TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 16-03-2016

    Điểm mặt các doanh nghiệp niêm yết vượt mục tiêu lợi nhuận “nhiều lần”

    diem mat cac doanh nghiep niem yet vuot muc tieu loi nhuan “nhieu lan”

    Điểm mặt các doanh nghiệp niêm yết vượt mục tiêu lợi nhuận “nhiều lần”

    Tưởng chừng chỉ các doanh nghiệp ngành ô tô như HHS mới đứng đầu danh sách các doanh nghiệp vượt xa mục tiêu lợi nhuận của năm 2015, nhưng không phải. Nhiều doanh nghiệp khác còn có những đột phá ngoạn mục hơn.

    Tính tới trung tuần tháng 3/2016, đã có hơn 600 trong tổng số gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán chính thức hiện nay công bố kết quả kinh doanh năm 2015. Ghi nhận của NDH cho thấy nhiều doanh nghiệp đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận tính bằng số lần.

    Đứng đầu danh sách các doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc kế hoạch lợi nhuận năm 2015 là CTCP May mặc Miền Bắc (TET). Đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn là 0,75 tỷ đồng vào đầu năm, nhưng khi hết năm, TET bão lãi 13,64 tỷ đồng, vượt 18,3 lần so với kế hoạch. Điểm nổi bật nữa là công ty vượt xa kế hoạch lợi nhuận trong bối cảnh doanh thu thuần của công ty cả năm đạt 41,08 tỷ đồng, mới gần bằng mức mục tiêu 43,16 tỷ đồng đặt ra cho cả năm.

    Đứng thứ hai là CTCP Hóa chất Đức Giang (DGC) khi doanh nghiệp này vượt 9 lần mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh doanh thu cũng vượt 5,5 lần mục tiêu. Theo kết quả kinh doanh, DGC lãi 270,1 tỷ đồng trên khoản doanh thu thuần 2.438,2 tỷ đồng, trong khi mục tiêu công ty đặt ra từ đầu năm là 29,95 tỷ đồng lợi nhuận và 440,74 tỷ đồng doanh thu.

    Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII) và Lilama 5 (LO5) là 2 công ty đạt lợi nhuận cao gấp hơn 7 lần kế hoạch năm, trong đó SII báo lãi 122,04 tỷ đồng trên kế hoạch 17,3 tỷ đồng, trong khi LO5 báo lãi 1,72 tỷ đồng trên kế hoạch 0,24 tỷ đồng.

    Ngoài TET và LO5, CTCP Sông Đà 1.01 (SJC) cũng là doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận chưa đến 1 tỷ đồng và cũng dễ dàng vượt qua mục tiêu này. Lợi nhuận năm 2015 của SJC đạt 1,15 tỷ đồng, cao gấp 6,5 lần mức mục tiêu 0,18 tỷ đồng.

    Cũng ghi nhận lợi nhuận cao hơn 6 lần so với mục tiêu còn có CTCP Thủy sản số 4 (TS4) khi doanh nghiệp này báo lãi 9,64 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đặt ra là 1,56 tỷ đồng. Kế hoạch này lẽ ra có thể còn được hoàn thành xuất sắc hơn nếu như doanh thu cũng đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, TS4 lại chỉ đạt 757 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 1.140 tỷ đồng.

    Chứng khoán An Phát (APG), Sách Đà Nẵng (BED) và Sông Đà 11 (SJE) cũng là những doanh nghiệp vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm 2015. APG báo lãi 24,27 tỷ đồng, cao hơn 5,3 lần so với kế hoạch năm, BED lãi 4,85 tỷ đồng, cao hơn 4,3 lần, còn SJE lãi 108,7 tỷ đồng, cao hơn 4,2 lần mục tiêu.

    CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) cũng đứng trong top 10 các công ty vượt mục tiêu lợi nhuận năm 2015. HHS đạt 481 tỷ đồng lợi nhuận trên mức doanh thu 3.508 tỷ đồng, vượt 3,4 lần kế hoạch lợi nhuận và vượt 2,3 lần kế hoạch doanh thu đặt ra cho năm 2015.

    Cũng vượt mức lợi nhuận trên 3 lần còn có các doanh nghiệp: CTCP Điện cơ Hải Phòng (DHP) lãi 45,05 tỷ đồng/kế hoạch 13,26 tỷ đồng, CTCP Cường Thuận Idico (CTI) lãi 67,65 tỷ đồng/kế hoạch 20 tỷ đồng, CTCP Vật tư Xăng dầu (COM) lãi 100 tỷ đồng/kế hoạch 30 tỷ đồng, và CTCP Đầu tư Đông Nam Á (KSD) lãi 7,41 tỷ đồng/kế hoạch 2,34 tỷ đồng.

    Thống kê còn cho thấy có khoảng 25 công ty khác ghi nhận lợi nhuận vượt hơn 2 lần kế hoạch cả năm, gồm MHC, MDG, KHB, CCM, LHG, BCI, ORS, PGD, VC3, VGS, THG, HTL, PXT, SSM, CAP, LIX, SDC, QHD, TV2, BCC, LGC, HQC, AGM, PRC, PVI.

    Trong số những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận vượt 2-3 lần kế hoạch trở lên, HQC là công ty đạt lợi nhuận cao nhất với mức 654,4 tỷ đồng, tiếp đến là PVI với 600,5 tỷ đồng.

    Nếu xét rộng hơn, còn có khoảng 190 công ty khác hoàn thành 100% hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận năm.

    Trong số tất cả những công ty hoàn thành hoặc vượt kế hoạch, thống kê cho thấy các doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm áp đảo nhất với khoảng 50 công ty, tiếp đến là các doanh nghiệp ngành vận tải với 21 công ty, các doanh nghiệp ngành bất động sản với 17 doanh nghiệp, và các doanh nghiệp ngành hóa chất với 15 công ty.

    Ở chiều ngược lại, hiện có khoảng 46 công ty báo lỗ trong năm 2015, trong đó đứng đầu là CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) lỗ 578,6 tỷ đồng, tiếp đến là CTCP Vận tải Biển Việt Nam (VOS) lỗ gần 298 tỷ đồng, và CTCP Đầu tư & TM SMC lỗ 195 tỷ đồng.


    Saigon Co.op đặt kế hoạch doanh thu 1,2 tỷ USD năm 2016

    Năm 2015, hệ thống Saigon Co.op đạt doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng (1,12 tỷ USD).

    Tin từ UBND TPHCM cho biết, Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 2015 và định hướng phát triển hoạt động kinh doanh 2016 vào cuối tuần qua.

    Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh 2015, đại diện Saigon Co.op cho biết hệ thống siêu thị này đạt doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng năm 2015. Trong năm qua, Saigon Co.op đã khai trương thêm 8 siêu thị mới, nâng số lượng siêu thị lên con số 80. Đơn vị này tiếp tục là doanh nghiệp nòng cốt trong việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường TPHCM và các tỉnh.

    Mục tiêu năm 2016, hệ thống Saigon Co.op đặt chỉ tiêu đạt 26.786 tỷ đồng doanh thu, tương đương 1,2 tỷ USD. Đại diện hệ thống siêu thị này cũng nhận định, năm 2016 là năm thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn theo lộ trình cam kết và đây là thời điểm các nhà bán lẻ Việt Nam bước vào cạnh tranh khốc liệt.


    Công ty Trung Quốc chi 6,5 tỷ USD mua khách sạn Mỹ

    cong ty trung quoc chi 6,5 ty usd mua khach san my

    Công ty Trung Quốc chi 6,5 tỷ USD mua khách sạn Mỹ

    Công ty bảo hiểm Anbang của Trung Quốc vừa đạt một thỏa thuận trị giá 6,5 tỷ USD mua lại công ty khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp Strategic Hotels & Resorts của Mỹ.

    Thỏa thuận này đạt được chỉ 5 tháng sau khi quỹ Blackstone đưa Strategic Hotels & Resorts từ một công ty đại chúng trở thành một doanh nghiệp tư nhân - tờ Financial Times cho biết.

    Vụ thâu tóm này là dấu hiệu mới nhất cho thấy chiến dịch thâu tóm tài sản nước ngoài chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc vẫn tiếp tục trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới phải đối mặt với hàng loạt thách thức.

    Thương vụ cũng cho thấy Anbang, cùng với hai tập đoàn khác của Trung Quốc là Fosun International và Dalian Wanda đang giữ vai trò đi đầu trong những thỏa thuận tham vọng nhất của Trung Quốc. Đến nay, các tập đoàn này không hề tỏ ra “nao núng” trước sự phản đối chính trị ở Mỹ nhằm vào các nỗ lực mua lại doanh nghiệp ở thị trường này.

    Strategic Hotels & Resorts sở hữu 16 khách sạn hạng sang ở Mỹ, bao gồm Hotel del Coronado ở San Diego và JW Marriott Essex House Hotel ở New York.

    Tháng 12 năm ngoái, Blackstone hoàn tất thỏa thuận mua lại Strategic Hotels & Resorts với giá 6 tỷ USD. Như vậy, sau vài tháng, chuỗi khách sạn này mang lại cho Blackstone khoản lợi nhuận nửa tỷ USD.

    Trước thương vụ này, vào năm 2014, Anbang đã mua lại khách sạn Waldorf Astoria từ Blackstone với giá gần 2 tỷ USD, tương đương 1,3 triệu USD mỗi phòng khách sạn.

    Sau đó, Anbang tiếp tục tiến hành các thương vụ “khủng”, bao gồm thâu tóm cổ phần lớn trong công ty bảo hiểm nhân thọ Tongyang Life của Hàn Quốc với giá 1 tỷ USD, và mua lại một loạt tòa nhà văn phòng ở Toronto và Vancouver với giá khoảng 100 triệu USD mỗi tòa.

    Tuy vậy, chiến dịch thâu tóm của Anbang cũng vấp phải một số trở ngại. Năm ngoái, nỗ lực của Anbang nhằm mua lại ngân hàng Novo Banco của Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại.

    Anbang là một trong những công ty có quan hệ chính trị rộng rãi nhất ở Trung Quốc. Ông Wu Xiaohui, nhà sáng lập công ty bảo hiểm này vào năm 2007, kết hôn với cháu gái của Đặng Tiểu Bình.

    Trong vòng 12 năm, ông Wu, người lập ra Anbang với 60 triệu USD tiền vốn ban đầu, đã biến công ty này từ một công ty bảo hiểm xe hơi nhỏ thành một tập đoàn dịch vụ tài chính với giá trị tài sản hơn 800 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 123 tỷ USD, tính đến tháng 2 năm ngoái.

    Theo báo chí Trung Quốc, Anbang nắm giữ cổ phần lớn trong những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc như Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) hay China Merchants Bank. Tập đoàn này cũng nắm cổ phần kiểm soát trong 6 công ty bảo hiểm, hai công ty quản lý quỹ, một công ty cho thuê tài chính, và một công ty phát triển địa ốc tại Trung Quốc.


    Lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị

    Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được xây dựng và phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Quảng Trị.

    Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013.

    Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo thực hiện phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quy định hiện hành về đấu thầu.

    Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập KKT Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. KKT này có diện tích tự nhiên 23.792 ha nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Trị, bao gồm 17 xã, thị trấn là: Hải An, Hải Ba, Hải Vĩnh, Hải Quế, Hải Khê, Hải Dương (thuộc huyện Hải Lăng); Triệu An, Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Lăng, Triệu Sơn (thuộc huyện Triệu Phong); Gio Quang, Gio Mai, Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (thuộc huyên Gio Linh).

    KKT Đông Nam Quảng Trị bao gồm các khu chức năng như khu công nghiệp, khu hành chính, khu dân cư, khu du lịch, khu dịch vụ, khu cảng.

    Mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT Đông Nam Quảng Trị là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị, khu vực Trung Bộ nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

    KKT Đông Nam Quảng Trị được xây dựng và phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Quảng Trị; cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ; trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, du lịch, thương mại dịch vụ; cảng biển lớn của vùng Trung Bộ; phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với Hành lang kinh tế Đông Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đô thị văn minh, kiến trúc tiên tiến. 


    Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Rosneft (Nga): Các dự án tại Việt Nam là ưu tiên của chiến lược mở rộng ra quốc tế

    Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Rosneft (Liên bang Nga), ông Igor Sechin đã khẳng định vậy trong chuyến thăm giàn khai thác khí tự nhiên Lan Tây và giàn khoan thăm dò tại Lô 06.1 ngoài khơi Việt Nam mà Rosneft tham gia 35% và đang là nhà điều hành.

    Ông Igor Sechin và ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đơn vị góp 20% trong Lô 06.1 cũng đã nghe báo cáo về tình hình khai thác khí tự nhiên và condensate từ giàn Lan Tây và việc triển khai chương trình khoan từ khi bắt đầu đặt mũi khoan ngày 9/3/2016.

    Giếng khoan PLDD-1X có độ sâu thiết kế là 1.380 m, thuộc vùng biển có độ sâu khoảng 162 m. Khí tự nhiên từ cấu tạo địa chất PLDD có thể được phát triển và đấu nối với giàn khai thác Lan Tây để đưa vào bờ.

    Giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan. Rosneft đã thông báo về hợp đồng khoan với JDC tại Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông năm 2015.

    Sau khi khoan PLDD, Rosneft sẽ khoan một giếng thăm dò nữa tại Lô 05-3/11 cũng thuộc Bể Nam Côn Sơn. Việc kết hợp khoan 2 giếng liên tiếp nhau trong cùng một chương trình sẽ tạo hiệp lực cho hai dự án, giảm thời gian triển khai công việc, do vậy tăng hiệu quả của các dự án thăm dò của Rosneft ngoài khơi Việt Nam.

    Rosneft cũng dự kiến thu nổ địa chấn 3D băng tần rộng tại Lô 06.1 trong năm nay nhằm tăng hiệu quả thu hồi và thăm dò tiềm năng tại các cấu tạo địa tầng sâu của Lô.

    Ông Igor Sechin cho biết, việc triển khai các dự án ở Việt Nam là một trong những ưu tiên của chiến lược mở rộng ra quốc tế của Rosneft. Vận hành các dự án ở một đất nước đang phát triển năng động của khu vực châu Á Thái Bình Dương là một minh chứng cho sự hợp tác về công nghệ kỹ thuật cao giữa Rosneft và các đối tác gồm PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC). Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao tiến độ các dự án hợp tác hiện tại ở Việt Nam và tiềm năng phát triển trong tương lai.

    Đánh giá cao những nỗ lực của Rosneft trong việc khoan giếng Phong Lan Dại ở độ sâu trên nghìn mét, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho rằng, đây thực sự là thách thức về công nghệ và kỹ thuật. Chương trình tìm kiếm thăm dò với chiến dịch khoan lần này thể hiện quyết tâm của Rosneft tại vùng biển của Việt Nam.  Với tư cách là nhà Điều hành lô 06.1 và nhà đầu tư ở đường ống Nam Côn Sơn, Rosneft là công ty dầu có những đóng góp lớn, quan trọng ở Viêt Nam.

    Tổng giám đốc PVN cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của PVN với sự phát triển và mở rộng của Rosneft ở thềm lục địa Việt Nam.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn