TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-01-2016

    Khối ngoại bán ròng phiên thứ 18 kể từ đầu năm 2016

    khoi ngoai ban rong phien thu 18 ke tu dau nam 2016

    Khối ngoại bán ròng phiên thứ 18 kể từ đầu năm 2016


    Đà bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn với gần 123 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Việc khối ngoại không ngừng bán ròng vẫn là rào cản cho sự hồi phục của thị trường.

    Áp lực chốt lời trên toàn thị trường có phần gia tăng trong phiên giao dịch hôm nay, qua đó khiến 2 chỉ số kết thúc trong sắc đỏ giảm điểm. Cụ thể, VnIndex mất 3,22 điểm (0,59%) và lùi về 539,47 điểm; Hnx-Index mất 0,1 điểm (0,14%) xuống 76,16 điểm.

    Phiên giao dịch hôm nay, đà bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn với gần 123 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Việc khối ngoại không ngừng bán ròng vẫn là rào cản cho sự hồi phục của thị trường.

    Trên HSX, khối ngoại bán ròng 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 120,59 tỷ đồng. Đây cũng là phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp và là phiên bán ròng thứ 18 trên tổng số 19 phiên giao dịch kể từ đầu năm 2016 tới nay.

     

    BHS là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 12,56 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác được khối ngoại mua mạnh trong phiên hôm nay còn có GAS (8,1 tỷ đồng), SSI (6,39 tỷ đồng), BVH (3,48 tỷ đồng), HSG (2,74 tỷ đồng).

    Đóng cửa phiên giao dịch, ngoại trừ SSI giảm 1%; BVH giảm 0,8% thì 3 cổ phiếu BHS, GAS, HSG đều đóng cửa trong sắc xanh tăng điểm.

    Phía bán ròng, VIC tiếp tục dẫn đầu danh sách với 136,31 tỷ đồng. Nếu không tính lượng bán ròng mạnh tại VIC thì khối ngoại đã có phiên mua ròng trên HSX. Kết thúc phiên giao dịch, VIC tăng 2% lên 48.300đ.

    Đứng thứ 2 trong top bán ròng là HAG với 6,65 tỷ đồng và cổ phiếu này đã giảm khá mạnh 5,7% trong phiên hôm nay.

    Top 5 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong phiên còn có HPG (4,15 tỷ đồng), CSM (3,9 tỷ đồng), MSN (1,94 tỷ đồng).

    Trên HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ với 72 nghìn cổ phiếu, tương ứng 2,26 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay.

     

    Nhóm cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn Hà Nội trong phiên hôm nay. Tuy vậy, chỉ có CEO và SCR được mua ròng trên 2 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác như HLD, SD9, PIV được mua ròng vơi giá trị không đáng kể.

    Trong đó, SCR cùng PIV đã có phiên giao dịch khá tích cực với mức tăng lần lượt 5,7% và 8,6%.

    Ở chiều ngược lại, PVS vẫn tiếp tục là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong phiên hôm nay với giá trị 6,94 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, PVS giảm nhẹ 2,7% xuống 14.300đ.


    Mua bán, sáp nhập trong ngành nhựa tăng mạnh

    Ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội nhựa VN (VPA),  cho biết hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành nhựa diễn ra hết sức sôi động, từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho đến doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

    Theo ghi nhận của VPA, đến cuối năm 2015, tập đoàn SCG (Thái Lan) hiện đang nắm giữ cổ phần tại 7 doanh nghiệp ngành nhựa trong nước, tỉ lệ từ 20,4 - 91%, có tổng giá trị đầu tư lên hàng tỉ bath, trong đó cổ phần nắm nhiều nhất nằm tại Công ty TNHH Chemtech với tỉ lệ 91%.

    Đối với khối doanh nghiệp trong nước, có một số thương vụ M&A nổi bật như Công ty Nhựa Đồng Nai đã nâng tỉ lệ sở hữu lên 51,63% cổ phần tại Công ty CP Bình Hiệp - đơn vị đang sở hữu nhà máy nước Cả Giang, công suất 30.000m3 nước/ngày cung cấp cho khu vực thị xã Phan Thiết - Mũi Né.

    Công ty CP nhựa Bình Minh (BMP) cũng đã sở hữu 29,05% cổ phần của Công ty Nhựa Đà Nẵng (DPC) với ý định để DPC trở thành một chi nhánh của BMP tại miền Trung. Hay Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) cũng vừa hoàn tất quá trình sở hữu cổ phần của Công ty nhựa Năm Sao...


    Xu hướng bùng nổ các công ty đa quốc gia siêu nhỏ tại châu Á

    “Các công ty đa quốc gia siêu nhỏ đang phát triển bùng nổ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể 63% các doanh nghiệp này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hàng năm so với 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ.” Đây là nghiên cứu do FedEx Express (FedEx) thực hiện.

    Nghiên cứu này cũng cho thấy sự chênh lệnh lớn về tốc độ tăng trưởng giữa các công ty đa quốc gia siêu nhỏ xuất khẩu hàng hóa so với các công ty không có hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, 58% các công ty xuất khẩu đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm, so với chỉ 36% các công ty không xuất khẩu.

    Ngoài các cơ hội tăng trưởng gia tăng, các công ty đa quốc gia siêu nhỏ trong khu vực cho rằng sự hiện diện tại các thị trường khác nhau sẽ đem lại những lợi thế khác mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa không có được, bao gồm việc tiếp cận lực lượng lao động chi phí thấp (46%), chi phí nhân sự thấp hơn (37%) và khả năng tận dụng những kỹ năng tay nghề khác nhau trong thị trường lao động (36%).

    Ông Karen Reddington, Chủ tịch, FedEx Express châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Từ lâu, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp không cần phải trở nên lớn mạnh mới có thể mở rộng ra toàn cầu và nghiên cứu này đã cho thấy rằng những doanh nghiệp nhỏ đã thiết lập sự hiện diện tại các thị trường khác đang thành công với chiến lược này.”

    Theo phân tích của ông Karen Reddington, các công ty đa quốc gia siêu vi tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương phần lớn lựa chọn mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực, giúp tăng cường khả năng liên kết trong khu vực và góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng cho hành lang thương mại xuyên Á và đây trục thương mại quốc tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới./.


    NHNN nói gì về hiện tượng rao bán tiền giả qua facebook?

    nhnn noi gi ve hien tuong rao ban tien gia qua facebook?

    NHNN nói gì về hiện tượng rao bán tiền giả qua facebook?


    Gần đây xuất hiện thông tin về việc trên mạng xã hội rao bán đổi tiền thật lấy tiền giả khiến nhiều người dân bức xúc.

    Chúng tôi đã liên hệ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và được đại diện cơ quan này cho biết:

    Trước hết, cần khẳng định việc mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, lưu hành tiền giả là vi phạm pháp luật. Thời gian qua, khi xuất hiện hiện tượng rao bán tiền giả trên mạng xã hội facebook, các cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ. Đến nay chưa có thông tin đã có những giao dịch mua, bán tiền giả qua mạng được thực hiện, những thông tin rao bán như vậy là có dấu hiệu lừa đảo.

    Trường hợp phát hiện có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào, NHNN đề nghị các tổ chức, cá nhân thông tin kịp thời cho cơ quan công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, NHNN nơi thuận tiện nhất để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

    Ngay sau khi phát hành đồng tiền và đến nay, NHNN vẫn thường xuyên thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các đặc điểm bảo an của tiền thật, giúp người dân nắm rõ để dễ dàng phân biệt tiền thật, tiền giả. Hàng năm, NHNN tiếp tục thông tin tuyên truyền về tiền Việt Nam thông qua việc in ấn, phát hành cuốn tài liệu và áp phích “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” để cung cấp miễn phí cho người dân thông qua tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan chức năng, chính quyền đoàn thể từ trung ương đến địa phương trên toàn quốc.

    Để khẳng định tờ tiền là thật hay giả, NHNN cho biết người dân cần kiểm tra các đặc điểm bảo an, tối thiểu từ 3 – 4 yếu tố, cụ thể:

    Thứ nhất, soi tờ tiền trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị);

    Thứ hai, vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm);

    Thứ ba, chao nghiêng tờ tiền (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình in nổi);

    Thứ tư, kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn);

    NHNN lưu ý, tiền giả được in trên nilon nên dễ bị bai giãn hoặc rách khi kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ tiền.

    NHNN mong muốn và khuyến nghị người sử dụng tiền cần nắm rõ đặc điểm bảo an của tiền thật; luôn kiểm tra đồng tiền khi giao dịch và chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam.


    George Soros dự đoán EU đang bên bờ vực sụp đổ

    george soros du doan eu dang ben bo vuc sup do

    George Soros dự đoán EU đang bên bờ vực sụp đổ


    Những yếu kém trong xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm

    Tỷ phú kiêm nhà tiên tri khủng hoảng George Soros tin rằng Liên minhChâu Âu đang bên bờ vực sụp đổ do khối này phải đối mặt với năm hoặc sáu cuộc khủng hoảng cùng một lúc.

    “Cuộc khủng hoảng Hy Lạp hóa ra chỉ là khởi đầu cho một loạt những cuộc khủng hoảng xảy ra liên tiếp ở Châu Âu. Hiện tượng này thường được gọi là đá ống bơ trở lại chỗ cũ dù phải được miêu tả chính xác hơn là đá quả bóng lên dốc để nó liên tục lăn lại.” Soros nói trong một bài phỏng vấn với tờ The New York Review of Books.

    Danh tiếng của Soros nổi như cồn vào năm 1992 khi ông kiếm được lợi nhuận siêu khủng nhờ bán khống đồng bảng Anh trước khi nó rời bỏ cơ chế tỷ giá hối đoái của Châu Âu, hệ thống tỷ giá hối đoái được cố định vào một biên độ giao dịch vốn là tiền thân của đồng Euro. Trong vô số các vấn đề Châu Âu đang phải đối mặt, từ sự gây hấn của Nga đến cuộc khủng hoảng Hy Lạp, ông cho rằng vấn đề nhập cư là mối đe dọa lớn nhất. Chỉ tính riêng trong năm ngoái ước tính có hơn một triệu người tỵ nạn đã vào Châu Âu, phần lớn đến từ Syria.

    Nhà đầu tư tỷ phú nói Thủ tướng Đức Angela Merkel “đã tiên đoán chính xác khả năng phá hoại Châu Âu của cuộc khủng hoảng nhập cư”, điều mà đã trở thành hiện thực. Khi mà vị thế lãnh đạo của bà đang bị đe dọa, người duy nhất có thể ngăn chặn dự đoán thảm khốc trên trở thành hiện thực là chính bản thân người dân Đức, những người phải đứng lên và đối mặt với trách nhiệm của một “cường quốc chi phối ở Châu Âu,” ông nói.

    Ông chỉ trích Châu Âu vì đã không có một chính sách tỵ nạn đúng đắn. Theo Soros, chính sách này đã biến tình hình từ một “cuộc khủng hoảng kiểm soát được” thành một “cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc,” làm hoảng loạn không chỉ người tỵ nạn mà còn cả công chúng nói chung.

    Soros nói quỹ từ thiện của ông đang tài trợ một kế hoạch cho phép người tỵ nạn đến Châu Âu an toàn trong trật tự. Thừa nhận rằng điều này có thể tốn nhiều chi phí, ông gợi ý EU nên phát hành trái phiếu dài hạn bằng cách sử dụng “xếp hạng tín dụng AAA chưa được tận dụng” để trang trải chi phí.

    “Gánh nặng phát hành trái phiếu có thể được phân bổ công bằng giữa các quốc gia thành viên chấp nhận người tỵ nạn và những nước từ chối chấp nhận hoặc áp đặt các giới hạn đặc biệt,” ông nói.

    Bên cạnh người nhập cư, Soros cho biết một Hy Lạp đang gặp khủng hoảng tài chính và được hỗ trợ bởi gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ euro của Châu Âu, vẫn là một vấn đề dáng ngại với eurozone, và nước này sẽ không bao giờ hồi phục hoặc trở thành một điểm đến đầu tư nếu không rời bỏ khu vực đồng tiền chung euro. Ông cũng nói Liên minh Châu Âu sẽ suy yếu đi nhiều nếu Anh bỏ phiếu rời khối này. (Anh không thuộc khu vực đồng tiền chung euro). Thủ tướng Anh David Cameron đã cam kết thực hiện một cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc về vấn đề này vào cuối năm 2017.

    Soros cũng tỏ ra bi quan về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Trung Quốc đang đóng góp nhiều hơn bao giờ hết cho kinh tế thế giới và các vấn đề mà nước này phải đối mặt cũng hết sức nan giải,” ông nói.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn