TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-10-2017

    Vì đâu ngành ô tô Australia không cạnh tranh nổi với Thái Lan, Trung Quốc và sụp đổ?

    Tất cả những vụ đóng cửa nhà máy trên đặt dấu chấm hết cho một ngành sản xuất quan trọng tại Australia. Đồng thời nó cũng gây ra một cú sốc không nhỏ với kinh tế nước này. 

    anh: bloomberg

    Ảnh: Bloomberg

     

    Vào ngày Chủ Nhật vừa rồi, hàng nghìn người tụ tập trong sự kiện diễu hành xe ô tô tại trung tâm của ngành sản xuất xe ô tô. Không ít người coi đó là niềm vui trong chốc lát, nhưng cũng rất nhiều người hiểu rằng đây là những dấu ấn cuối cùng của ngành sản xuất xe ô tô đang “chết yểu” tại nước này. 

    Ngày thứ Sáu tuần này, General Motors đóng cửa nhà máy có tên Holden tại ngoại ô của thành phố Elizabeth tại miền Nam Australia. Hơn một thế kỷ tồn tại qua nhiều thăng trầm tại đất nước này, “cái chết” của ngành sản xuất ô tô Australia hẳn không ai mong muốn.

    Khi nhà máy của General Motors đóng cửa, hàng trăm công nhân tại đây sẽ thất nghiệp. Trước đó không lâu, Toyota Motor đã đóng cửa nhà máy tại bang Victoria kế bên. Năm ngoái, Ford Motor cũng đã chấm dứt mọi hoạt động sản xuất tại Australia. 

    Tất cả những vụ đóng cửa nhà máy trên đặt dấu chấm hết cho một ngành sản xuất quan trọng tại Australia. Đồng thời nó cũng gây ra một cú sốc không nhỏ, đặc biệt là tại khu vực Nam Australia nơi mà dù thời gian gần đây kinh tế đã hồi phục nhưng vẫn không ngăn được rất nhiều người bỏ khu vực này ra đi.

    “Rõ ràng ngành công nghiệp ô tô có vai trò vô cùng quan trọng, và một khi ngành bị xóa sổ, tác động tiêu cực đến kinh tế, đầu tư và việc làm của người địa phương không hề nhỏ”, giáo sư kinh tế kiêm giám đốc trung tâm nghiên cứu Australian Industrial Transformation Institute thuộc đại học Flinders tại Adelaide, Úc, ông John Spoehr, nhận xét. 

    Trong buổi diễu hành của ngành ô tô trong tuần qua, khoảng 25 nghìn người trong đó bao gồm rất nhiều công nhân từng làm việc trong ngành ô tô. Họ cùng nhau ngắm nhìn 1.200 mẫu xe trên đường phố. Chiếc xe đi cuối cùng được sản xuất trên dây chuyền sản xuất ở thời điểm năm mươi năm tính từ khi nhà máy bắt đầu sản xuất ra chiếc xe ô tô đầu tiên. 

    Khu vực Nam Australia với hơn 60% tổng diện tích là sa mạc không được hưởng từ sự phát triển của ngành khai mỏ vốn mang lại sự giàu có cho nhiều bang khác. Thay vào đó, khu vực này chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc đồng đôla Úc tăng giá và mức lương lao động tăng cao. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn Australia trong năm nay giảm từ 7% xuống 5,8% tuy nhiên tại Nam Australia, gần 7 nghìn người đã bỏ bang ra đi trong năm ngoái. 

    Cũng đối diện với không ít khó khăn khi các nhà máy ô tô đóng cửa nhưng tình hình tại bang Victoria có phần ổn hơn. Kinh tế tại bang vẫn tiếp tục phát triển, tỷ lệ di cư vào bang tăng vọt trong năm năm gần đây. Chỉ riêng năm 2016 có thêm 18 nghìn người đến sống tại bang để kiếm việc và nhà giá rẻ. Giá nhà tại Victoria rẻ hơn so với New South Wales. 

    Giáo sư Spoehr nhận xét: “Kinh tế của Victoria đa dạng hơn, các ngành dịch vụ phát triển mạnh, đặc biệt ngành dịch vụ tài chính phát triển nhanh, tăng trưởng dân số cao. Cơ hội cho người lao động ngành sản xuất tại Victoria cũng nhiều hơn so với các bang khác.”

    Australia chịu tác động tiêu cực không nhỏ từ sự sụp đổ của ngành ô tô. Tuy nhiên nếu tính toàn bộ nền kinh tế, kinh tế Australia vẫn có nhiều điểm sáng. Tính từ khi nhà máy ô tô đầu tiên đóng cửa tại Australia hơn bốn năm trước đây, Australia vẫn có hơn 800 nghìn việc làm mới. Và trong mười hai tháng qua, ngành y tế, xây dựng và giáo dục tạo ra thêm được rất nhiều việc làm, chính vì vậy người lao động có thể có cơ hội chuyển đổi ngành nghề. 

    Australia bắt đầu xây dựng ngành ô tô từ năm 1901 khi ông Harley Tarrant xây dựng nhà máy ô tô đầu tiên tại Melbourne. Đồng đô la Australia tăng giá, ô tô Australia khó bán. Ngoài ra, ngành ô tô cũng gặp khó khi phải cạnh tranh với sản phẩm được sản xuất từ những nước có ngành ô tô phát triển và chi phí lao động cực rẻ như Trung Quốc hay Thái Lan.

    Sự thất bại của ngành ô tô Australia đến như một lẽ tất yếu. Fold, Holden và Toyota trong năm 2013 và 2014 tuyên bố đóng cửa nhà máy. Ở thời điểm đó khoảng 11 nghìn người Australia đang làm việc trong ngành ô tô. 

    Và chính phủ Australia tất nhiên cũng không “ngồi yên”. Chính phủ đã thông báo dành 70 tỷ USD để phát triển ngành đóng tàu, chủ yếu tập trung tại bang Nam Australia và dự kiến sẽ tuyển dụng hàng nghìn lao động. Điểm đáng tiếc duy nhất là phải đến năm 2020 kế hoạch này mới được khởi động, người lao động sẽ cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa. (Bizlive)
    ----------------------

    Thị trường thịt lợn Hàn Quốc: "Miếng bánh" béo bở nhưng không dễ giành

    Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng đối với các nước xuất khẩu thịt lợn do nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính và đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Hồi tháng 4, người chăn nuôi lợn Việt Nam phải trải qua giai đoạn khủng hoảng khi giá lợn rớt giá thảm hại, người dân phát động phong trào "giải cứu lợn". Trong bối cảnh đó, nhiều doanh Việt tìm đường xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc.

    Trao đổi tại "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam", ông Lee Jong Beom, Phó Tồng giám đốc Công ty Cổ phần Daewon Hàn Quốc cho biết hiện nay, hoạt động chăn nuôi, sản xuất thịt heo tại Hàn Quốc đang giảm mạnh do liên quan tới một số vấn đề về môi trường và dịch bệnh như lở mồm long móng. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh. Hàn Quốc đang phải nhập khẩu thịt heo từ 10 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu thịt heo lên tới trên 5 tỷ USD.

    Ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông cho biết hằng năm, nhu cầu nhập khẩu thịt ba chỉ, chân giò chất lượng cao của thị trường Hàn Quốc lên tới hàng chục tấn. Những năm gần đây nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã kết nối cùng các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội nhập khẩu thịt lợn ba chỉ và chân giò lợn của Việt Nam. Ngay thời điểm tháng 5/2017, thông qua Công ty TNHH VIETGO Việt Nam đã có các đơn hàng từ các doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng nhập khẩu khoảng 6.000 tấn thịt ba chỉ và khoảng 3.000 tấn thịt chân giò trong năm đầu tiên.

    Lợi thế của Việt Nam là có bộ giống lợn tốt từ nhập khẩu nhiều năm nay và có các tổ hợp lai tạo ra lợn thương phẩm chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt thịt ba chỉ và chân giò phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của Hàn Quốc. Đã có nhiều doanh nghiệp liên doanh của Hàn Quốc đầu tư chăn nuôi tại Việt Nam, đồng thời có nhiều doanh nghiệp giết mổ, chế biến thịt lợn của Việt Nam nhập khẩu công nghệ, quy trình chế biến của Hàn Quốc.

    Thịt heo là một trong những thực phẩm được người Hàn Quốc sử dụng nhiều nhất. Các sản phẩm từ thịt heo ở Hàn Quốc như xúc xích, thịt xông khói đang tăng dần. Chính phủ Hàn Quốc đã nghiên cứu các yếu tố khác nhau của ngành chăn nuôi nhằm đảm bảo tính cạnh tranh về giá và kích thích tiêu thụ thịt heo nhập khẩu.

    Tuy nhiên thời điểm hiện tại vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng do đó sự phụ thuộc vào thịt lợn nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi.

    Bên cạnh đó, ông Jong Beom còn nhấn mạnh người Hàn Quốc rất chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng thịt nhập khẩu đồng thời phải đảm bảo về vấn đề giá cả phải chăng. Khi nhập khẩu tăng lên Daewon sẽ cung cấp dây truyền sản xuất và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất thịt heo sang thị trường Hàn Quốc.

    Tuy nhiên, để xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Hàn Quốc cần thiết mở thị trường cấp quốc gia. Bên cạnh đó, cơ quan thú y của Việt Nam cần trao đổi và thống nhất với cơ quan thú y của nước bạn về các quy định kiểm dịch; thống nhất quy trình và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thịt lợn xuất và nhập khẩu. Đặc biệt vấn đề kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm đang là rào cản lớn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung.

    Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết theo đánh giá năng lực ngành thú y do Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) thực hiện, ngành thú y Việt Nam được đánh giá ở bậc 3/5 về các mặt hoạt động nói chung. Trong khi đó, Cơ quan thú y Hàn Quốc yêu cầu thịt lợn xuất khẩu vào Hàn Quốc phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng (được OIE công nhận). Nhưng hiện nay, Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh lở mồm long móng nên chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn. Vậy nên, trước mắt sẽ tập trung vào đàm phán xuất khẩu sản phẩm thịt lợn chế biến chín.

    Chia sẻ tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng bên cạnh việc xây dựng cả quốc gia đảm bảo không có bệnh lở mồm long móng, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, chia nhỏ theo khu vực để tạo thành các vùng an toàn dịch bệnh. Năm 2014, dự án “Nhà máy chế biến thực phẩm sạch – khu chăn nuôi xanh” được một doanh nghiệp đầu tư xây dựng với dây chuyền tự động công suất 300 con/giờ và kho lạnh công nghệ đồng bộ nhập khẩu từ Hàn Quốc; tổng vốn đầu tư là 350 tỷ đồng. Đến nay các hạng mục cơ bản đã hoàn thành và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11/2017. (NDH)
    ------------------------

    Kinh tế Trung Quốc chậm lại trong quý 3 khi thị trường BĐS bị kiểm soát

    Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại một chút đúng như dự báo trong quý 3 khi nỗ lực của chính phủ nước này nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản và giảm rủi ro nợ có thể làm dịu đi những hoạt động trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

    nhieu thanh pho lon cua trung quoc dang no luc lam diu lai da tang gia nha dat

    Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đang nỗ lực làm dịu lại đà tăng giá nhà đất

    Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm thứ Năm (19/10) cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 6,8% trong quý 3 so với một năm trước, tương đương với ước tính của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ​​của Reuters và giảm từ mức 6,9% trong quý 2.

    Tính theo hàng quý, GDP quý 3 tăng 1,7% so với quý trước, cũng giảm nhẹ so với mức tăng 1,8% trong quý 2 (đã được điều chỉnh tăng so với ước tính ban đầu là tăng 1,7%). Các nhà phân tích cũng dự đoán GDP quý 3 sẽ tăng trưởng 1,7% so với quý trước.

    Theo các nhà phân tích, sự giảm tốc nhẹ này bắt nguồn từ sự suy giảm trong đầu tư bất động sản và xây dựng do nhiều thành phố đang nỗ lực hạ nhiệt đà tăng nóng của giá nhà đất. Trong khi Chính phủ Ttrung Quốc cùng đang nỗ lực kiểm soát các khoản cho vay rủi ro đã đẩy chi phí vay mượn tăng lên.

    Hoạt động xây dựng mới được đo bằng diện tích sàn chỉ tăng 6,8% trong 9 tháng đầu năm, giảm từ mức tăng 7,6% của 8 tháng, theo NBS.

    Mặc dù nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm hạn chế đầu cơ trên thị trường bất động sản và cắt giảm nợ được dự báo sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của một số khu vực trong nền kinh tế, song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nhận được sự hỗ trợ tích cực bởi sự tăng trưởng tốt hơn dự kiến ​​trong thương mại và cho vay ngân hàng.

    Cũng theo NBS, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,6% trong tháng 9 so với năm ngoái, cao hơn dự báo; trong khi đầu tư tài sản cố định tăng 7,5% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn dự báo. Doanh số bán lẻ tăng 10,3% trong tháng 9 so với năm ngoái, cao hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích là tăng 10,2%.

    Các Dữ liệu được công bố tuần trước cho thấy cả nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 9, cho thấy nền kinh tế vẫn đang phát triển với tốc độ cao. Các ngân hàng Trung Quốc cũng cho vay nhiều hơn dự kiến ​​trong tháng trước do nhu cầu cao của các doanh nghiệp và người mua nhà.

    Được biết, Chính phủ Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khá khiêm tốn, khoảng 6,5% trong năm 2017, bởi về mặt lý thuyết điều đó sẽ tạo nhiều dư địa cho cải cách sau khi nền kinh tế tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 - mức thấp nhất trong 26 năm.(TBNH)
    --------------------------------

    Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Hoa Kỳ đẩy nhanh phê chuẩn Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần

    Đây là một trong các nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất trong buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ và các thành viên Đoàn Hoa Kỳ trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM).

    Sáng ngày 20/10/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM) đang diễn ra tại Palm Garden Resort, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch FMM 2017 đã tiếp ông David Malpass, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ và các thành viên Đoàn Hoa Kỳ.

    Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và ông David Malpass, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã cùng trao đổi về hợp tác song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.

    Theo đó, từ năm 2007, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Việt Nam đã triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm, chứng khoán, thị trường vốn và kế toán kiểm toán.

    Bộ Tài chính Việt Nam trong thời gian qua đã nhận được một số kiến nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến chính sách của Việt Nam, Bộ Tài chính Việt Nam đã rất cởi mở trao đổi để cùng tháo gỡ với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

    Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ xem xét đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Hoa Kỳ.

    Cùng đó, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tích cực phối hợp và tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm đi đến ký kết và thực hiện Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hải quan; Về các hỗ trợ ODA, hỗ trợ kỹ thuật...

    Ông David Malpass cho biết, trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa kỳ thời gian qua và những đề xuất của Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ Tài chính Hoa kỳ sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với Bộ Tài chính Việt Nam để cả hai bên cùng phát triển.

    Về tình hình kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để vươn lên từ một nền kinh tế thu nhập thấp trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam thời gian qua còn gặp nhiều thách thức như tăng trưởng chưa bền vững, chất lượng đầu tư công chưa cao, thu ngân sách nhà nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu chi...

    Định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về tài chính, hoàn thiện các Luật thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu và đảm bảo cân đối NSNN; tăng cường quản lý và cơ cấu lại nợ công; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; tiếp tục tái cơ cấu, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống thị trường tài chính, bảo hiểm và dịch vụ kế toán, kiểm toán; đẩy mạnh cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động doanh nghiệp nhà nước.(NDH)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn