Theo phản ánh của Công ty CP Đầu tư ĐVT (Khánh Hòa), Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Luật Đấu thầu quy định, “Dự án đầu tư phát triển… có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án” thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Đấu thầu 2013.
Tuy nhiên, trong Luật này chưa có quy định về cách tính tỷ lệ vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án.
Đồng thời, trong Luật Đấu thầu 2013, khái niệm “tổng mức đầu tư của dự án” cũng chưa xác định rõ là tại thời điểm dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư (do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt) hay tại thời điểm dự án được lập dự án đầu tư và có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (do chủ đầu tư phê duyệt), làm cơ sở cho chủ đầu tư xác định đối tượng phải áp dụng Luật Đấu thầu.
Đến nay, Công ty CP Đầu tư ĐVT vẫn áp dụng Luật Đấu thầu 2013 khi đầu tư xây dựng. Nhưng kể từ 18/5/2016, Công ty đã cổ phần hóa với 50% vốn Nhà nước (tương ứng 700 tỷ đồng). Để áp dụng Luật Đấu thầu 2013 phù hợp hơn với tình hình hiện tại của Công ty, qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị các cấp thẩm quyền giải đáp một số vấn đề sau:
- Giải thích rõ hơn về khái niệm “tổng mức đầu tư của dự án” tại Điểm c, Khoản 1, Điều 1, Luật Đấu thầu 2013.
- Cách tính tỷ lệ vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án? Trong trường hợp vốn góp của Nhà nước chiếm 50% vốn điều lệ của Công ty cổ phần và cơ cấu vốn đầu tư 1 dự án của Công ty gồm 30% là vốn sở hữu, 70% là vốn vay thương mại thì tỷ lệ vốn Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án có phải là 15% (=50% x 30%)?
- Việc xác định đối tượng phải thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2013 đối với một số trường hợp cụ thể như:
- Công ty CP có dự án đầu tư trạm xăng dầu với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định chủ trương đầu tư là khoảng 5 tỷ đồng, được thực hiện bằng 100% vốn tự có. Vốn điều lệ của Công ty có 50% vốn Nhà nước (700 tỷ đồng).
Như vậy, vốn Nhà nước tham gia dự án có phải là 50% x 5 tỷ đồng = 2,5 tỷ đồng hay không? Trong trường hợp này, tỷ lệ vốn Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án có phải là 50%? Công ty có phải bắt buộc thực hiện dự án theo Luật Đấu thầu hay không?
Trong trường hợp vốn thực hiện dự án gồm 30% vốn tự có (tương ứng 1,5 tỷ đồng) và 70% vốn vay tín dụng thì tỷ lệ vốn Nhà nước trong tổng mức đầu tư dự án có phải là 15% (50% x 30%) hay không? Nếu đúng thì dự án có tỷ lệ vốn Nhà nước trong tổng mức đầu tư là 15% < 30% và giá trị tuyệt đối của vốn Nhà nước trong dự án là 0,75 tỷ đồng (=5 tỷ đồng x 30% x 50% ) < 500 tỷ đồng thì có bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu hay không?
- Đối với các dự án đã triển khai từ trước khi cổ phần hóa, thuộc đối tượng áp dụng theo Luật Đấu thầu 2013, nhưng sau khi cổ phần hóa, dự án lại phát sinh các hạng mục xây lắp quy mô nhỏ hơn 500 tỷ đồng (sử dụng 30% vốn sở hữu, 70% vốn khác) thì căn cứ nào để xác định các hạng mục phát sinh này bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu?
- Đối với các công ty con mà Công ty chiếm trên 50% vốn điều lệ thì tỷ lệ vốn Nhà nước trong các công ty con của Công ty được xác định bằng tỷ lệ vốn Nhà nước tại Công ty (50% vốn điều lệ) nhân với (x) tỷ lệ vốn Công ty sở hữu tại các công ty con (trên 50% vốn điều lệ) có phải không?
Sau khi Công ty được cổ phần hóa (có 50% vốn Nhà nước) thì các công ty con của Công ty có phải là đối tượng bắt buộc áp dụng Luật Đấu thầu 2013 nếu các công ty này thực hiện các dự án đầu tư mà nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% vốn sở hữu của doanh nghiệp (thấp hơn 500 tỷ đồng) và 70% là từ nguồn vốn khác?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Điểm c, Khoản 1, Điều 1 và Khoản 44, Điều 4 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định dự án đầu tư phát triển không thuộc Điểm a và Điểm b Khoản này có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Vốn Nhà nước bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất.
Do Công ty CP Đầu tư ĐVT không phải là doanh nghiệp Nhà nước nên căn cứ theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Luật Đấu thầu nêu trên, nếu dự án đầu tư phát triển của Công ty có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
Việc xác định vốn Nhà nước căn cứ theo quy định tại Khoản 44, Điều 4 Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, liên quan đến quy định về tổng mức đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng công trình, đề nghị Công ty liên hệ với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn cụ thể.
Theo Chinhphu.vn