TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh trưa 18-01-2016

    Mỹ điều tra sự can thiệp bí mật của Nga vào EU

    Theo Telegraph thông tin ngày 16-1, tình báo Mỹ hiện đang tiến hành cuộc điều tra lớn về việc điện Kremlin xâm nhập vào các đảng phái chính trị ở Liên minh châu Âu (EU).

    James Klepper - Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đã nhận được chỉ thị từ phía Quốc hội Mỹ để tiến hành rà soát, điều tra nguồn tài trợ bí mật được cho là của Nga vào các đảng phái ở EU trong suốt thập kỷ qua.

    my dang dieu tra dien kremlin can thiep the nao vao eu. anh: alamy

    Mỹ đang điều tra Điện Kremlin can thiệp thế nào vào EU. Ảnh: Alamy

    Washington muốn xác định xem Nga có chuyển tài chính cho các đảng phái để làm tăng sự chia rẽ ở EU, hưởng lợi từ việc này bằng cách góp phần làm suy yếu NATO và chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đồng thời, mọi hoạt động sẽ dần dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi nước này sát nhập Crimea.

    Động thái này của Mỹ đưa ra sau khi các quan chức cấp cao của Anh nói với The Sunday Telegraph nỗi sợ hãi ngày càng tăng về "chiến tranh lạnh mới" đang diễn ra ở châu Âu với sự can thiệp của Nga trong phạm vi rộng và sâu hơn những gì từng nghĩ trước đó. Theo đó, Nga được cho là đã tạo ảnh hưởng đến Pháp, Hà Lan, Hungary, Áo và Cộng hòa Czech.

    Các quan chức cấp cao đều từ chối nói tên các đảng phái có thể hợp tác với Nga nhưng theo một số nhận định cho rằng có thể đó là các đảng cực hữu như đảng theo chủ nghĩa dân tộc Yobik ở Hungary, Đảng Liên minh phương Bắc ở Ý, Đảng Mặt trận Dân tộc ở Pháp…

    Igor Sutyagin - Nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về các vấn đề Nga tại Viện thống nhất hoàng gia (RUSI) ở London – Anh nhận định bộ máy tuyên truyền của Nga hiện hoạt động rất tích cực, triển khai “chiến tranh lai” với các đối thủ.


    Đài Loan vào “kỷ nguyên mới”

    Đài Loan có nữ lãnh đạo đầu tiên sau khi bà Thái Anh Văn, ứng viên của Đảng Dân tiến (DPP), đánh bại thuyết phục đối thủ Chu Lập Luân của Quốc Dân đảng (KMT) trong cuộc bầu cử hôm 16-1.

    Theo truyền thông địa phương, bà Thái giành được 56,2% phiếu bầu trong khi ông Chu chỉ nhận được 30,9% phiếu. Kết quả này buộc ông Chu thừa nhận thất bại và từ chức lãnh đạo KMT. Sau ông Chu, người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan Mao Trị Quốc cũng từ chức.

    ba thai anh van den diem bo phieu tai tp dai bac hom 16-1 anh: reuters

    Bà Thái Anh Văn đến điểm bỏ phiếu tại TP Đài Bắc hôm 16-1 Ảnh: Reuters

    Trong diễn văn chiến thắng, bà Thái cam kết duy trì hiện trạng trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng nền dân chủ của Đài Loan. Theo bà, hai bên cần bảo đảm sẽ không có hành động khiêu khích nào xảy ra. Ngoài ra, bà Thái nhận định Đài Loan bước vào “kỷ nguyên mới” và cam kết hợp tác với các chính đảng khác để xử lý những vấn đề lớn của hòn đảo.

    Sau chiến thắng của bà Thái, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc tuyên bố tiếp tục phản đối mọi hoạt động “Đài Loan độc lập”.

    Bà Thái từng thất bại trong cuộc bầu cử năm 2012 nhưng sau đó được người dân Đài Loan ủng hộ vì họ bất mãn việc KMT ngày càng xích lại gần Trung Quốc và chính quyền của nhà lãnh đạo đương nhiệm Mã Anh Cửu điều hành kinh tế yếu kém, làm gia tăng cách biệt giàu - nghèo. Việc đánh bại KMT cho phép DPP lần đầu tiên kiểm soát cả cơ quan hành pháp lẫn cơ quan lập pháp của Đài Loan.

    Lập trường của DPP là ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Vì thế, không có gì khó hiểu khi Bắc Kinh cảnh báo hòa bình khó lập lại ở eo biển Đài Loan nếu bà Thái thắng cử. Một khi lên nắm quyền, bà Thái sẽ phải đối mặt với không ít thử thách khi vừa phải giải quyết bài toán kinh tế và quan hệ chính trị phức tạp với Trung Quốc, vừa phải đề phòng hàng trăm quả tên lửa của Bắc Kinh chĩa vào hòn đảo này.

    Bà Thái Anh Văn, 59 tuổi, trở thành Chủ tịch DPP vào năm 2008 sau khi phanh phui hàng loạt vụ bê bối tham nhũng. Bà chưa từng kết hôn và được cho là không có sức lôi cuốn hay tài ăn nói nhưng thuyết phục mọi người bằng sự chân thành, trí thông minh và lòng kiên trì.


    Báo Trung Quốc cảnh cáo Đài Loan từ bỏ ảo tưởng độc lập

    Ngày 17-1, truyền thông Trung Quốc cảnh cáo Đài Loan “nên từ bỏ ảo tưởng độc lập” sau khi Đảng Dân tiến Đài Loan (DPP) đối lập thắng cử.

    tan lanh dao dai loan thai anh van - anh: reuters

    Tân lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn - Ảnh: Reuters

    Tân Hoa xã đăng bài xã luận mô tả bất kỳ động thái đòi độc lập nào của Đài Loan cũng là “thuốc độc” khiến hòn đảo này bị hủy diệt.

    “Nếu không có hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, chính quyền mới của Đài Loan sẽ chứng kiến sự đau khổ của người dân, các mục tiêu thúc đẩy kinh tế, nâng cao mức sống… sẽ trở nên vô nghĩa như câu cá trên cây” - Tân Hoa xã nhấn mạnh.

    Thời báo Hoàn Cầu đe dọa nếu chính quyền mới của nhà lãnh đạo nữ Thái Anh Văn “xâm phạm lằn ranh đỏ” thì Đài Loan sẽ “đi vào ngõ cụt”.

    “Chúng tôi hi vọng bà Thái sẽ đưa DPP ra khỏi ảo tưởng giành độc lập cho Đài Loan và đóng góp vào sự phát triển chung hòa bình giữa Đài Loan và Trung Quốc” - Thời báo Hoàn Cầu viết.  

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và cuộc bầu cử ở hòn đảo này sẽ không thay đổi thực tế đó và sẽ không thay đổi quan điểm của cộng đồng quốc tế về chính sách “một Trung Quốc”.

    Mới đây, tân lãnh đạo Thái Anh Văn đã lên tiếng cam kết sẽ duy trì quan hệ hiện tại với Trung Quốc. Bà cho rằng phần lớn cử tri Đài Loan đều muốn hòa bình.

    Dù vậy bà cũng cảnh báo bất kỳ động thái cứng rắn quá mức nào của Trung Quốc cũng sẽ có hai cho quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. 


    Nga đối diện những rủi ro nghiêm trọng do giá dầu giảm

    Nga đã thừa nhận “những rủi ro nghiêm trọng” đối với ngân sách nước này do nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ đang chịu tác động mạnh từ việc giá dầu mỏ lao dốc và đồng nội tệ mất giá.

    co thoi diem 77,73 rup moi doi duoc 1 usd

    Có thời điểm 77,73 Rúp mới đổi được 1 USD

    Hôm 15-1, thị trường chứng khoán Matxcơva có lúc đã giảm tới hơn 6% và Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phải thừa nhận “những rủi ro nghiêm trọng” đối với ngân sách nước này do nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga đang chịu tác động mạnh từ việc giá dầu mỏ lao dốc và đồng nội tệ mất giá khi có thời điểm 77,73 rúp mới đổi được 1 USD, vượt qua mức 77 rúp lần đầu tiên kể từ tháng 12-2014. Trong hai tuần qua, đồng rúp của Nga đã mất hơn 5% giá trị.

    Tại Diễn đàn kinh tế Gaidar ở Matxcơva, theo Reuters, Thủ tướng Medvedev cho rằng “sự biến động mạnh của giá dầu trong những tuần qua, đặc biệt trong những ngày qua, đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng trong việc thực hiện ngân sách”.

    Theo ông, nền kinh tế Nga đang chịu tác động mạnh từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự mất giá của đồng rúp, do đó nước Nga cần phải “chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào” trên thị trường dầu mỏ.

    Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Nga đã suy giảm khoảng 4,3% trong năm 2015 và tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm nay.

    Thông thường phân nửa ngân sách của Nga đến từ tiền bán dầu và ngân sách năm 2016 cũng được tính toán dựa trên mức giá dầu 50 USD/thùng.

    Thế nhưng theo Bộ trưởng tài chính Anton Siluanov, dầu phải đạt mức 82 USD/thùng thì Nga mới cân bằng được ngân sách.

    Do đó theo Bộ trưởng Siluanov, Quốc hội Nga cần phải chuẩn thuận cắt giảm 10% ngân sách (gần 1 tỉ rúp) dù đó là “mức cắt giảm chưa thấm vào đâu”.


    Đa số người Anh muốn rời Liên minh châu Âu

    Một cuộc thăm dò mới cho thấy sau vụ khủng bố Paris và làn sóng tội phạm liên quan người nhập cư ở Đức thì số người Anh muốn đất nước thoát ly khỏi Liên minh châu Âu (EU) tăng lên.

    thu tuong david cameron tu tin se dat duoc mot thoa thuan voi eu vao thang 2 tang them quyen tu chu cho nuoc anh - anh: reuters

    Thủ tướng David Cameron tự tin sẽ đạt được một thỏa thuận với EU vào tháng 2 tăng thêm quyền tự chủ cho nước Anh - Ảnh: Reuters

    Theo AFP, cuộc thăm dò qua mạng trên hơn 1.000 người cho kết quả phe ủng hộ rời EU đang chiếm đa số tại Anh với 53%, người muốn ở lại chiếm 47%. Thống kê này chưa bao gồm 20% số người chưa có quyết định.

    Một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này sẽ được tổ chức tại Anh vào cuối năm 2017 hoặc có thể sớm hơn. Theo kết quả thăm dò hồi tháng 9-2015 thì có 49% người được hỏi muốn ở lại EU so với 51% muốn rời.

    Khoảng 34% người Anh hồi tháng 11-2015 cho biết vụ khủng bố ở Paris có thể khiến họ bỏ phiếu rời EU, 12% tuyên bố họ càng quyết tâm ở lại.

    Còn sau sự kiện hàng loạt phụ nữ bị tấn công tình dục ở thành phố Cologne, Đức vào đêm giao thừa, có 38% người Anh muốn rời EU so với 8% kiên quyết ở lại.

    Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ vận động để ở lại EU chỉ khi nào ông còn có thể thương lượng một loạt cải cách nhằm trao thêm quyền tự chủ cho nước Anh.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn