TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 21-10-2017

    Sắp có Quỹ đầu tư Bitcoin?

    Với sức nóng lan tỏa toàn cầu của Bitcoin, các tập đoàn quản lý quỹ thế giới đang “dốc sức” nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm tài chính có liên quan đến đồng tiền ảo này, trong đó có quỹ đầu tư Bitcoin.Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến nay chưa có quỹ đầu tư Bitcoin nào được thành lập.

     

    sec van chua cap phep cho bat ky to chuc nao thanh lap quy dau tu bitcoin

    SEC vẫn chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức nào thành lập quỹ đầu tư Bitcoin

     

    Tập đoàn Quản lý quỹ đầu tư VanEck đã nộp hồ sơ xin thành lập Quỹ đầu tư chiến lược VanEck Vectors Bitcoin, nhưng sau đó đã rút lại hồ sơ sau một vài lần làm việc với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC). Tập đoàn Quản lý quỹ REX Shares có trụ sở ở Connecticut, cũng đã từng nộp hồ sơ xin thành lập 2 quỹ đầu tư Bitcoin (Quỹ đầu tư chiến lược Bitcoin REX và Quỹ chiến lược Bitcoin REX Short), nhưng sau đó cũng đã xin rút lại hồ sơ từ SEC.

    Vấn đề là thời điểm

    Ông Phil Back, Giám đốc điều hành Quỹ ACSI, cựu Trưởng Ban quản lý quỹ ở Sở Giao dịch chứng khoán New York, cho biết lý do các Tập đoàn REX và VanEck đã rút hồ sơ thành lập quỹ đầu tư Bitcoin là do chưa phải là thời điểm thích hợp để thành lập các quỹ này. Trong khi SEC cho biết sẽ chưa phê duyệt hồ sơ thành lập quỹ đầu tư Bitcoin của hai tập đoàn nói trên cho tới khi các hợp đồng kỳ hạn Bitcoin chính thức được giao dịch.   

    “Đến nay, SEC vẫn chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức nào thành lập quỹ đầu tư Bitcoin. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi SEC yêu cầu các Tập đoàn REX và VanEck rút lại hồ sơ thành lập quỹ Bitcoin”, ông Phil Bak cho biết.

    Theo ông Phil Back, nếu các hợp đồng kỳ hạn Bitcoin được chấp thuận giao dịch, thì các quỹ đầu tư Bitcoin sẽ có nhiều khả năng được phê duyệt hoạt động hơn so với các sản phẩm Bitcoin giao ngay đã từng bị từ chối cấp phép năm ngoái.

    “Chúng tôi kỳ vọng SEC sẽ thay đổi quan điểm về quỹ đầu tư Bitcoin một cách từ từ và thận trọng. Bởi vì, cơ quan này vẫn còn đang có nhiều quan ngại, nhất là việc giám sát hoạt động của các quỹ này”, ông Back nhấn mạnh.    

    Những quan điểm trái chiều

    Tại một hội thảo được Bloomberg tổ chức mới đây, ông Mark Wiedman, Giám đốc đầu tư chỉ số toàn cầu của BlackRock, cho biết: “Tôi hoàn toàn không đồng ý việc thành lập quỹ đầu tư Bitcoin, bởi vì đó là các sản phẩm giao dịch khó tiếp cận”.

    “Nếu Bitcoin đã từng thành công, thì tại sao lại cần một quỹ đầu tư để tiếp cận nó”, ông Mark Wiedman nói.

    Trong khi đó, ông Ryan Radloff, Giám đốc của CoinShares lại ủng hộ việc thành lập quỹ đầu tư Bitcoin. “Xét về dài hạn, ý kiến của ông Wiedman là chính xác. Bởi vì, khi đó, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân có thể dễ dàng mua và nắm giữ Bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cơ cở hạ tầng kỹ thuật của các đồng tiền ảo còn hạn chế, nên các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao dịch Bitcoin”, ông Ryan Radloff lập luận.

    Ông Radloff lý giải, Bitcoin và một số đồng tiền ảo khác mới chỉ có 8 năm hoạt động. Nhưng trong 25 năm tới, mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các đồng tiền ảo này được hiện đại hóa lên gấp nhiều lần.

    “Các nhà đầu tư mạo hiểm đang rất cần những sản phẩm giao dịch tín thác như sản phẩm của XBT Provider’s vì tính thanh khoản và khả năng tiếp cận của nó”, ông Radloff nhấn mạnh và cho biết thêm, không ít các tổ chức tài chính và các quỹ phòng hộ đang muốn Bitcoin nằm trong một phần danh mục đầu tư của họ, nhưng họ đang bị cản trở bởi các rào cản pháp lý của nước sở tại. Do đó, các quỹ đầu tư Bitcoin đang là một lựa chọn tốt nhất trong điều kiện hiện nay.(DDDN)
    -----------------------------

    FCBDM với 4 chủ đề hợp tác tài chính do Việt Nam đề xuất

    Sáng 20/10/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương  APEC (FCBDM) đã chính thức khai mạc tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

    Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì hội nghị.

    toan canh hoi nghi

    Toàn cảnh Hội nghị

    FCBDM là phiên họp thứ hai của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các hội nghị liên quan, với sự tham gia của các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương, các đại biểu đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC và tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WBG), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)...

    Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết. Tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tổ chức tại TP. Nha Trang vào tháng 2/2017, các đại biểu tham dự đã nhất trí với 4 chủ đề sáng kiến trong Tiến trình hợp tác tài chính APEC 2017 do Việt Nam đề xuất, gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và Tài chính bao trùm.

    Trong suốt cả năm qua, với vai trò chủ trì, Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hội thảo và hội nghị về 4 chủ đề này. Trong các phiên họp diễn ra hôm nay (20/10/2017), các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế cũng như Bộ Tài chính Việt Nam và NHNN Việt Nam sẽ báo cáo về tình hình và kết quả đã đạt được, đồng thời đề xuất một số nội dung tiếp tục hợp tác thời gian tới. 

    Tại các phiên họp, các đại biểu tham dự FCBDM cùng thảo luận về tình hình thực thi Chiến lược thực hiện Kế hoạch hành động Cebu (CAP);  thảo luận về việc tăng cường đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết các thách thức trong dự án PPP, trong đó bao gồm cơ chế chia sẻ rủi ro. Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng thảo luận về tiến độ thực hiện BEPS trong APEC, tập trung vào các tiêu chuẩn tối thiểu và các biện pháp triển khai BEPS ưu tiên thực hiện.

    Một nội dung quan trọng khác được các đại biểu cùng trao đổi là chủ đề về Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, trong đó bao gồm chiến lược quốc gia ứng phó với rủi ro thiên tai, chính sách và quản lý tài sản công chịu rủi ro thiên tai và rà soát kết quả đầu ra báo cáo lên các Bộ trưởng Tài chính APEC; cùng thảo luận về kết quả đầu ra hợp tác APEC về tài chính bao trùm, chia sẻ kinh nghiệm phát triển tài chính bao trùm trong khu vực và các ưu tiên trong APEC 2017.

    Ngoài các chủ đề trên, FCBDM cập nhật về tình hình triển khai Kế hoạch hành động Cebu, các hoạt động của SOM và một số nội dung như hoạt động của Ủy ban Kinh tế APEC; những hoạt động hợp tác trong Diễn đàn Sáng kiến Khoa học và Đời sống.

    Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng  cho ý kiến về Bản Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính, rà soát lại để trình lên các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua tại phiên họp diễn ra vào ngày mai (21/10/2017).(TBNH)
    --------------------------------

    Giá vàng giảm do tín hiệu tích cực từ cải cách chính sách thuế

    Giá vàng hôm thứ 6 giảm do đồng USD tăng mạnh nhờ kỳ vọng Mỹ thực hiện cải cách thuế sau khi Thượng viện đã thông qua dự luật ngân sách của Đảng cộng hòa.

    Giá vàng khó có thể phục hồi từ đợt giảm liên tiếp trong 3 ngày đầu tuần khi đồng USD tăng trở lại. Dấu hiệu của việc thực hiện cải cách chính sách thuế ngày càng rõ ràng hơn khiến nhà đầu tư kỳ vọng nhiều rằng cú hích về tài chính sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.

    Thượng viện đã thông qua dự luật ngân sách của Đảng cộng hòa vào hôm thứ 5. Đây là bước quan trọng trong tiến trình cải cách thuế mà không cần sự ủng hộ của phe dân chủ.

    Chính sách cải cách thuế được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát, giúp đẩy giá đồng bạc xanh từ đó làm giảm nhu cầu vàng.

    Một yếu tố khác cũng gây áp lực lên giá vàng là dấu hiệu nền kinh tế được cải thiện sau khi doanh số bán nhà tăng 0,7% lên 5,39 triệu nhà vào tháng 9.

    Giá bạc giảm 1,14% xuống còn 17,06 USD/ounce trong khi giá bạch kim tăng thêm 0,02% lên 926 USD/ounce.(NDH)
    -----------------------------

    Thủ tướng chỉ thị một loạt nhiệm vụ cấp bách trong thực hiện các FTA

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị 38/CT-TTg về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.

    Để tiếp tục thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới ta sẽ tham gia trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế chỉ thị các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới.

    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tích cực chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện “Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đôn đốc các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW.

    Rà soát định kỳ, đảm bảo thực thi nghiêm túc các FTA; đánh giá kịp thời các vấn đề phát sinh và kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết FTA và việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khai thác hiệu quả các FTA.

    Tạo thuận lợi cho kinh doanh và XNK hàng hóa

    Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ dành nguồn lực và ưu tiên thỏa đáng cho việc thực thi các FTA, đồng thời hỗ trợ các bên liên quan khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực trong các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách.

    Đồng thời đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.

    Bên cạnh đó thường xuyên, kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ các quy định không phù hợp với các cam kết FTA nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam là thành viên.

    Chủ động đề xuất với Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong trường hợp FTA bị vi phạm; tăng cường chế tài và áp dụng xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Chú trọng hơn đến việc kiểm tra giám sát quá trình thực hiện chính sách.

    Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn, giải thích cách hiểu và áp dụng thống nhất quy định của FTA trong lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng các quy định đó.

    Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động đẩy mạnh việc phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức cho các đơn vị, cán bộ chuyên ngành, các địa phương và doanh nghiệp về những cam kết quốc tế có liên quan để bảo đảm việc thực thi được đầy đủ, kịp thời. Cần có chủ trương, cơ chế nhằm khuyến khích đội ngũ tri thức, chuyên gia tham gia vào quá trình nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đối với Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

    Chủ động tiến hành đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các các ngành, doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh để tận dụng tối đa những lợi ích từ các FTA. Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. 

    Bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước

    Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, viện, các cơ quan nghiên cứu, Hiệp hội liên quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đánh giá khả năng vận dụng ưu đãi của các FTA theo các nhóm ngành hàng cụ thể, từ đó xây dựng các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực.

    Đồng thời chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp phi thuế như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.

    Tăng cường, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng các kênh bán hàng, phân phối v.v.; trong đó, chú trọng các nước đối tác trong các FTA hiện hành và có tiềm năng đem lại tác động tích cực cho thương mại Việt Nam.

    Bộ Ngoại giao chủ trì, theo dõi sát sao các diễn biến chính trị - an ninh - kinh tế trong khu vực và trên thế giới, tình hình quan hệ đối ngoại của Việt Nam nhằm dự báo và đề xuất giải pháp đối với các vấn đề có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa nước ta với các nước đối tác FTA; chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao kịp thời cung cấp các thông tin về chính sách của các nước đối tác FTA và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

    Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh để phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư mà Việt Nam là thành viên. 

    Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin khoa học công nghệ quốc tế để phục vụ phổ cập, ứng dụng trong nước cho sản xuất hàng xuất khẩu chất lượng tốt; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, vận dụng các biện pháp bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong nước, phù hợp với trình độ và định hướng phát triển công nghệ của ta trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

    UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Thủ tướng Chính phủ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên; chủ động đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ; chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm đối tác tiềm năng, mở rộng mạng lưới kinh doanh; trao đổi thông tin, kinh nghiệm khai thác các FTA giữa các Phòng Thương mại, Công nghiệp.(TBNH)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn