Tin kinh tế đọc nhanh 28-09-2018
Làn gió mới cho công nghiệp hỗ trợ
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa; đồng thời tăng cường liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu… Đó là những tín hiệu đáng mừng, tạo “làn gió mới” trong lĩnh vực này.
Chủ động đầu tư, liên kết
Là DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô, ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, trước bối cảnh hiện nay, Thaco đã đề ra chiến lược phát triển mới trong giai đoạn 2017 - 2021 sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào khu phức hợp sản xuất lắp ráp ô tô Chu Lai tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam để nâng cấp công suất các nhà máy ô tô và gia tăng phát triển CNHT.
Trong đó, bên cạnh hệ thống các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng hiện hữu, Thaco tiếp tục thực hiện đầu tư chiến lược để gia tăng hàm lượng nội địa bằng các dự án phát triển nhà máy CNHT mới gồm: Nhà máy sản xuất linh kiện nhựa; nhà máy sản xuất máy lạnh xe tải, xe bus; nhà máy sản xuất khung gầm xe bus; nhà máy sản xuất ống xả ô tô; nhà máy sản xuất xy lanh thủy lực; nhà máy hóa chất; nhà máy sản xuất mâm ô tô…
Không chỉ có các DN lớn đầu tư vào CNHT như Thaco, nhiều DN vừa và nhỏ cũng đã đón đầu cơ hội, liên kết đầu tư trong lĩnh vực này. Ông Đào Duy Luận - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và thương mại Systech cho hay, hiện công ty đã cung cấp linh kiện cho khoảng 300 khách hàng là các DN FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó khách hàng lớn là Sam Sung, Canon, Brother. Nếu như trước đây công ty chủ yếu làm thương mại, thì từ năm 2015 chuyển hướng liên doanh với các đối tác là các DN vừa và nhỏ của Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản để sản xuất các linh kiện tại Việt Nam. Việc liên kết hợp tác đã giúp các bên phát huy lợi thế của nhau.
“Chẳng hạn, chúng tôi đã liên doanh với Malaysia để sản xuất các loại túi có màng nhôm, chống ẩm dành cho ngành công nghiệp điện tử. Theo đó, đối tác Malaysia sẽ chuyển giao máy móc, còn chúng tôi sẽ vận hành nhà máy, mua nguyên vật liệu và thực hiện kinh doanh” - ông Đào Duy Luận dẫn ra ví dụ cụ thể.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Khẳng định để tiếp cận khách hàng là các công ty nước ngoài, mấu chốt nằm ở năng lực của DN CNHT, ông Đào Duy Luận cho rằng, hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều công ty trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn lớn như: Samsung, LG, Canon, Meiko, Brother, Nidec… Từ kinh nghiệm của Systech cho thấy, để tiếp cận các khách hàng này, DN CNHT cần có sự kiên trì, vượt qua các bài kiểm tra của họ. Sau khi vượt qua rào cản về giá, chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố họ đặt lên hàng đầu và quyết định mối quan hệ hợp tác lâu dài. DN buộc phải thích nghi để đáp ứng niềm tin khách hàng. Tuy nhiên, để khuyến khích các DN đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT, rất cần sự hỗ trợ, định hướng mạnh và quyết liệt của nhà nước, trong đó chú trọng tạo điều kiện cho DN về thuế, đất đai, nhà xưởng…
Đồng quan điểm, ông Lê Nguyên Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Loriot cho biết, năm 2017, công ty đạt doanh thu khoảng 120 tỷ đồng, chủ yếu là cung ứng phụ tùng, dịch vụ kỹ thuật cho các tập đoàn nước ngoài như Samsung. Muốn cung ứng sản phẩm cho DN FDI cũng như muốn đánh bật các đối thủ phụ trợ từ nước ngoài, buộc sản phẩm của DN phải có chất lượng đảm bảo và giá thành tốt. Do đó, việc đầu tư dây chuyền công nghệ rất quan trọng, máy móc làm ra các linh kiện phải hiện đại, dây chuyền sản xuất phải tự động hóa cao.
Tương tự, theo Công ty TNHH 4P, công ty hiện đang là nhà cung cấp cấp 1 cho LG, Sam Sung, mỗi tháng cung cấp hơn 3 triệu sản phẩm như bản mạch tivi 3D, bản mạch cho máy in, camera… Các yếu tố quyết định thành công của 4P đó là quyết định lựa chọn, đầu tư về công nghệ, đào tạo đội ngũ quản lý và vận hành, xây dựng hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, thay vì làm sản phẩm hoàn chỉnh, công ty đã căn cứ vào năng lực của mình quyết định bắt đầu từ những linh kiện nhỏ nhưng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay, gần như đã đầy đủ danh sách nhà máy của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Con đường của một số DN Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các DN nước ngoài lớn đã trở nên sáng sủa hơn khi ngoài những nỗ lực của các DN, các chính sách về phát triển CNHT của Việt Nam đã được xây dựng khá đồng bộ và toàn diện. Hy vọng rằng, những bước tạo đà này sẽ thúc đẩy ngành CNHT Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.(Baocongthuong)
------------------------
Goldman: Giá dầu Brent ổn định trong dải 70 tới 80 USD/thùng vào cuối năm 2018
Goldman Sachs cho biết giá dầu thô Brent có thể ổn định trở lại trong phạm vi 70 tới 80 USD/thùng vào cuối năm nay, với chất xúc tác nguồn cung khác ngoài Iran cần thiết để xua tan chiều tăng giá.
Dầu thô Brent tăng lên mức cao nhất trong gần 4 tuần tại 82,55 UDS/thùng vào ngày 25/9/2018.
Ngân hàng đầu tư này cho biết sự sụt giảm nhanh hơn dự kiến trong xuất khẩu của Iran, thất bại của OPEC với cam kết tăng mạnh sản lượng, dự kiến tăng trưởng ổn định và việc mua thêm của Trung Quốc đã hỗ trợ đợt tăng giá dầu mới nhất này.
Goldman nói “trong khi chúng tôi điều chỉnh lộ trình xuất khẩu của Iran phản ánh sự sụt giảm nhanh hơn, điều này không ảnh hưởng tới sự cân bằng dầu mỏ của chúng tôi do chúng tôi tiếp tục dự kiến rằng phần còn lại của OPEC sẽ bù cho thiếu hụt như vậy”. Thiếu hướng dẫn tăng trưởng sản lượng mới của OPEC không phản ánh mong muốn giá tăng lên cao hơn.
Mỹ sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt để dừng xuất khẩu dầu mỏ của Iran, nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC, bắt đầu từ ngày 4/11/2018. Trong khi sự mất mát nguồn cung từ Iran là một yếu tố chính trong sự gia tăng giá dầu gần đây.
Các quan chức Mỹ, gồm Tổng thống Donald Trump đang cố gắng thuyết phục các nhà tiêu dùng và người đầu tư rằng thị trường vẫn được cung cấp đủ trong khi yêu cầu các nhà sản xuất nâng sản lượng của họ.
Trong bài phát biểu của ông tại Liên hợp quốc ngày 25/9, Trump đã nhắc lại lời kêu gọi OPEC bơm thêm dầu và dừng nâng giá. Ông cũng cáo buộc Iran gieo rắc rối và hứa tiếp tục trừng phạt nước này.
Ngày 23/9/2018, Saudi Arabia (lãnh đạo của OPEC) và Nga đồng minh sản xuất dầu lớn nhất của họ ngoài tổ chức này đã khước từ tăng sản lượng ngay lập tức.
Mức tồn kho dưới trung bình và triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa các nhà sản xuất dầu, nghĩa là nguy cơ giá vẫn nghiêng theo chiều tăng. (VITIC)
-------------------------------------
Sự thiếu hụt dầu mỏ của châu Á nới rộng vào năm 2025
Một giám đốc điều hành tại công ty Total, Pháp cho biết sự thiếu hụt trong dầu mỏ của châu Á tăng lên 35 triệu thùng/ngày vào năm 2025, tăng khoảng 30% từ mức hiện tại 27 triệu thùng, khuếch đại sự mất cân bằng dòng chảy thương mại toàn cầu.
Thomas Waymel, giám đốc kinh doanh và vận chuyển của công ty cho biết cùng thời điểm này, nhập khẩu của châu Âu sẽ ổn định ở mức 10 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu từ Bắc Mỹ và Trung Đông sẽ tăng.
Waymel cho biết trong Hội nghị Dầu khí châu Á Thái Bình Dương tại Singapore, Mỹ sẽ xuất khẩu dầu đá phiến, nhưng các nhà máy lọc dầu của họ sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu chua loại trung và nặng.
Những thay đổi quy định như IMO 2020, mà sẽ hạn chế hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu, sẽ là một động lực cho tăng trưởng và thay đổi dòng chảy thương mại.
Waymel nói “dòng dầu mazut sẽ giảm. Đồng thời, ngành công nghiệp vận chuyển sẽ cần các sản phẩm chưng cất ... vì thế châu Âu và Singapore sẽ thu hút thêm sản phẩm chưng cất”.
Dòng chảy thương mại mới có thể xuất hiện đối với dầu mazut hàm lượng lưu huỳnh cao trong các lò luyện cốc và các nhà máy điện chuyển từ than hay khí đốt sang dầu mazut hàm lượng lưu huỳnh cao.
Dầu thô ngọt nhẹ sẽ có nhu cầu cao hơn, trong khi các loại dầu chua nặng sẽ cần được các nhà máy lọc dầu phức hợp xử lý. (Vinanet)