TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 07-01-2018

    Sau thanh tra, Quảng Nam thu hồi hơn 29,4 tỷ đồng

    Báo cáo của Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết trong năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện 168/128 cuộc thanh tra hành chính (đạt 131% kế hoạch năm), phát hiện gần 65 tỷ đồng và trên 1 triệu m2 đất sai phạm.

    sau thanh tra, quang nam thu hoi hon 29,4 ty dong

    Sau thanh tra, Quảng Nam thu hồi hơn 29,4 tỷ đồng

    Thanh tra kiến nghị thu hồi và nộp ngân sách gần 29,4 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính, kiểm điểm trách nhiệm 168 tập thể và 100 cá nhân.

    Trong năm 2017, tại Quảng Nam cũng nổi lên các vấn đề như: tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, các loại tội phạm về ma túy, cướp giật tài sản, đánh bạc, xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng; quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế; tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản, khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân nhân; đơn thư khiếu nại, tố cáo còn phức tạp, giải quyết còn chậm. (Thanhnien)

    ----------------------------

    Đầu năm bàn chuyện “cởi trói” cho xuất khẩu gạo

    Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, với nhiều điểm thay đổi theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân.

    Hồi đầu năm 2017 trong quyền hạn của mình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy định tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo trong cả nước do chính bộ này ban hành vào năm 2013, vốn bị nhiều chuyên gia và doanh nghiệp phàn nàn là rào cản cho các thương nhân muốn tham gia xuất khẩu gạo mấy năm qua.

    Nay, bộ này tiến xa hơn khi trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, với nhiều điểm thay đổi theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân.

    Chính sách hạn chế đầu mối xuất khẩu gạo đã có từ cuối những năm 2000 khi xuất khẩu gạo tăng trưởng nóng về lượng, từ 3-4 triệu tấn gạo tăng dần lên 6-7 triệu tấn mỗi năm. Kéo theo sau là hàng trăm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tới mức có thương nhân kinh doanh hàng điện máy thấy “bán gạo ngon ăn” cũng nhào vào mua gom xuất khẩu. Tình trạng cạnh tranh diễn ra, dẫn tới giá lúa gạo trong nước bất ổn, suy cho cung là thiệt hại chung cho nền kinh tế và người nông dân trồng lúa.

    Vào tháng 8-2013, Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo căn cứ theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Quy hoạch này đã khống chế tối đa cả nước có 150 đầu mối xuất khẩu gạo đến năm 2015, cùng với tiêu chí về kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo, thành tích xuất khẩu gạo… để được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo.

    Chính sách trên thuần túy hành chính, không phù hợp với tự do cạnh tranh và hội nhập quốc tế, nhưng việc khống chế số đầu mối xuất khẩu gạo lúc ấy ít ra cũng lập lại trật tự nhất định trong xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, khi xuất khẩu gạo mấy năm nay đã đi vào chiều sâu, thị trường tiêu dùng gạo thế giới đòi hỏi gạo chất lượng cao, gạo có thương hiệu, nhãn mác thì chính sách này đã không còn phù hợp.

    Nhiều thương nhân chuyên kinh doanh thương mại, mặc dù có khách hàng, có thị trường nhưng không có năng lực tài chính, vốn hoặc đất đai và nguồn nhân lực cần thiết để đầu tư vận hành kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo, do đó, đã không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Rõ ràng, những quy định như thế này này đã trở thành rào cản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia thị trường.

    Trong giới kinh doanh gạo, ai cũng biết muốn xây dựng thương hiệu gạo là cả một quá trình, từ sản xuất tới thương mại, tiếp thị và phải bắt đầu từ vài tấn, vài lô hàng, vài container hay vài chục tấn gạo chứ không thể ngay một lúc xuất khẩu gạo có tên tuổi hàng chục ngàn tấn.

    Xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp và gạo thơm không có thương hiệu của Việt Nam ngày càng khó, tìm thị trường ngách bán vài ngàn tấn gạo không dễ. Hơn ai hết, chính Bộ Công Thương cũng thừa nhận, cái thời bán gạo phẩm cấp thấp, không thương hiệu với khối lượng lớn sang các thị trường tập trung nhờ đàm phán cấp Chính phủ, nhờ Hiệp hội Lương thực Việt Nam đấu thầu đã không còn, việc “cởi trói” cho các doanh nghiệp nhỏ, bán gạo bằng thương hiệu, nhãn mác là chuyện buộc phải làm.(TBKTSG)
    ---------------------------

    Bất động sản TP.HCM tăng cao nhất nước

    Đó là nhận định của Công ty cổ phần DKRA Việt Nam tại Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM năm 2017.

    Bất động sản TP.HCM tăng cao nhất nước - Ảnh 1.

    Khách hàng tham quan dự án bất động sản tại Bình Chánh, TP.HCM

    Theo đó, TP.HCM là nơi có biên độ tăng giá cao nhất trong cả nước và cũng là thị trường có chu kỳ thiết lập mặt bằng giá mới ngắn hơn so với các tỉnh thành khác. 

    Phân khúc căn hộ hạng B, từ mức giá 18 - 20 triệu đồng/m2 năm 2012, đến nay giá tăng lên 27 - 30 triệu/m2. Phân khúc căn hộ hạng A năm 2012 có mức giá trung bình 33 triệu/m2, đến nay đã lên khoảng 55 triệu/m2...

    Với loại hình đất nền, biên độ tăng giá không đều phụ thuộc lớn vào sự phát triển hạ tầng giao thông. 

    Điển hình như khu Đông, giá tăng từ 130 - 170%. Khu Nam, điển hình là khu vực P.Tân Thuận Đông (Q.7), giá tăng khoảng 50%.

    Báo cáo cũng cho rằng năm 2017, nguồn cung đất nền dồi dào, tăng mạnh so với năm 2016, tập trung chủ yếu tại khu Đông. Cụ thể, phân khúc đất nền cung cấp ra thị trường gần 7.200 nền, tăng 2,2 lần so với năm 2016.

    Ông Nguyễn Xuân Lộc, tổng giám đốc Công ty bất động sản Techcomreal, cho hay hiện thị trường bất động sản khu vực các quận huyện vùng ven vẫn giao dịch tốt và cho rằng giá bất động sản đến hết quý 1-2018 đất nền vẫn còn tăng giá nhẹ.(Tuoitre)
    ------------------------

    TP.HCM lại 'cầu cứu' Chính phủ về các dự án metro

    Liên quan đến vốn đầu tư các dự án đường sắt đô thị - metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương), ngày 5.1, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…

    Trước đó, trong tháng 11.2017, UBND TP.HCM đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị những vấn đề cũng liên quan về vốn đầu tư dự án metro đang triển khai xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

    Về dự án metro số 1, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan thay mặt Chính phủ trình Quốc hội báo cáo về thay đổi tổng mức đầu tư theo quy định. Dự án này dù khởi động từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay vẫn còn “lình xình” về tổng mức đầu tư.

    Theo lý giải của UBND TP.HCM, dự án metro số 1 phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 126 tỉ yên Nhật (tương đương 17.388 tỉ đồng). Tại thời điểm này, dự án thuộc nhóm A, do đó không thuộc diện phải trình Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định tổng mức đầu tư được cập nhật vào giữa năm 2009 là hơn 236 tỉ yên Nhật (tương đương 47.325 tỉ đồng).

    Tăng vốn do cả chủ quan và khách quan

    Theo UBND TP.HCM, tổng mức tăng so với lần phê duyệt ban đầu do 3 nguyên nhân chính: tăng khối lượng xây dựng, sự biến động khách quan của nguyên - vật liệu do trượt giá, cập nhật tỷ giá yên Nhật và VND (do trượt giá) và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.

    Tại thời điểm này, do phía Việt Nam không có kinh nghiệm trong việc thẩm tra việc lựa chọn tư vấn thẩm tra. TP.HCM đã đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyển chọn tư vấn độc lập thẩm tra, và JICA đã chọn đơn vị tư vấn là SMRT và CPG (đều xuất thân từ chính phủ Singapore, trong đó SMRT quản lý hầu hết các tuyến metro ở Singapore).

    Việc tăng vốn lên 47.325 tỉ đồng từ năm 2009 đều có ý kiến đồng thuận của các bộ ngành liên quan, và tiếp đó Thủ tướng cho phép TP.HCM điều chỉnh. Tuy nhiên, sau đó do quy định pháp luật thay đổi, dự án metro số 1 phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm quốc gia (do tăng vốn lớn) nên thẩm quyền điều chỉnh do Quốc hội quyết định.

    Đến nay, dự án metro số 1 đã ký kết 3 hiệp định vay với tổng vốn hơn 155 tỉ yên Nhật (tương đương 31.208 tỉ đồng), giải ngân được hơn 59 tỉ yên Nhật (tương đương 11.929 tỉ đồng, đạt 38% tổng số vốn vay đã ký kết). Bên cạnh đó, từ khi được phê duyệt điều chỉnh năm 2011, dự án đã triển khai thi công và hoàn thành khoảng 48% khối lượng nhưng không phát sinh tăng thêm vốn đầu tư.

    Đối với dự án metro số 2, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ duyệt chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1,3 tỉ USD (phê duyệt năm 2010) lên hơn 2,1 tỉ USD do ảnh hưởng các yếu tố như trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng…; lùi thời hạn hoàn thành dự án đến năm 2024, thay vì vào năm 2018 như kế hoạch trước đây.(Thanhnien)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn