TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 12-05-2018

    4 tháng đầu năm xuất siêu gần 3,9 tỷ USD

    Như vậy, tính đến ngày 30/4, kim ngạch xuất khẩu của Viêt Nam tăng gần 12 tỷ USD so với 4 tháng đầu năm 2017.

    Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết tính đến hết tháng 4 năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 73,89 tỷ USD, tăng 19,2%, tương ứng tăng 11,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017.

    Trong số 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, điện thoại và linh kiện dẫn đầu, đạt 16,08 tỷ USD. Mặt hàng này cũng có sự tăng trưởng lớn nhất khi tăng tới gần 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017.

    Nhóm hàng dệt may, máy tính và linh kiện có đều kim ngạch xuất khẩu 4 tháng khoảng 8,5 tỷ USD. Tiếp theo là nhóm máy móc, thiết bị, giày dép, phương tiện vận tải... Đứng thứ 10 là nhóm hàng cà phê, nhóm này vẫn có mức kim ngạch xuất khẩu tương đương cùng kỳ năm 2017 với 1,33 tỷ USD.

    Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng/2018 của nhóm các doanh nghiệp FDI ở mức 52,44 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

    Về nhập khẩu, đến hết tháng 4/2018, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 6,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

    Các nhóm máy tính, may móc, điện thoại và linh kiện vẫn dẫn đầu hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam 4 tháng đầu năm 2018. Tiếp theo các các nhóm nguyên liệu cho ngành vải, sắt thép, xăng dầu, chất dẻo...

    Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu về Việt Nam 41,48 tỷ USD,tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 59,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

    Như vậy, theo tính toán của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 4 tháng tính từ đầu năm 2018 đạt 143,89 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 17,95 tỷ USD.

    Thặng dư thương mại của cả nước trong 4 tháng đầu năm ở mức gần 3,9 tỷ USD. (NDH)
    ----------------------------------------

    Hơn 80.000 giám đốc, chuyên gia... nước ngoài làm việc tại VN

    Số lao động này đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, họ đang nắm giữ các vị trí quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật.

    Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), thông tin như vậy tại Hội nghị truyền thông việc làm đối với cơ quan báo chí, ngày 10-5. 

    Số lao động này đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, họ đang nắm giữ các vị trí quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Trong đó có trên 95% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp giấy phép lao động. Số lao động này đảm nhiệm những công việc yêu cầu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm điều hành, quản lý cao mà lao động trong nước chưa đáp ứng được. 

    Ông Trung đánh giá các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật đã có nhiều đóng góp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ, nhất là các lĩnh vực phức tạp. 

    Theo ông Trung, hiện hệ thống văn bản, thủ tục về tiếp nhận và quản lý lao động ngoài nước đã cơ bản hoàn chỉnh, thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

    Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại về cơ chế liên thông các sở, ngành về quy trình cấp giấy phép lao động và quản lý lao động nước ngoài. Cùng đó, ý thức chấp hành của một số nhà thầu, doanh nghiệp và người lao động nước ngoài trong việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động còn hạn chế, đáng chú ý nhiều lao động nước ngoàivào Việt Nam mới thực hiện cấp giấy phép lao động. Theo đó, một số địa phương đã xử phạt vi phạm liên quan về lĩnh vực này hàng trăm triệu đồng. 

    Về tình trạng thiếu hụt chuyên gia, nhà quản lý và kỹ sư có tay nghề, kinh nghiệm trong một số lĩnh vực trong nước chưa đáp ứng được khiến các nhà thầu, doanh nghiệp phải tuyển từ các nước, ông Trung cho rằng hiện các địa phương khi phát triển các khu công nghiệp, công nghệ nhưng chưa đầu tư đào tạo bài bản đội ngũ quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ từ đầu, theo đó đến khi triển khai dự án phải tuyển từ bên ngoài.(PLO)
    -----------------------

    Đến lượt nhân dân tệ khiến các nhà đầu tư lo lắng

    Sự thay đổi trong thị trường tiền tệ đe dọa thay đổi xu hướng đầu tư toàn cầu từ cả phương Đông và phương Tây.

    Theo Bloomberg, khi nhiều nhà đầu tư đang tập trung vào việc USD mạnh lên và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, nhân dân tệ yếu hơn của Trung Quốc cũng đe dọa gây áp lực lên các tài sản ở thị trường mới nổi, vốn vừa mất hết mức tăng đạt được trong năm nay.

    Việc nhân dân tệ tạm dừng tăng giá sẽ thách thức nhiều nước đang phát triển vì nó tác động đến tính cạnh tranh của họ với Trung Quốc, theo ngân hàng Morgan Stanley. “Nhân dân tệ đi lên và USD đi xuống là thế giới tốt nhất. Bạn cùng lúc dễ xuất khẩu và tài trợ tài chính hơn”, chiến lược gia tiền tệ toàn cầu Hans Redeker thuộc Morgan Stanley cho hay.

    Mức tăng của đồng tiền chịu sức nặng của thương mại trong năm qua thúc đẩy các nước là đối thủ của Trung Quốc, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, USD mất giá giúp nợ nước ngoài khi tính theo nội tệ rẻ hơn.

    Song giờ đây, tâm lý thị trường thay đổi vì sự điều chỉnh trong dự báo về cách mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) định tỷ giá tham chiếu hằng ngày. Sau một thời gian dài dự báo tỷ giá mạnh hơn, giờ đây một số nhà phân tích và giao dịch cho rằng xu hướng giảm tỷ giá đang ở phía trước. PBOC có thể ủng hộ nội tệ yếu hơn.

    Nhân dân tệ hạ giá khoảng 1,2% từ đầu tháng 4 nhờ sự phục hồi của USD, sau đợt tăng giá hàng quý lớn nhất trong 10 năm. (Thanhnien)
    -----------------------

    Ngân sách cứ thu được 3 đồng thì chi 2 đồng cho bộ máy

    4 tháng đầu năm thu ngân sách ước đạt 446.400 tỉ đồng, tổng chi khoảng 410.000 tỉ trong đó chi thường xuyên là 301.500 tỉ đồng. Nghĩa là cứ thu được 3 đồng thì chi 2 đồng cho bộ máy.

     

    sap toi cac nganh thue, kho bac... se cat giam sap xep lai theo lien tinh, lien huyen. trong anh: can bo chi cuc thue q.1, tp.hcm ho tro nguoi nop thue - anh: quang dinh

    Sắp tới các ngành thuế, kho bạc... sẽ cắt giảm sắp xếp lại theo liên tỉnh, liên huyện. Trong ảnh: cán bộ Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM hỗ trợ người nộp thuế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Theo thông cáo mới nhất về tình hình thu, chi ngân sách 4 tháng đầu năm được Bộ Tài chính công bố ngày 11-5, tổng số thu nội địa đạt 446.4000 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Cụ thể, đóng góp vào tổng số thu 4 tháng qua, thu nội địa đạt khá với hơn 368.000 tỉ đồng.

    Nếu không kể các khoản thu có tính chất đặc thù như thu từ sử dụng đất, thu từ xổ số, cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước thì số thu nội địa ước đạt 281.400 tỉ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017.

    Bên cạnh đó, số thu từ dầu thô đóng góp hơn 19.000 tỉ đồng, bằng 53,3% dự toán năm do giá dầu thô từ đầu năm tăng trở lại.

     

    Mặc dù vậy, sự đóng góp của dầu thô chiếm tỉ lệ chỉ 4% tổng thu ngân sách, con số rất nhỏ so với 5-7 năm trước đây là 15-20%.

    Đóng góp vào tổng số thu của cả nước phải kể đến thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Lũy kế thu 4 tháng ước đạt 90.000 tỉ đồng, giảm khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017.

    Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 31.000 tỉ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu còn 59.000 tỉ đồng, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2017.

    Còn về tổng chi ngân sách trong 4 tháng qua, theo Bộ Tài chính, ước đạt 410.000 tỉ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển đạt khoảng 65.000 tỉ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ.

    Trong khi đó, chi trả nợ lãi là 41.750 tỉ đồng và chi thường xuyên 301.500 tỉ đồng, tăng lần lượt 13,7% và 5,4% so với cùng kỳ.

    Bình luận về tình hình thu - chi ngân sách 4 tháng qua, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định tổng thu 4 tháng có cải thiện do thu từ dầu thô và từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Tuy nhiên, bức tranh về chi thì không mấy tích cực khi chi thường xuyên, trả nợ lãi thì tăng trong khi chi đầu tư thì giảm so với cùng kỳ.

    Nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên chiếm 66% tổng thu.

    Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì ăn tiêu mất 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.

    Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, cho rằng ngân sách rất căng thẳng trong vài năm nay.

    Số thu không đảm bảo chi vì thế gần như toàn bộ khoản chi cho đầu tư là phải đi vay. Do đó, một trong những cách để giảm áp lực lên ngân sách là chi tiêu hiệu quả thông qua việc cắt giảm biên chế.(Tuoitre)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn