TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 10-09-2018

    Tại sao phía Nhật quyết cứng rắn dù Mỹ đe dọa trừng phạt về thương mại?

    Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thừa hiểu rằng nếu ông lùi bước trước Mỹ trong các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, vị thế của ông trong đảng cầm quyền sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực

    tong thong my donald trump va thu tuong nhat shinzo abe - anh: nikkei

    Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: Nikkei

    Nhật đang thể hiện quan điểm cứng rắn khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ráo riết hối thúc nước này giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Phía Nhật khó có thể nhượng bộ hơn được bởi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thừa hiểu rằng nếu ông lùi bước trước Mỹ trong các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, vị thế của ông trong đảng cầm quyền sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, theo khẳng định của Nikkei trong bài báo mới đây. 

    Vào ngày thứ Sáu tuần này, Tổng thống Trump cho biết hai nước đang bắt đầu đàm phán về các vấn đề thương mại: “Tôi nói cho các bạn biết, nếu chúng tôi không thể có được một thỏa thuận với Nhật, Nhật sẽ gặp rắc rối lớn. Tokyo chắc chắn sẽ không chịu đàm phán với cựu Tổng thống Obama, bởi họ biết thừa sẽ chẳng có sự trừng phạt nào cả. Thế nhưng điều ngược lại sẽ xảy ra với tôi”.

    Theo quan chức Nhà Trắng, Mỹ sẽ đưa vấn đề của ngành ô tô và nông nghiệp vào trọng tâm trong các cuộc đàm phán với Nhật.

    Thủ tướng Abe đã không có tuyên bố nào để phản hồi lại những gì Tổng thống Trump nói bởi ông hiện đang bận lo giải quyết các vấn đề sau động đất tại Hokkaido. Ngoài ra, cũng không có quan chức Bộ Ngoại giao Nhật nào được triệu tập đến văn phòng Thủ tướng trong ngày hôm đó. 

    Hai ngày trước, khi nói chuyện với người đứng đầu Liên minh Nông nghiệp Trung ương Nhật, Thủ tướng Abe cho biết ông đã nói rõ với Tổng thống Trump về việc Nhật sẽ không thể nhượng bộ nhiều hơn so với những gì nước này đã làm trong các vòng đàm phán của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

    Phe ủng hộ của Thủ tướng Abe hiện đang lo ngại nếu sản phẩm nông nghiệp trở thành vấn đề được đưa vào các vòng đàm phán với Mỹ, nó có thể khiến cho đối thủ của Thủ tướng Abe bất lợi trong cuộc chạy đua vào vị trí chủ tịch đảng LDP dự kiến diễn ra vào ngày 20/9/2018. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Shigeru Ishiba đang cố gắng chiến thắng tại các vùng nông thôn Nhật.

    Diễn biến trên thế giới hiện cũng khiến cho các vòng đàm phán giữa Nhật và Mỹ đối diện với nhiều vấn đề. Vào tháng 7/2018, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức bắt đầu đàm phán để giảm thuế, đến tháng vừa rồi, Washington đã đạt được thỏa thuận căn bản với Mexico trong việc điều chỉnh lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Cùng lúc đó, Mỹ và Trung Quốc đang đáp trả nhau không hề kém cạnh về thuế quan. 

    Từ khi Tổng thống Trump còn đang trong giai đoạn vận động tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông đã phàn nàn về thâm hụt thương mại mà Mỹ đang phải chịu với Nhật. Phía các nhà đàm phán Mỹ đang vận động để có các cuộc đàm phán tự do, công bằng và tương hỗ với phía Nhật. Dù phía Nhật sẵn sàng đối thoại, thế nhưng cách làm của phía Mỹ khiến cho sự thống nhất trở nên khó khăn hơn. 

    Rõ ràng rằng, chỉ có Tổng thống Trump biết mình muốn gì. Ngay cả đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, không thể đưa ra quyết định cuối cùng nếu không tham vấn với Tổng thống Trump. Điều này lý giải tại sao kết quả của các vòng đàm phán thương mại Mỹ - Nhật phụ thuộc nhiều vào quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Abe. 

    Ngay cả nếu Nhật hiểu được Tổng thống Trump đang muốn gì, việc nước này có thể đáp ứng được đòi hỏi từ phía Mỹ đến đâu ví như việc tăng nhập khẩu khí đốt hoặc trang thiết bị quốc phòng, lại là một chuyện khác. 

    Ông Abe nhiều khả năng sẽ vẫn trở thành chủ tịch đảng LDP trong tháng này, thế nhưng các cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện sẽ diễn ra vào năm tới. Ông Abe không có nhiều lựa chọn nếu ông không muốn làm phật ý các cử tri.

    Tổng thống Trump đã đe dọa áp thuế 25% đối với sản phẩm ô tô nhập từ Nhật ngay cả nếu biện pháp đó vi phạm quy định của WTI. Ông đã từng đe dọa tương tự khi đàm phán về NAFTA với Canada. 

    Giờ đây, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Mexico và EU, tăng thuế với Trung Quốc, Nhật là đối tác thương mại lớn duy nhất chưa bị Mỹ “siết gọng kìm”.(Bizlive)
    ------------------------

    Trung Quốc xây "thành phố sang trọng" ở Campuchia

    "Một thành phố sang trọng" có kinh phí 1,2 tỉ USD đang được Tập đoàn Phát triển Thiên Tân Union (UDG) của Trung Quốc xây dựng ở Campuchia.

    UDG cho biết thành phố nói trên mang tên "Thị trấn Nghỉ dưỡng du lịch", được xây dựng trên diện tích đất 1.200 ha ở tỉnh Koh Kong, phía Tây Nam Campuchia. Dự án bao gồm nhiều khách sạn hạng sang, văn phòng và công viên giải trí. Chi tiết cụ thể còn chưa nhiều nhưng việc xây dựng có thể bắt đầu vào năm sau. 

    Trung Quốc xây thành phố sang trọng ở Campuchia - Ảnh 1.

    Một sân golf được xây dựng trong dự án nghỉ dưỡng khổng lồ của UDG ở tỉnh Koh Kong năm 2014. Ảnh: Phnom Penh Post

    Trong lúc chờ khởi công "Thị trấn Nghỉ dưỡng du lịch", UDG đã bắt tay thi công một khu nghỉ dưỡng khác cũng ở tỉnh Koh Kong, với tên gọi Dara Sakor và có vốn đầu tư 3,8 tỉ USD. Từ năm 2008, UDG đã được cho thuê đất với thời hạn 99 năm để xây dựng Dara Sakor, nơi khi hình thành sẽ bao gồm một bến cảng và nhiều sòng bạc. Theo báo Guardian (Anh), nhiều dân làng đã bị di dời để lấy đất cho dự án, dẫn đến một số cuộc biểu tình.

    Thủ tướng Campuchia Hun Sen xác định đầu tư từ Trung Quốc là nguồn vốn quan trọng để phát triển đất nước. Trong lúc quan hệ với Liên minh châu Âu và Mỹ ngày càng xấu đi, ông Hun Sen hoan nghênh sự hỗ trợ của Trung Quốc cả về chính trị và tài chính.

    Năm 2017, Trung Quốc đầu tư 1,7 tỉ USD vào Campuchia – đất nước có GDP khiêm tốn ở mức 20 tỉ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra việc doanh nghiệp Trung Quốc tràn vào Campuchia khiến nhiều công ty địa phương bị gạt ra lề. Thêm vào đó, văn hóa bản địa ở nhiều khu vực, như tỉnh Sihanoukville gần Koh Kong, bị mai một.

    Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến, một tổ chức của Mỹ, cảnh báo Trung Quốc có "động cơ sâu kín" khi đầu tư vào Campuchia, chứ không chỉ vì muốn "lợi ích kinh tế đôi bên cùng có lợi" như họ tuyên bố. Trong báo cáo phát hành hồi tháng 4, tổ chức này phỏng đoán bằng cách nắm giữ các cảng ở Campuchia, Bắc Kinh có thể tiếp cận nhiều hơn các tuyến thương mại hàng hải và thậm chí là tiếp sức cho những yêu sách chủ quyền phi lý ở các vùng biển trong khu vực.(NLĐ)
    -------------------------

    Anh chuẩn bị kịch bản xảy ra bất ổn khi không đạt thỏa thuận với EU

    Cảnh sát Anh đã chuẩn bị các kế hoạch đối phó với tình trạng bất ổn có thể xảy ra nếu quốc gia này rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên.

    Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid. Ảnh: AFP/TTXVN.

    Báo Sunday Times ngày 9/9 dẫn một tài liệu chính phủ bị rò rỉ, nêu rõ mối lo lắng về tình trạng thiếu lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm, như sản phẩm chăm sóc sức khỏe, có thể gây ra tình trạng rối loạn trong dân chúng và hoàn toàn có thể dẫn tới bất ổn trên diện rộng.

    Tài liệu trên được cho là của Trung tâm điều phối an ninh quốc gia, đơn vị có trách nhiệm phối hợp triển khai các lực lượng an ninh trong những sự kiện lớn hoặc khi đất nước rơi vào khủng hoảng. Cũng theo tài liệu này, tình trạng hỗn loạn, bất ổn có thể diễn ra trong vòng 3 tháng trước và sau ngày 29/3/2019, thời điểm Anh chính thức bước ra khỏi "ngôi nhà chung" EU.

    Trả lời phỏng vấn trên BBC, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid khẳng định ông hài lòng khi lực lượng cảnh sát và các chuyên gia đã bắt đầu xem xét và suy tính trước những điều sẽ diễn ra nếu Anh và EU không thể ký kết thỏa thuận cuối cùng. Ông Javid cũng cho biết dù không mong đợi kịch bản này xảy ra, nhưng chính phủ cần phải chuẩn bị cho mọi hoàn cảnh.

    Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 7 tháng nữa là tới thời điểm Anh chính thức rời khỏi EU vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất quan điểm về thỏa thuận Brexit khi chưa tìm được tiếng nói chung đối với một số vấn đề quan trọng như đường biên giới Ireland cũng như một số điều khoản trong thỏa thuận thương mại mới giữa Anh-EU. Anh và EU đều hy vọng có thể đạt được thỏa thuận sơ bộ trong vài tuần tới (Bnews)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn