TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 30-06-2018

    Nhật Bản trở lại vị trí 'quán quân' đầu tư FDI ở Việt Nam

    Với số vốn đầu tư 6,47 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản trở lại ngôi vị quán quân đầu tư vốn FDI vào Việt Nam. Cục đầu tư nước ngoài công bố ngày 27-6.

    nhat ban tro lai vi tri quan quan dau tu fdi vao vn - anh: n.binh

    Nhật Bản trở lại vị trí quán quân đầu tư FDI vào VN - Ảnh: N.BÌNH

    Số vốn này chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư FDI của VN.

    Dự án đáng chú ý của nhà đầu tư Nhật Bản là dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD, mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội…

    Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,06 tỉ USD, chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,39 tỉ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư.

    Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 20,33 tỉ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.

    Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,37 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

    Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 7,91 tỉ USD, chiếm 38,9% tổng số vốn đầu tư đăng ký.

    Cũng đã có hơn 5,5 tỉ USD vốn ngoại rót vào lĩnh vực bất động sản. Thu hút ít vốn hơn là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

    Trong khi tổng đăng ký mới và tổng vốn đăng ký tăng thêm lần lượt đạt 11,8 tỉ và 4,43 tỉ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, thì đầu tư qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lại tăng rất mạnh cả về lượt dự án và vốn đầu tư.

    Theo đó, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỉ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017.

    Trong quý 1-2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào gần 650 triệu USD dưới hình thức đầu tư gián tiếp (mua cổ phần và góp vốn đầu tư) tại các doanh nghiệp Việt Nam, tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm trước.

    Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank), đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư VN, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.

    Dòng vốn FDI tiếp tục ổn định đã giúp cho áp lực biến động tỷ giá giảm đáng kể. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều mối quan ngại kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào vốn FDI và xuất khẩu làm động lực tăng trưởng chính.

    Trong khi đó, FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng, đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng.

    Một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường; sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế…(Tuoitre)
    -------------------

    Bất động sản hút 5,54 tỷ USD nguồn vốn FDI

    Với mức hút vốn trên, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

    Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.

    Tính đến ngày 20/6, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

    Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 1.366 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 11,8 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2017; Có 507 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,43 tỷ USD, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017.

    Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017.

    Theo lĩnh vực đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

    Theo đối tác đầu tư, có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,06 tỷ USD, chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,39 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư.

    Một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2018: Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội…

    Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, cấp phép ngày 30/5/2018 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do HYOSUNG CORPORATION (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

    Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 07/3/2007 do nhà đầu tư Xinh-ga-po đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.

    Dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm TTTM, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày.

    Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng (Hàn Quốc), cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 01/9/2016 với mục tiêu sản xuất mô đun Camera điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD vào ngày 23/02/2018.(Bizlive)
    -----------------------

    Trung bình mỗi ngày có hơn 350 doanh nghiệp mới ra đời

    Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

    Trung bình mỗi ngày có hơn 350 doanh nghiệp mới ra đời

    6 tháng đầu năm 2018 cả nước có hơn 64.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

    Báo cáo của Tổng cục Thống kê về hoạt động của doanh nghiệp cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4%.

    Nếu tính cả 1.192,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2018 là 1.841,2 nghìn tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, còn có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên gần 81 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng là 508,5 nghìn người, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

    Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2018 là 52.803 doanh nghiệp, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 17.984 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 34.819 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 48%.

    Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2018 là 6.629 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 6.053 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,3% và tăng 20,6%.

    Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2018 cho thấy: Có 45% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 17,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

    Dự kiến quý III so với quý II năm nay, có 52,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,5% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 36% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.(Bizlive)
    ----------------------------------

    Đắk Lắk: Đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án trồng dược liệu và khoai lang Nhật

    Theo nguồn tin của BizLIVE, dự án Trồng dược liệu và các sản phẩm nông nghiệp tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng do CTCP Đầu tư Long Thành Đắk Lắk đang được trình để các cơ quan chức năng phê duyệt chủ trương thực hiện đầu tư.

    Đây là dự án trồng dược liệu, sản phẩm nông nghiệp; thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng với tổng diện tích đất sử dụng 440ha, trong đó đất thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng là 89,72 ha (phần đất rừng tự nhiên); nhà điều hành, hạ tầng kỹ thuật và công trình phụ trợ 18ha.

    Tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng chưa bao gồm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, trong đó vốn góp 180 tỷ đồng và vốn vay 420 tỷ đồng. CTCP Đầu tư Long Thành Đắk Lắk là nhà đầu tư.

     

    Địa điểm thực hiện dự án tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

    Theo kế hoạch phần diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp sẽ thay đổi theo từng năm và tối đa không quá 5 năm. Cụ thể, sau 2019, diện tích đất nông nghiệp còn 208,28ha, đất dành cho điện mặt trời 124 ha; từ năm 2022 trở về sau, đất dành cho điện mặt trời là 332,28ha.

    CTCP Đầu tư Long Thành Đắk Lắk được thành lập vào tháng 7/2016, hiện có vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Duy Thành – đăng ký thường trú tại Hà Nội.

    Theo kế hoạch, dự án xây dựng vùng trồng cây nông nghiệp và dược liệu như khoai lang Nhật, ngưu tất, đảng sâm, ích mẫu, đinh lăng, đương quy Nhật Bản nhằm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu. Ngoài ra, dự án còn xây dựng vườn ươm và sản xuất các cây lâm nghiệp, cung cấp nguồn cây giống cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên.(Bizlive)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn