Tin kinh tế đọc nhanh 21-01-2018
Việt Nam xuất siêu 200 triệu USD sang Australia trong năm 2017
Năm 2017 đánh dấu năm cán cân thương mại Việt Nam- Australia thặng dư 200 triệu USD. Trong đó, Việt Nam tập trung xuất khẩu mặt hàng máy ảnh, máy quay phim, dầu thô, phương tiện vận tải.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt 6,46 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,1%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 3,1 tỷ USD, tăng 30,5%.
Như vậy tính cả năm 2017, Việt Nam xuất siêu 200 triệu USD sang thị trường này.
Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng mạnh nhất đạt 329,4% lên 676.342 USD. Dầu thô đứng thứ 2 đạt tốc độ tăng trưởng 69% đạt 164.904.566 USD. Xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 62%, sắt thép các loại tăng 61,7%.
5 mặt hàng xuất khẩu sang Australia có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất (Số liệu: Tổng cục Hải quan)
Ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia tăng mạnh chủ yếu đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như khí đốt hoá lỏng tăng tới 3.068,6% lên 24.539.322 USD. Mặt hàng phế liệu sắt thép tăng 180,2% lên 166.447.520 USD. Nhập khẩu quặng và khoáng sản khác tăng 147,9%, bông các loại tăng 64,3%, than đá tăng 45,3%.
Nhập khẩu một số mặt hàng có xu hướng có xu hướng giảm chủ yếu tập trung nhiều vào hàng nông sản. Cụ thể, nhập khẩu hồ tiêu giảm 31,6% xuống còn 14.246.727 USD, gạo giảm 2,4% xuống còn 6.188.840, cà phê giảm -10,2 còn 28.530.391 USD.
Năm 2017 đánh dấu sự phục hồi mạnh của ngành nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung.(NDH)
-------------------------
Ủy ban quản lý vốn: “Yếu tố kỹ trị phải nhiều hơn chính trị”
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng việc lập "siêu" uỷ ban này sẽ tránh được tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Tuy nhiên theo quan điểm của ông Thành, uỷ ban này phải có yếu tố kỹ trị nhiều hơn chính trị, như vậy mới có sự chuyển đổi thực chất.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Thủ tướng mới đây đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ có 11 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm tổ trưởng. Ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại buổi họp đầu tiên sau khi thành lập, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải thành lập Ủy ban ngay trong quý I/2018.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam việc thành lập một cơ quan đứng ra làm đại diện vốn chủ sở hữu sẽ tách được doanh nghiệp khỏi chế độ bộ chủ quản.
“Như vậy tránh được câu chuyện 'vừa đá bóng vừa thổi còi’, khi cơ quan chủ quản vừa thực hiện quản lý Nhà nước vừa có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp dẫn đến nhiều quyết định chưa đủ công tâm”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, theo ông Thành, câu hỏi quan trọng đặt ra đó là ai về, ai không. Cũng như tiến trình cổ phần hóa DNNN, ông Thành cho rằng để việc tập trung quản lý vốn Nhà nước về một cơ quan đại diện duy nhất cần có danh mục và lộ trình rõ ràng, để những doanh nghiệp nào phải về thì bắt buộc sẽ phải về.
Bên cạnh đó ông Thành cũng đặt ra vấn đề, "siêu" uỷ ban này sẽ là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp. Điều ông Thành quan ngại đó là uỷ ban này sẽ vẫn tồn tại dưới hình thiwcs tổ chức hành chính.
"Anh vẫn cồng kềnh, vẫn mang tính hành chính như trước đây nhưng mục tiêu anh ngồi trong HĐQT để thực hiện vai trò giám sát thì có hiệu quả hay không?", ông Thành đặt vấn đề.
Ông Thành cũng cho rằng vấn đề nhận sự cũng cần được chú trọng, phải tập hợp được các chuyên gia về đầu tư, quản trị, được trao đủ thẩm quyền nhưng đồng thời cũng có đủ năng lực quản lý thì mới có thể vận hành một “siêu” Ủy ban quản lý khối lượng vốn khổng lồ như vậy.
"Đồng ý là Uỷ ban trực thuộc Chính phủ như yếu tố chính trị là bao nhiêu, yếu tố kỹ trị là bao nhiêu. Tôi cho rằng, yếu tố kỹ trị nhiều hơn chính trị. Như vậy mới có sự chuyển đổi thực chất", ông Thành nêu quan điểm.
Mới đây trong khuôn khổ tọa đàm kinh tế vĩ mô 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) (hôm 16/1), vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế mang ra thảo luận.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đồng tình cho rằng vịêc tách các bộ làm chính sách ra khỏi các doanh nghiệp là điều cần thiết, tránh sự xung đột về lợi ích nhóm.
Đề cập đến việc làm thế nào để quản lý hiệu quả Ủy ban này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thành công của tổ chức được quyết định bởi những người làm ở đó.
“Người quản lý phải là người có kỹ trị chứ không chỉ là chính trị. Nếu chỉ am hiểu chính trị mà không am hiểu thị trường, không nắm rõ các nguyên tắc quản lý cơ bản thì không thể làm tốt được. Hiện nay ở nước ta, việc đảo lộn hai vị trí ở một số đơn vị khiến tôi không yên tâm”, bà Lan nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại đặt vấn đề: khi các DNNN trở về dưới sự quản lý tài chính của Ủy ban thì liệu các bộ có còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nữa không, nếu có thì thực hiện như thế nào, phối hợp ra sao để vừa bảo đảm tính hiệu quả lại không gây ra những mâu thuẫn lợi ích.(Bizlive)
-----------------------
Năm 2018, xuất khẩu 110.000 lao động
Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (lao động nữ chiếm 40%), giữ vững được một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Đánh giá về công tác năm 2017, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cả nước đã đưa được 134.751 lao động đi làm việc (vượt 28,3% kế hoạch). Một số thị trường xuất khẩu lao động chính tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao như thị trường: Đài Loan, Nhật Bản. Các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, riêng thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề.
Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Năm qua, một số thị trường châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài như: Rumani, Ba Lan, Na Uy bước đầu có lời mời hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.
Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đã đề ra mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (lao động nữ chiếm 40%). Nhiều giải pháp đã được đề ra như: Giữ vững ổn định một số thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản; nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài đảm bảo mức thu nhập và tính cạnh tranh. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với giáo dục nghề nghiệp từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi xuất cảnh.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động…
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp để xuất khẩu lao động năm 2017 đạt được con số kỷ lục, ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng như sửa đổi, bổ sung Quyết định 1465/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm ký quỹ... Tích cực đàm phán ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Campuchia, Lào. Bên cạnh đó, việc cấp và cấp đổi giấy phép chặt chẽ hơn. Công tác phát triển thị trường lao động về cơ bản giữ vững được một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Về phương hướng năm 2018, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Cục quản lý lao động ngoài nước cần tập trung triển khai một số công việc như: Phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Công tác thanh tra chuyên ngành cần có đổi mới. Đồng thời, đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 3 tiêu chí chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước.(ChinhPhu)
----------------------
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần đổi mới quản lý đất đai ở Tây Nguyên
Chiều 19/1, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm việc với UBND tỉnh Đăk Nông về quản lý, sử dụng đất đai tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên cùng một số Sở, ban ngành liên quan trực tiếp đến công tác quản lý và sử dụng đất đai. Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, tổng diện tích tự nhiên 5 tỉnh Tây Nguyên đang quản lý, sử dụng là hơn 5,4 triệu ha, chiếm 16,5% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp xấp xỉ 5 triệu ha, còn lại là đất phi nông nghiệp và một phần nhỏ đất chưa sử dụng, với 201 tổ chức nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn (hay còn gọi là nông, lâm trường).
Sau gần 5 năm triển khai ban hành và tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Đất đai năm 2013, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã ban hành 147 Quyết định dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung về các lĩnh vực giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hạn mức sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Bên cạnh đó các địa phương đã chú trọng công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ, phổ biến luật đất đai tới các bộ, ngành, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất…
Mặc dù công tác quản lý đất đai trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại cùng những nguyên nhân khiến công tác quản lý đất đai chưa được giải quyết thấu đáo như: Chưa thực sự phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, vẫn còn tình trạng sử dụng quỹ đất Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chưa rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn diễn ra.
Công tác quản lý nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn nhiều lỏng lẻo; sử dụng đất không đúng đối tượng , không đúng mục đích. Chưa quản lý và đưa vào khai thác có hiệu quả diện tích nông trường, lâm trường bàn giao lại cho các địa phương; công tác thanh, kiểm tra chưa triệt để, các ban ngành còn đùn đẩy, chồng chéo trong công việc… Cụ thể theo báo cáo đã nêu, với tổng diện tích tự nhiên là 5,4 triệu ha, các địa phương đã giao và cho thuê lên đến 2,3 triệu ha, ngoài diện tích sử dụng đúng mục đích thì có đến trên 63 ngàn ha là đất đang bị lấn chiếm và có tranh chấp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, 5 tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tập trung, rà soát đất đai, lập phương án sử dụng đất trong quản lý nhà nước một cách có hiệu quả; các Bộ, ngành cần đẩy mạnh kiểm tra, hướng dẫn các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tiếp tục rà soát việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp đối với các loại hình giao khoán; đánh giá lại tính hiệu quả, tình trạng quản lý đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp để xem xét, đề xuất những hình thức đổi mới cơ chế hoạt động sao cho hiệu quả và phù hợp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhấn mạnh: "Một trong những mục tiêu mà chúng ta phải đạt được là ổn định đời sống sản xuất cho bà con, đảm bảo phát triển rừng, đảm bảo sinh kế ổn định cho người dân dựa vào cộng đồng. Đồng thời nếu có những chế độ chính sách thì người ta hoàn toàn có thể tham gia vào bảo vệ phát triển rừng rất bền vững.
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết được những tồn tại từ trước tới nay, từ những vấn đề như thiếu cơ sở dữ liệu được đo đạc một cách chính xác, giải quyết những tranh chấp trong quá trình vừa qua để không xảy ra những xung đột giữa người dân với các công ty. Mục tiêu cuối cùng là tìm ra được mô hình thích hợp đối với các công ty trong giai đoạn hiện nay gắn với mục tiêu bảo vệ rừng, khai thác sử dụng hiệu quả đất đai, đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình đổi mới và quá trình quản lý nhằm đáp ứng được các mục tiêu".(VOV)