân Nga trên toàn thế giới.

    "Chúng tôi xin tái xác nhận rằng mối nguy cơ bị bắt hoặc tạm giữ theo yêu cầu của các cơ quan thực thi pháp luật hoặc tình báo Mỹ nhằm vào công dân Nga ở nước thứ ba là có thực" - tuyên bố của bộ cho biết.

    "Bất chấp những lời kêu gọi thường xuyên của chúng tôi với Washington nhằm thiết lập quá trình hợp tác bình thường giữa các cơ quan có thẩm quyền dựa trên cơ sở Hiệp ước song phương về hỗ trợ tư pháp trong các vụ án hình sự năm 1999, Mỹ tiếp tục triển khai các hoạt động "truy bắt" không thể chấp nhận được nhằm vào công dân Nga trên toàn thế giới, bỏ qua các quy tắc luật pháp quốc tế và gây sức ép lên những nước khác" - thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

    toa nha cua bo ngoai giao nga o thu do moscow. anh: tass

    Tòa nhà của Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moscow. Ảnh: Tass

    Theo thông báo trên, số lượng các vụ bắt giữ công dân Nga đã vượt con số 20. Gần đây nhất là vụ ba công dân Maxim Senakha, Alexander Sergeyev và Mikhail Serov bị dẫn độ từ Phần Lan sang Mỹ.

    "Những vụ việc thời gian qua có sự can thiệp của Mỹ. Như trường hợp của Konstantin Yaroshenko, người đã bị bắt giữ ở Liberia hồi năm 2010 và bị dẫn độ sang Mỹ. Hồi tháng 7-2014, các mật vụ Mỹ cũng can thiệp vào vụ việc của công dân Nga ở Maldives là Roman Seleznyov. Người này sau đó đã được đưa tới Guam và hiện đang bị giam giữ tại Seattle", thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.

    Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng ngành tư pháp Mỹ có thành kiến với những người Nga bị bắt giữ. "Bằng cách nào đó, họ bị ép phải thừa nhận tội danh, có nhiều cáo buộc không rõ ràng. Những người từ chối nhận tội sẽ bị giam giữ như trường hợp của Konstantin Yaroshenko hay doanh nhân Viktor Bout" - thông báo của bộ cho biết.

    Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định các cơ quan của bộ này ở nước ngoài sẽ tiếp tục tham vấn và hỗ trợ pháp lý cho các công dân nước này đang gặp rắc rối và sẽ cố gắng để đưa họ trở về nước sớm nhất có thể. Hiện phía Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Nga.


    Tổng thống Brazil có thể bị phế truất vì che dấu thâm hụt ngân sách

    Người dân Brazil chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu của một ủy ban quốc hội - một bước quan trọng trong quá trình phế truất Tổng thống Dilma Rousseff, theo BBC.
    tong thong dilma rousseff. anh ag brasil

    Tổng thống Dilma Rousseff. Ảnh Ag Brasil

    Ủy ban 65 thành viên sẽ quyết định có đề xuất việc phế truất bà Rousseff vì cáo buộc bà dùng mánh khóe thay đổi sổ sách để giấu diếm tình trạng thâm hụt ngày càng tăng.
    Bà Rousseff phủ nhận các cáo buộc này.
    Cuộc bỏ phiếu chủ yếu mang tính biểu tượng vì dù kết quả của nó là như thế nào thì Hạ viện cũng sẽ bỏ phiếu về việc luận tội vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới.
    Nhưng các nhà phân tích nói rằng nó sẽ là một chỉ dấu cho thấy các thành viên chủ chốt của Hạ viện cảm nhận như thế nào về việc luận tội Tổng thống.
    Giới truyền thông Brazil đưa tin nói rằng hơn 100 trong số 513 thành viên Hạ viện vẫn ở trong tình trạng chưa quyết định sẽ bỏ phiếu thế nào.
    Nếu bà Rousseff nhận 172 phiếu chống lại việc luận tội bà thì các thủ tục tố tụng sẽ được xếp lại.
    Tuy nhiên, nếu 342 phiếu ủng hộ việc luận tội, bà Rousseff sẽ bị đình chỉ 180 ngày trong khi chờ đưa vấn đề này lên Thượng viện.
    Ở đó, quyết định cuối cùng về việc luận tội bà Rousseff hay không sẽ được đưa ra.
    Lực lượng an ninh cho biết họ chờ đợi sẽ diễn ra các cuộc biểu tình phản đối lớn diễn ra cùng ngày với việc bỏ phiếu ở Hạ viện và các cuộc biểu tình nhỏ hơn diễn ra trong những ngày trước đó.
    Tù nhân giúp lực lượng an ninh dựng một hàng rào chắn bằng kim loại dài 80m phía trước tòa nhà Quốc Hội để tách những người ủng hộ và những phản đối chính phủ.
    Những người biểu tình cũng được yêu cầu kiềm chế không mang các hình nộm bơm hơi tới các cuộc biểu tình và không đeo mặt nạ hoặc che mặt mình.
    Hình nộm cựu Tổng thống Lula mặc quần áo tù là rất phổ biến tại các cuộc biểu tình chống chính phủ.
    Brazil đang bị chia thành một bên là những người ủng hộ chính phủ và những người nói quá trình luận tội là một cuộc đảo chính chống lại bà Rousseff và một bên là những người cáo buộc bà và người tiền nhiệm của bà trong chính phủ, ông Lula, là tham nhũng.
    Ông Lula bị điều tra vì các cáo buộc tội rửa tiền, một điều ông bác bỏ.
    Tòa án tối cao Brazil được dự kiến sẽ ra quyết định trong tuần này về việc ông Lula có thể giữa chức vụ Chánh văn phòng của bà Rousseff hay không.
    Ông Lula mới tuyên thệ nhậm chức hồi tháng trước nhưng gần như ngay sau đó đã bị đình chỉ vì các cáo buộc chống lại ông.
    Việc bà Rousseff đề cử ông Lula đã khiến gây ra các cuộc đụng độ giữa người ủng hộ và chống chính phủ.
    Lực lượng an ninh Brazil nói lần này họ quyết tâm tách rời hai bên.
    Họ đã chỉ thị cho những người biểu tình chống chính phủ đứng ở phía nam rào cản và những người ủng hộ chính phủ đứng ở phía bắc.

    Triều Tiên tuyên bố không gục ngã trước lệnh trừng phạt

    Triều Tiên tuyên bố sẽ không gục ngã khi đối mặt với các lệnh trừng phạt và cấm vận do Mỹ và Liên Hợp Quốc áp đặt.
    nha lanh dao trieu tien kim jong-un. anh: kcna.

    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

    Website Triều Tiên DPRT Today hôm nay đăng thông báo dưới dạng một bức thư tưởng tượng do cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi cho người đương nhiệm Barack Obama.

    Trong thư, ông Lincoln khuyên Tổng thống Obama rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ sụp đổ trước những lệnh trừng phạt và cấm vận kinh tế. Ông nói cảm thấy trĩu nặng khi nghe những từ như "lệnh trừng phạt cứng rắn và hiệu quả nhất lịch sử Mỹ từng áp đặt lên Triều Tiên".

    Triều Tiên còn yêu cầu Mỹ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này trước khi thúc đẩy phi hạt nhân hóa toàn cầu. Bình Nhưỡng chỉ ra rằng Washington triển khai số lượng lớn vũ khí hạt nhân ở Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

    Bức thư còn lên án chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, nói Washington đang đưa ra những lời đe dọa hạt nhân, ảnh hưởng xấu đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

    Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/3 thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Triều Tiên vì Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 4 vào tháng 1 và phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 2.

    Tổng thống Obama ngày 16/3 tiếp tục áp đặt thêm hàng loạt biện pháp nhằm cô lập Triều Tiên. Theo đó, Mỹ đóng băng mọi tài sản của chính phủ Triều Tiên ở nước này, cấm xuất khẩu hàng hóa sang Triều Tiên. Ngoài ra, Washington còn có thể đưa mọi cá nhân có quan hệ làm ăn trong các lĩnh vực chính của kinh tế Triều Tiên vào danh sách đen. Giới chuyên gia nhận định những biện pháp trên mở rộng đáng kể lệnh cấm vận kinh tế Mỹ đang áp đặt với Triều Tiên.


    Boko Haram gài bom lên người bé gái và cho nổ tung

    Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hôm 12-4 cho hay số vụ trẻ em đánh bom tự sát do Boko Haram đứng sau đã tăng gấp 11 lần ở tây Phi trong năm qua. 

    mot em gai tung bi boko haram bat coc va tron thoat duoc - anh: reuters

    Một em gái từng bị Boko Haram bắt cóc và trốn thoát được - Ảnh: Reuters

    Theo Reuters, nhiều em trong số này chỉ mới 8 tuổi, hầu hết là các em gái. Boko Haram gài bom lên người những em này và cho nổ ở các trường học và chợ. Số vụ đánh bom cũng đã lan ra ngoài biên giới Nigeria.

    Người phát ngôn vùng tây Phi của UNICEF Laurent Duvillier nói: “Việc sử dụng trẻ em, đặc biệt là các em gái để thực hiện các vụ đánh bom tự sát đã trở thành một đặc điểm đáng báo động của cuộc xung đột tại đây”.

    UNICEF cho hay số vụ đánh bom tự sát dùng trẻ em là 44 vụ ở tây Phi trong năm ngoái, tăng từ chỉ 4 vụ trong năm 2014. Các vụ này chủ yếu xảy ra ở Cameroon và Nigeria.

    Nhiều trẻ không biết mình mang thuốc nổ trên người. Các khối thuốc nổ được kích hoạt từ xa.

    Boko Haram nhiều năm qua đang tìm cách lập một nhà nước Hồi giáo ở đông bắc Nigeria. Xung đột tại đây cũng đã khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng.

    Tổ chức Ân xã Quốc tế ước tính Boko Haram đã bắt cóc khoảng 2.000 phụ nữ và trẻ em từ năm 2014 để làm các công việc như nấu ăn, nô lệ tình dục, chiến đấu và cả đánh bom tự sát.

    Theo UNICEF, ¾ số những người đánh bom tự sát là các em gái, đối tượng thường ít bị để ý hay nghi ngờ.

    Các trẻ em trai bị bắt cóc thì bị ép tấn công chính gia đình của mình để tỏ rõ sự trung thành với Boko Haram. 


    Tranh cãi việc Mỹ muốn dùng dữ liệu từ NSA để bắt tội phạm

    Theo Sputnik, Mỹ đang xây dựng chính sách cho phép Bộ Tư pháp truy tố tội phạm dựa vào những bằng chứng bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

    Chính sách mới sẽ cho phép NSA chia sẻ dữ liệu với các cơ quan tình báo khác của Mỹ. NSA là Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ. Dưới thời đại kỹ thuật số, NSA được đánh giá là lực lượng có tầm ảnh hưởng và khả năng vươn xa thuộc hàng đầu trong 16 cơ quan tình báo của Mỹ,  có thể là cơ quan tình báo có khả năng xâm nhập sâu rộng nhất từ trước tới nay.

    Năm 2013, thông tin do cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ cho thấy NSA đã giám sát hàng chục ngàn cú điện thoại ở Pháp. Họ còn tìm cách đột nhập vào tài khoản thư điện tử của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon.

    Cho tới nay, nhiều hoạt động của NSA vẫn nằm trong vòng bí mật. Một ví dụ tiêu biểu là các nhân viên của NSA thường chỉ nói rằng họ làm việc ở Bộ Quốc phòng, khiến cơ quan này còn có biệt danh là “No Such Agency” (Không có cơ quan nào như thế) và “Never Say Anything” (Chẳng bao giờ nói gì cả).

    Tổng cố vấn Văn phòng tình báo quốc gia, ông Robert Litt cho biết: "Việc NSA chia sẻ dữ liệu thu được với các cơ quan thực thi pháp luật sẽ có những rủi ro.

    Cụ thể, Chính phủ sẽ sử dụng những bằng chứng này để truy tố hình sự mà không thông báo cho các bị cáo," thông báo được đưa ra vào thứ Hai ngày 11-4.

    Theo như chính sách mới, tội phạm hình sự có quyền được biết chính phủ lấy bằng chứng từ đâu và như thế nào.

    nhung du lieu duoc thu thap bi mat tu co quan an ninh quoc gia (nsa). (anh: sputnik)

    Những dữ liệu được thu thập bí mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). (Ảnh: SPUTNIK)

    Chính sách mới làm tăng nguy cơ chính phủ Mỹ sẽ sử dụng bằng chứng thu được thông qua các thiết bị giám sát bí mật để truy tố hình sự.

    Với đường lối chỉ đạo mới gây tranh cãi này, Nhà Trắng cần phải đảm bảo tất cả chính sách phải tôn trọng nhân quyền và hiến pháp.

    "Chúng tôi không muốn bất kỳ công dân nào phải vào tù vì những bằng chứng không đáng tin cậy, thiếu sót hoặc được thu thập bất hợp pháp".

    Ngày 7-4, hơn 30 nhóm về quyền con người đã gửi một bức thư đến lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ.

    Nội dung bức thư yêu cầu xem xét lại những thay đổi trong chính sách, như việc cho phép Cục Điều tra Liên bang FBI không tuân theo hiến pháp và xâm phạm đời tư của công dân Mỹ.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn