TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-01-2018

    Công bố chỉ số tài chính FCI đầu tiên tại Việt Nam

     Đây là tổ chức đầu tiên tại VN công bố chỉ số điều kiện tài chính FCI (Financial Conditions Index). Hiện nay, các chỉ số kinh tế được phân tích và đánh giá một cách rời rạc như tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, biến động lãi suất, tỷ giá hối đoán, thâm hụt ngân sách... Việc này có thể khiến các dự báo không chính xác, giảm hiệu quả của việc hoạch định và điều hành các chính sách kinh tế hoặc ra các quyết định chi tiêu và đầu tư của người dân.

    Vì vậy theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên nhóm nghiên cứu, mục tiêu công bố FCI là muốn đi tiên phong cung cấp một chỉ số tổng hợp tóm tắt tất cả các thông tin về điều kiện tài chính. Từ đó đóng góp thêm một chỉ số hữu ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn công chúng trong việc nắm bắt và dự báo được triển vọng của nền kinh tế.

    Dự kiến trong năm nay, định kỳ hằng quý Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ công bố chỉ số FCI và sau đó sẽ tiến tới công bố định kỳ hằng tháng.(Thanhnien)
    --------------------------------

    70 luật sư tham gia đại án Phạm Công Danh - Trầm Bê

    TAND TP HCM dự kiến ngày 8/1 mở phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

    Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình điều hành VNCB, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của nhà băng này.

    Phiên xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa. Tòa đã cấp giấy chứng nhận tham gia phiên xử cho 70 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

    Ông Trầm Bê có hai luật sư là Nguyễn Thị Mai Hồng và Phạm Ngọc Trung.

    Ông Danh có 3 luật sư là Phan Trung Hoài, Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) và Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội). Trong đó, luật sư Phan Trung Hoài đồng thời là người bào chữa cho ông Đinh La Thăng dự kiến bị đưa ra xét xử cùng ngày 8/1.

    Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập gần 200 người và đơn vị tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng - bao gồm hàng loạt ngân hàng, công ty tham gia giao dịch số tiền được ông Danh và đồng phạm rút từ VNCB để trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân.

    Một số đại gia và lãnh đạo các ngân hàng như: ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CBBank)… cũng được triệu tập đến tòa.

    Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng của VNCB trong giai đoạn hai của vụ án. Ảnh: Hải Duyên.

    Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, quá trình điều hành VNCB (2013-2014) ông Danh cần tiền sử dụng nhưng không thể trực tiếp vay của ngân hàng do mình làm chủ.

    Ông chỉ đạo cấp dưới và nhân viên tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do mình thành lập, hoặc mượn pháp nhân lập hồ sơ khống, vay tổng cộng 6.126 tỷ đồng tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Để đảm bảo cho các khoản vay, ông Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này.

    Do các công ty chỉ làm hồ sơ vay khống, không hoạt động kinh doanh như trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV sau đó đã thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB.

    Nhiều lãnh đạo ngân hàng vướng lao lý vì biết ông Danh sai phạm

    Biết rõ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và đồng phạm làm trái quy định, ông Trầm Bê vẫn đồng ý phê duyệt cho vay với điều kiện "phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi tại Sacombank".

    Tháng 4/2013, ông dẫn ông Danh xuống gặp Phan Huy Khang (44 tuổi, thành viên Hội đồng tín dụng, Tổng giám đốc Sacombank). Cả ba bàn bạc sẽ cho ông Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng và dùng tiền gửi của VNCB tại Sacombank để đảm bảo. Nhà chức trách cáo buộc, việc này đã gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng.

    Ông Bê khai nhận, lúc đó biết ông Danh là Chủ tịch HĐQT của VNCB, không được phép vay tiền của nhà băng này nhưng có thể vay của Sacombank, nên đã đồng ý cho vay. Khi cấp dưới trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty (do ông Danh thành lập thuê người đứng tên), mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng ông Bê vẫn phê duyệt "do có tài sản đảm bảo".

    Tương tự, ông Danh mượn pháp nhân các công ty của Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt), Đặng Thị Bích Thủy, Đinh Việt Cường (Giám đốc, phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp TPBank) vay của TPBank 1.666 tỷ đồng và được đảm bảo bằng khoản tiền gửi 1.700 tỷ đồng của VNCB tại nhà băng này.

    Để có tiền tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu VNCB đã được phê duyệt, ông Danh đặt vấn đề với lãnh đạo BIDV gồm ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (hai phó Tổng giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) vay 4.700 tỷ đồng.

    Ông Danh lấy lý do "có 12 doanh nghiệp là khách hàng của VNCB muốn vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng", do VNCB trong thời gian tái cơ cấu không có khả năng cho vay nên ông giới thiệu sang BIDV.

    Thực chất, đây là các công ty do ông Danh lập ra, thuê nhân viên của mình đứng tên làm giám đốc. Vì được ông Danh cam kết đảm bảo các khoản vay bằng tiền của VNCB gửi tại nhà băng này nên lãnh đạo BIDV duyệt cho vay.

    Cơ quan điều tra xác định nhiều lãnh đạo, nhân viên của BIDV sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay, chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giả tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống. Sai phạm này không gây thiệt hại cho nhà băng, song gián tiếp giúp ông Danh rút tiền của VNCB và gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.

    Tại giai đoạn đầu làm rõ sai phạm ở VNCB, đầu năm ngoái, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm giữ nguyên mức án 30 năm tù đối với ông Danh cùng 35 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

    Toà cũng buộc các bị cáo liên đới nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng.

    Tổng cộng trong hai giai đoạn điều tra, ông Danh và đồng phạm được cho là gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng của VNCB. Hiện, cục Thi hành án TP HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỷ đồng.(Vnexpress)
    -----------------------------

    Châu Á đang thay đổi trật tự kinh tế quốc tế

    Trang nhất báo Le Monde của Pháp số ra mới đây chú ý tới châu Á với hàng tựa" "Sự thăng tiến không cưỡng nổi của châu Á làm thay đổi bản đồ kinh tế thế giới".

    Dựa trên các nghiên cứu, tờ Le Monde nhận định: "Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới".

    Trên bàn cờ kinh tế thế giới, châu Á khẳng định vị trí của mình và trong năm 2018. Ấn Độ sẽ đứng hàng thứ năm trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, qua mặt Pháp và Anh. Dự báo phân loại này do Trung Tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) công bố ngày 26/12 vừa qua.

    Sự thăng tiến này sẽ còn tiếp tục trong 15 năm tới. Từ nay đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu. Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Pakistan sẽ trong nhóm 25.

    Vẫn theo nghiên cứu của CEBR, nếu tính tổng sản phẩm nội địa (GDP) theo đô la, thì đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên trên Hoa Kỳ.

    Còn nếu tính theo "sức mua", tức là cùng một số tiền mua hàng hóa ngay tại nước đó, thì GDP của Trung Quốc dường như đã ngang bằng với Mỹ.

    Bất kể tính theo tiêu chí nào, châu Á đều có xu hướng gia tăng tỉ trọng kinh tế. Theo điều tra của công ty tư vấn Anh PricewaterhouseCoopers (PwC), được công bố hồi tháng 02/2017, thì đến năm 2030, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới, có tới 4 nước châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia.

    Ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm xuất khẩu Pháp Coface, nhận định: Các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về châu Á. Đó là điều chắc chắn. Còn trọng lượng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm dần.

    Về phần mình, CEBR nhắc lại: Cho đến năm 2000, các quốc gia vẫn thường được gọi là "những nước phát triển" chiếm 76% trọng lượng kinh tế toàn thế giới. Con số này sẽ giảm xuống còn 44% vào năm 2032. Và các quốc gia vốn được coi là "đang phát triển", ngược lại sẽ chiếm 56%.

    Do vậy, báo cáo của CEBR kết luận: ảnh hưởng chính trị tất yếu sẽ biến đổi theo chiều hướng này. Các nền kinh tế đang phát triển trước đây sẽ có trọng lượng gia tăng trong các định chế quốc tế và quan hệ song phương.

    Sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế giới (3,7%), cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.

    Le Monde cho biết, có nhiều yếu tố giải thích cho sự thăng tiến của kinh tế châu Á: các nền tảng vĩ mô kinh tế vững chắc, hội nhập thương mại mạnh mẽ với đầu tàu là Trung Quốc, dân số tăng nhanh. Đến năm 2030, châu Á sẽ có thêm 410 triệu dân và chiếm 50% tổng dân số toàn cầu.

    Tỷ lệ đô thị hóa của châu Á cũng cao, 40% (các nước phát triển có tỷ lệ từ 80 đến 90%). Sự phát triển các trung tâm đô thị sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ và mức chi tiêu dùng. Đó là những động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, báo Le Monde cũng lưu ý là nên tỉnh táo đánh giá các thành tích kinh tế.

    Chuyên gia Julien Marcilly giải thích: Sức mạnh kinh tế được thể hiện qua quy mô tầm vóc thị trường. Các phân loại nói trên không phản ánh được mức độ giàu có trung bình của từng quốc gia. Một số nền kinh tế tiến rất nhanh nhưng GDP tính theo đầu người lại thấp hơn so với các nước phát triển.

    Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2016, thu nhập tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 15% so với dân Mỹ, trong khi đó Ấn Độ chỉ bằng 3%.

    Mặt khác, mức chênh lệnh giàu nghèo tại Trung Quốc và Ấn Độ rất cao. Giới chủ các tập đoàn lớn tại Ấn Độ có thu nhập cao hơn 229 lần mức lương tháng trung bình và Ấn Độ đứng hàng thứ hai, sau Hoa Kỳ, có mức chênh lệnh giàu nghèo cao nhất thế giới.

    Ngoài ra, châu Á cũng phải đối mặt với một số thách thức, như dân số tại một số nước có xu hướng giảm, nguy cơ già trước khi giàu như tại Trung Quốc, tăng trưởng không còn cao như trước.

    Một số quốc gia châu Á có thể rơi vào cái "bẫy thu nhập trung bình", sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bị khựng lại, ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống cho ngang bằng với các quốc gia phát triển.(Bizlive)
    ----------------------------

    Alibaba bị chỉ trích vì làm lộ thông tin khách hàng

    Nhiều người dùng Alipay đã rất tức giận khi biết hãng này chia sẻ thông tin cá nhân của họ cho bên thứ ba.

    Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc – Alibaba đã bị chỉ trích sử dụng thông tin của người dùng vào các hoạt động gây lo ngại về quyền riêng tư. Đây là thời điểm những nỗi lo về bảo mật ngày càng gia tăng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

    Ant Financial – công ty con Alibaba đã buộc phải xin lỗi hôm thứ Tư (3/1) sau khi người dùng cho rằng họ bị dụ dỗ khi cho phép Alipay chia sẻ thông tin về thói quen chi tiêu với bộ phận đánh giá tín dụng và các dịch vụ của bên thứ ba.

    Alibaba hứng chịu làn sóng chỉ trích vì sử dụng thông tin khách hàng.

    Thuộc kiểm soát của tỷ phú Jack Ma, Ant Financial cung cấp các dịch vụ thanh toán di dộng, cho vay và tín dụng cho hàng triệu khách hàng Trung Quốc. Do đó, làn sóng chỉ trích doanh nghiệp nàyxuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông tại Trung Quốc tuần này.

    Nhiều người dùng Internet tại Trung Quốc đã nổi giận khi biết Alipay – được hàng triệu khách hàng sử dụng mỗi ngày để mua hàng trực tuyến trên nền tảng Taobao và nhiều ứng dụng khác đã tự động đánh dấu vào một điều khoản cho phép chia sẻ thông tin và ẩn nó đi.

    “Taobao hưởng lợi nhờ việc bán thông tin của chúng tôi. Họ không có cách nào để biện minh”, một người dùng Weibo cho biết.

    Luật sư Yue Shenshan nhận định: “Vì rất nhiều thông tin ở đây, mọi người nghĩ không có cách nào để bảo vệ thông tin cá nhân của họ. Nhưng nếu họ không tập trung vào bảo vệ thông tin cá nhân ngay bây giờ, tình hình sẽ chỉ thêm tồi tệ”,

    Ant Financial đã gắn chính sách mới vào một trang mà người dùng Alipay nhìn thấy khi họ nhấn vào để xem hoạt động chi tiêu năm 2017.

    Công ty này cho biết trong một thông báo rằng họ đã thay đổi chính sách và cho người dùng thấy cách để thay đổi cài đặt. “Chúng tôi thực sự xin lỗi mọi người vì sự hiểu lầm và hậu quả sự cố này gây ra”, công ty nói.

    Sự riêng tư là một vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay khi mà Chính phủ Trung Quốc đang trong quá trình phát triển hệ thống xếp hạng tín dụng quốc gia. Hệ thống đánh giá tín dụng Sesame Credit của Alibaba có thể cung cấp thông tin cho hệ thống của Chính phủ trong tương lai.

    Những chỉ trích vào Alipay xuất hiện đúng lúc các nhà quản lý tại Washington vừa bác bỏ đề xuất mua lại MoneyGram của Ant Financial vì những lo ngại về an ninh thông tin cá nhân của người dân Mỹ.(Vnexpress)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn