TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 29-06-2018

    Cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông cũng bị bán tháo

    Chỉ số của các cổ phiếu công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường Hồng Kông cũng đã rơi vào trạng thái “thị trường gấu”.

    Diễn biến của Hang Seng China Enterprises Index, chỉ số của các cổ phiếu công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường Hồng Kông, cho thấy tâm lý các nhà đầu tư có thể chuyển từ tham lam sang sợ hãi nhanh chóng như thế nào.

    Theo hãng tin Bloomberg, hồi tháng 1 năm nay, Hang Seng China Enterprises Index tăng với tốc độ nhanh nhất trong số các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới, với mức tăng 16% trong một chuỗi kỷ lục gồm 19 phiên tăng liên tiếp. Người bán hầu như không có, trong khi các nhà đầu tư chỉ lo bị đứng ngoài một đợt tăng điểm mà không ai cho là sẽ sớm kết thúc.

    Giờ đây, chỉ số gồm 50 cổ phiếu của những công ty vào hàng lớn nhất Trung Quốc đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), hay còn gọi là "thị trường gấu". So với mức đỉnh hồi tháng 1, Hang Seng China Enterprises Index đã giảm hơn 20%.

    Nỗi lo về sự tăng trưởng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang một lần nữa nổi lên, phủ bóng đen lên tâm trí các nhà đầu tư. Đồng Nhân dân tệ mất giá nhanh làm sống dậy nỗi lo về một cuộc đua phá giá đồng tiền trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh thương mại.

    Sự giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng là điều khiến các nhà đầu tư chứng khoán Hồng Kông lo ngại nhiều vào thời điểm này. Chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải đã rơi xuống mức thấp nhất 2 năm và đi vào địa hạt "thị trường gấu" từ ngày 26/6.

    Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, Hang Seng China Enterprises Index giảm 2,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Trái ngược với chuỗi phiên tăng liên tiếp hồi tháng 1, chỉ số này đã giảm 9 phiên trong vòng 10 phiên trở lại đây.

    Cổ phiếu Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), một trong những doanh nghiệp niêm yết lớn nhất của nước này, đã có chuỗi kỷ lục 13 phiên giảm liên tiếp. Cổ phiếu hãng hàng không Air China mất 26% giá trị trong chuỗi 10 phiên giảm do đồng Nhân dân tệ mất giá làm gia tăng gánh nặng nợ nần bằng USD của hãng.

    Cổ phiếu công ty Internet Tencent, "ngôi sao sáng" của năm 2017, đi ngược xu hướng tăng của cổ phiếu công nghệ toàn cầu. Đợt giảm này đã khiến giá trị vốn hóa của Tencent mất 120 tỷ USD.

    Cổ phiếu công ty bảo hiểm Ping An, sau khi tăng hơn gấp đôi trong năm 2017, đã giảm 12% trong năm nay.

    Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông, bao gồm các công ty không phải từ Trung Quốc đại lục, "khá khẩm" hơn một chút khi mới chỉ giảm 14% kể từ mức đỉnh hồi tháng 1, nhờ sự đi lên của cổ phiếu các doanh nghiệp Hồng Kông như Hang Seng Bank hay Wharf Real Estate Investment.(Vneconomy)
    -----------------------

    TP.HCM: Lập quy hoạch Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870ha

    UBND TP.HCM vừa giao huyện Cần Giờ tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.

    Trước đó hồi tháng 1/2018, TP.HCM đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Theo đó, thành phố yêu cầu quy hoạch cần bảo tồn hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ.

    Quy hoạch cũng cần đảm bảo không làm ảnh hưởng địa hình lòng sông, không gây xói lở ven bờ và không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nội địa, hàng hải kết nối với các cảng của thành phố; đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, khả năng phòng thủ bờ biển khu vực Cần Giờ…

    Đồng thời, cơ cấu các khu chức năng phải phù hợp và thể hiện tốt nhất chức năng khu du lịch sinh thái biển, hình thành nét đặc thù Khu đô thị du lịch sinh thái biển tốt nhất Việt Nam. Kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị khu vực cũng cần giữ gìn tính đặc thù, phát huy bản sắc, đồng thời xác định các khu vực có giá trị về di sản văn hóa, lịch sử để bảo tồn, phát huy.

    Được biết, mới đây UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng với nội dung bổ sung tiếp thu ý kiến các bộ, ngành về quy hoạch Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

    Theo đó, khi triển khai dự án sẽ có các công trình nhân tạo khác che chắn, làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Vị trí quy hoạch dự án cách xa vùng lõi khu dự trữ sinh quyển ít nhất 8,6km, nên không chịu ảnh hưởng của việc chuyển đổi đất đai khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

    Dự án được quy hoạch thành đô thị thông minh với nhà ở, dịch vụ, khách sạn, trung tâm hội nghị hội thảo, đang được các bộ, ngành cho ý kiến trước khi TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/5.000. (CafeF)
    -----------------------

    Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tái xuất hiện, phố Wall đi xuống

    Các chỉ số chính tại thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27/6 đều giảm do bất ổn tái xuất hiện, liên quan lập trường của Mỹ về đầu tư từ Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ.

    Dow Jones giảm 165,52 điểm, tương đương 0,68%, xuống 24.117,59 điểm. S&P 500 giảm 23,43 điểm, tương đương 0,86%, xuống 2.699,63 điểm. Nasdaq giảm 116,54 điểm, tương đương 1,54%, xuống 7.445,09 điểm.

    Đầu phiên ngày 27/6, chứng khoán tăng điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ sử dụng Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) để giải quyết mối đe dọa tiềm tàng từ việc Trung Quốc thâu tóm công ty công nghệ Mỹ thay vì áp hạn chế đầu tư với Bắc Kinh.

    Giới đầu tư coi đây là cách tiếp cận mềm mỏng hơn so với kế hoạch trước đó, cấm các công ty có sở hữu Trung Quốc ít nhất 25% mua các công ty công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, cuối ngày 27/6, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói động thái trên không thể hiện lập trường mềm mỏng hơn với Trung Quốc.

    “Thị trường lập tức coi đây là dấu hiệu lập trường cứng rắn với Trung Quốc không thay đổi”, Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng về thị trường tại Prudential Financial tại Newark, New Jersey, nói.

    Chứng khoán còn chịu áp lực từ việc USD tăng giá. Giá dầu tăng thúc đẩy chỉ số S&P 500 năng lượng tăng 1,3% nhưng một số nhà đầu tư lo ngại những lĩnh vực khác bị ảnh hưởng tiêu cực.

    Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 27/6 là 7,72 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 7,33 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch trước đó.(NDH)
    -------------------------

    Chính phủ lưu ý người dân thận trọng khi giao dịch tiền ảo

    Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai một số công việc, biện pháp để giúp người dân hiểu được rủi ro, thận trọng và cảnh giác khi tham gia đầu tư, giao dịch mua bán tiền ảo, ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo.

    Vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận được phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước chất vấn về một số vấn đề liên quan đến tiền ảo.

    Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung, Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bitcoin và các tiền mã hóa tương tự (tiền ảo) hoạt động phân tán, có tính ẩn danh cao, không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát, phát hành. Việt Nam cũng như đa số các quốc gia khác không coi tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia mình. Tiền ảo là một hiện tượng, vấn đề rất mới, các quy định pháp luật cụ thể về tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam chưa có; thực trạng diễn biến khá phức tạp.

    Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có trên 1.500 loại tiền ảo khác nhau đang lưu hành; tổng giá trị vốn hóa của các đồng tiền ảo niêm yết giao dịch đến giữa tháng 6 năm 2018 lên đến 300 tỷ USD, trong đó Bitcoin chiếm hơn 40% tổng giá trị vốn hóa (theo trang web quốc tế CoinMarrketCap.Com).

    Ở Việt Nam, hoạt động giao dịch tiền ảo thời gian cuối năm 2017, đầu năm 2018 có diễn biến phức tạp, thu hút nhiều cá nhân quan tâm và tham gia mua bán, đầu tư giao dịch tiền ảo, nổi bật nhất là Bitcoin. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi - bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam từ lượng Bitcoin/các tiền mã hóa khác (Ethereum, LiteCoin....) có được do mua bán trao tay hoặc từ hoạt động “đào” (khai thác) tiền ảo dựa trên các hệ thống máy tính chuyên dụng, cấu hình cao nhập khẩu.

    Theo công ty nghiên cứu thị trường tiền ảo CryptoCompare, vào cuối tháng 11 năm 2017, 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ Châu Á, trong đó có 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Số lượng truy cập từ Việt Nam vào một số sàn giao dịch Bitcoin hay trang thông tin tiền ảo trên thế giới như Bittrex, Poloniex, Coinmarketcap… luôn nằm trong Top 5 cùng các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản.

    Bên cạnh đó, lượng máy tính “đào” Bitcoin nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian qua cũng tăng khá cao. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, từ năm 2017 đến nay đã có đến 15.600 máy đào tiền ảo được nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi đại diện Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính từ đầu năm 2018 đến nay đã làm thủ tục cho 3.664 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo nhập khẩu về thành phố Hồ Chí Minh. Tại công văn số 5484/VPCP-KTTH ngày 9/6/2018, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.

    Giải pháp Chính phủ, các Bộ, ngành đã và sẽ thực hiện để người dân hiểu được thực chất về rủi ro khi tham gia đầu tư vào các loại tiền ảo

    Rủi ro khi tham gia vào hoạt động đầu tư, giao dịch tiền ảo thể hiện trên 2 khía cạnh bao gồm: (i) rủi ro liên quan đối với sự ổn định của thị trường tài chính; (ii) rủi ro đối với sự ổn định và trật tự xã hội.

    Thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động triển khai một số công việc, biện pháp để giúp người dân hiểu được rủi ro, thận trọng và cảnh giác khi tham gia đầu tư, giao dịch mua bán tiền ảo, ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo.

    Cụ thể, do sớm nhận thức những rủi ro, hệ lụy của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, nên ngay từ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra Thông cáo báo chí cảnh báo rủi ro của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tới các cá nhân, tổ chức trước những rủi ro, nguy cơ đối với việc tham gia đầu tư, giao dịch mua bán tiền ảo. Cuối tháng 10/2017, khi tiền ảo bắt đầu có dấu hiệu sốt nóng trên phạm vi toàn cầu và lan sang Việt Nam, NHNN đã tái khẳng định quan điểm rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

    Ngày 21/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo” (Đề án 1255), trong đó đã giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối rà soát, đánh giá thực trạng về tiền ảo và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo; thời gian hoàn thành là trong năm 2018.

    Trước những diễn biến phức tạp, rủi ro và hệ lụy khó lường và tiêu cực của tiền ảo đối với thị trường Việt Nam, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phòng ngừa, kiểm soát các giao dịch, hoạt động tiền ảo, giảm thiểu tối đa những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo đến người dân và xã hội.

    Khẩn trương triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng, ngày 13/4/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó NHNN đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (tổ chức TGTT) không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.

    Với vai trò là cơ quan phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tiền ảo, tài sản ảo ở Việt Nam, NHNN đã chủ động tích cực tham gia phối hợp với Bộ Tư pháp nhằm triển khai các hoạt động liên quan theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

    Bên cạnh đó, NHNN đã rà soát khuôn khổ pháp lý hiện hành, đánh giá tổng thể thực trạng tiền điện tử tại Việt Nam. Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thực trạng trong nước và tham khảo kinh nghiệm thực tiễn, thông lệ quốc tế, NHNN hiện đã xây dựng báo cáo rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới về tiền điện tử, trong đó làm rõ khái niệm, bản chất, hình thái biểu hiện của tiền điện tử, đối tượng quản lý cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp giúp quản lý hoạt động, cung ứng, phát hành, sử dụng tiền điện tử tại Việt Nam (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2018).

    Tiếp tục nghiên cứu đề xuất phát hành loại hình công cụ thanh toán tiền ảo trong tương lai

    Về đề nghị của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung về việc xem xét phát hành loại hình công cụ thanh toán tiền ảo trong tương lai, Phó Thủ tướng khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, tiền ảo (Bitcoin và một số tiền mã hóa nổi bật khác) chưa thể trở thành tiền tệ, phương tiện thanh toán có khả năng thách thức các đồng tiền quốc gia, mạng thanh toán hiện hành vì một số lý do sau:

    Thứ nhất, khả năng chấp nhận tiền ảo như một trung gian trao đổi an toàn, hiệu quả ở thời điểm hiện nay là rất thấp. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là giao dịch mua đi, bán lại với mục đích đầu tư, đầu cơ chứ không phục vụ cho mục đích sử dụng như một phương tiện trao đổi, thanh toán hàng hóa dịch vụ. Trên bình diện quốc tế, tiền ảo (Bitcoin và một số đồng tiền mã hóa nổi bật khác) mới chỉ được chấp nhận trong các web hoạt động mờ ám (dark web) và tại một số ít các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ như một công cụ quảng bá hình ảnh là chính.

    Thứ hai, một hạn chế nữa của Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo khác là có mức độ biến động rất mạnh, không giống với đặc trưng ổn định thông thường của các đồng tiền quốc gia. Trong năm 2017, Bitcoin và các đồng tiền ảo tăng giá liên tục và lên cơn sốt vào thời điểm cuối năm 2017 khi Bitcoin có giá chạm ngưỡng 20.000 USD/Bitcoin, gấp 20 lần giá thời điểm đầu năm 2017, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau đó lại đánh mất tới 2/3 giá trị. Mức biến động mạnh của Bitcoin nói trên khiến nó không thể đóng vai trò công cụ lưu trữ giá trị hiệu quả. Cuối cùng, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa cũng thất bại trong vai trò là một đơn vị kế toán (unit of account) khi rất ít các công ty, tổ chức thực hiện hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính quy đổi theo Bitcoin hay tiền mã hóa.

    Với những thuộc tính trên, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa mang bản chất của một loại tài sản/công cụ đầu cơ tài chính, chưa thể đảm đương vai trò, chức năng của một phương tiện thanh toán đích thực. Bên cạnh đó, dù các nước còn chưa thống nhất quan điểm, cách thức đối xử, cơ chế quản lý đối với tiền ảo nhưng không một quốc gia/khu vực nào trên thế giới công nhận Bitcoin hay một loại tiền mã hóa tương tự là tiền pháp định (legal tender), được Chính phủ, Ngân hàng Trung ương bảo đảm và được hệ thống pháp luật bảo vệ.

    Đề xuất của Đại biểu về một đồng tiền kỹ thuật số được phát hành và bảo lãnh thanh toán bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một vấn đề rất mới, đòi hỏi kiến thức, chuyên môn sâu. Một số tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), NHTW Châu Âu (ECB) cũng thận trọng với đề xuất này. Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn đang tìm hiểu, theo dõi chặt chẽ các công nghệ liên quan trong khi vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng đối với việc áp dụng, triển khai.

    Cho tới nay, một số thử nghiệm tại hệ thống thanh toán của một nước như Canada, Nhật Bản, Singapore...về một đồng tiền kỹ thuật số phục vụ giao dịch liên ngân hàng giá trị lớn giữa Ngân hàng Trung ương với các ngân hàng thương mại vẫn chưa chứng tỏ được tính hiệu quả, kết quả thuyết phục, làm căn cứ cho việc phát hành một đồng tiền như vậy. Trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan quản lý Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật tình hình liên quan đến nội dung, kiến nghị mới mẻ này.(Chinhphu)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn