Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-09-2018
Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ
Ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 27%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về lĩnh vực bảo hiểm cho biết, hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III năm 2018 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 14%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 20%.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 27%.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế trong 8 tháng, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 365.528 tỷ đồng, tăng 35,16% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 289.002 tỷ đồng (tăng 27.63% so với cùng kỳ năm trước). Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 80.837 tỷ đồng (tăng 38,81% so với cùng kỳ năm trước).
Theo báo cáo Bộ Tài chính, trong tháng 9 sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán, bảo hiểm giai đoạn 2017-2020.Tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm; hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về bảo hiểm vi mô.(Bizlive)
----------------
Năng lượng mặt trời và dấu ấn tiên phong
Tốc độ tăng trưởng GDP đặt ra các yêu cầu về năng lượng phục vụ phát triển và bên cạnh các nguồn năng lượng truyền thống thì năng lượng sạch đang được xem là xu thế.
Nhu cầu thực tế và điều kiện tự nhiên thuận lợi
So với các nước đang phát triển trong khu vực châu Á và các nước trên thế giới, Việt Nam được nhận định là quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy GDP tăng lần lượt từ năm 2014 đến 2017 đạt 5,98%; 6,68%; 6,21%; 6,81% và GDP trong 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 7,08%.
Về mặt yếu tố xã hội, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tính tới ngày 12-9-2018, dân số Việt Nam là 96.679.363 người, chiếm 1,27% dân số thế giới, đứng thứ 14 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ, có tỉ lệ 34,7% dân số sống ở thành thị.
Như vậy, với tốc độ tăng trưởng về kinh tế và dân số như hiện nay thì nhu cầu sử dụng điện của nước ta sẽ còn cao hơn nữa. Đến nay, việc khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến bầu khí quyển toàn cầu, khiến vấn đề an ninh năng lượng càng trở nên cấp thiết. Nguồn năng lượng sạch và ổn định đang được xem là giải pháp tối ưu.
Trước thực tại và những yêu cầu cấp bách đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định nhằm phát triển nguồn năng lượng xanh, thân thiện với môi trường (điện mặt trời, điện gió…). Trong đó có thể kể đến Quyết định 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Dự án Điện mặt trời - nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường
Về điều kiện tự nhiên, theo các tài liệu khảo sát và đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có nguồn bức xạ ánh sáng tốt, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển các dự án điện mặt trời. Theo đó, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam trung bình vào khoảng 5 kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, và vào khoảng 4 kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc, với số giờ nắng đến khoảng 1.700 - 2.500 giờ/năm.
Việt Nam bắt nhịp xu thế năng lượng sạch - xanh toàn cầu
Từ yêu cầu sớm tìm ra nguồn năng lượng sạch thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, cùng nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên và các chính sách tích cực của Chính phủ, hiện tại nước ta đã và đang tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư trong - ngoài nước tìm hiểu và thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện mặt trời.
Dự án Điện mặt trời - nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường
Số lượng dự án đăng ký tại các địa phương đến nay thực sự cho thấy tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời, tuy nhiên, việc triển khai và vận hành trước ngày 30-6-2019 để được hưởng giá mua điện ưu đãi từ EVN 9,35 cent/kwh cũng thực sự là thách thức với các doanh nghiệp, bởi đây là lĩnh vực mới mẻ, cần đáp ứng các điều kiện về công nghệ và suất đầu tư cao.
Nhà máy Điện mặt trời Phong Điền - Huế công suất 35MW dự kiến được khánh thành và đi vào vận hành trong thời gian sắp tới
Như định hướng đã công bố về việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên năng lượng mặt trời, đến nay, được biết dự án đầu tiên của Tập đoàn TTC do GEC - Công ty Cổ phần Điện Gia Lai, đơn vị thành viên làm chủ đầu tư đã bắt đầu vận hành và đóng điện. Nhà máy sẽ được khánh thành vào ngày 5-10 tới đây.
Dự án Điện mặt trời Phong Điền có công suất 35 MW. Nhà máy được xây dựng trên khu đất 45 ha thuộc thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Dự án cách thành phố Huế theo đường chim bay khoảng 50 km về hướng Bắc, cách trung tâm thị trấn Phong Điền khoảng 16 km về phía Đông. Dự án có nhiệm vụ chính là phát điện với sản lượng điện khoảng 60 triệu kWh/năm.
Các kỹ sư Nhật Bản và Việt Nam đang làm việc ngày đêm nhằm đưa Nhà máy Điện mặt trời Phong Điền đi vào vận hành đúng tiến độ
Như vậy, có thể nói, đây là đơn vị tiên phong vượt qua các yếu tố mới mẻ của loại hình đầu tư năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phong Điền - Thừa Thiên - Huế đã được TTC tập trung triển khai hiệu quả, khẳng định mục tiêu của TTC về phát triển năng lượng sạch.(NLĐ)
---------------------
Trung bình hơn 270 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động mỗi ngày
Tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%.
Nếu tính cả 1.881,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 22.897 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119,5 nghìn doanh nghiệp.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2018 là 819,7 nghìn người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 10.591 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8% và tăng 32%.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2018 cho thấy: Có 43,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 17,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.(Bizlive)