TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 30-01-2016

    Ngân hàng nhân dân Trung Quốc “bơm” thêm 52 tỷ USD vào nền kinh tế

    dong nhan dan te cua trung quoc. (anh: afp)

    Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP)


    Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức Ngân hàng trung ương) ngày 28/1 tiếp tục "bơm" 340 tỷ nhân dân tệ (52 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nước này.

    Đây là đợt “tiếp sinh lực” thứ hai cho thị trường trong vòng ba ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu tiền tăng mạnh trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

    Ngày 26/1, PBoC đã rót thêm 440 tỷ nhân dân tệ (67 tỷ USD) vào nền kinh tế để tăng tính thanh khoản, mà theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), là lần bơm tiền thông qua cơ chế thị trường mở lớn nhất của PBoC kể từ năm 2013.

    Các công ty Trung Quốc thường trả lương và tiền thưởng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ diễn ra vào đầu tháng Hai năm nay, và người dân cũng có truyền thống chuẩn bị quà cáp, tiền lì xì và mua sắm nhiều trước dịp này.

    Trong tuần trước, PBoC đã bơm hơn 1.500 tỷ nhân dân tệ (228,4 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ Trung Quốc.

    Một số nhà phân tích nhận định việc PBoC có hàng loạt đợt “xuất tiền” được xem như là một biện pháp nới lỏng tiền tệ hoặc để bù đắp dòng vốn đã chảy ra khỏi các thị trường của Trung Quốc trong thời gian qua.

    Nguyên do PBoC không muốn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng là vì lo ngại điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với đồng nội tệ đang yếu đi.

    Năm 2015, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,9%, nhịp độ tăng chậm nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, làm dấy lên đồn đoán rằng Ngân hàng trung ương nước này sẽ hạ lãi suất chủ chốt hoặc giảm RRR.


    Kỳ vọng xuất khẩu năm 2016

    Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa năm 2015 đạt được một điểm vượt trội và cũng là kỳ vọng trong năm 2016.

     

    Nguồn: - Từ 2010-2014: Tổng cục Thống kê

    - Năm 2015: Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê

    - Dự báo 2016 trên cơ sở tốc độ tăng 10% so với 2015

    Trước hết, căn cứ quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 thì kỳ vọng năm 2016 sẽ đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

    Điểm vượt trội thứ hai, năm 2015 so với năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 7,9%. Đáng lưu ý‎, tốc độ tăng này đạt được trong điều kiện giá cả xuất khẩu tiếp tục giảm so với năm trước (chỉ số chung giảm 3,79%, trong đó một số mặt hàng còn giảm nhiều hơn, như: Dầu thô giảm 47,8%, xăng dầu giảm 44,1%, cao su giảm 19,7%, thủy sản giảm 16%, sắt thép giảm 13,5%, gạo giảm 8,2%, sắn giảm 5,2%, cà phê giảm 5,3%...).

    Mặt khác, kết quả này đạt được trong điều kiện tổng kim ngạch nhập khẩu của nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam bị sụt giảm về tốc độ tăng hoặc bị giảm tuyệt đối do tác động của việc giảm đồng nội tệ của những thị trường này. Đó là một cố gắng lớn trong nỗ lực mở cửa, hội nhập ngày một sâu, rộng, với tầm cao mới. Năm 2016 với nhiều cam kết mới đã được ký kết hoặc chuẩn bị ký kết, thì việc tăng 10% là có tính khả thi.

    Thứ ba, quy mô và tốc độ tăng đạt được như trên, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.768 USD, cao hơn so với năm 2014 (1.655 USD/người), cao nhất từ trước tới nay.

    Với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10%, với tốc độ tăng dân số khoảng 1,08%, thì xuất khẩu bình quân năm 2016 có thể vượt qua mốc 1.920 USD/người.

    Thứ tư, mặc dù tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỉ giá hối đoái cao lên (ước năm 2015 đạt 193,5 tỉ USD, cao hơn mức 186,2 tỉ USD của năm 2014, nhưng tỉ lệ xuất khẩu hàng hóa/GDP năm 2015 đạt khoảng 83,8%, cao hơn tỉ lệ 80,7% của năm 2014, cao nhất từ trước tới nay và thuộc loại cao trên thế giới.

    Điều đó chứng tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá rộng và tăng lên nhanh chóng. Kỳ vọng tỉ lệ này của năm 2016 sẽ cao lên nữa vì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng GDP tính bằng USD theo tỉ giá hối đoái (dự báo khoảng 10% so với 5%).

    Thứ năm, theo mặt hàng xuất khẩu, có 23 mặt hàng đạt trên 1 tỉ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 5 tỉ  USD (điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, điện tử máy tính và linh kiện, giày dép, máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng).

    Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 1 mặt hàng (điện thoại các loại và linh kiện) vượt qua mốc 30 tỉ USD. Kỳ vọng năm 2016 sẽ có thêm 3 mặt hàng nữa tham gia câu lạc bộ “các mặt hàng đạt 1 tỉ USD trở lên” (hóa chất, kim loại, dây điện). Đóng góp lớn (tăng từ 500 triệu USD trở lên) vào mức tăng kim ngạch tuyệt đối có 7 mặt hàng (điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép, máy ảnh máy quay phim, máy móc và dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ).

    Thứ sáu, cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Các mặt hàng có kỹ thuật-công nghệ cao (điện thoại, máy tính, máy ảnh và máy quay phim, máy móc), các mặt hàng sử dụng nhiều lao động (dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, túi xách và ví, mũ, ba lô, ô dù...) tăng cao hơn, nên tỷ trọng tăng lên.

    Tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 74 tỉ USD, tăng 11,9%, chiếm 45,5% tổng số; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 64,8%, tăng 9,7% và chiếm 39,9%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 17 tỉ USD, giảm 15,6%, chiếm 4,1%.

    Thứ bảy, kim ngạch xuất khẩu năm nay tuy chưa đạt được kế hoạch của năm nay (tăng 10%, tức là phải đạt 165,2 tỉ USD), nhưng nếu so với kế hoạch 5 năm (tăng 10%/năm, hay đến năm 2015 đạt 116,3 tỉ USD), thì sau khi đã vượt trước 2 năm (từ năm 2013), năm nay đã vượt rất xa (tới trên 46,1 tỉ USD, bình quân thời kỳ 2011-2015 tăng 17,6%/năm).

    Mục tiêu đề ra cho năm 2016 là tăng 10% và nhập siêu ở mức 5% - tính ra kim ngạch xuất khẩu phải đạt 178,3 tỉ USD, hay tăng 16,2 tỉ USD; mức nhập siêu sẽ là khoảng 8,9 tỉ USD. Đây là mục tiêu có tính khả thi, bởi vì với 8 Hiệp định thương mại (FTA) cũ đã ký, với các FTA thế hệ mới, việc tham gia TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN... sẽ mở ra cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn.


    6 lĩnh vực doanh nghiệp FDI đang đổ tiền vào để "đè" doanh nghiệp Việt

    Công nghiệp chế biến, sản xuất điện, đến bất động sản, dệt may, kho hàng, đều có sự góp mặt của các doanh nghiệp FDI.

    Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, trong năm 2015, tổng vốn đăng ký FDI cấp mới và tăng thêm là 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.

    Trong đó, 3 lĩnh vực hấp dẫn nhất các nhà đầu tư nước ngoài là công nghệ chế biến, sản xuất và phân phối điện, bất động sản. Cụ thể:

    Đầu tiên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trong năm vừa qua, có khoảng 955 dự án đầu tư đăng ký mới và 517 lượt dự án tăng vốn với số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

    Nổi nhất có thể kể tới dự án Cty SamSung Display Việt Nam tại Bắc Ninh với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD, tiếp theo là dự án Nhà máy sản xuất giấy công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD do nhà đầu tư Samoa đầu tư tại Khu công nghiệp Bình Dương.

    Thứ hai, ở lĩnh vực sản xuất và phân phối điện với 9 dự án đăng ký cấp mới và 8 lượt dự án tăng vốn với tổng đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,8 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư.

    Các dự án ở lĩnh vực này như: Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd – Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu là Thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.200 MW (bao gồm hai tổ máy với công suất thiết kế 600 MW mỗi tổ máy)...

    Thứ ba là lĩnh vực Kinh doanh bất động sản với 34 dự án đầu tư mới và 12 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư.

     

    Ngoài ra, còn có ba lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước cũng đang được các doanh nghiệp nước ngoài đổ tiền vào để cạnh tranh với DN Việt. Đó là: dệt may, logistics, bán lẻ.

    Ở lĩnh vực dệt may, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đổ xô vốn đầu tư vào Việt Nam.

    Ví dụ, Tập đoàn dệt may Texhong (Hồng Kông) đầu tư 300 triệu USD giai đoạn 1 một nhà máy sợi tại Quảng Ninh, công ty Kyungbang (Hàn Quốc) đầu tư một nhà máy kéo sợi 100% vốn nước ngoài giá trị 40 triệu USD tại Bình Dương...

    Sự đổ bộ này được cho là đón đầu cơ hội mà TPP cũng như nhiều hiệp định thương mại khác mang lại như thuế suất xuất khẩu các mặt hàng dần giảm về 0...

    Ở lĩnh vực logistics, theo ước tính của Hiệp hội Logistics thì 80% thị phần này đang rơi vào tay doanh nghiệp ngoại.

    Cuối cùng là lĩnh vực bán lẻ, đây là ngành đến một người bình thường cũng có thể thấy rõ sự hiện diện của các khối ngoại.

    Berli Jucker (Thái Lan) đang muốn trở thành đại gia bán lẻ tại Việt Nam. Năm ngoái, hãng này đã chi hơn 700 triệu USD mua lại hệ thống Metro Việt Nam. BJC cũng đã mua chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart và lên kế hoạch mở thêm 300 cửa hàng nữa tại đây.

    Thêm hàng loạt các tên tuổi khác cũng đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng là Big C, Aeon Mall, Family Mart, Ministop và Lotte Mart. Nhiều công ty khác tại khu vực Đông Nam Á cũng đã và đang có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.


    90 tỷ đồng xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016

    Thực hiện Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 gồm 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng.

    Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia 2016 gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, khả thi, có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm 2016 như: hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu, Hội chợ chuyên ngành trong nước, Hội chợ thực hiện tại nước ngoài, Đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, Hội nghị quốc tế ngành hàng; hoạt động đón các nhà nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch mua hàng; thông tin thương mại, đào tạo, tư vấn, xúc tiến thương mại của các vùng kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại.

    Song song với việc thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

    Năm 2015, với sự hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng.

    Đồng thời, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, Campuchia, một số nước Trung Đông và Châu Phi, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ vào thị trường các nước nói trên; xúc tiến đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư; nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam.

    Các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo cũng đã góp phần tích cực trong việc phát triển, mở rộng thị trường trong nước.

    Theo thống kê sơ bộ, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 đã hỗ trợ 8.850 lượt doanh nghiệp, 14.499 gian hàng tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan, mua sắm và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế có tổng trị giá trên 858 triệu đô la và khoảng 637,8 tỷ đồng.


    Ngân sách chi 6.000 tỷ đồng chi để trả nợ trong 15 ngày đầu năm

    ngan sach chi 6.000 ty dong chi de tra no trong 15 ngay dau nam

    Ngân sách chi 6.000 tỷ đồng chi để trả nợ trong 15 ngày đầu năm


    Tổng chi ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu năm 2016 ước tính đạt 46,9 nghìn tỷ đồng; trong đó 6 nghìn tỷ đồng dành cho chi trả nợ và viện trợ.

    Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 1/2016 ước tính đạt 35,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán năm.

    Trong đó, thu nội địa đạt 27,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5%; thu từ dầu thô đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7%.

    Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 2,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,5%; thuế thu nhập cá nhân đạt 1,9 nghìn tỷ đồng,bằng 3%; thuế bảo vệ môi trường đạt 500 tỷ đồng, bằng 1,3%; thu tiền sử dụng đất đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng7%.

    Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu năm 2016 ước tính đạt 46,9 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7% dự toán năm.

    Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, bằng 2,9%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 33,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4%; chi trả nợ và viện trợ 6 nghìn tỷ đồng, bằng 3,9%.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn