Tin kinh tế đọc nhanh tối 11-05-2018
Hai kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018
Trong báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2018 vừa được công bố, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng; trong đó với kịch bản lạc quan, tăng trưởng năm nay có thể đạt 6,83%.
Cụ thể, với kịch bản lạc quan, VEPR dự báo tăng trưởng năm 2018 đạt tới 6,83%, cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Tuy nhiên lạm phát năm 2018 cũng không còn thấp như năm 2017, mà có thể ở mức 4,2%, cao hơn mục tiêu đề ra là 4%.
PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR dự báo, kịch bản này nhiều khả năng sẽ xảy ra và mức tăng trưởng 6,83% có được nhờ quán tính tăng trưởng của năm trước, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất của Chính phủ. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế thế giới, với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, nhóm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và khu vực ASEAN, dự báo sẽ tăng cao hơn năm 2017, cũng sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ gây áp lực tăng lạm phát lớn trong năm nay.
Còn trong kịch bản thứ hai, với điều kiện thận trọng hơn của kinh tế thế giới và nội địa, tăng trưởng sẽ ở mức 6,49% (đạt xấp xỉ mục tiêu mà Quốc hội đề ra). Với kịch bản này, do hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, nên lạm phát chỉ đạt mức 3,86%.
TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU cùng với xu hướng tăng giá năng lượng có thể làm cho đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá so với USD và Euro; đẩy giá hàng hoá nhập khẩu lên, góp phần gây áp lực cho lạm phát. Mặc dù vậy, việc đồng Việt Nam mất giá so với USD và Euro cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này...
Điểm rất đáng chú ý mà nhóm nghiên cứu của VEPR chỉ ra, đó là năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, thậm chí cả những lĩnh vực trụ cột như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi (logistics)... hiện đều ở mức gần hoặc thấp nhất so với các nước trong khu vực.
Để cải thiện NSLĐ, các chuyên gia của VEPR khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động. Đặc biệt, Việt Nam cần chú trọng vào đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.(TBNH)
--------------------
Hà Nội triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2018
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về việc triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2018.
Mục đích của đề án là đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) TP; thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất các SPCNCL trên địa bàn TP, khu vực phía Bắc và cả nước hình thành “chuỗi cung ứng”, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế thế hệ mới. Triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025; xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án. Hỗ trợ, tổ chức công nhận khoảng 30 sản phẩm trở thành SPCNCL TP Hà Nội.
Kế hoạch nhằm tổ chức xét chọn, công nhận SPCNCL TP Hà Nội và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có SPCNCL TP; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; Tuyên truyền, tôn vinh và nâng cao uy tín Chương trình SPCNCL TP; Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; Phát triển nguồn nhân lực.
Nguồn kinh phí thực hiện, gồm có nguồn kinh phí ngân sách TP cân đối từ nguồn chi nghiệp vụ của các Sở, ngành năm 2018 đã được UBND TP giao hoặc đề nghị UBND TP cấp bổ sung trên cơ sở hướng dẫn, thẩm tra của Sở Tài chính; Nguồn kinh phí doanh nghiệp đóng góp (nếu có); Các nguồn huy động hợp pháp khác.(Báo Công Thương)
------------------------------
Xuất khẩu dầu thô giảm cả về lượng và trị giá
-Quý 1/2018 lượng dầu thô xuất khẩu giảm 34,7% so với cùng kỳ và trị giá cũng giảm 18,3%.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dầu thô sau khi sụt giảm liên tục trong 2 tháng đầu năm, thì sang tháng 3 đã tăng trưởng trở lại, tăng 11,2% về lượng và tăng 4,1% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 320.286 tấn, tương đương triệu 166,09 triệu USD; So với tháng 3/2017 cũng bị sụt giảm mạnh 31,9% về lượng và giảm 8,4% về kim ngạch.
Xuất khẩu tháng 3 tăng nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, do đó, tính chung cả quý 1/2018 lượng dầu thô xuất khẩu vẫn giảm 34,7% so với cùng kỳ, đạt 991.427 tấn và trị giá cũng giảm 18,3%, đạt 520,72 triệu USD.
Mặc dù lượng dầu thô xuất khẩu giảm mạnh, nhưng giá xuất khẩu lại cao hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 525,2 USD/tấn. Trong đó, xuất sang thị trường Malaysia tuy rất ít, chỉ đạt 44.954 tấn, nhưng giá lại cao nhất thị trường 536,3 USD/tấn, tăng 20,6%. Bên cạnh đó, xuất sang một số thị trường cũng được mức giá cao là: sang Thái Lan 535,2 USD/tấn, tăng 24,6%; Trung Quốc 532,3 USD/tấn, tăng 27,9%; Australia 528,8 USD/tấn, tăng 34,2%. Ngược lại, dầu thô xuất sang Singapore có giá thấp nhất thị trường, chỉ đạt 497,7 USD/tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu dầu thô sang thị trường Trung Quốc – thị trường tiêu thụ nhiều nhất dầu thô của Việt Nam, 3 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh 66% về lượng và giảm 56,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt gần 239.104 tấn, trị giá 127,26 triệu USD (chiếm trên 24% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của cả nước).
Xuất khẩu dầu thô sang Thái Lan quý 1 năm nay đạt 185.105 tấn, trị giá 99,07 triệu USD – đứng thứ 2 thi trường, chiếm 19% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của cả nước, tăng 17,6% về lượng và tăng 46,5% về kim ngạch so với cùng kỳ;
Australia – thị trường tiêu thụ dầu thô lớn thứ 3 của Việt Nam cũng đạt mức tăng khá mạnh 70,9% về lượng và tăng 129% về kim ngạch, đạt 180.213 tấn, tương đương 95,29 triệu USD.
Trong quý 1 năm nay, xuất khẩu dầu thô sang Mỹ cũng tăng rất mạnh 296% về lượng và tăng 381% về kim ngạch, đạt 133.231 tấn, tương đương 68,24 triệu USD.
Dầu thô xuất sang các nước Đông Nam Á nói chung chiếm 30% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của cả nước, đạt gần 297.150 tấn, tương đương 156,57 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 6,6% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu dầu thô quý 1/2018
Thị trường | Quý 1/2018 | (+/-%)quý 1/2018 so với cùng kỳ | ||
Lượng (tấn) | Trị giá (USD) | Lượng | Trị giá | |
Tổng cộng | 991.427 | 520.716.944 | -34,72 | -18,29 |
Trung Quốc | 239.104 | 127.263.678 | -66,05 | -56,59 |
Thái Lan | 185.105 | 99.071.418 | 17,58 | 46,51 |
Australia | 180.213 | 95.290.508 | 70,87 | 129,23 |
Mỹ | 133.231 | 68.240.448 | 295,85 | 380,65 |
Nhật Bản | 97.367 | 49.998.374 | -58,9 | -51,39 |
Singapore | 67.091 | 33.394.004 | -65,19 | -58,22 |
Malaysia | 44.954 | 24.109.465 | -0,17 | 20,35 |
(Vinanet tính toán từ số liệu của TCHQ)
-----------------------------