TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh sáng 16-06-2016

    NATO yêu cầu Nga rút quân, thiết bị quân sự khỏi Ukraine

    NATO ngày 15-6 yêu cầu Nga rút lực lượng cũng như thiết bị quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine, dừng hỗ trợ phiến quân chống Kiev.

    "Nga cần dừng hỗ trợ phiến quân và rút lực lượng, thiết bị quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine" - tờ Hurriyet Daily News dẫn lời Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nói. Ông phát biểu sau cuộc gặp với các bộ trưởng Quốc phòng NATO cùng người đồng cấp Ukraine ở Brussels. 

    Ông Stoltenberg nói liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ tiếp tục sát cánh cùng chính phủ Ukraine và sẽ không bao giờ công nhận việc Nga "sáp nhập bất hợp pháp Crimea" cách đây hai năm.

    tong thu ky nato jens stoltenberg. nguon: hurriyet

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Nguồn: Hurriyet

    "Đáp lại hành động của Nga, NATO đã tăng cường hỗ trợ Ukraine. Mức độ can dự chính trị và trên thực tiễn của chúng tôi kể từ năm 2014 là chưa từng có" -ông Stoltenberg nói.

    Stoltenberg cáo buộc Moscow tiếp tục hỗ trợ phe nổi dậy theo nhiều cách, như cung cấp thiết bị, cố vấn, đồng thời dồn quân dọc biên giới với Ukraine và tăng cường hiện diện quân sự ở Crimea, căn cứ của hạm đội Biển Đen.

    Tổng thư ký NATO đã kêu gọi Moscow tôn trọng và giúp thực thi lệnh ngừng bắn Minsk vốn được ký kết bởi quân nổi dậy và chính quyền Kiev nhưng đã bị xâm phạm “hết lần này đến lần khác”.

    Quan hệ Nga - phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Các nước NATO và Ukraine nhiều lần cáo buộc Nga sáp nhập Crimea và can dự vào vụ bạo động ở Ukraine.

    Hiện NATO có kế hoạch triển khai 4.000 quân tới các nước Baltic và Ba Lan, trong kế hoạch lớn hơn nhằm ngăn chặn Nga.


    Nga - Trung tăng bậc trong top 30 nước có quyền lực mềm mạnh nhất thế giới

    Trung Quốc vẫn bị trừ điểm vì các hành động vô văn hóa của công dân khi xuất ngoại, tình trạng thiếu tự do ngôn luận và dân chủ, hành động quân sự hóa Biển Đông.  
    chu tich trung quoc tap can binh va tong thong nga vladimir putin. anh: bi

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: BI

    Hãng quan hệ công chúng Portland của Anh hàng năm đưa ra bảng xếp hạng 30 quốc gia có quyền lực mềm mạnh mẽ nhất thế giới.

    Đây được xem là một trong những khảo sát uy tín nhất trong lĩnh vực này, có lời đề tựa của giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye – cha đẻ của khái niệm trên.

    Năm nay, Mỹ tiếp tục bảo vệ thành công ngôi đầu bảng, theo sau là Anh, Đức, Canada và Pháp.

    Đáng chú ý, ở vị trí thứ 27, Nga lần đầu tiên xuất hiện trong top 30. Năm ngoái, nước này chỉ được xếp ở vị trí 50. Theo sau là Trung Quốc, nhảy hai bậc từ 30 lên 28.

    top 30 nuoc co quyen luc mem manh nhat the gioi theo xep hang cua portland.  

    Top 30 nước có quyền lực mềm mạnh nhất thế giới theo xếp hạng của Portland.  

     

    Quyền lực cứng dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế, quyền lực được thực hiện chủ yếu bằng cách đe dọa về quân sự, mua chuộc về kinh tế.

    Ngược lại, quyền lực mềm được lan tỏa thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục. Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: Văn hóa, giá trị và chính sách.

    Sự xuất hiện của Nga trong bảng xếp hạng năm nay khiến nhiều người ngạc nhiên, sau những động thái quyết liệt của quốc gia này về mặt địa chính trị, như sáp nhập Crimea, hỗ trợ phiến quân ở đông Ukraine và can thiệp vào Syria.

    Tuy nhiên, Nga sở hữu quyền lực mềm mạnh mẽ về mặt văn hóa. Đây là quê hương của Bảo tàng Hermitage, nhà hát ballet Bolshoi, nhà viết kịch Chekhov, văn hào Dostoyevsky, họa sĩ Malevich, nhà soạn nhạc Tchaikovsky và nhà văn Bulgakov, báo cáo liệt kê.

    Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý rằng kết quả khảo sát không nhất thiết phản ánh góc nhìn của phương Tây đối với Nga. Nhiều khu vực khác trên thế giới không quan tâm nhiều đến xung đột tại Ukraine, và cho rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Syria có tác động tích cực.

    Đối với Trung Quốc, bất chấp kinh tế trì trệ, quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn có vị thế nhất định về kinh tế trên trường quốc tế.

    Những sáng kiến của Trung Quốc như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) – đối trọng với ngân hàng ADB - phản ánh tầm nhìn của giới chức nước này về một trật tự thế giới mới.

    Với nhiều nước châu Phi và ven Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, Trung Quốc là nhà Mạnh Thường Quân “hào phóng”.

    Tuy nhiên báo cáo trừ điểm Trung Quốc vì các hành động vô văn hóa của công dân khi xuất ngoại, tình trạng thiếu tự do ngôn luận và dân chủ, hành động quân sự hóa Biển Đông.(Bizlive)  


    Indonesia: Việc ASEAN ra tuyên bố về biển Đông là nhầm lẫn

    Tuyên bố chung thật ra chỉ là một “hướng dẫn truyền thông” cho các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trình bày tại một cuộc họp báo sau hội nghị, chứ không phải là tuyên bố chung của ASEAN.

    Việc ASEAN ra tuyên bố chung nêu quan ngại về biển Đông sau Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 14-6 thật ra là một nhầm lẫn, hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir ngày 15-6.

    Trong tuyên bố tựa đề “Tuyên bố truyền thông của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN” do Bộ Ngoại giao Malaysia công bố ngày 14-6, ASEAN cảnh báo các hoạt động gần đây trên biển Đông tiềm tàng nguy cơ hủy hoại hòa bình. Tuyên bố mô tả các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc đối thoại cởi mở, bộc trực tại hội nghị.

    Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết Ban Thư ký ASEAN đã rút lại tuyên bố để “sửa đổi khẩn”.

    Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir thì nội dung lời lẽ Bộ Ngoại giao Malaysia công bố ngày 14-6 thật ra chỉ là một “hướng dẫn truyền thông” cho các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trình bày tại một cuộc họp báo sau hội nghị, chứ không phải là tuyên bố chung hội nghị.

    Người phát ngôn Arrmanatha Nasir cho biết hội nghị giữa các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã kéo dài quá thời gian định trước, cho nên cuộc họp báo sau hội nghị bị hủy bỏ, nhiều bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhanh chóng rời khỏi địa điểm hội nghị.

    “Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không có cơ hội bàn bạc sẽ đưa ra nội dung gì với truyền thông".

    Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia) cũng cho biết không có tuyên bố chính thức nào sau hội nghị. AFP cho biết đã liên lạc với phía Malaysia nhưng chưa được trả lời.

    cac bo truong tham gia hoi nghi dac biet cac bo truong ngoai giao asean-trung quoc tai van nam (trung quoc) ngay 14-6. anh: getty images

    Các bộ trưởng tham gia Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Vân Nam (Trung Quốc) ngày 14-6. Ảnh: GETTY IMAGES

    AFP dẫn giả thuyết nhiều nhà phân tích đưa ra quanh vụ này. Có ý kiến tin tưởng giải thích của Indonesia rằng vụ đưa tuyên bố chung này đúng là nhầm lẫn. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng ASEAN rút lại tuyên bố vì áp lực của Trung Quốc.

    Nhà phân tích chính trị Bridget Welsh tại ĐH Ipek (Thổ Nhĩ Kỳ) tin rằng đây là nhầm lẫn của Bộ Ngoại giao Malaysia. Theo nhận định của bà, các nước ASEAN - trong đó nhiều nước phụ thuộc quan hệ thương mại với Trung Quốc - vốn muốn chờ đến khi Tòa án Trọng tài quốc tế của LHQ ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines mới có ý kiến chung về tình hình biển Đông.


    Con trai Chu Vĩnh Khang lĩnh 18 năm tù vì nhận hối lộ

    Tòa án ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm nay tuyên án Chu Bân, con trai của Chu Vĩnh Khang, 18 năm tù giam vì nhận hối lộ và kinh doanh bất hợp pháp.
    chu ban, con trai chu vinh khang. anh: scmp

    Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang. Ảnh: SCMP

    Theo china.org.cn, Chu Bân bị phạt 350,2 triệu NDT (53 triệu USD) và bị tịch thu tất cả tài sản bất hợp pháp, theo phán quyết của tòa án trung cấp thành phố Nghi Xương.

    Chu Bân và bố mình, Chu Vĩnh Khang đã lợi dụng chức quyền của Chu Vĩnh Khang để ăn hối lộ 98 triệu NDT.

    Cấu kết với những người khác, Chu Bân đã dùng ảnh hưởng của cha mình để nhận tiền thông qua các quan chức khác, với số tiền ăn hối lộ lên đến 124 triệu NDT.

    Chu Bân còn vi phạm các quy định nhà nước bằng cách kinh doanh các mặt hàng bị hạn chế và gây rối trật tự thị trường, tòa án viết trong phán quyết.

    Chu Vĩnh Khang từng là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc. Chu từng đứng đầu Bộ Công an Trung Quốc và là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, trước khi về hưu năm 2012.

    Tháng 7/2014, Chu bị điều tra và sau đó bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/2014. Ngày 11/6/2015, Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý làm lộ bí mật nhà nước.


    Trung Quốc cấm bán vật liệu sản xuất vũ khí cho Triều Tiên

    Trung Quốc ngày càng mất kiên nhẫn vì thái độ ngày càng hiếu chiến của Triều Tiên nhưng Trung Quốc sẽ không trừng phạt nặng vì sợ Triều Tiên có thể sụp đổ, kéo theo nhiều hệ lụy bất ổn với mình.

    Ngày 15-6, Trung Quốc tuyên bố cấm xuất khẩu sang Triều Tiên các công nghệ và vật liệu có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự, hãng tinAP (Mỹ) dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc.

    Danh sách cấm liệt kê 40 vật liệu, gồm có các hợp kim, các thiết bị cắt và hàn kim loại, các vật liệu có thể dùng sản xuất vũ khí hóa học, các vật liệu và công nghệ có thể dùng trong phát triển hạt nhân và tên lửa.

    Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, lệnh cấm này là một phần của nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ hồi tháng 3.

    Mỹ nhanh chóng hoan nghênh động thái này của Trung Quốc.

    “Mỹ và Trung Quốc thống nhất về tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc đã thống nhất nghị quyết trừng phạt cao nhất Triều Tiên của HĐBA LHQ" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen nói với hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc).

    xe cho ten lua trieu tien tai mot cuoc dieu hanh quan su o binh nhuong (trieu tien). anh: ap

    Xe chở tên lửa Triều Tiên tại một cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Ảnh: AP

    Là đối tác thương mại chính của Triều Tiên (gần 90%) nên Trung Quốc được xem là yếu tố chính để xác định tính thành công của các lệnh trừng phạt, thường được Mỹ và các nước yêu cầu tăng áp lực lên Triều Tiên. Tuy nhiên, trước giờ phần lớn Trung Quốc vẫn không đáp ứng, nói rằng phải cân nhắc đến các tác động nhân đạo của việc trừng phạt. Song gần đây động thái ngày càng hiếu chiến của Triều Tiên đã khiến Trung Quốc mất kiên nhẫn.

    Tháng 3 vừa rồi Trung Quốc đã đồng ý lệnh trừng phạt Triều Tiên của HĐBA LHQ vì Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư và thử tên lửa tầm xa dưới hình thức phóng vệ tinh. Các lệnh trừng phạt này bao gồm lệnh cấm bán các công nghệ và vật liệu có thể sử dụng trong sản xuất vũ khí.

    Hồi tháng 4 Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu than và quặng sắt - vốn một nguồn thu lớn của Triều Tiên. Trung Quốc cũng cấm bán nhiên liệu máy bay sang Triều Tiên.

    Dù thái độ Trung Quốc với Triều Tiên có cứng rắn hơn nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ giơ cao đánh khẽ, sẽ không trừng phạt nặng vì sợ Triều Tiên có thể sụp đổ, kéo theo nhiều hệ lụy bất ổn với mình.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn