TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 06-12-2015

    Thu nhập người Việt lên 3.200-3.500 USD sau 5 năm

    Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) sáng nay (5/12), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết sau giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng dưới 6%, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 5 năm tới, với mức trung bình 6,5-7%. Thu nhập bình quân đầu người, theo đó đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020, tăng khoảng 1.000 USD so với hiện nay.

    Chủ trì Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết năm 2015, GDP Việt Nam ước đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người là 2.228 USD. Tuy nhiên, nếu tính theo ngang giá sức mua là trên 5.600 USD. Tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm và vượt kế hoạch đề ra.Để đạt các mục tiêu giai đoạn tới, đại diện Chính phủ cho hay Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, tìm kiếm động lực mới cho phát triển. Ba đột phá được Chính phủ đặt ra cho giai đoạn tới là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trong đó phải tập trung cải cách khu vực doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường tài chính theo hướng đảm bảo an toàn nợ công, xây dựng thể chế, luật pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư kinh doanh.

    viet nam dat muc tieu thuc day cai cach the che de tang truong cao hon trong 5 nam toi. anh: cp

    Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy cải cách thể chế để tăng trưởng cao hơn trong 5 năm tới. Ảnh: CP

    Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị cần giải quyết thách thức về năng suất lao động. Những năm gần đây, Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng năng suất giảm dần là vấn đề đáng quan ngại, hiện chỉ đạt gần 4%, trong khi Trung Quốc là trên 7% và Hàn Quốc là hơn 5% tại thời điểm các quốc gia này có trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.

    “Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo được tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như Hàn Quốc hay Đài Loan”, bà nhấn mạnh.

    Đại diện Ngân hàng Thế giới cho hay cải cách thể chế đóng vai trò then chốt, bởi muốn tăng năng suất lao động thì phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.

    Đồng quan điểm, ông David Devine - Đại sứ Canada cho biết hiệu suất lao động giảm sút từ những năm 90, do các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả và sự yếu kém của khu vực tư nhân trong nước. Nền tảng thể chế phát triển chưa đúng mức, cho thấy sự cấp thiết phải cải cách thể chế.

    Ngoài ra, sự cấp thiết phải cải tổ được thể hiện rõ nhất sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do. “Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ kích thích cải cách thể chế để tăng cường và chuẩn hóa các quy tắc cũng như tính minh bạch, hỗ trợ tạo nên thể chế hiện đại tại Việt Nam", đại sứ phát biểu.

    Ông Jonathan Dunn - Đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam đã đạt những tiến bộ trong ổn định nền kinh tế vĩ mô, song thậm hụt ngân sách cao và nợ công tăng, cải cách cơ cấu còn khiêm tốn đang là những hạn chế trong nền kinh tế. Thời gian tới, vị này đề xuất Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định chính sách vĩ mô và thúc đẩy tái cơ cấu, trong đó khu vực tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh việc tăng cường cải cách doanh nghiệp Nhà nước.

    “Tiến hành cải cách nhanh hơn và chất lượng hơn sẽ giúp tăng thêm niềm tin, giảm rủi ro tài khóa phát sinh từ khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng”, vị này cho biết.


    Trung Quốc 'rút quân' khỏi bất động sản Mỹ

    Kinh tế đi xuống, nội tệ mất giá và Chính phủ tăng kiểm soát vốn đang khiến nhiều người nước này ngần ngại đổ tiền mua nhà Mỹ.

    Karen Xu - nhân viên tư vấn đầu tư người Trung Quốc, từng quyết định sẽ tìm mua một căn hộ chung cư cao cấp ở Miami (Mỹ) trong khoảng giá 500.000 - 750.000 USD. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc gần đây đi xuống đã khiến cô nghĩ lại: "Có lẽ tôi sẽ đợi thêm 5 năm nữa, hoặc chuyển sang đầu tư tại Trung Quốc".

    Sau 5 năm, Trung Quốc đã qua mặt Canada để trở thành nhà đầu tư số một vào bất động sản Mỹ, theo số liệu mới nhất hồi tháng 3. Nhưng gần đây, một vài khách mua Trung Quốc bắt đầu rút ra, do đợt lao dốc của chứng khoán hồi tháng 6, tăng trưởng trong nước trì trệ, nội tệ mất giá và các quy định kiểm soát vốn.Christina Shaw - một chuyên viên môi giới nhà đất cho biết khách hàng người Trung Quốc của cô từng chi 10 triệu USD để mong tìm được hai ngôi nhà phù hợp ở Newport Beach (California), nhưng hiện muốn giảm một phần ba ngân sách này.

    mot nhan vien moi gioi dang gioi thieu can ho cho khach hang tai new york. anh:wsj

    Một nhân viên môi giới đang giới thiệu căn hộ cho khách hàng tại New York. Ảnh:WSJ

    Người Trung Quốc chiếm tới 30% khách hàng của rất nhiều công ty thuộc Quận Cam và khu vực San Francisco. Giá bất động sản ở đó tăng đã khiến họ đang phải "tạm dừng và suy nghĩ lại", Tom Mitchell - Chủ tịch kiêm CEO Tri Pointe Group cho biết. Zhang Xin - CEO hãng bất động sản SOHO China cũng cho biết cô sẽ không mua bất động sản nước ngoài bởi giá quá cao.

    Các chuyên gia tư vấn và môi giới cho rằng tình trạng này chỉ là tạm thời. Rất nhiều người Trung Quốc coi bất động sản Mỹ không chỉ là nơi để đầu tư mà còn là công cụ để tiết kiệm lý tưởng. Có địa chỉ tại Mỹ sẽ giúp con em họ vào học ở các trường ở đây dễ dàng hơn.

    "Ban đầu, những người không có nguồn thu nhập hoặc tài khoản ngân hàng ở nước ngoài sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng. Nhưng xu hướng đầu tư bất động sản nước ngoài vẫn còn rất mạnh mẽ", Frank Chen - CEO CBRE China cho biết.

    Giá mua trung bình của bất động sản Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là 500.000 USD, theo Hiệp hội Bất động sản Mỹ. Một phần ba nhà đất mua bởi dân Trung Quốc tập trung ở California, tiếp theo là Washington và New York.

    Các chủ thầu cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực. Bert Selva - CEO Shea Homes tại California cho biết lượng khách Trung Quốc của công ty đã sụt giảm đáng kể. "Thực lòng tôi không nghĩ đây là điều xấu. Nhờ nó mà giá cả được đẩy lên chút ít", Selva nói.

    Khách mua nước ngoài đã giúp định hình lại thị trường bất động sản Mỹ và tăng giá nhà đất. Từ tháng 3/2014 - 3/2015, người Trung Quốc (đã bao gồm cả Đài Loan và Hong Kong) đã chi 28,6 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ, theo Hiệp hội Bất động sản Mỹ. Con số đó mới chiếm 2% toàn bộ số tiền mua nhà đất trên cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại riêng New York, San Francisco, Los Angeles và Miami lại cao hơn rất nhiều.

    Người Trung Quốc bắt đầu ồ ạt mua nhà Mỹ khoảng 5 năm trước, chủ yếu vì họ giàu lên nhanh chóng và muốn bảo vệ tài sản trước bất ổn chính trị. Khi ấy, bất động sản Mỹ như một món hời sau khi thị trường sụp đổ.

    Để đáp ứng nhu cầu đó, các công ty môi giới Mỹ còn mở hội thảo tại Trung Quốc với hàng nghìn người tham gia. Các trang web như Juwai.com cũng quảng cáo hàng loạt bất động sản Mỹ. "Về lâu dài, thị trường chứng khoán sẽ ưu tiên cho đầu tư nước ngoài", Simon Henry - đồng sáng lập Juwai.com cho biết.

    Các cá nhân Trung Quốc bị giới hạn chuyển ra nước ngoài không quá 50.000 USD mỗi năm. Vì vậy, người ta tìm cách lách luật bằng cách chuyển tiền qua nhân viên hoặc người thân của mình. Nhưng gần đây, chính phủ đã bắt đầu thắt chặt kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài. "Nhiều gia đình Trung Quốc muốn mua, nhưng không làm sao để xuất tiền ra được", John Chang – một nhân viên môi giới nhà đất ở New York cho biết.

    Yang Bin, một doanh nhân 38 tuổi ở Bắc Kinh thì cho biết suy thoái kinh tế càng khiến ông muốn mua nhà ở Thung lũng Silicon. "Tôi thấy môi trường sống ở Trung Quốc có rất nhiều vấn đề", ông nói. Với ngân sách 1 triệu USD, ông đang tìm mua một căn nhà thích hợp cho con cái mình sau này


    Ngân hàng phải sớm có quy trình cấp bảo lãnh bất động sản

    Các ngân hàng thương mại phải chủ động xây dựng quy định về bão lãnh bất động sản hình thành trong tương lai, theo một chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. 

    Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện Thông tư số 07 về bảo lãnh đối với bất động sản. Theo đó, cơ quan này yêu cầu các nhà băng khẩn trương ban hành các quy định nội bộ hướng dẫn thống nhất trong hệ thống triển khai thực hiện hoạt động nói trên. 

    Các nhà băng cần chủ động xây dựng quy trình cấp bảo lãnh, hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục bảo lãnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu được bảo lãnh để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. 

    Về quy trình cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu về cơ bản cần thực hiện theo 3 bước. Thứ nhất, chủ đầu tư và ngân hàng ký thỏa thuận cấp bảo lãnh. Sau khi chủ đầu tư nhận được yêu cầu mua, thuê mua nhà cụ thể của từng khách hàng thì sẽ ký hợp đồng mua, thuê mua nhà. Và trên cơ sở 2 văn bản đó, nhà băng phát hành cam kết bảo lãnh (dưới hình thức thư hoặc hợp đồng) cho bên nhận bảo lãnh là người mua, thuê mua nhà.

    Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua có quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Để hướng dẫn thực thi các quy định này, ngày 26/5 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 07 quy định về bảo lãnh ngân hàng - có hiệu lực từ ngày 9/8. Hiện có 40 ngân hàng thương mại có đủ điều kiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.


    Một loạt lãnh đạo Mía đường Thành Thành Công xin thôi chức

    Năm thành viên giữ vị trí trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh đã xin từ nhiệm.

    Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (Mã CK: SBT) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên niên độ tài chính 2014-2015.

    Theo đó, một loạt các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát của công ty này đã xin thôi chức trong khi nhiệm kỳ 2012-2016 chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc.

    Cụ thể, 3 thành viên HĐQT là ông Lê Quang Hải, ông Lê Ngọc Thông, ông Võ Tòng Xuân đã đồng loạt xin thôi chức trong tháng 11. Ngoài ra, ông Lê Văn Hòa và ông Phạm Trung Kiên cũng cũng xin thôi chức tại Ban kiểm soát của công ty.

    Tờ trình nêu rõ việc thôi chức là do nguyện vọng cá nhân của từng thành viên.

    Trước đó, vào tháng 9, một thành viên HĐQT công ty cũng xin từ nhiệm. Hiện nay, HĐQT của Thành Thành Công chỉ còn lại 3 thành viên là Chủ tịch Phạm Hồng Dương, bà Đặng Huỳnh Ức My, ông Lê Văn Dĩnh.

    Niên độ tài chính 2014-2015, công ty đạt 2.067 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Thành Thành Công đặt kế hoạch doanh thu cho niên độ 2014-2015 là 3.306 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ. Đồng thời HĐQT trình phương án phát hành 9,28 triệu cổ phiếu ESOP, tăng vốn điều lệ lên 1.949 tỷ đồng.

    SBT là cổ phiếu vừa lọt vào rổ 21 cổ phiếu của FTSE Vietnam Index trong kỳ đảo danh mục cuối cùng của quỹ này trong năm 2015.


    Doanh thu của Vinatex vượt 11.000 tỷ đồng

    Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2015. Theo đó, lũy kế 9 tháng doanh thu tăng 21 % lên trên 11.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 412 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2014. Trong kỳ tập đoàn đã hạch toán khoản lỗ tỷ giá trên 140 tỷ đồng.

    Riêng quý III, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 3.942 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2014. Lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

    Tính đến hết tháng 9, tổng tài sản của Vinatex đạt 18.256 tỷ đồng, nợ phải trả trên 11.000 tỷ đồng. Nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Vinatex đã triển khai hàng loạt các dự án sợi, dệt mới với tổng vốn đầu tư giải ngân 1.500 tỷ đồng.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn