Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-01-2018
Nhu cầu thanh khoản đã có dấu hiệu gia tăng dù chưa rõ ràng
Sau tuần tăng mạnh trước đó, thị trường liên ngân hàng đã ổn định trở lại khiến lãi suất giảm. Dấu hiệu gia tăng về nhu cầu thanh khoản đã có nhưng chưa thể hiện rõ ràng.
Thanh khoản vẫn dồi dào, NHNN đẩy mạnh phát hành tín phiếu
Theo báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Retail Research, thị trường liên ngân hàng từ 15-19/1 giao dịch ổn định trở lại sau một tuần tăng mạnh. Lãi suất giảm khoảng 50bps ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng, giao dịch lần lượt ở 1,77%, 1,95% và 3,45%, kỳ hạn 3 tháng vẫn đứng ở mức 4,6%.
NHNN tiếp tục đẩy mạnh phát hành tín phiếu. Tổng khối lượng tín phiếu phát hành trong tuần lên tới 54.000 tỷ đồng và có 47.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN đã hút ròng 7.000 tỷ đồng khỏi lưu thông, nâng lượng tín phiếu lưu hành lên 54.000 tỷ đồng. Khối lượng reverse repo cho vay ra không đáng kể và đúng bằng lượng đáo hạn trong tuần, mức lãi suất 4,75% được duy trì.
Theo đánh giá của bộ phận phân tích của SSI, tới thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng vẫn khá ổn định, nhu cầu thanh khoản đã có dấu hiệu gia tăng nhưng chưa thể hiện rõ.
Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu, hoạt động phát hành của KBNN tiếp tục diễn ra thuận lợi. Tổng khối lượng trái phiếu gọi thầu trong tuần này là 4.950 tỷ đồng cho 3 kỳ hạn 10, 15 và 30 năm.
Với giá trị đăng ký gấp 4,6 lần giá trị chào thầu, toàn bộ khối lượng này được phát hành dễ dàng. Lượng cầu lớn cũng giúp lãi suất trúng thầu tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn, lần lượt giảm -20bps, -17bps và -70bps xuống mức 4,7%, 5,03%, và 5,4%.
Trên thị trường thứ cấp, đà giảm của lợi tức trái phiếu có phần chậm lại. Các kỳ hạn dài từ 5 năm có mức giảm trên 10bps, trong khi các kỳ hạn ngắn giảm ít hơn. Cụ thể, kỳ hạn 1 năm giảm -8bps xuống 3,22%, kỳ hạn 2 năm giảm -4bps xuống 3,42%, kỳ hạn 5 năm giảm -11bps xuống 5,16%.
Tổng giá trị giao dịch của thị trường giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức khá tích cực với thanh khoản bình quân đạt 9.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại duy trì hoạt động mua ròng tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị mua ròng đạt 636 tỷ đồng.(NDH)
--------------------------
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể vượt mục tiêu 6,7%
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, và giá trị cổ phần dự kiến thoái trong năm nay gấp 10 lần năm ngoái.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh chụp màn hình từ Bloomberg Television
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg Television ngày 19/1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tăng trưởng GDP trong năm nay có thể tương đương mức 6,8% năm 2017, tức cao hơn mục tiêu 6,7% Chính phủ đề ra, dù có rủi ro từ việc bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu.
Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt như củng cố khu vực ngân hàng - tài chính, hạ lãi suất, tăng chi tiêu cho xây dựng hạ tầng, nông nghiệp và các ngành dịch vụ như du lịch.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối phó với nhiều rủi ro và thách thức, nhưng thách thức lớn nhất là Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh hơn nhưng theo cách bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường, Phó thủ tướng cho biết.
Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 425 tỷ USD, gấp gần 2 lần quy mô GDP. Dó đó, nền kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động từ những bất ổn trên toàn cầu, vốn có thể có tác động trực tiếp đến Việt Nam về thương mại, đầu tư và tiền tệ, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Sẽ cổ phần hóa, thoái vốn tại 245 doanh nghiệp trong năm nay
Chính phủ Việt Nam đang muốn đẩy mạnh việc bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để tăng thu ngân sách và giảm gánh nặng tài khóa, đồng thời tìm các giải pháp để vượt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, Bloomberg đưa tin.
Bloomberg dẫn một báo cáo mới đây của ngân hàng HSBC cho rằng, dù tăng trưởng GDP đạt 6,8% trong năm ngoái, nhưng nợ công cao đang kìm hãm Chính phủ Việt Nam tăng chi ngân sách. Nợ công có thể chạm trần 65% GDP vào năm sau, và khiến Việt Nam trở thành quốc gia đối mặt với áp lực củng cố tài khóa lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ngân hàng Thế giới ước tính nợ công của Việt Nam có thể đạt 64,2% GDP vào năm 2019 so với 62,6% trong năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết lượng cổ phiếu Chính phủ Việt Nam dự kiến thoái trong năm nay gấp 6,5 lần năm ngoái và giá trị gấp 10 lần. Các doanh nghiệp dự kiến được thoái vốn thuộc các lĩnh vực bao gồm năng lượng, điện và dầu khí.
Chính phủ dự kiến thoái vốn tại 245 doanh nghiệp trong năm nay, trong đó có 4 doanh nghiệp dự kiến sẽ được thoái trong quý I, bao gồm: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power và Habeco.
Trong năm ngoái, Việt Nam đã thu về khoảng 135,600 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD, từ việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp. Trong số đó, Chính phủ đã bán 53,59% cổ phần tại Sabeco cho Thai Bev và thu về 4,8 tỷ USD.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam muốn thu hút thêm vốn nước ngoài, nhưng cũng muốn thu hút các nhà đầu tư có năng lực và tài chính và kinh nghiệm để có thể giúp các công ty Việt tăng cường quản trị doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chính phủ đang nghiên cứu cho phép nước ngoài tăng sở hữu tại một số lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng.(Bizlive)
-------------------------------
Ngân hàng tư nhân Việt Nam, khi tiền “rồng” bắt đầu vào nhà “tôm”
"Rồng đến nhà tôm" ý chỉ cách nói khiêm nhường của người được đón khách quý và cao sang đến nhà. Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bắt đầu được đón khách như vậy trong 2017.
Đó là nguồn tiền gửi từ ngân sách, đầu mối chính và có quy mô lớn tập trung ở Kho bạc Nhà nước.
Suốt hàng chục năm qua, hàng trăm nghìn tỷ đồng nguồn vốn này vẫn thường trực trong hệ thống ngân hàng, cao thấp tùy thời điểm, và chỉ tập trung gửi ở các ngân hàng thương mại Nhà nước, gồm Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank).
Chủ yếu nằm ở dạng tiền gửi thanh toán, nguồn vốn này vừa lớn vừa có lãi suất thấp, tạo đầu vào thuận lợi cho những điểm đến, cân đối chi phí vốn, như một đặc quyền.
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cập nhật một số thời điểm cho thấy, quy mô tiền gửi này cuối tháng 5/2017 lên tới khoảng 143 nghìn tỷ đồng, tăng tới 50,2% so với đầu năm; cuối tháng 8/2017 lên tới khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm.
Còn với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hàng chục năm qua họ hầu như không có được nguồn vốn thuận lợi cùng chi phí lãi suất thấp tương ứng như vậy để kê cho hoạt động. Thay vào đó, họ hoàn toàn phải đi cạnh tranh thu hút vốn trên thị trường.
Nhưng, đã bắt đầu có thay đổi trong năm 2017.
Báo cáo tài chính định kỳ từ giữa năm qua của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bắt đầu đón nhận nguồn tiền gửi này, như "rồng đến nhà tôm" vậy. Bởi rất ít thành viên được đón, cũng như lượng gửi nhỏ.
Hiện nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2017 để có mức độ chung. Còn tra cứu sơ bộ các kỳ cập nhật gần đây, chủ yếu mới chỉ thể hiện ở một số trường hợp như Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Cụ thể, tại MB chốt sổ 31/12/2017 có ghi nhận được hơn 1.847 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, trong khi cùng kỳ các năm về trước không có được nguồn này.
Tương tự, tại LienVietPostBank, khoản 2.000 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũng bắt đầu xuất hiện ở kỳ chốt sổ 30/9/2017.
Đó là những con số rất nhỏ so với quy mô ưu thế tại các ngân hàng thương mại nhà nước.
Có tính chất sự kiện, cuối năm vừa qua Vietcombank nắm trọn giao dịch Nhà nước thoái vốn tại Sabeco. Lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại đây đột biến, lên tới hơn 165 nghìn tỷ đồng chốt sổ 31/12/2017. Còn kỳ trước đó, tại 30/9/2017 là hơn 56,3 nghìn tỷ đồng.
Quy mô tiền gửi trên cũng thể hiện rõ ở hai ngân hàng thương mại nhà nước khác là BIDV và VietinBank. Tại BIDV, chốt 30/9/2017 có được hơn 40,7 nghìn tỷ đồng; tại VietinBank cùng thời điểm có hơn 26,4 nghìn tỷ đồng.
Thực tế dòng chảy thanh toán hàng ngày quy mô tiền gửi này có thể lớn hơn so với thời điểm chốt sổ các quý.
Như trên, nguồn tiền gửi "rồng đến nhà tôm" bắt đầu xuất hiện với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trong năm 2017. Đây cũng là năm đầu tiên Thông tư 315/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực.
Trong thông tư đó có điểm quy định: "Căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước xem xét, quyết định việc lựa chọn mở thêm tài khoản tại ngân hàng thương mại khác ngoài các hệ thống ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước hiện đang mở tài khoản".
Dù mới chỉ số ít thành viên khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân được đón "khách quý", lượng tiền gửi chia sẻ còn thấp trong 2017, nhưng ít nhất cũng đã có một sự khởi đầu.
Ngược lại, với ngân sách Nhà nước, với kết quả kinh doanh bắt đầu khởi sắc từ 2017, chắc chắn sẽ có quy mô lớn hơn nữa lượng thuế đóng góp từ khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.(Vneonomy)
-----------------------------
“Cài cắm” có lợi cho mình, gây khó doanh nghiệp
Một số thông tư mới ban hành của các bộ, ngành gần đây khiến DN phải chịu phí cao hơn quy định cũ. Thậm chí có bộ ngành còn tranh thủ “cài cắm” điều kiện có lợi cho mình, gây khó khăn cho DN.
Cơ quan chức năng kiểm tra gỗ nhập khẩu. Ảnh: minh họa.
Anh Nguyễn Anh Đức, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng gỗ cho biết, mỗi năm mất hàng chục tỷ đồng chi phí lưu kho bãi hàng hoá. Theo anh Đức, lí do khiến hàng hoá của anh phải lưu kho bãi lâu vì cơ quan kiểm dịch yêu cầu nhất thiết phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu.
DN mất hàng chục tỷ đồng mỗi năm
“Nhiều lần hàng về, chúng tôi đã có giấy này nhưng cơ quan kiểm dịch nghi ngờ, tiến hành xác minh xong mới được đăng ký kiểm dịch. Tuy nhiên, việc xác minh mất nhiều thời gian, khiến có tháng công ty mất tới 2,5 tỷ đồng tiền lưu kho hàng hoá. Chưa kể hàng để lâu ngoài kho bãi bị hư hỏng khiến doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép”, anh Đức phàn nàn.
Chị Nguyễn Lan Anh, chủ một công ty thuộc ngành thú y tại TP.HCM cho biết, một số thông tư mới ra đời khiến công ty chị phải tốn mức phí gấp hơn 2 lần trước kia. Chị Lan Anh dẫn chứng, theo quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính (ngày 14/11/2016), mức phí mới về kiểm dịch thú y rất cao và chênh lệch lớn so với mức phí cũ.
“Năm 2016, chi phí kiểm tra chuyên ngành của chúng tôi chỉ khoảng 300 triệu đồng/tháng. Sau khi áp dụng thông tư này, số tiền tăng lên gần 700 triệu đồng/tháng. Chi phí tăng khiến chúng tôi rất khó khăn, hàng hoá dịch vụ không thể cạnh tranh”, chị Lan Anh nói.
Với những vướng mắc trên, các DN như của anh Đức, chị Lan Anh đã kiến nghị tới Bộ KH&ĐT khi bộ này tiến hành nghiên cứu về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), tạo thuận lợi cho DN phát triển. Bộ KH&ĐT đã chỉ ra hàng loạt trường hợp, cơ quan chức năng cố tình gây khó khăn cho DN. Tiêu biểu như vướng mắc trong xác định giá trị hải quan.
“Tình trạng tham vấn giá tràn lan là một vấn đề nhức nhối của DN trong thủ tục hải quan. Việc cơ quan hải quan áp dụng biện pháp tham vấn giá tràn lan, không trên cơ sở thị trường, không căn cứ theo thực tiễn hoạt động kinh doanh của DN; tùy ý đưa ra các yêu cầu về cung cấp bằng chứng. Nhiều trường hợp cơ quan hải quan không đưa ra được bằng chứng về nghi vấn giá”, đại diện Bộ KH&ĐT dẫn chứng.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, thực tế trên của cơ quan hải quan gây nhiều bức xúc, thiệt hại cho DN và làm giảm mức độ đánh giá của DN về cải cách chung của ngành hải quan, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.
Tranh thủ “cài cắm” điều kiện làm khó DN
Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, trên thực tế, có bộ ngành lại “đẻ” ra nhiều quy định mới như mở rộng phạm vi mặt hàng kiểm tra. Điều này được Bộ KH&ĐT chỉ ra trong Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo rà soát của Bộ KH&ĐT, thực tế cho thấy thông tư của một số bộ có xu hướng mở rộng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành so với quy định cho phép của luật. Bộ này dẫn chứng với “sản phẩm động vật” quy định tại Luật Thú y được mở rộng tại Phụ lục I, Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT (ngày 30/6/2016). Thoạt nhìn, DN vui mừng bởi thông tư này thay thế hàng loạt văn bản quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y… Tuy nhiên, theo thông tư mới, các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã mở rộng. Một số mặt hàng trước kia không bị kiểm tra chuyên ngành nay đã đưa vào kiểm tra như “sản phẩm từ sữa; sản phẩm từ trứng; thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật”.
“Điều này khiến cho diện hàng hoá phải kiểm dịch động vật quá rộng, quá mức cần thiết”, Bộ KH&ĐT đánh giá.
Ngoài ra, việc mở rộng mặt hàng kiểm tra khiến nhiều DN “khóc dở, mếu dở”. Đại diện một DN kinh doanh mực in cho biết, Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất đã thay đổi căn bản việc thực hiện thủ tục khai báo hóa chất, nhưng lại phát sinh khó khăn mới. Đó là việc mở rộng phạm vi các mặt hàng hóa chất phải khai báo.
“Quy định phải khai báo mặt hàng “hỗn hợp chứa các chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo”, khiến DN và hải quan gặp khó khăn khi thực hiện. Do không thể nhận biết bằng mắt thường để yêu cầu khai báo, mặt hàng mực in của chúng tôi trước đây nhập khẩu bình thường, nay phải giám định mới xác định có thuộc diện phải khai báo, xin giấy phép nhập khẩu hay không”, đại diện DN này cho biết.
Hơn nữa, trong thời gian chờ đợi, hàng hoá phải lưu tại cảng (quy định không được đưa về kho bảo quản). Một số mặt hàng như mực in của công ty lưu giữa ngoài trời từ 15 ngày trở lên khiến mực khô cứng, không thể sử dụng. Ngoài ra một số mặt hàng như bình ắc quy chì, mực in, dung môi hữu cơ, dược phẩm, sơn, thuốc nhuộm… cùng cảnh ngộ với DN kinh doanh mực in này.
“Những nội dung này đã được hiệp hội, DN và Bộ KH&ĐT nhiều lần báo cáo, kiến nghị, nhưng chưa nhận được phản hồi và tiếp thu nào từ phía Bộ NN&PTNT”, Bộ KH&ĐT cho biết.
Cắt giảm kiểu “đối phó”
Với nhiệm vụ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ KH&ĐT cho biết, đến cuối tháng 12/2017, mới có 5 bộ ngành rà soát và đưa ra phương án cắt giảm sửa đổi gồm: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT… Tuy nhiên, quá trình cắt giảm còn nhiều hạn chế. Như Bộ NN&PTNT dự kiến bãi bỏ, sửa đổi 118 ĐKKD nhưng đến nay chưa có phương án sửa đổi cụ thể.
Tương tự, với chức năng được Chính phủ giao làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử, Bộ TT-TT cũng chuẩn bị báo cáo chuyên đề theo quý về tình hình và kết quả cải thiện chỉ số này. Tuy nhiên, báo cáo của bộ này mới chủ yếu tổng hợp hoặc liệt kê số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương.
“Một trong những vấn đề quan trọng là phân tích, đánh giá kết quả và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của chỉ số về Chính phủ điện tử thì Bộ TT&TT chưa làm được. Bộ này cũng chưa có đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.(Tienphong)