TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-09-2018

    Lạc quan triển vọng kinh tế 2019

    Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, các yếu tố tích cực nội tại như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố...

    toc do tang truong gdp nam 2019 phan dau dat khoang 6,8%. nguon: internet

    Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 phấn đấu đạt khoảng 6,8%. Nguồn: internet

    Từ kết quả tích cực của năm 2018

    Tại phiên họp Chính phủ tháng 8/2018, Chính phủ đánh giá, kinh tế trong nước giai đoạn 2016 - 2018 đã được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tăng trưởng GDPbình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5 - 7%).

    Riêng năm 2018, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tăng trưởng GDP có thể vượt mục tiêu, đạt trên 6,7%. Năm nay có khả năng đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, năng suất lao động tăng.

    Thủ tướng Chính phủ nhận định, năm 2018 có nhiều điểm mới trong điều hành, thực hiện kế hoạch và có nhiều xu hướng tốt như chi thường xuyên giảm xuống, chi đầu tư tăng lên… Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường gia tăng. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được bảo đảm, các cân đối lớn của nền kinh tế được tăng cường.

    Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ thường xuyên đặt ra. Thủ tướng nêu rõ, các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước phải có những giải pháp đối với các lĩnh vực còn dư địa điều hành chính sách vĩ mô, đồng thời vận dụng các chính sách vĩ mô linh hoạt, ứng phó tốt nhất với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. 

    Tạo đà cho năm 2019

     

    Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ với mục tiêu chủ yếu là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,8%. Kiên định mục tiêu cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các đột phá chiến lược; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

    Theo Bộ KH&ĐT, năm 2019 có nhiều thuận lợi từ bối cảnh thế giới và nội tại nền kinh tế. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới dự kiến đạt đỉnh phục hồi vào năm 2018 và năm 2019, sau đó có thể giảm tốc dần. Nội tại nền kinh tế cũng đã được củng cố sau 3 năm 2016 - 2018 tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, tiếp tục tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

    Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra nhiều thách thức cần phải lưu tâm, theo dõi sát. Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Đồng thời, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.

    Song song đó là những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua là vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng đã không còn nhiều dư địa. Khu vực FDI trong các năm 2019 - 2020 chưa có các dự án sản xuất quy mô lớn đi vào hoạt động có thể hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng như năm 2017, 2018...

    Theo nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, việc cải thiện tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn tới đòi hỏi phải khắc phục được các vấn đề về cơ cấu kinh tế và tăng khả năng chống đỡ với các rủi ro. Về thách thức từ biến động tình hình kinh tế thế giới, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước hiện đang ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối ở mức khá cao, niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam được củng cố, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, việc đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa và bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo điều kiện thu hút các dòng vốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam, hạn chế bớt rủi ro rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn.

    Bộ KH&ĐT dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2019:

    * GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018

    * Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2018

    *  Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%

    * Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33 - 34% GDP

    *  Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-5%

    (Baodauthau)
    ----------------------------

    8 tháng, trên 6.500 sự cố tấn công vào các website của Việt Nam

    Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong 8 tháng đầu năm nay đã xảy ra hơn 6.500 sự cố tấn công vào các website của Việt Nam.

    Cụ thể, VNCERT ghi nhận có tổng cộng 6.567 sự cố tấn công vào các website của Việt Nam với cả 3 loại hình Malware (cài mã độc), Deface (tấn công thay đổi giao diện trang web) và Phishing (tấn công lừa đảo). Trong đó, số sự cố Deface đứng đầu, lên tới 3.818 sự cố; tiếp đó là Phishing với 1.800 sự cố,  Malware với 949 sự cố.

    Thống kê của VNCERT cho thấy, trong năm 2017, hệ thống giám sát của Trung tâm ghi nhận có 13.382 sự cố tấn công mạng vào các website của Việt Nam, trong đó có 5.215 sự cố Malware; 4.155 sự cố Deface và 2.101 sự cố Phishing.

    Tại Việt Nam, hằng ngày có gần 100.000 địa chỉ IP truy vấn hoặc kết nối đến các mạng máy tính nhiễm virus. Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng với tốc độ ước tính khoảng hơn 300% mỗi năm.

    Các trang thông tin, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công với tần suất rất lớn. Trong đó, các website có kiểu tên miền “.name.vn” bị tấn công nhiều nhất, chiếm tới 44,07%. Tiếp đến là các website có kiểu tên miền “.com.vn” (36,58%); “edu.vn” (9,45%).

    Các trang web của các cơ quan, tổ chức nhà nước có kiểu tên miền “.gov.vn” chiếm 4,72% tổng số các sự cố tấn công vào các website của Việt Nam.

    Nhận định tần suất sự cố mất an toàn thông tin mạng ở Việt Nam khá lớn, cũng từ số liệu thống kê từ hệ thống giám sát của VNCERT, đại diện lãnh đạo Trung tâm này cho hay, loại hình tấn công được tin tặc sử dụng nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin, chiếm tới 70%.

    Bên cạnh đó, còn phải kể đến các loại hình tấn công khác cũng được tin tặc sử dụng nhiều như: Tấn công chiếm quyền điều khiển, tấn công mã độc và tấn công ứng dụng web.

    Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính nhiễm virus (mạng ma - botnet) với hơn 637.000 máy tính bị virus kiểm soát.

    Trên trang thông tin điện tử http://securelisst.com, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia bị tấn công từ chối dịch vụ (DdoS) nhiều nhất trong quý IV/2017.(TBKD)
    ------------------------------

    Argentina tìm “phao cứu sinh” khẩn cấp để tránh khủng hoảng nợ

    Ngày 5/9, các quan chức Argentina và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên tại Washington, Mỹ, để thương lượng điều kiện giải ngân khoản vay trị giá 50 tỷ USD. Khoản tiền này được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong khủng hoảng nợ.

    anh minh hoa. nguon: internet

    Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

    Giải pháp trước mắt

    Bộ trưởng Tài chính Nicolas Dujovne đang tìm cách để bảo đảm Argentina nhận được khoản giải ngân sớm trong gói cứu trợ kéo dài 3 năm của IMF vào nửa đầu tháng 9.

    Điều này thực sự khẩn cấp vì nó cho phép Chính phủ tránh được việc phải phát hành trái phiếu, biện pháp càng khiến tăng nợ, để có tiền trang trải trong thời gian trước mắt. Số liệu chính thức cho thấy, nợ công của Argentina đã đạt mức 321 tỷ USD trong năm 2017, tương đương khoảng 57% GDP.

    IMF đang có dấu hiệu khả quan, nhất là sau khi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các chính sách của Argentina trong tuyên bố cuối tháng trước. Theo bà, đội ngũ IMF đang nỗ lực làm việc cùng quan chức Argentina để xem xét các giai đoạn triển khai của chương trình cứu trợ tài chính.

    Cuộc đàm phán mới nhất diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Argentina Mauricio Macri thông báo các biện pháp mới nhằm kiểm soát đà trượt giá của đồng nội tệ, trong đó cắt giảm số bộ trong Chính phủ xuống còn một nửa và tái áp thuế khẩn cấp đối với một số mặt hàng xuất khẩu như ngũ cốc.

    Các loại thuế này sẽ chỉ được dỡ bỏ khi kinh tế ổn định trở lại. Được biết, đồng peso của Argentina đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng USD trong năm nay, làm tăng nguy cơ lạm phát và khiến người dân đổ xô đi đổi tiền ra USD. Trước đây, Chính phủ Argentina từng dự tính lạm phát chỉ vào khoảng 15 - 20% trong năm nay nhưng tỷ lệ đó hiện tăng lên trên 30%.

    Các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới được thực hiện sau quyết định tăng lãi suất lên 60% của Ngân hàng Trung ương Argentina - mức cao nhất thế giới.

    Các nhà phân tích đánh giá, đây là giải pháp mạnh, trực diện, chứ không phải cách tiếp cận từ từ để giảm lạm phát của vị Tổng thống vốn khá cởi mở với kinh doanh. “Tôi nghĩ rằng Chính phủ đang giải quyết vấn đề một cách hợp lý”, ông Esteban Medrano, một nhà phân tích thị trường Argentina nhận xét, “tuy rằng những nỗ lực đó không dễ nhận được nhiều ủng hộ”.

    Theo ông, Chính phủ đương nhiệm đang cố gắng giành lợi thế trong cuộc bầu cử năm 2019 bằng cách nỗ lực hết sức để thoát khỏi khủng hoảng trong năm nay. Bởi gần như chắc chắn, cuộc bầu cử năm tới sẽ chính là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho khả năng điều hành của Tổng thống Macri.

    Ông Nicolas Saldias, một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Wilson trụ sở tại Washington cũng cho rằng, các biện pháp mới là cần thiết để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số biện pháp cắt giảm đáng kể các công trình công cộng có thể khiến cho suy thoái trầm trọng hơn.

    Bản thân việc áp thuế xuất khẩu cũng có thể gây suy thoái nếu như các doanh nghiệp Argentina chưa thực sự sẵn sàng cạnh tranh sản phẩm của mình ở nước ngoài.

    Không dễ vượt qua khủng hoảng

    Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình đã đổ ra đường phản đối tình hình kinh tế đang ngày một tồi tệ hơn. Ông Sebastian Rivera thuộc Liên đoàn Lao động nhà nước nhận xét: “Khi nhìn vào những gì Chính phủ đang làm, bạn biết rằng cách duy nhất có thể mong chờ chỉ là sa thải và trầm trọng hơn tình trạng của những người đang cần việc”.

    Thực vậy, khoản cứu trợ 50 tỷ USD, khoản vay lớn nhất trong lịch sử IMF, đã gây ra nhiều cuộc biểu tình ở Argentina. Nhiều người đổ lỗi cho thiết chế tài chính lớn nhất thế giới là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Argentina giai đoạn 2001 - 2002, khiến 20% lực lượng lao động Argentina thất nghiệp và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khốn cùng.

    Argentina hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực Mỹ Latinh nhưng tỷ lệ thất nghiệp khoảng 9%. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hơn 28% trong 43 triệu dân nước này đang sống ở mức nghèo khó.

    Phản ứng của công chúng đã cản trở những nỗ lực của ông Macri nhằm đẩy mạnh cắt giảm ngân sách trước đó, đặc biệt là chi tiêu xã hội. Năm ngoái, nỗ lực cắt giảm quyền lợi hưu trí đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn.

    Theo một số nhà bình luận, có hai nguyên nhân chính khiến khủng hoảng kinh tế của Argentina diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ đến vậy.

    Thứ nhất là một loạt vấn đề nội tại như lạm phát cao, thâm hụt thương mại, cộng thêm “thiên vô thời, địa bất lợi” như hạn hán càng khiến cho nông nghiệp khó khăn, mà đây lại là động lực chính của kinh tế vì Argentina là nhà xuất khẩu bột đậu nành lớn nhất thế giới. 

    Thứ hai, nền kinh tế Argentina phụ thuộc nhiều bên ngoài trong khi kinh tế toàn cầu lại đang gặp khó khăn. Thực tế, nhiều nước đang lâm vào khủng hoảng do đồng USD tăng giá, các biện pháp bảo hộ thương mại của Chính quyền Donald Trump cũng như chính sách lãi suất tăng ở Mỹ.

    Việc Argentina đề nghị IMF đẩy nhanh kế hoạch giải ngân cho thấy sự lo ngại gia tăng tình hình nguy cấp của nền kinh tế. Khi đạt thỏa thuận vay vốn với IMF hồi tháng 5, Tổng thống Macri còn nói ông hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục và không cần tiêu đến khoản vay.

    Tuy nhiên, các quan chức Argentina cũng tỏ ra khá lạc quan về kết quả cuộc đàm phán lần này vì thái độ thiện chí của IMF. Còn nhớ năm 2001, Chính phủ Argentina vỡ nợ và hệ thống ngân hàng của đất nước gần như tê liệt. Khi đó, việc IMF từ chối giúp đỡ bị cho là một phần nguyên nhân khiến nền kinh tế Argentina suy sụp.(daibieunhandan)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn