TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh trưa 11-05-2016

    Trung Quốc áp đảo danh sách “Hồ sơ Panama”

    Thông tin mới được công bố cho thấy rất nhiều công ty, cá nhân tại Trung Quốc có liên quan đến hoạt động né thuế qua các công ty hải ngoại, với số lượng vượt xa bất kì một quốc gia hay khu vực nào.

    Rạng sáng ngày 10/5, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế đã cho công bố danh sách về khoảng 210.000 công ty được nêu tên trong “Hồ sơ Panama”. Trong số này, có đến 25.000 thực thể Trung Quốc được “điểm danh". 
    "ho so panama" gay chan dong du luan the gioi. anh: kyodo

    "Hồ sơ Panama" gây chấn động dư luận thế giới. Ảnh: Kyodo

    Đây được xem là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trên thế giới, xuất phát từ công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama, đầu mối chuyên đứng ra thành lập các công ty hải ngoại ở các thiên đường trốn thuế. Dữ liệu mới được công bố cho thấy sự tồn tại của các mạng lưới toàn cầu chuyên trợ giúp các công ty và những cá nhân giàu có thực hiện hành vi trốn thuế. 
     
    Nhiều trong số này khởi nguồn từ Hong Kong và Thụy Sĩ - mỗi nơi có khoảng 38.000 công ty hải ngoại đặt trụ sở. Khoảng 10.000 thực thể được lập ở Luxemburg.
     
    Các thực thể, cá nhân liên quan đến các công ty vỏ bọc hải ngoại này có ở khắp thế giới. Bản danh sách này còn cung cấp địa chỉ của các doanh nhân, giám đốc điều hành, cổ đông của hơn 13.000 người ở Hong Kong và 5.000 người ở Anh. 

    Malaysia-Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông qua DOC

    Malaysia và Trung Quốc nhất trí giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông thông qua Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

    ngoai truong malaysia anifah aman du hoi nghi ngoai truong asean. anh: afp/ttxvn

    Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Ảnh: AFP/TTXVN

    Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 10/5, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Anifah Aman cho biết nước này và Trung Quốc nhất trí giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông thông qua Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông Anifah Aman đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, người đang có chuyến thăm 2 ngày tại Malaysia.

    Theo Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, trong cuộc gặp này, hai bên đã thảo luận về việc các ngư dân Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển của Malaysia. Phía Malaysia đã nêu lên quan ngại của mình và ông Dương Khiết Trì cho biết sẽ xem xét kỹ quan ngại của Malaysia. Ông Anifah bày tỏ tin rằng Malaysia và Trung Quốc sẽ có biện pháp giải quyết vấn đề này. Cũng tại cuộc gặp, hai bên còn thảo luận về mối quan hệ song phương, kinh tế và biện pháp tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

    Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết chuyến thăm Malaysia lần thứ 4 của ông Dương Khiết Trì trên cương vị Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, đồng thời thể hiện mong muốn của hai bên về việc củng cố quan hệ song phương.


    3 thành phố Czech bị dọa bom, sơ tán quy mô lớn

    Nhà ga trung tâm, các tòa nhà công cộng... tại thủ đô Prague và nhiều thành phố khác của Czech được sơ tán sau khi có kẻ dọa đánh bom ngày 10-5.

    canh sat phong toa nhung khu vuc nghi bi cai bom - anh: denik

    Cảnh sát phong tỏa những khu vực nghi bị cài bom - Ảnh: Denik

    Báo chí Czech cho biết kẻ đe dọa đề cập đến 10 quả bom.

    “Một kẻ nặc danh báo cho chúng tôi qua điện thoại rằng có bom ở nhà ga trung tâm ở Prague và những nơi khác trên khắp Cộng hòa Czech”, cảnh sát trưởng Marketa Janovska nói với truyền thông địa phương.

    Theo RT, vị này không tiết lộ tên các địa điểm bị dọa có bom vì “lý do an ninh”, nhưng truyền thông Czech đưa tin cảnh sát ra lệnh sơ tán các tòa nhà công cộng ở các thành phố Pardubice và Plzen.

    Hội trường thành phố Mlada Boleslav và thị trấn Jicin cũng được sơ tán trong khi hoạt động tại hội trường thành phố Prague cũng bị gián đoạn, theo Mirror.

    Hình ảnh người dân được sơ tán và cảnh sát phong tỏa các con đường được chia sẻ trên mạng xã hội.

    hinh anh nguoi dan so tan duoc chia se len mang xa hoi - anh: twitter

    Hình ảnh người dân sơ tán được chia sẻ lên mạng xã hội - Ảnh: Twitter

    lenh so tan duoc dua ra tai nhieu nha ga trung tam cua cac thanh pho - anh: twitter

    Lệnh sơ tán được đưa ra tại nhiều nhà ga trung tâm của các thành phố - Ảnh: Twitter

    Chưa rõ đây có phải là báo động giả hay không, tuy nhiên Đài phát thanh Czech cho biết một vụ báo động giả có thể gây tốn kém nhiều nghìn euro khi cảnh sát và các dịch vụ an ninh khác được điều động để ứng phó. Nếu bị bắt, kẻ báo động giả có thể bị phạt đến 8 năm tù giam.

    Cũng trong ngày 10-4, cảnh sát Ý đã bắt giữ 2 tên khủng bố quốc tế và 3 kẻ bị tình nghi tham gia phong trào Hồi giáo thánh chiến trong chiến dịch truy quét khủng bố ở Bari, miền nam Ý.

    Theo Hãng tin ANSA, những kẻ bị bắt đều mang quốc tịch Afghanistan, được cho là nằm trong một đường dây của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

    Họ được giao nhiệm vụ chiêu mộ những người có cảm tình với phong trào Hồi giáo thánh chiến thông qua cấu kết với các tổ chức mafia địa phương cũng như các nhóm tội phạm khác ở Pháp và Bỉ, và đang có kế hoạch tấn công khủng bố ở Rome, London​, Bari.

    Tại Đức, 1 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong một vụ tấn công bằng dao tại nhà ga gần thành phố Munich ngày 10-5, theo BBC.

    Cảnh sát cho biết họ đang điều tra xem vụ tấn công có liên hệ với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hay không, nhưng nhân chứng kể kẻ tấn công đã hét lên “Allahu akbar” (Thượng đế vĩ đại) lúc thực hiện vụ tấn công. Tên này hiện đã bị bắt giữ.


    Trung Quốc trả ngư dân 20.000 USD mỗi lần ra biển Đông

    Báo ABC News của Úc cho biết để củng cố các tuyên bố chủ quyền vô lý của mình ở biển Đông, Trung Quốc gần đây đã đầu tư cho các đội tàu cá ở đảo Nam Hải trở thành lực lượng dân quân và chi nhiều tiền cho các tàu cá thế này mỗi lần ra khơi.

    Hoạt động như lực lượng dân quân trên biển nhưng dưới vỏ bọc dân sự, những đội tàu cá như thế này đã tiếp tay Trung Quốc trong việc chiếm đóng và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo.

    ABC News cho biết đã tìm cách phỏng vấn những ngư dân này nhưng hầu hết họ đều từ chối. Tuy nhiên, một thuyền trưởng đã đồng ý cung cấp thông tin cho ABC News với điều kiện giấu tên. Người này chỉ vừa về lại đất liền sau hai tháng hoạt động tại quần đảo Trường Sa.

    “Chúng tôi sẽ không đến đó nếu chính phủ không trả cho chúng tôi khoản hỗ trợ 20.000 USD cho mỗi chuyến đi và chúng tôi chỉ nhận được khoản tiền này nếu chúng tôi cam kết ra khơi như thế bốn lần một năm. Chúng tôi không kiếm tiền từ việc đánh bắt cá” – vị thuyền trưởng cung cấp thông tin.

    trung quoc duoc cho la dang huan luyen cac doi tau ca nuoc nay tro thanh luc luong dan quan hang hai trong cac hoat dong phi phap o bien dong

    Trung Quốc được cho là đang huấn luyện các đội tàu cá nước này trở thành lực lượng dân quân hàng hải trong các hoạt động phi pháp ở biển Đông

    Người này nói rằng đây là một cách nguy hiểm để kiếm sống. “Năm 1998, tại bãi cạn Scarborough, tôi cùng với 60 thuyền viên khác từ bốn tàu đã bị lực lượng chức năng Philippines bắt giữ” - ông nói. “Chúng tôi đã bị tạm giam sáu tháng đến khi đại sứ quán Trung Quốc chi tiền bảo lãnh chúng tôi về”.

    Vị thuyền trưởng cho biết chính quyền Bắc Kinh cung cấp và huấn luyện cho khoảng 100 tàu đánh cá. Để đi xa hơn và ở lại lâu hơn, Trung Quốc gần đây còn hiện đại hóa đội tàu cá với 27 tàu đánh cá vỏ thép cỡ lớn hơn được trang bị định vị vệ tinh.

    Tuy nhiên, chúng chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ quan trọng nhất: chiếm và xây đảo ở bãi cạn Scarborough, cách Philippines chỉ 200 km. Theo ABC News, Philippines hiện đang cố gắng ngăn chặn động thái của Trung Quốc thông qua tòa án quốc tế.

    Trung Quốc những năm gần đây đã ráo riết bồi đắp và xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất chấp quốc tế lên án. Song song đó là một loạt các hoạt động làm leo thang căng thẳng khu vực như xây đường băng và đáp đổ các chuyến bay trái phép.

    Nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Úc đã lên tiếng phản đối các hoạt động cải tạo trái phép cũng như các hành động gây khiêu khích, căng thẳng của Trung Quốc ở Trường Sa. Phía Mỹ cũng đã điều tàu và máy bay tuần tra gần khu vực này trong một động thái nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh.


    Lợi ích của Mỹ, Trung, Nga trên Biển Đông

    Rõ ràng việc Nga quay trở lại châu Á Thái Bình Dương, khu vực đa trung tâm quyền lực và có nhiều mối quan hệ phức tạp khác với Đại Tây Dương, không chỉ gắn với việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia đang chống lại sự tăng cường ảnh hưởng và mưu đồ kiểm soát các tuyến đường biển của Bắc Kinh.

    trung quoc da co hanh vi xay dung trai phep tren nhieu da thuoc quan dao truong sa, chu quyen viet nam. anh: sia

    Trung Quốc đã có hành vi xây dựng trái phép trên nhiều đá thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam. Ảnh: SIA

    Trang mạng Tin tức quốc gia của Nga số ra ngày 9/5 có bài viết nhan đề “Trung - Mỹ đối đầu: Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đông”.
     

    Theo bài viết, tạp chí Phố Wall trích dẫn một nguồn tin trong Chính phủ Mỹ cho biết Washington đã huỷ chiến dịch quân sự nhằm khẳng định tự do hàng hải tại Biển Đông được ấn định tổ chức vào tháng 4. Theo nguồn tin, Washington muốn "hạ nhiệt căng thẳng" xung quanh bãi đá Scarborough mà Philippines và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền.

    Manila khẳng định Trung Quốc đang có kế hoạch xây "hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm" tiếp theo ở bãi đá Scarborough, nghĩa là một căn cứ quân sự với hạ tầng đi kèm có khả năng tiếp nhận máy bay và tàu quân sự. Trung Quốc đã xây dựng trái phép các căn cứ tương tự trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam. Tại đây, Bắc Kinh không tiếc tiền bạc, đã bồi đắp các hòn đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự. Tại bãi đá Scarborough công việc bồi đắp chưa được tiến hành.

    Xung đột xung quanh bãi đá Scarborough chỉ là một trong số các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi lợi ích của các quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á xung đột với Trung Quốc - quốc gia có tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

    Sau khi xây dựng hệ thống các căn cứ quân sự ở trung tâm Đông Nam Á, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng mở rộng sức mạnh quân sự ra toàn tiểu khu vực. Mong muốn này của Trung Quốc đã được chính một số quan chức của nước này nêu lên khi tuyên bố về khả năng thiết lập tại Biển Đông “vùng nhận dạng phòng không” giống như đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013. Nếu Trung Quốc thiết lập được quyền kiểm soát đối với vùng biển này thì tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi hàng năm có lưu lượng hàng hoá trị giá lên đến 5 nghìn tỷ USD đi qua, có thể bị đe dọa.

    Mỹ là quốc gia chống lại sự tăng cường ảnh hưởng và mưu đồ kiểm soát các tuyến đường biển của Trung Quốc. Về bản chất, Mỹ đang thể hiện là chỗ dựa của các quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh. Lập trường của Mỹ được Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ vì lo ngại hành động của Trung Quốc sẽ đe dọa các tuyến đường vận tải dầu mỏ từ các nước vùng Vịnh Pexic đi qua Biển Đông. Ấn Độ cũng mong muốn kiềm chế người láng giềng phía Bắc, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của mình ra tiểu khu vực.

    Như vậy, một mặt trận chống Trung Quốc đang được hình thành giữa các quốc gia Đông Nam Á và các cường quốc lớn như Mỹ, Nhận Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Việc Mỹ huỷ bỏ chiến dịch khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông không có nghĩa là Mỹ sẽ chấm dứt ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á. 

    Ví dụ tuần trước, 4 máy bay cường kích của Mỹ đã bay sát bãi đá Scarborough, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ashton Carter có chuyến thăm Philippines.

    Trong khi đó, Nga trong rất nhiều năm tuyên bố giữ lập trường trung lập và không đứng về bên nào của cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, về khách quan Moskva cũng không hề muốn các tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đông bị một quốc gia nào đó kiểm soát. 

    Đơn cử, xuất khẩu dầu của Nga từ cảng Kozmino sang Đông Nam Á phải đi qua Biển Đông. Trong đó, xuất khẩu sang Malaysia chiếm 6,5%, Thái Lan - 5,7%, Philippines - 5,3% và Singapore - 4,5% tổng xuất khẩu của Nga. Việc hội nhập vùng Viễn Đông của Nga với châu Á - Thái Bình Dương cũng phụ thuộc nhiều vào việc đảm bảo tự do hàng hải ở Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, trong số các quốc gia xung đột lãnh thổ với Trung Quốc còn có Việt Nam, đối tác chiến lược toàn diện của Nga và Nga đang có các dự án lớn về năng lượng đang triển khai trên thềm lục địa của nước này.

    Mặt khác, Nga cũng mong muốn giữ mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế. Việc châu Âu và Mỹ đóng cửa thị trường tài chính đối với Nga đã buộc phần lớn các công ty lớn của Nga phải tìm đến với Trung Quốc, thị trường duy nhất có khả năng tài chính ngang ngửa với phương Tây. Bên cạnh đó, trong số các nước phản đối Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông còn có cả các đối thủ của Nga trên trường đối ngoại.

    Hồi giữa tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng xung đột lãnh thổ ở Biển Đông cần phải do chính các bên xung đột giải quyết, "không có sự can dự của bên thứ ba và không quốc tế hoá các tranh chấp này".

    Phát ngôn này của ông Lavrov ngẫu nhiên được hiểu giống như sự ủng hộ của Nga đối với Bắc Kinh. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đánh giá cao tuyên bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga. Trong khi đó, Việt Nam cũng ngay lập tức có thông tin phản hồi khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này Lê Hải Bình tuyên bố "các vấn đề liên quan đến tất cả các nước trong khu vực như an ninh, tự do hàng hải và hàng không cần phải được thảo luận và giải quyết với tất cả các bên liên quan". Phản ứng này của Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên vì tất cả các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á đều lo ngại phải đơn phương đối mặt với Trung Quốc.

    Rõ ràng là Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường vị thế của mình trước khi Toà trọng tài quốc tế về luật Biển tại La Haye sẽ đưa ra phán quyết đối với vụ việc Philippines kiện Trung Quốc vào tháng tới. Trung Quốc cho rằng việc toà xem xét vụ việc chính là một trong những hình thức quốc tế hoá cuộc tranh chấp này. 

    Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Moskva, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị người đồng nhiệm Nga ra tuyên bố phản đối "quốc tế hoá tranh chấp" và tính bắt buộc các phán quyết của toà.

    Phát ngôn trên của ông Lavrov hiển nhiên được các nước Đông Nam Á hiểu là sự ủng hộ của Nga đối với yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc triệt để tranh thủ tuyên bố này, đã khiến các quốc gia Đông Á lo ngại. Điều này đặt chính sách "Bước ngoặt về phía Đông" của Nga dưới một dấu hỏi lớn.

    Rõ ràng việc Nga quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đa trung tâm quyền lực và khá phức tạp với nhiều mối mâu thuẫn (khác với Đại Tây Dương) không thể gắn với việc tăng cường quan hệ chỉ với Trung Quốc, quốc gia tuy có ảnh hưởng trong khu vực song cũng còn khá hạn chế. 

    Việc hội nhập vùng Viễn Đông với khu vực này cũng phụ thuộc vào khả năng thúc đẩy mối quan hệ láng giềng thân thiện với tất cả các trung tâm quyền lực, hay ít nhất là giữ thái độ trung lập. Về khách quan, việc tự do hàng hải ở Biển Đông bị hạn chế sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Thoả thuận đơn giản hoá thủ tục cho tàu chiến Nga ở Cam Ranh và đặt các tuyến đường giao thương hàng hải tối cần thiết để phát triển vùng Viễn Đông của Nga trước sự đe doạ.

    Và cuối cùng, việc đứng về một bên trong cuộc xung đột ở Biển Đông sẽ làm giảm đáng kể không gian hành động của Nga ở Đông Á và thu hẹp cơ hội Nga thể hiện với tư cách trung gian hoà giải tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn