TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh tối 22-04-2016

    Quan chức Ngoại giao Anh nói về biển Đông, 'chọc giận' Trung Quốc

    Trung Quốc đã tỏ thái độ giận dữ sau khi một quan chức của Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố rằng phán quyết sắp tới của tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc về cái gọi là “đường lưỡi bò” phải có tính ràng buộc.

    Theo hãng tin Reuters ngày 20-4, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Đông Nam Á - ông Hugo Swire hôm 19-4 kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan). Ông này nói rằng nước Anh nhận thấy phán quyết là cơ hội cho cả Trung Quốc và Philippines tái khởi động những đối thoại giữa hai bên về vấn đề biển Đông. Phán quyết của tòa dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

    quoc vu khanh bo ngoai giao anh phu trach khu vuc dong nam a, ong hugo swire. anh: huffington post

    Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Đông Nam Á, ông Hugo Swire. Ảnh: Huffington Post

    Đáp trả những phát biểu của ông Hugo Swire, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 20-4 nói: “Những phát biểu của ông Swire đã bỏ qua tình hình thực tế, phiến diện và mang tính phân biệt đối xử, đi ngược lại hoàn toàn với cam kết giữ quan điểm trung lập của Anh trước đây” - Tân Hoa Xã trích dẫn. “Chúng tôi cực lực phản đối những phát biểu này của ông Swire” - bà Hoa nhấn mạnh.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên nói rằng căng thẳng trên biển Đông là lỗi thuộc về Mỹ và Philippines gây ra chứ không phải do Trung Quốc, vì các tàu và máy bay của Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này.

    “Thực tế đã chứng minh rằng nếu tình hình biển Đông thực sự trở nên căng thẳng thì đó là do Mỹ, kẻ có trách nhiệm lớn nhất trong việc này” - bà Hoa nói. Tuy nhiên, bà Hoa Xuân Oánh lại không nhắc gì đến việc Trung Quốc đang ráo riết tăng cường xây dựng các cơ sở hạ tầng và trang thiết bị quân sự trái phép trên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhiều quốc gia trong khu vực đều lo ngại trước các động thái quân sự hóa của Trung Quốc gây căng thẳng về hòa bình và an ninh.

    Bà Hoa Xuân Oánh nhắc lại rằng Trung Quốc không chấp nhận và cũng không tham gia vụ kiện với Philippines. Trung Quốc coi đây là hành vi lạm dụng luật pháp quốc tế. Hồi tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc nên tuân thủ các phán quyết của tòa The Hague. Tuy nhiên, các phán quyết của tòa The Hague không mang tính ràng buộc và đã từng bị lờ đi trước đây.

    Việc Anh đặt ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và chào đón Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 10 năm ngoái đã dẫn đến những lời chỉ trích cho rằng Anh đặt lợi ích kinh tế ngắn hạn lên trên vấn đề nhân quyền và các vấn đề an ninh.


    Phong tỏa tài sản của thứ trưởng văn hóa Nga

    Cơ quan chức năng Nga đã đóng băng các tài khoản ngân hàng và tài sản của thứ trưởng Bộ văn hóa Nga Grigory Pirumov do liên quan tới cáo buộc biển thủ công quỹ.

    ong grigory pirumov, thu truong bo van hoa nga bi cao buoc bien thu cong quy - anh: themoscowtimes

    Ông Grigory Pirumov, thứ trưởng Bộ văn hóa Nga bị cáo buộc biển thủ công quỹ - Ảnh: Themoscowtimes

    Theo Moscow Times, ông Grigory Pirumov, thứ trưởng Bộ văn hóa Nga bị cáo buộc đã biển thủ một số tiền lớn trong các quỹ dành cho việc tôn tạo các công trình di sản văn hóa của Nga.

     Hãng thông tấn Interfax công bố tin này ngày 20-4 đồng thời cho biết, các nhà điều tra đã đóng băng các tài sản của ông Pirumov để dự phòng cho việc đền bù tổn thất liên quan.

    Interfax dẫn lời một quan chức không nêu tên nói: “Các tài khoản ngân hàng và bất động sản của ông Pirumov đã bị phong tỏa. Chúng tôi đang nói về hàng chục triệu rúp (hàng trăm ngàn USD)”.

    Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) cáo buộc ông Pirumov cầm đầu một nhóm người đã biển thủ các khoản ngân sách dành cho công tác tôn tạo di sản thông qua việc thổi giá chi phí những dự án liên quan.

    Ngoài thứ trưởng văn hóa Nga còn có một số quan chức chính phủ và những người đứng đầu các công ty xây dựng và phục chế khác cũng đã bị bắt vì có dính líu tới bê bối này.


    Nổ nhà máy hóa dầu làm rung chuyển thành phố ở Mexico

    Một vụ nổ lớn ở một nhà máy lọc dầu tại Veracruz, đông nam Mexico đã khiến ba người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

    Một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển Nhà máy lọc dầu PMV thuộc Công ty Dầu khí quốc gia Pemex ở vùng vịnh Veracruz hôm 21-4 làm chết ít nhất ba người, hàng chục người bị thương và phát tán các hóa chất độc hại vào môi trường.

    Luis Felipe Puente, người đứng đầu lực lượng cứu hộ liên bang, nói với Reuters rằng ba người đã chết trong vụ nổ và có ít nhất 45 người bị thương. Thống đốc bang Veracruz, Javier Duarte, trong trao đổi với các kênh truyền hình địa phương, cho biết số người bị thương lên đến hơn 60.

    Pemex cho biết vụ nổ xảy ra vào khoảng 3 giờ chiều (giờ địa phương) tại nhà máy Clo 3 của Pemex gần cảng Coatzacoalcos. Vụ nổ tạo ra một cột khói lớn. Đám cháy đã được khống chế vào đầu buổi chiều, Pemex cho biết. Người dân xung quanh khu vực vụ nổ đã được yêu cầu ở trong nhà để tránh nguy cơ khói độc phát tán trong không khí.

    khoi boc len tu vu no tai khu to hop cac nha may hoa dau pajaritos cua pemex. anh: reuters

    Khói bốc lên từ vụ nổ tại khu tổ hợp các nhà máy hóa dầu Pajaritos của Pemex. Ảnh: Reuters

    Lãnh đạo phía Pemex cho biết việc xuất khẩu dầu của tập đoàn sẽ không bị ảnh hưởng. Nguyên nhân gây ra vụ nổ chưa được xác minh. Giám đốc điều hành Công ty Pemex Jose Antonio Gonzalez đã đến Coatzacoalcos vào cuối ngày thứ tư để giám sát.

    Nhà máy bị nổ là Petroquimica Mexicana de Vinilo, gọi tắt là PMV, nhà máy hóa dầu vinyl liên doanh giữa đơn vị hóa dầu Pemex và nhà sản xuất ống nhựa Mexichem. PMV được điều hành bởi Mexichem và nằm trong khu tổ hợp hóa dầu Pajaritos của Pemex. Mexichem cho biết vụ nổ bắt nguồn từ bộ phận ethylene tại nhà máy. Công ty không đưa ra bình luận gì thêm.

    Trong tháng 2, cũng tại PMV, một vụ cháy cũng đã khiến một người thiệt mạng. Nạn nhân là một công nhân làm việc trong bộ phận sản xuất vinyl chloride monomer, hay còn được gọi là chloroethene, một hóa chất công nghiệp được sử dụng để sản xuất ống nhựa.

    Vài tuần trước đó nữa, đã có ba công nhân thiệt mạng và bảy người bị thương trong một vụ cháy khác xảy ra trên một giàn khoan của Pemex ở vịnh Mexico. Vụ tai nạn xảy ra trong giai đoạn Pemex thực hiện cắt giảm chi phí tối đa để đối phó với sự sụt giảm mạnh của giá dầu và tăng sản lượng sản xuất.

    Mexico hiện đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia hồi sinh ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này. Pemex đã nắm giữ vị thế độc quyền trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Mexico suốt nhiều thập niên. Cho đến khi nước này tiến hành cải cách lĩnh vực năng lượng từ năm 2014, đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Pemex.

    Pemex cho biết năm ngoái họ đã giảm tỉ lệ tai nạn hằng năm của nó xuống hơn 33% so với năm 2014. Tuy nhiên, theo điều tra của Reuters, Pemex đã giảm tỉ lệ tai nạn của nó bằng cách tính luôn giờ làm việc của nhân viên văn phòng trong báo cáo.


    Bà Suu Kyi công bố chính sách đối ngoại mới của Myanmar

    ba aung san suu kyi se gap cac nha ngoai giao nuoc ngoai vao ngay 21.4 - anh: reuters

    Bà Aung San Suu Kyi sẽ gặp các nhà ngoại giao nước ngoài vào ngày 21.4 - Ảnh: Reuters

     
    Ngoại trưởng Myanmar, bà Aung San Suu Kyi hôm nay 21.4 sẽ có buổi gặp với các nhà ngoại giao trong nước và nước ngoài tại Nay Pyi Taw. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên của bà trên cương vị Ngoại trưởng Myanmar kể từ khi có chính phủ mới.
    Theo Tân Hoa xã, bà Aung San Suu Kyi đã gửi lời mời tới 93 đại diện của các đại sứ quán nước ngoài ở Myanmar cũng như đại diện các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Tại cuộc gặp diễn ra hôm nay, bà Aung San Suu Kyi sẽ cung cấp thông tin và làm rõ chính sách đối ngoại của chính phủ mới do đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà nắm quyền.
    Ông U Ko Ko Shein, quan chức cấp cao tại Vụ chính trị thuộc Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết chính sách đối ngoại của chính phủ mới sẽ nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng để duy trì sự hòa bình ở khu vực và quốc tế.
    ngoai truong myanmar aung san suu kyi (phai) va ngoai truong trung quoc vuong nghi hoi dam ngay 5.4.2016 reuters

    Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội đàm ngày 5.4.2016 Reuters

    Cũng theo ông U Ko Ko Shein, chính sách đối ngoại của Myanmar sẽ hướng tới việc bảo vệ lợi ích quốc gia, an ninh và phát triển kinh tế, đồng thời cũng nhấn mạnh mục tiêu ổn định, công bằng và vì sự bền vững của môi trường. Chính sách này cũng sẽ nhấn mạnh những giá trị về tự do, tự chủ, truyền thống văn hóa và đoàn kết dân tộc.
    Theo Hiến pháp, Myanmar theo đuổi chính sách độc lập, năng động và không liên minh. Tuy nhiên, đến nay chính sách đối ngoại của Myanmar đã có những bước chuyển thay đổi đáng kể, từ chính sách "quan hệ song phương" sang "hội nhập khu vực" và "quan hệ đa phương".

    Chính quyền Na Uy bị phán vi phạm nhân quyền đối với kẻ giết 77 người

    Ngày 20.4, một tòa án ở Na Uy ra phán quyết nói chính quyền nước này “vi phạm nhân quyền” đối với Anders Behring Breivik, phần tử cực hữu gây ra vụ xả súng và đánh bom làm chết 77 người tại thủ đô Oslo năm 2011.
    Người này đang thụ án 21 năm tù, được tuyên hồi năm 2012, nhưng vẫn được nhận và trả lời thư, đọc sách, chơi trò chơi điện tử... Hồi tháng 3, Breivik đâm đơn kiện chính quyền “vi phạm Công ước Nhân quyền châu Âu” khi không cho ông ta tiếp xúc với người khác.
    Reuters dẫn lời thẩm phán Helen Andenaes Sekulic ngày 20.4 tuyên bố việc Breivik ở một mình trong phòng giam từ 22 - 23 tiếng đồng hồ một ngày và phải nói chuyện với người khác qua một tấm kính dày “là cách đối xử phi nhân tính” theo quy định của công ước nói trên. “Nghiêm cấm những cách đối xử phi nhân tính và mang tính lăng nhục là giá trị cơ bản của một xã hội dân chủ. Điều này áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả sát nhân và khủng bố”, bà nói.
    Với kết quả trên, chính quyền Na Uy sẽ phải trả án phí khoảng 331.000 crown (hơn 40.000 USD) và phải nới lỏng tình trạng giam giữ Breivik. Hôm 20.4, các luật sư đại diện chính quyền cho biết họ đang cân nhắc kháng cáo.
    nha tu skien, noi breivik thu an tu nam 2013 den nay afp

    Nhà tù Skien, nơi Breivik thụ án từ năm 2013 đến nay AFP

    Phán quyết của tòa cũng gây dư luận trái chiều tại Na Uy, nhưng một trong những người sống sót sau vụ thảm sát là Bjorn Ihler viết trên Twitter rằng đây là dấu hiệu cho thấy Na Uy có hệ thống pháp quyền hiệu quả và tôn trọng nhân quyền trong mọi tình huống, theo Reuters.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn